Tư vấn mùa dịch

Tiêm vaccine Covid-19 có ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm hay không?

13/09/2021, 18:43

Theo BS. Trương Hữu Khanh, xét nghiệm Covid-19 là tìm dấu vết của virus trong dịch phết hầu họng, không chịu ảnh hưởng của tiêm vaccine.

Trước thắc mắc của người dân về việc liệu việc tiêm vaccine sẽ bị ảnh hưởng kết quả xét nghiệm Covid-19 (âm tính hoặc dương tính giả) hay không, BS. Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM khẳng định: "Sau tiêm vaccine phòng Covid-19, khoảng 2-4 tuần sau sẽ tạo ra kháng thể trong máu.

Hai loại xét nghiệm đang được sử dụng ở nước ta là xét nghiệm RT-PCR và test nhanh kháng nguyên đều là xét nghiệm tìm dấu vết của virus trong dịch phết mũi họng.

img

Tiêm vaccine không ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm Covid-19

Kháng nguyên này chỉ xuất hiện khi người đó nhiễm bệnh. Vì vậy, nếu dương tính là do nhiễm bệnh, chứ không phải do vaccine. Trên thực tế, các y bác sĩ đã tiêm ngừa Covid-19 đủ 2 mũi vẫn thường xuyên được làm xét nghiệm tầm soát".

BS. Khanh giải thích thêm: Hiện nay có 3-4 nhóm vaccine nhưng có 2 nhóm chính là một nhóm sử dụng virus vectơ, là con virus bất hoạt, đưa vào cơ thể thì nó sống đó nhưng nó không nhân lên, nên nó không thể gây bệnh, chỉ gây phản ứng ở giai đoạn nhất định. Vào cơ thể virus bất hoạt sẽ phóng ra một ADN và chui vào tế bào tạo ra protein gai của virus corona, rồi sau đó chính cơ thể mình thấy protein gai đó sẽ tạo ra kháng thể.

Loại thứ 2 là dùng công nghệ mRNA hay còn gọi là RNA thông tin, vào cơ thể sẽ kích thích tạo ra kháng thể. Tuỳ theo cấu trúc của RNA thông tin đó mà sẽ tạo ra protein nào. Tương tự, từ việc tạo ra protein gai, cơ thể nhận diện protein gai này không phải của cơ thể thì sẽ tạo ra kháng thể.

"Hiểu nguyên lý hoạt động của vaccine để biết rằng tiêm vaccine không có liên quan gì đến virus trong họng, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Nếu xét nghiệm dương tính là do lây chỗ khác chứ không liên quan gì về tiêm vaccine và gây lây nhiễm. Vì vậy, mọi người không nên nghe thông tin đồn sai mà hoang mang, lo sợ", BS. Khanh khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.