Xã hội

"Tiền buông, hậu siết", hơn 550 xe điện ở Cửa Lò có nguy cơ dừng hoạt động

27/03/2023, 19:14

Hoạt động ổn định hơn 10 năm, đến nay hơn 550 xe điện ở TX Cửa Lò (Nghệ An) có nguy cơ dừng hoạt động vì cần phải có đăng ký, đăng kiểm.

Hơn 550 xe điện có nguy cơ “khai tử” trước mùa du lịch

Theo phản ánh của các chủ xe điện ở phường Nghi Thủy (TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), xe điện ở Cửa Lò được Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động từ năm 2011, trong thời hạn 3 năm. Giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động xe điện do doanh nghiệp quản lý và điều hành.

img

Hơn 550 xe điện có nguy cơ “khai tử” trước mùa du lịch 2023

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã xảy ra nhiều vấn đề bất cập, tiêu cực nên từ năm 2016, hoạt động xe điện được đưa về TX Cửa Lò quản lý. Và được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động từng năm một; số lượng là 558 xe, hoạt động theo ngày chẵn - lẻ.

Từ đó đến nay, xe điện hoạt động bình thường, không phải đăng ký, đăng kiểm gì. Hàng năm, đầu mùa du lịch, các chủ xe, lái xe được TX tập huấn các kỹ năng, phổ biến các quy định pháp luật. Ngược lại, các chủ xe phải nộp thuế cho TX theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng, ngày 23/3/2023, TX Cửa Lò có văn bản yêu cầu các xe điện phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định thì mới được phép hoạt động; số xe hoạt động giới hạn không quá 300 xe. Dừng hoạt động đối với xe không đủ điều kiện (chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định) trên các tuyến đường bắt đầu từ ngày 20/4/2023.

Trao đổi với PV, anh Võ Chí Công (một chủ xe điện) cho biết: "Từ năm 2016 đến nay, hoạt động xe điện được TX quản lý, được tỉnh cấp phép hoạt động. Hàng năm người dân đều đóng thuế đầy đủ, tại sao trước giờ không bắt người dân đăng ký, đăng kiểm. Xe chúng tôi mua từ lâu, ban đầu doanh nghiệp quản lý, sau đưa về TX quản lý, giờ giấy tờ không còn… làm sao đăng ký, đăng kiểm được.

img

Các chủ xe điện ở Cửa Lò trình bày sự lo lắng với PV Báo Giao thông

Chúng tôi đồng tình việc siết chặt hoạt động xe điện, thế nhưng phải có lộ trình cho người dân. Mấy năm liền dịch bệnh Covid-19 hoành hành, năm ngoái mới hoạt động trở lại nhưng cầm chừng, năm nay chuẩn bị vào mùa du lịch lại yêu cầu người dân đi đăng ký, đăng kiểm. Hầu hết xe điện ở Cửa Lò không thể đăng ký, đăng kiểm, đồng nghĩa chúng tôi không thể hoạt động”.

Cùng quan điểm, anh Phùng Minh Hồng thắc mắc: "Như lãnh đạo thị xã nói, Thông tư của Bộ GTVT có từ năm 2014, tại sao đến nay thị xã mới bắt buộc người dân thực hiện.

Một xe điện đang hoạt động hiện nay, người dân mua bán qua tay với giá 350 triệu đồng, còn mua 1 xe mới cũng mất khoảng 250 triệu đồng. Không phải gia đình nào cũng có tiền để mua xe mới ngay, dân xoay sao kịp. Cấp phép hoạt động thì 1 năm nhưng ở Cửa Lò chỉ hoạt động được 3 tháng, xe lại hoạt động theo ngày chẵn - lẻ nên thực chất mỗi xe chỉ hoạt động được 45 ngày”.

Anh Hồng cũng băn khoăn, hơn 550 xe điện ở Cửa Lò hiện nay được được cấp biển số, cấp phép hoạt động ổn định từ năm 2016 và hàng năm đều đóng thuế đầy đủ. Nay cấm hoạt động nếu không có đăng ký, đăng kiểm, vậy thì lâu này việc cấp phép và thu thuế đó có đúng không?

img

Ông Hải (ở phường Nghi Thuỷ) cho biết, ông mới bỏ ra hơn 10 triệu đồng để nâng cấp xe điện nhưng có khả năng thời gian tới không thể hoạt động vì không có đăng ký, đăng kiểm.

