Chất lượng sống

Tiêm vitamin C làm trắng da coi chừng mất mạng

23/03/2017, 07:38

Được đồn thổi mang lại làn da trắng sáng chỉ sau vài liều tiêm, huyết thanh vitamin C được nhiều chị em cân nhắc...

8

Tiêm Vitamin C dễ gây sốc phản vệ

Suýt mất mạng vì tiêm vitamin C

Nhắc lại lần suýt chết cách đây một năm chỉ vì mục đích làm đẹp mà chị Nguyễn Thị M. (Ba Đình) vẫn chưa hết hoảng sợ. Ở tuổi ngoài 30 nhưng da mặt chị M. đã bắt đầu xuất hiện đốm nâu và nước da kém sáng. Nghe cô bạn thân rủ tiêm tĩnh mạch huyết thanh vitamin C sẽ giúp trắng sáng da hơn, thậm chí giảm hẳn vết nám da, chị M. quyết tâm thực hiện. Thế nhưng chỉ ngay ống thuốc đầu tiên, chị M. đã vã mồ hôi, chân tay lạnh, bủn rủn... May mắn được chuyển tới viện cấp cứu kịp thời, thoát chết chị mới hay mình vừa trải qua hiện tượng sốc phản vệ do huyết thanh vitamin C gây dị ứng với cơ thể.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hầu hết các trung tâm thẩm mỹ, spa đều quảng cáo chiêu thức tiêm huyết thanh Vitamin C với tác dụng: “Làm trắng da nhanh chóng, mờ nám và những vùng sạm màu trên da, khiến làn da đang bình thường bỗng tràn đầy sức sống, trẻ trung hơn, căng bóng hơn, hết sần sùi, thô ráp...”. Giá tiêm vitamin C trung bình khoảng 1 triệu đồng/lần tiêm, tại các spa cao cấp, giá mỗi mũi tiêm có thể lên tới 2,5 triệu đồng/mũi, tùy từng loại thuốc.

Chia sẻ về phương cách làm đẹp bằng tiêm vitamin C, BS. Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai cho rằng đây là cách làm vô cùng nguy hiểm. Cũng theo chia sẻ của ông Dũng, cách đây không lâu, một đồng nghiệp của ông cũng tử vong vì tiêm vitamin C. Sau khi tiêm, bệnh nhân bị phản ứng toàn thân, do cơ thể không dung nạp thuốc gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Lê Hữu Doanh, BV Da liễu T.Ư, cho rằng, việc sử dụng huyết thanh vitamin C trong làm đẹp là có nhưng chủ yếu sử dụng dưới dạng bôi, lăn kim và thường không chỉ định trong việc tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, tác dụng của vitamin C với công năng làm trắng da không được thể hiện một cách rõ nét. Hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào kiểm chứng việc tiêm vitamin C kết hợp với các chất khác như collagen, hay Glutathione giúp trắng da… Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư cũng đã tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng sau khi tiêm truyền vitamin C với mục đích làm trắng da này. Nhẹ thì dị ứng, sẩn mẩn ngứa…, nặng thì sốc phản vệ.

Tuy nhiên, chỉ tra soát cụm từ “vitamin C làm trắng da”, thì xuất hiện hàng loạt quảng cáo về công năng trị nám, trắng da, mịn da… của các loại huyết thanh vitamin C với giá thành không hề rẻ, từ 1,2 - 2 triệu đồng/hộp (10 ống). Cho dù hậu quả nhãn tiền nhưng không ít chị em vẫn “liều mạng” với cách làm đẹp này. “Hiện có nhiều cách thức làm đẹp, làm trắng da. Chính vì vậy, chị em cần cẩn trọng khi lựa chọn, nên tìm đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng nhằm tránh nhưng hậu quả đáng tiếc”, ông Doanh khuyến cáo.

Con dao hai lưỡi

Khác với bôi ngoài da hay uống, việc tiêm trực tiếp vitamin C thường khiến cơ thể hấp thụ nhanh và đầy đủ, tuy nhiên, lại chứa nhiều nguy cơ gây hại cho cơ thể. Theo dược sĩ Nguyễn Bảo Anh, khi tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như ống tiêm, kim tiêm tuyệt đối vô trùng. Bởi nếu không vô trùng thì người được tiêm có nguy cơ bị nhiễm trùng như áp-xe, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan siêu vi B, C. Bên cạnh đó, do thuốc tiêm, đặc biệt tiêm tĩnh mạch, có tác dụng nhanh và trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì vô cùng tai hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Và cũng như bất kỳ loại thuốc nào được tiêm tĩnh mạch, thì vitamin C luôn có nguy cơ gây sốc phản vệ tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc.

Còn theo BS. Dũng, để tránh những tai biến và tác dụng phụ khi dùng vitamin C, thay vì tiêm, dùng liều cao trong một thời gian ngắn khiến cơ thể khó hấp thu, nên chú ý đến các phương pháp hấp thu vitamin tự nhiên. Theo đó, chế độ ăn uống nên tránh ăn nhiều mỡ, đường, chất cay, nóng, đồ uống có ga...; Tăng cường bổ sung thêm các loại quả giàu vitamin C, A tốt cho da như đu đủ, gấc, cà chua, bí đỏ, xoài, cam, quýt, dứa, chanh, cam, bưởi hay các loại rau xanh như bông cải xanh, cà chua...

BS. Dũng cũng cho biết, nhiều người vẫn cho rằng vitamin C giúp làm đẹp da, mát cơ thể nhưng lại thường tự ý sử dụng bằng nhiều cách uống, bôi, tiêm truyền… Điều này rất nguy hiểm. “Việc bổ sung vitamin nói chung hay vitamin C nói riêng cũng cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu không từ chỗ cung cấp vitamin C đáng ra có lợi thì sẽ thành có hại. Điển hình như nếu dùng liều lượng quá cao, thừa vitamin C, gây tác hại quá liều hấp thu từ ruột vào, tăng lượng canxi máu cao gây sỏi thận, hay gây đau dạ dày nếu uống vitamin C lúc đói”, BS. Dũng cảnh báo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.