Trong nước

Tiền bản quyền truyền hình “xa xỉ” với các đội bóng V-League

09/05/2016, 08:07

Các nhà đài không bỏ tiền mua bản quyền truyền hình V-League vì khó bán quảng cáo.

VTV SVĐ 4

Các nhà đài không bỏ tiền mua bản quyền truyền hình V-League vì khó bán quảng cáo (Trong ảnh: Phóng viên truyền hình tác nghiệp tại một trận đấu V-League). Ảnh: Bongdaplus.vn

Để V-League được lên sóng, VPF (Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - đơn vị tổ chức các giải bóng đá Việt Nam) đã tiến hành đổi bản quyền truyền hình (BQTH) lấy thời lượng quảng cáo. Đồng nghĩa với việc VPF không nhận được tiền mặt khi bán BQTH cho các nhà đài.

Vì sao BQTHV-League ế?

Mới đây, Truyền hình số vệ tinh K+ đã thông báo có được gói BQTH Ngoại hạng Anh giai đoạn 2016-2019. Tuy đơn vị này không công bố mức giá cụ thể nhưng theo một vài nguồn tin, con số rơi vào khoảng 40 triệu USD (tương đương gần 1.000 tỷ đồng). Nhìn con số này, nhiều người thấy cám cảnh cho V-League bởi BQTH của giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam gần như không thu được tiền mặt.

Thực chất, BQTH V-League được VPF “hàng đổi hàng” với các nhà đài nhằm quảng bá giải đấu. Cụ thể, bất kỳ nhà đài nào muốn phát sóng trực tiếp các trận đấu V-League đều phải “trả” bằng 15 phút quảng cáo trước, giữa và sau trận đấu. Như vậy, VPF hoàn toàn không nhận được một đồng tiền mặt nào từ các nhà đài. Thay vào đó, việc có được thời lượng quảng cáo nhất định trên truyền hình giúp VPF thu hút thêm nhà tài trợ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc VPF cho rằng, sở dĩ BQTH V-League chưa thu hút được đầu tư từ các nhà đài ở thời điểm này không khó hiểu. “Giá trị BQTH của một giải đấu phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Trong đó chất lượng giải đấu, công nghệ tổ chức và lượng người xem đóng vai trò cốt lõi. Hiện tại, V-League chưa thể so sánh với các giải đấu hàng đầu thế giới nên khó đòi hỏi giá trị bản quyền tăng cao đột biến được. Tuy vậy, chúng tôi đang từng bước hoàn thiện mọi thứ theo hướng chuyên nghiệp hơn và tôi tin rằng sắp tới đây nguồn thu từ BQTH sẽ gia tăng, qua đó tăng nguồn tài chính hỗ trợ cho các CLB. Về cơ bản, hiện nay phương thức đổi bản quyền lấy quảng cáo là phù hợp, giảm áp lực tài chính cho các đài nhưng vẫn có được bản quyền các giải BĐCN trên sóng để phục vụ khán giả của mình".

Trong khi đó, dưới góc độ một người quản lý truyền hình, ông Vũ Quang Huy, Giám đốc kênh VTC3 khẳng định, các nhà đài không bỏ tiền ra mua BQTH là do không bán được quảng cáo. “Phải thừa nhận rằng, V-League không phải là món hàng “hot” và rất khó bán được quảng cáo. Thế nên, không đơn vị truyền hình nào mạo hiểm trả tiền để sở hữu BQTH V-League. Tuy nhiên, khi phát sóng V-League, chúng tôi cũng được hưởng lợi từ rating”, ông Huy trả lời Báo Giao thông.

Các CLB không có tiền BQTH

Ở khía cạnh khác, ông Vũ Quang Huy khẳng định không nên cho rằng BQTH V-League chẳng đáng giá. “Tuy VPF không nhận được tiền mặt từ các đài nhưng nếu dựa trên số phút quảng cáo và chi phí sản xuất, mỗi trận đấu chúng tôi mất khá nhiều tiền. Sở dĩ tôi nói chi phí sản xuất là nếu muốn phát sóng, các đài phải tự quay và phát chứ không có sẵn sóng như các giải châu Âu”.

Theo thông tin được đăng tải trên website của Trung tâm dịch vụ quảng cáo, Đài Truyền hình Việt Nam, cứ 30 giây quảng cáo trên kênh VTV6, khung giờ 17h-19h có giá 7 triệu đồng. Đồng nghĩa rằng nếu muốn phát một trận đấu tại V-League, VTV6 sẽ phải “hi sinh” 210 triệu đồng tiền quảng cáo.

Tương tự, những trận đấu trực tiếp trên VTC3, 30 giây quảng cáo có giá 10 triệu đồng. 15 phút quảng cáo tương đương 300 triệu đồng. Ngoài ra, Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) cũng phát sóng V-League và cứ 30 giây quảng cáo trên các kênh BĐTV, TTTV có giá 13 triệu. Tính ra, mỗi trận VTVcab mất 390 triệu đồng tiền quảng cáo.

Tại V-League 2016, từ đầu mùa (tính tới vòng đấu thứ 8), VTV6 phát sóng 19 trận, VTC3 phát sóng 8 trận và VTVcab phát sóng 25 trận. Sau 8 vòng đầu, V-League “ngốn” hơn 16 tỷ đồng (210x19 + 300x8 + 390x25) quảng cáo (trung bình 2 tỷ/vòng đấu). Cứ đà này, từ nay cho tới hết mùa, V-League khiến các nhà đài lớn mất khoảng 50 tỷ đồng. Cộng thêm các đài địa phương và chi phí sản xuất, con số sẽ rơi vào khoảng 70 tỷ đồng.

Nhà đài mất khoảng 70 tỷ đồng nhưng theo ước tính, VPF chỉ thu khoảng 20-30 tỷ đồng từ nhà tài trợ nhờ thời lượng quảng cáo. Số tiền này được chia cho các CLB theo các tiêu chí: Thứ bậc trên bảng xếp hạng, chơi đẹp, tính chuyên nghiệp của hội CĐV... Dựa theo nguyên tắc này, các đội bóng tham dự V-League được “chia” từ vài trăm triệu tới hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T, số tiền trên không phải tiền BQTH: “Đó đâu phải tiền BQTH, khoản 30 tỷ đồng đó thực chất là tiền tài trợ. Khoản này cùng rất nhiều nguồn thu khác nhau được VPF tập hợp lại sau khi trừ các chi phí tổ chức, quản lý sẽ chia cho các CLB từ cao tới thấp gọi là chi phí hỗ trợ. Làm như vậy là hợp lý. Bởi trước khi VPF ra đời, BQTH V-League tuy có nhưng cũng chỉ khoảng 100 triệu/mùa”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.