Đã có nhiều văn bản thông tin tới người dân

Trao đổi với PV, ông Hoàng Minh Thọ - Phó Phòng QLĐT thị xã Cửa Lò cho biết: "Không phải bây giờ thị xã mới thông tin cho người dân về yêu cầu cần phải có đăng ký, đăng kiểm đối với xe điện. Những năm trước đó, TX đã có nhiều văn bản thông báo cho chính quyền cơ sở và người dân nắm được quy định này".

Theo ông Thọ, từ năm 2016 đến nay, thị xã quản lý 558 xe điện, nhưng hiện chỉ có 171 xe có đủ hồ sơ, giấy tờ có thể đăng ký được. Vừa qua, thị xã chọn ngẫu nhiên 7 xe “tốt nhất” trong số 171 đi đăng kiểm, nhưng bị loại ngay từ vòng kiểm tra sơ bộ. “Theo quy định, loại xe này phải có 2 hệ thống phanh (tay và chân). Chỉ yêu cầu đó, gần như tất cả các xe điện ở Cửa Lò cũng không đáp ứng đủ”, ông Thọ nói.

Lý giải việc vì sao Thông tư của Bộ GTVT có từ năm 2014 nhưng đến nay mới bắt buộc chủ phương tiện đăng ký, đăng kiểm? Ông Thọ cho biết: "Giai đoạn đầu, thị xã đang thí điểm. Sau khi hết thời gian thí điểm, xe điện được UBND tỉnh cấp phép hoạt động từng năm một, nên thị xã thu thuế 3 triệu đồng/xe/năm; ngoài ra cũng vì thương dân.

Năm 2022, sau một thời gian tạm dừng vì dịch Covid-19, hoạt động xe điện xảy ra nhiều vấn đề, như: tranh giành khách hàng, đánh nhau, chặt chém… Nhiều hành khách gọi điện phản ánh lên đường dây nóng cả lúc 1 - 2h sáng.

img

Người dân nơi đây mong muốn địa phương đưa ra 1 lộ trình để người dân chuyển đổi dần.

Đến tháng 10/2022, đoàn công tác của tỉnh xuống họp về ATGT thì nắm được thực trạng này. Sau đó, tỉnh đã yêu cầu thị xã siết chặt để đảm bảo an toàn và đưa hoạt động này đi vào nền nếp. Trước chỉ đạo của UBND tỉnh, đầu năm nay thị xã không xin phép hoạt động xe điện nữa mà thực hiện siết chặt quản lý theo quy định".

Ngoài ra, phía công an thị xã cũng có ý kiến xe chưa đủ điều kiện (đăng ký, đăng kiểm) mà cấp phép hoạt động là không đúng quy định. Và họ yêu cầu các xe phải đăng ký, đăng kiểm mới được phép hoạt động.

Trong khi đó, ông Hoàng Năng Hiệp - Trưởng Phòng QLĐT TX Cửa Lò cho biết thêm: "Thông tư của Bộ GTVT có từ lâu nhưng thời gian đầu ở Cửa Lò được Chính phủ cho thí điểm. Mãi đến năm 2019, Sở chuyên quản (Sở GTVT) mới thực hiện siết chặt quản lý. Từ thời điểm đó, thị xã đã có nhiều văn bản thông tin cho người dân về yêu cầu cần phải đăng ký, đăng kiểm xe điện. Tuy vậy, khi triển khai theo chỉ đạo của Sở lại gặp dịch bệnh Covid-19.

Khi được hỏi về phương án nếu cả 558 xe điện đều không đăng ký, đăng kiểm được, sẽ thế nào trong mùa du lịch tới, ông Thọ cho biết: "Theo lịch, trong tuần này Bí thư và Chủ tịch thị xã sẽ đối thoại với các chủ xe điện. Phòng luôn tham mưu theo hướng tốt nhất cho người dân, nhưng việc đề xuất tỉnh cho lùi thời hạn thực hiện phải do Ban thường vụ Thị uỷ quyết định".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.