Xã hội

Tiền mới, có thật cần cho Tết Nguyên đán?

07/01/2017, 06:44

Bằng quyết định không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết, Ngân hàng Nhà nước vừa tiết kiệm được tiền tỷ...

12

Tiền lẻ “găm” đầy tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay ở hội Lim - Ảnh: Bá Đoàn

Bằng quyết định không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết, Ngân hàng Nhà nước vừa tiết kiệm được tiền tỷ, lại rất có thể giúp hạn chế nạn “hối lộ thần linh” chốn đền chùa, hạn chế các dịch vụ kinh doanh đổi tiền tự phát...

Tiết kiệm tới 400 tỷ đồng chỉ nhờ việc không in tiền mới mệnh giá nhỏ lưu thông dịp Tết Nguyên đán năm nay là thông tin khiến nhiều người ngỡ ngàng. Không ngờ, chủ yếu chỉ để phục vụ cho việc đi lễ cuối năm, đầu năm…, việc in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ lại tốn kém đến thế. 5 năm liền, từ năm 2013 Ngân hàng Nhà nước không in thêm tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống vào dịp Tết đã tiết kiệm được tới 1.900 tỷ đồng!

Trên thế giới, không chỉ Việt Nam mới có đình, chùa, đền, miếu. Nhưng chỉ có đình, chùa, đền, miếu ở ta mới có cảnh tiền lẻ la liệt khắp nơi, gài trên tay Phật, mái chùa, rải cả xuống đất… hết sức thiếu tôn kính thần linh và thiếu trân trọng với đồng tiền quốc gia. Thậm chí, có xe tang vừa rải tiền vàng mã, vừa rải cả tiền thật (tất nhiên là mệnh giá nhỏ) dọc đường đi, để đồng tiền bị giày xéo, lấm bẩn, rách nát... chỉ để thỏa mãn tâm lý “trần sao âm vậy”. Có những lễ lớn tại phủ, tại đền người ta ném hàng triệu đồng tiền mới cứng mệnh giá nhỏ để tán lộc hoặc để người nhặt “gánh hạn hộ”.  

Vì vậy, cứ đến Tết là nhu cầu đổi tiền mới mệnh giá nhỏ tăng vọt, chủ yếu do nhu cầu đi lễ của người dân. Tâm lý ai cũng muốn rải tiền lễ đủ các ban thờ đình, chùa “thì thần linh mới chứng”. Bỏ hòm công đức chắc sợ không ai nhìn thấy hay sao nên tiền lẻ được nhét ở những nơi được cho là “thiêng” từ ban thờ trong nhà đến gốc cây, từ tay tượng đến tòa sen. Tiền gài cả lên nóc mái đền thậm chí rải đầy lối đi trong hậu cung… Muốn thế, chỉ có thể là… tiền lẻ, nhưng phải là tiền mới. Tiền nhỏ màu đỏ rải càng… đẹp, càng được nhiều nên người ta sẵn sàng đổi tiền lẻ mệnh giá 500 đồng mới với mức phí 60 - 100%. Tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng mức phí đổi có thể dao động từ 10 đến 20%. Đến Tết, nếu đổi trước cửa đình, chùa, mức giá vọt lên từ 100 - 150% đối với đồng 500 đỏ, từ 10 - 50% với các mệnh giá khác vẫn có khách chấp nhận.

Không biết nhiều năm trước đó chỉ đạo in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ để “phục vụ nhu cầu dịp Tết” từ đâu mà ra, do đâu mà có, nhưng lẽ ra Nhà nước phải xem xét nếu “nhu cầu” không chính đáng thì không nên làm, nhất là với chi phí lớn như vậy. Bằng quyết định không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết, không chi các loại tiền mới còn nguyên sêri từ 5.000 đồng trở xuống, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán, Ngân hàng Nhà nước vừa tiết kiệm được tiền tỷ, lại rất có thể giúp hạn chế nạn “hối lộ thần linh” chốn đền chùa, hạn chế các dịch vụ kinh doanh đổi tiền tự phát, hạn chế tiêu cực trong chính ngành ngân hàng khi các nhân viên tiếp tay cho dịch vụ kinh doanh đổi tiền lẻ để ăn chênh lệch.

Và biết đâu đấy, nếu dừng cả việc in tăng cường thêm tiền mới vào dịp Tết Nguyên đán sẽ giảm bớt được nạn “leo thang mừng tuổi” đang làm méo mặt các bậc phụ huynh. Khi mà việc “lì xì” đầu năm cho trẻ không còn nguyên ý nghĩa đẹp đẽ của nó xưa kia, để mừng tuổi mới, để trẻ có đồng tiền lẻ chạy ra đầu ngõ mua cây kẹo mút, mấy tép pháo đốt chơi hay món đồ chơi nhỏ… Lâu nay, đã biến tướng thành chuyện “có đi có lại” giữa các phụ huynh, thành “mừng tuổi sếp”, thành trò chạy đua của con trẻ hết Tết đến lớp khoe đã thu hoạch được mấy triệu, mấy chục triệu tiền mừng tuổi tùy theo chức vụ quan trọng của cha mẹ, thành việc tự nhiên trẻ con có một đống tiền ở tuổi chưa biết tiêu sao cho đúng.      

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.