Hạ tầng

Tiền đâu xây dựng cao tốc Bắc - Nam?

25/11/2019, 06:10

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết chặt nguồn vốn cho vay dài hạn khiến vốn xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam đã khó lại càng thêm khó.

img
Là một trong những dự án trọng điểm (khởi công từ năm 2015) song cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay vẫn chưa khơi thông được nút thắt về nguồn vốn tín dụng nên chưa thể về đích theo đúng kế hoạch tiến độ. Ảnh: Phan Tư

8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư nội nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay tín dụng của các ngân hàng. Thế nhưng mới đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiến hành siết chặt nguồn vốn cho vay dài hạn chẳng khác nào “dội gáo nước lạnh” vào các nhà đầu tư hạ tầng. Vốn xây dựng Dự án cao tốc Bắc - Nam đã khó lại càng thêm khó.

Vốn tín dụng sẽ khó khăn gấp bội

8 dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP đang bước vào giai đoạn sơ tuyển, tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào đầu năm 2020 để triển khai xây dựng. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý nhà nước đã nhận rõ những khó khăn, thách thức về nguồn vốn vay tín dụng trong quá trình triển khai. Bởi trong cơ cấu tổng mức đầu tư của 8 dự án, ngoài phần vốn Nhà nước hỗ trợ (36.532 tỷ đồng), phần còn lại 51.702 tỷ đồng là vốn huy động ngoài ngân sách, trong đó chủ yếu sẽ là vốn vay thương mại.

Gần đây, nguồn vốn tín dụng cấp cho các dự án PPP giao thông rất khó khăn, thậm chí nhiều dự án trọng điểm như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Hữu Nghị - Chi Lăng, nhà đầu tư không thể vay được vốn. Lý do xuất phát từ hạn mức vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các ngân hàng trong nước đã chạm trần. Đặc biệt, ngày 15/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, càng khiến công tác huy động vốn tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc Bắc - Nam sắp tới khó khăn hơn.

Cụ thể, tại Thông tư 22/2019, Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình cắt giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn áp dụng từ 1/1 - 30/9/2020 là 40%; từ 1/10/2020 - 30/9/2021 là 37%; từ 1/10/2021- 0/9/2022 là 34% và từ ngày 1/10/2022 còn 30%. Theo quy định này, các ngân hàng sẽ phải thực hiện cắt giảm dòng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 3 - 10% so với hiện nay đang áp dụng 40% (trước ngày 1/1/2019 tỷ lệ này là 45%).

Từ kinh nghiệm triển khai hàng loạt dự án PPP giao thông như: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết: “Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như hiện nay (40%), các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đã rất khó để vay vốn tín dụng từ các ngân hàng. Nay tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống, sẽ là thách thức cực lớn cho các nhà đầu tư muốn tham gia cao tốc Bắc - Nam”.

Dư nợ bất động sản gấp hơn 30 lần dư nợ giao thông

Dẫn chứng tại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Thế cho biết, dự án được khởi công từ năm 2015, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư đã vào cuộc rất quyết liệt, nhưng đến giờ nút thắt về nguồn vốn tín dụng vẫn chưa được khơi thông.

“Tỷ lệ cho vay dài hạn của nhiều ngân hàng hiện đã ở mức chạm trần, sắp tới tỷ lệ này lại tiếp tục co lại theo quy định của Thông tư 22/2019 sẽ là rào cản lớn trong việc triển khai cao tốc Bắc - Nam”, ông Thế nói và nhận định, ngay cả khi Luật PPP có ra đời trong thời điểm này, việc hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng rất khó khả thi, bởi các quy định pháp luật chồng chéo, không thống nhất. Trong dự thảo Luật PPP quy định, Chính phủ tạo điều kiện để huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhưng các quy định của ngành ngân hàng, tổ chức tín dụng lại siết chặt cho vay đối với các dự án hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng hiện cũng đang có sự mất cân đối rất lớn giữa các lĩnh vực. Cụ thể, nguồn vốn cho vay dành cho hạ tầng giao thông theo hình thức PPP chỉ chiếm khoảng 1,56% dư nợ tín dụng của các ngân hàng. Trong khi dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản hiện lên tới khoảng 35%.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện nay, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại đã chạm trần. Để khơi thông nguồn vốn này, xu hướng lâu dài ngân hàng trung ương cần quản lý theo tỷ lệ an toàn tài chính, không nên quản lý theo tỷ lệ cho vay bao nhiêu vào ngắn hạn, bao nhiêu vào dài hạn. “Nếu một ngân hàng có tỷ lệ an toàn tài chính tốt, ngân hàng đó có thể được đầu tư nhiều hơn vào các dự án PPP, không nên quy định tỷ lệ cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng như hiện nay”, ông Bằng nói.

Kiến nghị cơ chế đặc biệt cho cao tốc Bắc - Nam

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long, việc các ngân hàng siết chặt tỷ lệ cho vay dài hạn vì họ sợ rủi ro tín dụng, bởi đây là “cục máu đông” rất nguy hiểm cho các ngân hàng, cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Long cũng trấn an các nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam không nên quá lo lắng. “Hiện các dự án cao tốc Bắc - Nam đã mở thầu sơ tuyển, hơn 30 nhà đầu tư trong nước đã nộp hồ sơ dự thầu. Khi có kết quả đấu thầu, ngân hàng sẽ thẩm định dự án nào có hiệu quả, tôi tin ngân hàng sẽ vẫn cấp vốn bình thường.

