Hàng hải

Thuyền viên Việt Nam yếu nhất điểm nào?

30/09/2022, 19:50

Theo các chuyên gia, thuyền viên Việt Nam còn nhiều điểm yếu về trình độ ngoại ngữ, tác phong trong công việc.

Sinh viên tốt nghiệp Đại học cũng mất kiến thức cơ bản

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải VN, tỷ lệ thuyền viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học trong những năm qua luôn ở mức khá thấp. Trong khi đó, số lượng thuyền viên học sơ cấp lại tăng cao.

Cụ thể, thống kê từ các cơ sở đào tạo cho thấy, số lượng tuyển sinh của các cơ sở đào tạo sơ cấp cho những ngành đi biển luôn tăng, đối lập với số lượng tuyển sinh của các trường Đại học, cao đẳng và trung cấp.

img

Trong khi quy mô đào tạo sơ cấp ngày càng tăng, quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp lại ngày càng giảm

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển thừa nhận, lực lượng thuyền viên chủ yếu hiện nay là lực lượng sơ cấp. Điều đó khiến chất lượng của thuyền viên cũng suy giảm. Thuyền viên Việt Nam được đánh giá yếu về cả về chuyên môn lẫn ngoại ngữ, ý thức và tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị BCH Hiệp hội chủ tàu VN tại Hà Nội, ông Hà Đức Bàng - Ủy viên BCH Hiệp hội Chủ tàu VN (tiểu ban thuyền viên) nói: Ngay cả những sinh viên tốt nghiệp Đại học, khi phỏng vấn vẫn mất kiến thức cơ bản.

Cụ thể, 85-90% họ không chỉ được trên quả địa cầu các châu lục và đại dương không biết Trái đất chia làm bao nhiêu múi giờ, kinh độ, vĩ độ, eo biển, kênh đào… Nhiều người không biết, không hiểu những thuật ngữ thông dụng trong hàng hải như thủy triều, nhật triều, bán nhật triều, hải lưu, hải đăng; Không biết dưới buồng máy có các thiết bị và máy móc gì.

Về ngoại ngữ, là người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm công tác thuyền viên, theo ông Bàng, nhiều sinh viên khi phỏng vấn không nói được các ngày trong tuần, tháng, năm, không nói được giờ, càng không biết một số từ bắt buộc phải biết như la bàn, ống nhòm, dây ném, cầu thang...

“70-80% sỹ quan boong hay lẫn lộn DWT (trọng tải toàn phần), GT (tổng dung tích), NT (dung tích thuần). Sỹ quan quản lý (C/O) không đọc và dịch được các hướng dẫn chạy tàu (sailing instruction) bằng tiếng Anh của các chủ tàu khai thác. 70-80% sỹ quan quản lý không biết và giải thích được các thuật ngữ như FIOST (miễn phí bốc, dỡ, chất xếp hàng)...

Hầu hết sỹ quan thuyền viên không nắm được nội dung của Công ước Lao động hàng hải (MCL)”, ông Bàng nói và nhấn mạnh: Đó là sinh viên chính quy đại học, còn cao đẳng, trung cấp và các khóa học ngắn hạn không có gì để nói.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc CTCP Vận tải biển Việt Nam Đặng Hồng Trường chia sẻ, điểm đầu vào của các trường đào tạo nghề đi biển hiện nay khá thấp.

"Trước đây, điểm đầu vào của trường hàng hải cao ngang ngửa Bách khoa vì nghề đi biển khi đó có lợi thế thu nhập cao, nhưng hiện nay lại khá thấp. Chất lượng đầu vào thấp, khó có thể đòi hỏi thuyền viên có chất lượng cao.

Nhưng thuyền viên học đại học hay cao đẳng còn đỡ, hiện nay lại chủ yếu học sơ cấp. Có thể họ chịu khó học hỏi, mẫn cán, chăm chỉ rèn luyện để sau này lên làm Thuyền trưởng hay Máy trưởng, nhưng vẫn chưa phải những nhân tố thực sự giỏi", ông Trường thổ lộ.

Thuyền viên còn thiếu chuyên nghiệp

img

Thuyền viên Việt Nam được đánh giá nhanh nhẹn, tháo vát, chịu khó học hỏi nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa

Đánh giá chất lượng thuyền viên, đại diện Cục Hàng hải VN thừa nhận: Thuyền viên Việt Nam chủ yếu được đào tạo trên lý thuyết, thiếu thực tế. Nhiều sỹ quan còn chưa sử dụng thành thạo vi tính, không biết lập sơ đồ xếp hàng, không biết sử dụng hải đồ điện tử, thủy thủ thợ máy chưa sử dụng thành thạo cần cẩu, cách làm dây... Các hiểu biết của thuyền viên đối với các Công ước của Hàng hải, Bộ luật Quản lý an toàn quốc tế (ISM) chưa nắm rõ.

Cùng đó, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, sinh hoạt của thuyền viên Việt Nam cũng chưa được đánh giá cao. Bên cạnh những người có tay nghề, tâm huyết, có đạo đức và trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp nhất định, vẫn tồn tại số lượng lớn thuyền viên yếu kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thực hiện chức trách trên tàu; Do kém ngoại ngữ nên dẫn đến ngại giao tiếp, trốn tránh tiếp xúc với đối tác tại các cảng, với PSC.

“Chưa kể, tính chuyên nghiệp của các thuyền viên thấp nên không xác định đúng vị trí của mình trong công việc dẫn tới tình trạng cấp dưới không tuân thủ mệnh lệnh cấp trên hoặc người này không thể làm việc với người khác do khác biệt tính cách… nội bộ dễ mâu thuẫn, mất đoàn kết”, đại diện Cục Hàng hải VN chia sẻ.

Ngoài ra, ý thức tổ chức kỷ luật việc tuân thủ, chấp hành nội quy lao động, các quy chế, quy định Công ty vận tải biển của một số thuyền viên còn rất kém. Có một số thuyền viên tự ý rời bỏ vị trí công việc, bỏ tàu khi chưa được phép của chủ tàu. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của thuyền viên Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.