Xem - ăn - chơi

Tị nạn chiều, tâm tình người đàn bà băng qua lửa

30/10/2016, 10:05
image

Tị nạn chiều gồm những bài thơ được TS. Nguyễn Thị Minh Thái viết từ khi còn là cô gái 22 tuổi.

Minh Thái
Nguyễn Thị Minh Thái

Trong mọi cuộc chiến, đều không thích thua

Nhắc đến Nguyễn Thị Minh Thái, người ta nhớ ngay tới một nữ tác giả, một nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình văn hóa - nghệ thuật máu lửa, sắc sảo và quyết liệt. Ở bà luôn toát ra khí chất mạnh mẽ, gai góc, không khoan nhượng và dường như hiếu thắng với bất cứ việc gì, kể cả đối với bệnh tật. Mang trong mình căn bệnh tiểu đường suốt hơn chục năm - một cái án nặng như lời bà tự nhận, rồi lại đột ngột đón nhận căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chưa ai thấy bà than phiền…

Bà Minh Thái bảo, chính bà cũng bất ngờ và hoảng hốt, cuộc sống bỗng chốc bị đảo lộn. Có ai không hốt hoảng vào cái ngày bỗng một “án tử” trên trời rơi xuống, khi đang thân cô thế cô, một thân một mình ở giữa lòng Hà Nội đâu. Thế nhưng, người đàn bà ấy lại khiến ta ngưỡng mộ bởi sự kiên cường chiến đấu với bạo bệnh. Bà không tuyệt vọng, không suy sụp vì “không thích vào vai người yếu ớt, bệnh tật rồi thở dài, bắt mọi người phải chăm sóc. Cũng không thích tự coi mình là người bệnh nặng và nghĩ đến bệnh đã muốn phát điên”.

Bà quyết định tự “di dưỡng tinh thần”, dành thời gian đến Hồ Tây để thưởng sen và học cách làm trà sen, để tĩnh tâm và cân bằng. Học từ sáng tới trưa, đôi khi từ trưa tới chiều, với những nghệ nhân làm trà gia truyền vài đời ở Hồ Tây. Bà được họ thương quý và tận tình “truyền nghề” để giờ đây bà làm được trà ủ tươi trong hoa sen tươi và trà khô với gạo sen khô. Rồi bà học được cả cách làm rượu sen. Hôm ra mắt tập thơ tại phòng trà Laca ở 24 Lý Quốc Sư, bà đãi cử tọa cả hai thứ ngon tuyệt: Trà sen và rượu sen thứ thiệt Tây Hồ Hà Nội.

Quyết định học làm trà và rượu đó được bà tự coi là chính xác. “Tôi di dưỡng được tinh thần. Nhìn lại bệnh tình của mình với tâm thế không phải một người bị án tử, tương lai u ám. Đây là cuộc đấu sinh tử thì tôi phải chiến đấu thôi. Nhất định sẽ không chịu thua vì tôi không thích thua”, bà Minh Thái thẳng thắn bộc bạch.

Thế là, bà đưa ra một chu trình hoạt động là đọc sách nhiều hơn, đọc lại cả những tác phẩm văn học kỷ niệm một thời. Rồi bà lại viết bài, đăng đàn, giảng dạy và làm thơ. Trong những nỗi niềm và cảm xúc luôn ngập tràn, việc viết văn chương đã giúp nhà phê bình giãi bày và tự chữa bệnh cho chính mình. Bà thích hoạt động và hành động tích cực vì cho rằng, như thế mới giải phóng mình khỏi những mệt mỏi, u uất, tự quên đi căn bệnh mình đang mang. Bà hài hước: “Kệ! Bệnh là việc của nó, việc của mình là làm việc. Làm việc mang lại nhiều hiệu quả hơn”.

Nên người ta vẫn thấy một Minh Thái sang sảng trong các cuộc hội thảo, bình luận mà có thể không ai biết bà vừa mới ra khỏi bệnh viện và vừa mới làm thuốc xong… Mệt nhưng nữ tác giả vẫn không chịu nằm yên vì “không làm việc thì không chịu được”.

