Quản lý

Cấp phép linh hoạt khơi thông vận tải thủy mùa dịch Covid-19

05/08/2021, 09:00

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng cảng vụ triển khai linh hoạt các hình thức cấp phép để đáp ứng vận tải và phòng dịch.

Doanh nghiệp, thuyền viên chủ động

Từ tháng 5/2021 đến nay, khi dịch Covid-19 thứ 4 xuất hiện và diễn biến phức tạp, Công ty vận tải thủy Hà Minh vẫn tổ chức đều đặn các chuyến sà lan vận tải thủy trên tuyến Bắc Giang - Hải Phòng - Quảng Ninh, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng thủy đến cảng biển.

Song, khác với trước đó, mỗi chuyến đi thuyền viên phải “nằm lòng” nguyên tắc phòng dịch 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng, chống dịch.

img

Thuyền viên phương tiện thủy giao nhận hàng hóa với tàu biển, tuyến vận tải Việt Nam - Campuchia

“Trên tàu luôn sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn. Sau mỗi chuyến ra, vào cảng đều được phun thuốc khử khuẩn phương tiện. Giữa thuyền viên trên phương tiện và người của cảng, bến, cảng vụ đường thủy hạn chế cao nhất việc giao tiếp trực tiếp, tiếp xúc gần. Khi phương tiện neo đậu chờ làm hàng tại cảng, bến, thuyền viên không rời khỏi phương tiện để phòng lây nhiễm Covid-19. Khi địa phương nơi phương tiện đến hoặc lưu thông qua yêu cầu xét nghiệm Covid-19, chúng tôi đều chấp hành nghiêm”, ông Bùi Đức Bình, thuyền trưởng một tàu của Công ty Hà Minh nói.

Ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Cảng của Cảng thủy Hải Linh chia sẻ, đơn vị chuyên vận tải thủy container tuyến Việt Trì - Hải Phòng. Trong thời gian dịch diễn biến phức tạp hoạt động vận tải thủy khó khăn hơn, song không bị “ngăn sông, cấm chợ” nên các phương tiện không phải nghỉ chạy.

“Để phòng dịch cho thuyền viên, chúng tôi lắp đặt tủ trữ đông trên sà lan để dự trữ thực phẩm 15 ngày/lần để thuyền viên không phải di chuyển lên bờ. Thông tin, giấy tờ giữa phương tiện, công ty và khách hàng chủ yếu qua mạng, điện tử”, ông Quốc nói về giải pháp phòng dịch.

Về phía các cảng, bến thủy hàng hóa, một số cảng bến thủy tại Hà Nội, Bắc Giang cho biết, trong thời gian dịch vẫn duy trì hoạt động, nhưng giao dịch với phương tiện, cảng vụ đường thủy chủ yếu qua điện thoại, mạng internet để phòng lây nhiễm dịch Covid-19.

Còn tại khu vực phía Nam, từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn hàng, tâm lý thuyền viên, người làm vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Dù vậy, luồng vận tải hàng hóa đường thủy từ cảng biến phía Nam vào nội địa, nhất là sang biên giới Việt Nam - Campuchia và ngược lại được duy trì.

“Theo quy định, thuyền viên phương tiện thủy xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đường thủy Việt Nam - Campuchia phải xét nghiệm và cách ly y tế để theo dõi sức khỏe. Để thích ứng với yêu cầu trên, nhiều doanh nghiệp vận tải thủy trên tuyến này bố trí riêng kíp thuyền viên ở cửa khẩu biên giới. Khi phương tiện đến cửa khẩu, các kíp thuyền viên ở hai bên cửa khẩu đổi cho nhau để tiếp nhận, vận hành phương tiện được luôn”, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho biết.

img

Lực lượng cảng vụ đường thủy có vai trò tuyến đầu trong phục vụ vận tải thủy

Cấp phép linh hoạt, tạo thuận lợi xét nghiệm

Lãnh đạo các Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực (trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN) cho biết, trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2020-2021, tất cả các bộ phận trong Cảng vụ đều tổ chức làm luân phiên 50%. Người của hai phiên làm việc không tiếp xúc với nhau để phòng tình huống có người nhiễm Covid-19 chỉ phải khoang vùng, cách ly một nửa, bộ phận còn lại có thể duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, các cảng vụ áp dụng linh hoạt việc cấp phép cảng vụ cho phương tiện thủy vào, rời cảng, bến để hạn chế tiếp xúc với thuyền viên phương tiện, người của cảng bến và góp phần duy trì vận tải, bốc xếp hàng hóa bằng đường thủy.

