Quản lý

Tiếc nuối tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt

18/06/2019, 15:02

Trên một trang Facebook vừa chia sẻ một video clip ghi lại cảnh Thụy Sĩ vận chuyển đầu máy hơi nước ở ga Đà Lạt về cố quốc.

img
Vận chuyển đầu máy hơi nước Thụy Sĩ

Đó là hình ảnh khu ga Đà Lạt cũ kĩ, xuống cấp và có phần hoang phế với những bãi cỏ mọc um tùm, những chiếc ô tô đủ loại nằm ngổn ngang, rỉ sét. Người thợ máy già hom hem ngẩn ngơ nhìn những người thợ đến từ Thụy Sĩ chỉnh những chiếc đầu máy hơi nước.

Đó là hình ảnh đầu máy rời ga Đà Lạt trên những chiếc xe tải kéo có gắn cờ Việt Nam, Thụy Sĩ. Dọc thân đầu máy gắn băng rôn trắng với dòng chữ nổi bật “Back to Switzerland” (Trở về Thụy Sĩ) với vẻ hân hoan. Nhưng cuối đầu máy lại là dòng chữ sơn trắng trên nền sơn xỉn “End - Kết thúc 28.08.90”, như sự kết thúc buồn, chính thức chấm dứt hoạt động của đầu máy hơi nước Thụy Sĩ trên đường sắt Việt Nam.

Những hình ảnh trong clip khiến người xem ngậm ngùi, tiếc nuối bởi tuyến đường sắt răng cưa leo núi độc đáo đã chỉ còn trong dĩ vãng. Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp bắt đầu thi công năm 1908. Tuyến này rất đặc biệt, có tổng cộng 16km đường sắt răng cưa leo núi ở 3 đoạn. Đầu máy được thiết kế gắn thêm bánh răng để bám vào đường ray răng cưa. Hồi đó, chủ lực kéo tàu là đầu máy hơi nước hiệu Fuka của Thuỵ Sĩ.

Sau năm 1975, tuyến này đã bị dừng khai thác nhiều năm do không hiệu quả kinh tế. Năm 1986, hầu như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo dỡ. Và đến năm 1990, 7 đầu máy hơi nước cùng một số toa tàu được bán lại cho công ty DFB của Thuỵ Sĩ. DFB đã mang “của báu” này về Thụy Sĩ tu sửa lại, đưa vào phục vụ du lịch trên dãy Alpes. Còn ở Việt Nam, hiện chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7km đang khai thác chạy tàu du lịch, đầu máy điện kéo.

Vừa qua, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề nghị cho phép đầu tư phục hồi tuyến đường sắt này theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư tạm tính khoảng 17.200 tỉ đồng để khai thác du lịch. Đó quả là con số “khủng” để khôi phục tuyến đường sắt huyền thoại này.

Một chuyên gia giao thông cho hay, mấy chục năm qua, việc khôi phục, xây mới đường sắt rất ít vì khoản đầu tư ban đầu quá lớn, trong khi đó tháo, bóc đi thì nhiều. Hàng loạt nhánh đường sắt kết nối với các cảng biển, cảng sông đã bị tháo dỡ… Thế mà, giờ không ít địa phương đòi đưa đường sắt ra khỏi nội đô hoặc ngó lơ với việc vi phạm hành lang đường sắt.

“Bóc thì dễ, lắp mới khó. Đừng vì cái lợi trước mắt. Cần phải có tầm nhìn, chiến lược”, vị chuyên gia này nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.