Hạ tầng

Tiến độ 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam hiện ra sao?

14/10/2022, 10:00

2/3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đang được dồn lực thi công, 1 dự án vẫn tắc vốn, chậm tiến độ.

Rầm rập búa máy trên công trường

Bước sang tuần thứ hai của tháng 10/2022, công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo rầm rập tiếng máy móc. Phía hai nhánh hầm Núi Vung, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau vận chuyển đá, phục vụ công tác đào hầm.

“Không khí thi công này khác hẳn với sự trầm lặng cùng kỳ tháng trước. Tháng 9, khu vực dự án mưa đến gần 20 ngày, việc thi công đường gần như ngưng trệ”, ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án - DNDA) nói và cho biết, hiện sản lượng thi công dự án đã đạt khoảng 30%, vượt 5% kế hoạch. Mục tiêu trong năm 2022, công tác thi công đắp nền sẽ hoàn thành. Phần móng mặt đường sẽ được hoàn thành trước tháng 6/2023.

img

Hiện tại, Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong hai dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn đáp ứng được tiến độ

Để tiến độ bám sát kế hoạch, trên công trường thường xuyên duy trì hơn 1.500 kỹ sư, công nhân và khoảng 500 đầu máy móc thiết bị các loại tổ chức thành 25 mũi thi công đường, 21 mũi thi công cầu, 8 mũi thi công hầm, thi công 3 ca/ngày.

Tại dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, tiến độ thi công cũng đang được bám sát. Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (DNDA) cho biết, hiện tại, khối lượng thi công dự án đã đạt được 51% giá trị hợp đồng.

Trái ngược với tín hiệu tích cực tại hai dự án thành phần trên, dự án thành phần Diễn Châu- Bãi Vọt lại đang bê trễ tiến độ. Ông Trương Đức Liên, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (DNDA) cho biết, tính đến nay, giá trị sản lượng toàn dự án đạt 14,4% so với hợp đồng, chậm khoảng 7%. Tổng số mũi thi công được huy động là 124 mũi, chưa đạt số lượng theo yêu cầu của Bộ GTVT (140 mũi).

“Nguyên nhân của việc chậm huy động mũi thi công bởi nếu theo kế hoạch tiến độ lập, một số hạng mục thi công cầu đến nay đã thi công kết cấu phần trên nhưng hiện tại, kết cấu phần dưới chưa thi công xong nên chưa chuyển thi công kết cấu phần trên”, ông Liên nói và cho biết, DNDA đã yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ điều chỉnh lần 2 theo chỉ đạo. Dự kiến, đầu tháng 10/2022, tiến độ điều chỉnh lần 2 sẽ được phê duyệt để bù lại khối lượng bị chậm.

Vốn thông, sẽ bứt tốc

img

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt

Theo lãnh đạo Công ty CP Phúc Thành Hưng, tiến độ triển khai dự án Diễn Châu - Bãi Vọt chưa thể đạt tốc độ tối đa, một phần nguyên nhân chính đến từ khó khăn trong khơi thông các nguồn vốn cho dự án.

“Hiện tại, vốn góp chủ sở hữu cho dự án đã đạt hơn 785 tỷ đồng. Vốn Nhà nước góp tại dự án (VGF) và vốn tín dụng vẫn chưa được giải ngân”, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng nói và cho biết, tính đến đầu tháng 10/2022, nhà thầu đã đáp ứng điều kiện tiên quyết của hợp đồng tín dụng (khối lượng thi công hiện trường đạt 511 tỷ đồng).

Trong 4 ngân hàng tài trợ vốn cho dự án, chỉ còn Ngân hàng Vietcombank chưa có văn bản chấp thuận dự án đủ điều kiện giải ngân do một số vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo.

Về vốn VGF, Ban QLDA 6 đã thống nhất với tài liệu do DNDA cung cấp giải ngân hết 50% vốn chủ sở hữu. Khi ngân hàng có văn bản chấp thuận đủ điều kiện giải ngân vốn tín dụng, vốn VGF sẽ được khơi thông. Khối lượng nghiệm thu vốn VGF tại dự án hiện đã đạt được khoảng 400 tỷ đồng. “Khi các nguồn vốn đồng thời “đổ” về dự án, việc thi công chắc chắn sẽ được bứt tốc”, lãnh đạo DNDA khẳng định.