“Cảng vụ và thuyền viên phương tiện thủy tận dụng việc gửi, nhận trước giấy tờ phương tiện qua phương thức liên lạc điện tử. Khi cấp phép cho phương tiện được thực hiện ngay tại cảng, bến; quy định vị trí đặt giấy tờ để không phải tiếp xúc gần.

Cán bộ cảng vụ chỉ giải quyết thủ tục khi người đại diện phương tiện làm thủ tục thực hiện nghiệm nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo quy định”, ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I nói.

Còn lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV cũng cho biết: “Do tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan phức tạp, nên đơn vị cấp giấy phép vào, rời cho phương tiện thông qua người đại diện làm thủ tục cho phương tiện là chủ bến (hồ sơ phương tiện được sát khuẩn và tránh tiếp xúc với thuyền trưởng). Sau khi cấp phép sẽ gửi cho người đại diện làm thủ tục.

Ngoài giải pháp trên, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các Đại diện Cảng vụ tại các địa phương chủ động liên hệ, đồng thời hướng dẫn các phương tiện liên hệ với cơ quan y tế địa phương để hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho thuyền viên ngay tại khu vực cảng, bến và tiêm vaccine nhằm tạo thuận lợi cho thuyền viên không phải đi lại.

“Tại địa bàn xã Thuận Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên, cơ quan y tế địa phương thực hiện xét nghiệm PCR cho thuyền viên tại thời điểm lấy mẫu trên tàu công tác đang neo đậu tại vùng nước trước trụ sở Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Thái Nguyên.

Thời gian lấy mẫu vào 2 khung giờ: trước 8h sáng và 14h hàng ngày trên các phương tiện, xét nghiệm theo mẫu gộp theo phương tiện trên cơ sở danh sách thuyền viên do Đại diện Cảng vụ Đường thủy Thái Nguyên và các chủ bến lập”, ông Lê Đức Cường, Giám đốc cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II thông tin.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện thủy và xe ô tô vận chuyển hàng hóa tại cảng, bến thủy, Cục chỉ đạo các Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực chỉ kiểm tra xác suất, ngẫu nhiên các cảng, bến, người điều khiển phương tiện, thuyền viên phương tiện vận tải trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Việc kiểm tra xác suất, ngẫu nhiên cũng nhằm nắm bắt tình hình thực tế và không gây cản trở cho phương tiện vận tải trên luồng xanh đường bộ, đường thủy.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho biết, giải pháp quan trọng để khôi phục vận tải thủy ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động đường thủy. Thời gian qua, một số địa phương như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Quảng Ninh, Tiền Giang... đã chích ngừa vaccine mũi 1 cho cán bộ, thuyền viên, công nhân ngành đường thủy đạt 100% theo chương trình bao phủ tiêm cho người dân tại địa phương. Một số địa phương như Hải Phòng Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình và khu vực phía Nam có tỷ lệ tiêm ngừa mũi 1 chỉ đạt khoảng 20-25%, có tỉnh còn ít hơn. Số lượng đã tiêm mũi 2 chỉ chiến khoảng 10 - 15% .

Cục Đường thủy nội địa VN cũng cho biết, Cục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng của địa phương ưu tiên, bố trí tiêm vắc xin cho lực lượng lao động trên phương tiện thủy trong thời gian sớm nhất có thể, góp phần khôi phục vận tải hàng hóa và phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực vận tải thủy.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.