Khi đấu thầu, Nhà nước chọn được các nhà đầu tư mạnh, có kinh nghiệm, năng lực và làm ăn hiệu quả, chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay vốn vì bản thân các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng cần phải có đầu ra. Đầu vào của ngân hàng là huy động vốn, nếu đầu ra không có, họ cũng tắc”, ông Long nói và cho biết, ngoài nguồn vốn vay thương mại từ ngân hàng, còn nhiều hình thức khác cho các nhà đầu tư có thể huy động vốn như trái phiếu công trình, trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 cũng nói với Báo Giao thông: “Nhiều nhà đầu tư dự thầu cao tốc Bắc - Nam nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được ngân hàng cho vay vốn để triển khai các dự án này. Bởi, ngay trong cùng một dự án, nhà đầu tư này có thể vay được, nhưng nhà đầu tư khác lại không vay được, vì ngoài tính khả thi, khả năng hoàn vốn của dự án, điều quan trọng để vay được vốn là các cam kết của nhà đầu tư bằng tài sản với ngân hàng, họ mới quyết định cho vay hay không. Đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, tôi cho rằng, dự án nào có hiệu quả, nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín và độ tin cậy, các ngân hàng vẫn có thể cấp tín dụng”.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP- Bộ GTVT) nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước quy định giảm tỷ lệ cho vay dài hạn là chủ trương đúng để đảm bảo an toàn tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng cần có các chính sách đặc thù đối với các dự án hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc Bắc - Nam, bởi đây là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, dự án phục vụ phát triển KT-XH đất nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

“Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Trong đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế, chính sách đặc biệt về tín dụng thì mới có thể triển khai thành công 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam”, ông Huy nói.

TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV):
Cần cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu

img

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020. Thông tư trên quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, trong đó từ 1/1-30/9/2020 là 40% và theo lộ trình đến từ tháng 10/2022 còn 30%.

Theo tôi điều này hầu như không ảnh hưởng hoặc là ảnh hưởng ít tới nguồn vốn cho vay trung, dài hạn trong đó có dự án PPP. Có ba lý do.

Thứ nhất là, quy định trên áp dụng với tổ chức tín dụng chứ không phải mọi nhà đầu tư cũng như các quỹ hay các định chế tài chính khác. Thứ hai là, tỷ lệ 30% đã áp dụng trước đây, hồi 2013-2014 rồi. Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã nới tỷ lệ này và bây giờ đang áp dụng mức 45%, năm tới quay về 40% và lộ trình 2022 mới là 30%. Điều này tức là quy định đã có, chỉ là nới ra rồi nay lại quay về quy định ban đầu và cũng có lộ trình cụ thể.

Tỷ lệ 45% hiện nay cũng không gây vướng mắc gì. Tỷ lệ vốn ngắn cho vay trung dài hạn hiện khoảng 28%. Sau này khi áp dụng quy định mới có thể đẩy lên tới 37% hay ở mức 34% cũng không có vấn đề gì, vẫn còn “room” (hạn mức - PV) áp dụng tiếp. Các dự án PPP muốn được hỗ trợ thì thông thường cũng phải có phương án huy động vốn tổng lực ít nhất từ 4 nguồn khác nhau, trong đó tín dụng chỉ 40%-50% là tối đa, ngoài ra còn có vốn tự có của doanh nghiệp, vốn Nhà nước, vốn phát hành trái phiếu, quỹ và vốn ngoại.

Thứ ba là, xu thế hiện nay theo định hướng phát triển của Việt Nam thì thị trường vốn ngày càng phát triển và đóng góp quan trọng, nhất là thị trường trái phiếu trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển tương đối tích cực vài năm gần đây.

Còn với ý kiến cho rằng Nhà nước đứng phát hành trái phiếu trong nước rồi cho doanh nghiệp vay lại thì quan điểm của tôi là đối với các dự án PPP trọng điểm quốc gia và đối với phần vốn Nhà nước thì một là nhà Nhà nước phát hành rồi góp vốn, hai là để doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Nhà nước bảo lãnh. Thông thường phần vốn Nhà nước chỉ chiếm 15-20% vốn của mỗi dự án. Hiện, nhiều doanh nghiệp đủ năng lực phát hành trái phiếu và đã thực hiện phát hành, còn lại Chính phủ có thể bảo lãnh.

Với dự án PPP có vấn đề cần quyết định là cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu. Cái đó nên làm và theo thông lệ vì rõ ràng những dự án PPP là tài sản và dịch vụ công, Nhà nước không đủ nguồn lực làm nên đã huy động nguồn lực tư nhân. Muốn họ yên tâm làm ăn thì phải có cơ chế như các nước khác đã làm. Nhưng để tránh lãng phí, lạm dụng xin - cho thì phải rõ ràng tiêu chí thế nào mới được bảo lãnh. Bên cạnh đó cần yêu cầu các bên có liên quan tránh tâm lý ỷ lại để được đền bù và khi rủi ro thì quy định rõ trách nhiệm các bên.

Một vấn đề khác là đảm bảo cung ứng ngoại tệ cho dự án. Điều này cần xác định tiêu chí đối với từng dự án, dự nào được dự án nào không. Hiện nay mới đề xuất tỷ lệ 30%. Theo quan điểm cá nhân tôi, trước mắt vấn đề là lấy gì để bảo lãnh nguồn vốn chứ không phải lấy từ nguồn dự trữ quốc gia. Chúng ta có thể bán vốn Nhà nước cho đối tác nước ngoài để lấp vào thì khả thi hơn. Vấn đề là phải làm rõ hơn, minh bạch hơn.

C.Sơn (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.