Chính trị

“Tiền dư ra để đầu tư, không được lấy chia nhau”

11/12/2015, 08:30

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Có tiền cứ phân phối nhân ngày Tết là không được".

7
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp ngày 10/12 - Ảnh: Phương Hoa

Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua việc ban hành Cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mức chi tiền lương, tiền công hay phân phối tăng thêm không được vượt mức trần như quy định. “Dư ra được bao nhiêu từ bảo đảm chi thường xuyên thì phải lấy đầu tư, hiện đại hóa chứ không được lấy chia nhau. Có tiền cứ phân phối nhân ngày Tết là không được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo tờ trình của Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, số biên chế giao cho ngành Thuế, Hải quan được xác định trong phạm vi tổng số biên chế được giao cho Bộ Tài chính. Cụ thể: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục duy trì biên chế từ năm 2016 trở đi theo chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao đến tháng 3/2015; Đồng thời căn cứ điều kiện thực tế để thực hiện sắp xếp, sử dụng biên chế hợp lý theo chủ trương tinh giản biên chế tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Trong trường hợp đặc biệt, khi Chính phủ giao thêm nhiệm vụ mới hoặc Nhà nước có quy định chia tách địa giới hành chính phải thành lập bổ sung các Cục, Chi cục Thuế, Hải quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý.

Về cơ chế tài chính, theo tính toán thì tổng nhu cầu kinh phí giai đoạn 2016 - 2020 của ngành Thuế và Hải quan bình quân là 23.773 tỷ đồng/năm (đối với ngành Thuế là 16.595 tỷ đồng/năm, đối với ngành Hải quan là 7.178 tỷ đồng/năm). Kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 1,8% trên dự toán thu NSNN hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao Tổng cục Thuế thực hiện và được tổng hợp trong dự toán thu - chi NSNN hàng năm của Bộ Tài chính. Kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Hải quan (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 2,1% trên dự toán thu NSNN hàng năm.

Ngoài mức kinh phí được giao theo đề nghị nêu trên, đối với nguồn kinh phí NSNN giao cho Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chương trình của Nhà nước, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác của Chính phủ ngoài nhiệm vụ thường xuyên, thực hiện tinh giản biên chế; Nguồn phí, lệ phí được phép để lại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; Nguồn kinh phí hợp pháp khác được sử dụng theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Cơ cấu chi đầu tư xây dựng tối thiểu 10%, chi hiện đại hóa trang thiết bị tối thiểu 25% và chi thường xuyên tối đa 65% trên tổng dự toán được giao.

Riêng về mức chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân toàn Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan áp dụng không vượt quá 1,8 lần và chi bổ sung thu nhập từ kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên không vượt quá 0,2 lần so với mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Tiền lương tăng thêm và bổ sung thu nhập không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.