Không khó khăn như dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, hai dự án thành phần còn lại đã sớm được đảm bảo về nguồn vốn “rót” cho công trường.

Đến nay, liên danh nhà đầu tư dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã góp vốn hơn 766 tỷ đồng, tương đương 74,43 % tổng vốn chủ sở hữu theo quy định của hợp đồng dự án, vượt 140% tiến độ yêu cầu. Vốn ngân sách Nhà nước giải ngân hơn 867 tỷ đồng. Dự kiến hết năm nay, dự án sẽ giải ngân 1.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, 700 tỷ đồng vốn tín dụng và 1.066 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, tại dự án Nha Trang - Cam Lâm, nhà đầu tư đã huy động 100% vốn chủ sở hữu. Tổng số vốn vay và vốn VGF đã giải ngân đạt 45%. Dự kiến hết năm 2022, nguồn vốn chủ sở hữu, tín dụng và vốn góp Nhà nước sẽ được giải ngân khoảng 60% giá trị hợp đồng dự án.

Cần cơ chế hỗ trợ tài chính

Mặc dù tiến độ dự án vẫn được đảm bảo, song, lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm không khỏi trăn trở khi quá trình triển khai thi công, so với thời điểm lựa chọn nhà đầu tư, giá nhiên liệu và các vật liệu như thép, nhựa đường, xi măng, cát, đá… tăng đột biến, đơn giá thi công dự án khoảng 20% so với giá trị tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Cụ thể, biến động giá vật liệu khiến đơn giá thi công dự án hiện phát sinh khoảng 1.375 tỷ đồng, tương đương khoảng 18% so với giá trị hợp đồng ở thời điểm ký kết. Trong đó, nhiên liệu xăng, dầu có biến động giá lớn nhất với mức giá thời điểm bắt đầu dự án là 10.309 đồng/lít, hiện đơn giá đã tăng lên 24.370 đồng/lít.

Khó khăn ở chỗ, hợp đồng của các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam không có quy định về điều chỉnh giá trong trường hợp giá vật tư, vật liệu biến động. Chỉ số trượt giá chỉ được tính khoảng 3,05% và bị khóa cứng trong tổng mức đầu tư.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, trong bối cảnh trong nước và quốc tế tương đối ổn định, việc khóa cứng chỉ số trượt giá sẽ phù hợp.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thực tế biến động khôn lường, không ai mong muốn và có thể tính toán được như: Chiến tranh Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19… làm giá vật liệu tăng đột biến, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế chia sẻ với nhà đầu tư dự án giao thông.

“Như thời điểm năm 2008, các dự án giao thông cũng gặp phải bão giá, Nhà nước đã có cơ chế bù giá đối với một số loại vật liệu chính thi công dự án giao thông, giúp nhà thầu bớt được nỗi lo về tài chính.

Các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án vẫn đang cố gắng gồng mình để chia sẻ khó khăn chung của Nhà nước. Nhưng sự khó khăn kéo dài sẽ làm ý chí, khát vọng của nhà đầu tư, nhà thầu suy giảm, nếu không có thể ban hành cơ chế đặc thù, doanh nghiệp sẽ khó tránh rơi vào suy thoái”, ông Chủng nói.

Dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, tổng vốn đầu tư giai đoạn phân kỳ (4 làn xe) là hơn 11.157 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư huy động là 5.090 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia dự án là hơn 6.067 tỷ đồng. Dự kiến, dự án hoàn thành vào tháng 5/2024.

Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm dài 50km, tổng vốn đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 5.524 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20%); Vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành tháng 9/2023.

Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km. Tổng vốn đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 8.925 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng; vốn đầu tư của Nhà nước khoảng 4.199 tỷ đồng. Dự kiến, dự án hoàn thành vào quý III/2024.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.