Vẫn có một gương mặt Minh Thái rất khác…

Gai góc, đáo để, sắc sảo là thế, nhưng Minh Thái vẫn như bao người đàn bà khác trên thế gian, cũng cô đơn, yếu mềm và khát vọng trong tình yêu. Tập thơ Tị nạn chiều ra mắt với hầu hết là những bài thơ tình. Người ta ngỡ ngàng khi thấy một người khác biệt với Minh Thái đã được nhiều người biết đến. Một người đàn bà với những khát khao cháy bỏng, nồng nàn, đầy thổn thức trong tình yêu. Dường như chỉ tình yêu mới khiến một người mạnh mẽ như Minh Thái trở nên yếu mềm, nhẫn nhịn và cô đơn đến vậy. Và nữa, cũng kiêu chảnh, hờn ghen, chịu đựng, u ất chẳng kém ai. “Chị đã rất trung thực và không thể không trung thực. Bởi, điều ý nghĩa nhất với cuộc đời một người đàn bà là tình yêu. Bởi chị đã yêu như một người đàn bà chạy băng qua lửa”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bình luận về tập thơ Tị nạn chiều như thế.

Tập thơ Tị nạn chiều

Tập thơ Tị nạn chiều

Hỏi nữ tác giả, phải chăng bà dùng sự mạnh mẽ, quyết liệt ở bên ngoài để tự bảo vệ tâm hồn mong manh, yếu đuối bên trong của mình? Bà lắc đầu bảo, bà chỉ biết mình đang sống thật với cảm xúc của bản thân. Muốn giấu mặt vào trong nỗi buồn chứ không thích khoe mẽ. Khi nào buồn, người đàn bà tuổi Dần này sẽ tự biết phải chui vào hang để một mình “liếm nỗi buồn hang ổ”. Minh Thái không cần ai phải san sẻ vì đó là bản chất cô đơn mà bà thích và muốn như thế, rồi bà dùng thơ để tự lột tả nỗi buồn của mình. Vì lẽ đó, thơ của Minh Thái chứa đựng những cô đơn mà không chắc ai cũng hiểu, cũng thấu.

Tị nạn chiều gồm những bài thơ được TS. Nguyễn Thị Minh Thái viết từ khi còn là cô gái 22 tuổi, đến bây giờ bà mới tập hợp lại và cao hứng viết thêm vài bài nữa để xuất bản. Lý giải về điều này, nữ tác giả tâm sự, khi lâm bệnh, bà mới có thời gian ngẫm lại những sự việc đã qua trong đời, gom góp những điều riêng tư mình đã viết, và đóng thành tập như hồi ký về hành trình mình từng trải. “Xem lại các bài thơ, tôi mới thấy mình không ngã, không chết, không sụp đổ là may mắn, và thấy chỉ còn lại sau lưng mọi lầm lạc, khủng hoảng và đổ vỡ. Tôi cũng đã biết cách để đi qua những điều ấy và một trong những cách ấy là… thơ. Thơ là nơi trang trải mọi tâm trạng, cảm xúc mà có thể tôi không chia sẻ được với ai. Thơ, cũng là nơi trả món nợ đời, là nơi giải tỏa và xả stress hữu hiệu”, bà chia sẻ.

Đã có lúc bà in rải rác các bài thơ để chiêm nghiệm cái riêng tư của mình có thể gặp gỡ được với cái chung của người khác hay không. May thay, thơ Minh Thái đã chạm đến cảm xúc đồng cảm của nhiều người, nhất là những người phụ nữ yêu. Ngày tập thơ ra mắt, hơn một nửa khách đến với Minh Thái là phụ nữ. Họ sẻ chia, chiêm nghiệm, khóc cười đầm ấm cùng nữ tác giả về những biến cố trong cuộc đời mà bà đã trải qua, với lòng cảm thông và đồng điệu sâu sắc…

Tị nạn chiều được in cũng vì một cử chỉ thiện nguyện. Toàn bộ số tiền bán 1.000 cuốn sẽ được dùng để hỗ trợ một nữ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con gái của một liệt sĩ Gạc Ma, đang học tại Trường Đại học Văn hóa TP HCM. Sau buổi ra mắt tập thơ tại Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Minh Thái sẽ tiếp tục giới thiệu Tị nạn chiều tại TP HCM với mong muốn số tiền bán sách sẽ góp phần học phí cho nữ sinh viên ấy học đại học…

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.