Thời sự Quốc tế

Tiền mặt sắp biến mất tại Trung Quốc

28/06/2019, 06:46

Tiền mặt tại Trung Quốc gần như không sử dụng. Người dân dùng thẻ ngân hàng, ngân hàng trực tuyến, mã QR và mới đây nhất là nhận diện khuôn mặt.

img
Hệ thống thanh toán qua nhận diện khuôn mặt tại Trung Quốc

Đến Trung Quốc những năm gần đây, chắc hẳn ai cũng sẽ kinh ngạc trước mức độ hiện đại và thay đổi về công nghệ đến chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống, đặc biệt là các hoạt động giao dịch, thanh toán. Tiền mặt gần như đang bị khai tử, thay vào đó, người dân sử dụng các phương thức công nghệ khác nhau như dùng thẻ ngân hàng, ngân hàng trực tuyến, mã QR và mới đây nhất là qua nhận diện khuôn mặt.

Nhận diện khuôn mặt, tự động trừ tiền

Theo một nghiên cứu gần đây do báo Nikkei đăng tải, tại Trung Quốc đại lục, có tới 98% người dân dùng điện thoại di động tại các khu vực đô thị, thanh toán qua thiết bị này. Thậm chí, Trung Quốc đang trên đường hướng tới phương thức thanh toán đơn giản hơn nữa đó là chỉ cần nhìn vào màn hình.

Chị Tú Uyên, một nhân viên truyền thông tại Công ty FECON ở Hà Nội, có chồng là du học sinh tại Trung Quốc đã rất ngạc nhiên và trầm trồ trước sự phát triển và hiện đại của công nghệ thanh toán tại đất nước tỷ dân mỗi lần sang thăm chồng.

Chị Uyên chia sẻ, mã QR được sử dụng để thanh toán gần như tất cả mọi thứ, ở mọi nơi và chỉ có tiền mặt mới là loại hiếm được sử dụng. Chị rất bất ngờ khi có lần chồng mua chai nước tại máy bán tự động, máy tự nhân diện khuôn mặt và trả ra loại nước chồng chị ưa thích mà anh không cần phải thực hiện thao tác chọn.

Thực tế, công nghệ thanh toán qua nhận diện khuôn mặt mới bắt đầu được ra mắt từ năm ngoái. Hệ thống đầu tiên là của Alipay do Tập đoàn Ant Financial Services Group phát triển.

Tập đoàn này cùng Tencent Holding đang vận hành hai hệ thống thanh toán qua điện thoại lớn nhất Trung Quốc, không ngừng cạnh tranh để chiếm lĩnh vị thế trong giai đoạn kế tiếp của xã hội không tiền mặt tại Trung Quốc.

Chỉ trong vài tháng, hai gã khổng lồ cho ra mắt hai hệ thống thanh toán bằng nhận dạng khuôn mặt và một bản nâng cấp. Từ khi ra mắt vào tháng 12 năm ngoái đến nay, Alipay có hơn 700 triệu người sử dụng tại Trung Quốc.

Sau đó, vào tháng 3 vừa rồi, Tập đoàn Tencent công bố hệ thống WeChat Pay có thể quét mã QR trên điện thoại hoặc quét khuôn mặt tùy sở thích cá nhân người dùng.

Một tháng sau, Ant ra mắt bản nâng cấp của Alipay với kích thước nhỏ hơn, chỉ tương đương chiếc iPad Mini với giá 290 USD, thấp hơn khoảng 1/3 giá phiên bản gốc.

Nhận định về khả năng phát triển của phương thức này, nhiều chuyên gia như ông Zheng Qingzheng, nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu tài chính Sunning cho rằng: Các hệ thống này sẽ dễ dàng đi sâu vào đời sống người dân. Bởi, tại Trung Quốc, công nghệ nhận diện khuôn mặt đã phát triển mạnh mẽ và sẽ dễ dàng được chấp nhận như một tính năng để giao dịch không cần tiền mặt trong tương lai.

Những động thái này hoàn toàn đáng chú ý vì Alipay và WeChat Pay đang xử lý tới gần 90% thị trường cung cấp nền tảng thanh toán điện thoại di động của Trung Quốc.

Tính đến năm ngoái, tổng các giao dịch lên tới 160 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 23,16 nghìn tỉ USD), BigData-Research, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên về ngành công nghiệp internet cho biết.

Tuy Ant và Tencent chưa tiết lộ có bao nhiêu đơn vị chấp nhận công nghệ mới của họ nhưng các thiết bị nhận diện khuôn mặt của Alipay và WeChat Pay hiện diện tại rất nhiều máy bán hàng, cửa hàng thực phẩm thậm chí là bệnh viện trên khắp cả nước.

Nộp phạt vi phạm giao thông qua mã QR

img
Tiền mặt gần như bị khai tử khỏi Trung Quốc

Không chỉ ứng dụng vào các giao dịch mua bán, Chính phủ Trung Quốc cho phép người dân nộp phạt vi phạm giao thông qua phương thức thanh toán này.

Từ năm ngoái, tại Bắc Kinh, cơ quan quản lý giao thông tại đây đưa thêm tính năng thanh toán qua mã QR bằng điện thoại vào nền tảng quản lý giao thông trực tuyến của họ. Theo đó, người dân hoàn toàn có thể nộp phạt nhanh gọn bằng vài thao tác quét mã QR, chấm dứt cảnh chờ đợi hàng dài tại ngân hàng hay các sở giao thông hoặc làm thủ tục chuyển khoản trực tuyến phức tạp như trước.

Chia sẻ về mức độ từ bỏ tiền mặt của người dân Trung Quốc, anh Lin Nianbao - chủ Nhà hàng Ruyi chuyên bán mỳ, bánh bao và cơm tại đường Lancun, Thượng Hải cho biết: “Tôi không còn cần tiền mặt để vận hành nhà hàng. Việc kinh doanh trên toàn thế giới đã thay đổi chóng mặt khi điện thoại di động trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người”.

Đến năm 2015, anh Lin vẫn nhận tiền mặt từ khách, còn nay đã có tới 70% giao dịch tại cửa hàng là qua các ứng dụng WeChat Pay và Alipay tương đương 1.515 USD/ngày.

“Hiện tại, dịch vụ thanh toán điện tử không còn là tính năng có cũng được không có cũng không sao mà trở thành điều kiện cần thiết để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách quen. Các phương thức này giúp đẩy doanh số nhà hàng lên 10%”, anh Lin chia sẻ.

Song, bên cạnh những mặt tiện lợi, hữu ích, các hình thức thanh toán qua mạng này cũng kéo theo không ít rắc rối và lừa đảo người dùng. Theo Nikkei, đã có rất nhiều kẻ gian lợi dụng hình thức trực tuyến để đổi mã thanh toán QR tại các cửa hàng bán rau củ, quầy thực phẩm… bằng mã của họ.

Khi đó, mọi giao dịch chuyển khoản đều đưa về tài khoản của những kẻ lừa đảo, dẫn đến người bán bị lỗ nặng.

Ông Masakatsu Morii, giáo sư đến từ Khoa Kỹ thuật điện tử Đại học Kobe cho biết: “Chỉ nhìn qua bằng mắt thường rất khó để nói đâu là mã QR thật nên những kẻ lừa đảo có thể lợi dụng nước đục thả câu”.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã và đang vào cuộc để quản lý, đồng thời nhiều công ty công nghệ đã nghiên cứu các phương thức để ngăn chặn tình trạng này xảy ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.