Giáo dục

Giáo viên Toán học bật mí bí quyết giành điểm cao môn Toán thi vào lớp 10

08/07/2020, 14:41

TS. Phạm Ngọc Hưng, giáo viên Toán chia sẻ, nhiều học sinh để mất điểm đáng tiếc do chủ quan không theo quy tắc “bài dễ làm trước, khó làm sau".

img
Nhiều học sinh để mất điểm đáng tiếc do chủ quan không theo quy tắc “bài dễ làm trước, khó làm sau".

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, TS. Phạm Ngọc Hưng, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục Hocmai cho biết: “Chủ quan là lỗi các học sinh hay mắc phải khi làm bài thi. Chủ quan khi không theo quy tắc “bài dễ làm trước, khó làm sau”.

Nhiều thí sinh thích làm bài khó trước, khi không giải ra ngay được đáp án thì cảm thấy lo lắng, cuống cuồng giải các bài toán còn lại. Khi này, mặc dù bài dễ nhưng rất dễ bị mất điểm do thí sinh trình bày quá vội. Ngoài ra, nhiều bạn còn chủ quan khi không đọc kỹ đề bài, đọc quá nhanh, quá lướt, dẫn đến xác định không đúng hoặc thiếu giả thiết, bài toán không giải được. Hoặc gặp phải tình trạng giải thiếu ý, bỏ sót câu hỏi trong đề bài".

Trong kỳ thi vào 10, nhất là cuộc đua vào các trường top, chỉ lệch nhau 0,5 điểm là người đỗ người trượt. Thầy Hưng chỉ ra những lỗi học sinh thường mắc phải khi làm bài và có những dặn dò để học sinh giành điểm tốt nhất trong bài thi vào 10 môn Toán.

Sai lầm cụ thể ở các dạng bài thường gặp trong đề thi

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi, thầy Hưng lưu ý các các lỗi thí sinh thường gặp khi làm bài.

Cụ thể, bài toán về căn thức: Xác định sai điều kiện để căn thức, hoặc biểu thức có nghĩa (nếu đề bài chưa nêu điều kiện); Biến đổi sai (tính toán cộng trừ nhân chia, trục căn thức, bình phương, khai căn… sai hoặc nhầm);

Ở 1 hoặc 2 ý tiếp theo của bài toán này thường là những bài toán không khó. Ví dụ như tính giá trị biểu thức, so sánh, chứng minh biểu thức bằng nhau, giải (bất) phương trình, chứng minh bất đẳng thức, tìm GTLN, GTNN… Thí sinh thường bị lỗi tính toán nhầm. Hoặc trong một số bài toán dẫn đến giải phương trình thì thí sinh không kiểm tra điều kiện nghiệm. Hoặc cũng có thí sinh đọc sai đề bài, hiểu sai ý câu hỏi dẫn đến đáp số sai.

Bài toán giải phương trình hoặc hệ phương trình:

Thí sinh hay mất điểm ở đặt điều kiện nghiệm, điều kiện ẩn phụ, điều kiện để bình phương 2 vế, để thực hiện phép chia (ví dụ chia 2 vế cho x2), để khai căn, …; Mất điểm trong biến đổi tương đương (phép biến đổi không tương đương nhưng lại cho tương đương)

Hoặc sử dụng sai các dấu tương đương, dấu suy ra trong biến đổi. Nhầm lẫn trong sử dấu “hoặc”, dấu “và”; Không so sánh hoặc kiểm tra với điều kiện để loại nghiệm không thỏa mãn, dẫn đến kết luận sai đáp số;

Bài toán về phương trình bậc hai và áp dụng định lý Viet:

Lỗi thường gặp do thí sinh nhớ nhầm định lý viet, nhớ nhầm công thức nghiệm; biến đổi sai do tính toán, do chuyển vế …; Sai lầm trong biện luận số nghiệm, nhớ nhầm các điều kiện để phương trình có nghiệm, nghiệm kép, hai nghiệm phân biệt hay điều kiện để xác định dấu của nghiệm.

Bài toán về hàm số: Vẽ trục tọa độ chưa chính xác; Xác định nhầm bề lõm của parabol; Đọc sai đề bài, hiểu sai ý của câu hỏi...

Bài toán hình học: Vẽ hình vẽ rơi vào trường hợp đặc biệt, dẫn đến ngộ nhận hoặc giải sai bài toán; Vẽ hình cẩu thả, các ký hiệu (điểm, đường) trong bài làm không giống với trên hình vẽ; Nhớ nhầm khái niêm, nhầm tên gọi, nhầm công thức; Ngộ nhận trong bài toán chứng minh (dùng điều cần chứng minh để chứng minh nó).

Bài toán thực tế (giải bài toán bằng cách lập (hệ) phương trình): Quên điều kiện khi đặt ẩn, hoặc đặt điều kiện sai; Không chú ý đến đơn vị tính của các đại lượng ví dụ giờ, phút, km, m…; Lập sai phương trình (hoặc hệ phương trình); Không so sánh nghiệm với điều kiện đã đặt; Không kết luận hoặc kết luận không đúng với yêu cầu đề bài.

Bài toán CM Bất đẳng thức, tìm GTLN, GTNN: Không chú ý đến điều kiện các biến khi sử dụng các BĐT cơ bản; Ngộ nhận trong chứng minh (dùng điều cần chứng minh để chứng minh nó); Dấu “=” không thể xảy ra.

"Với mục tiêu chinh phục từng mốc 0,25 điểm thì thí sinh không nên để mắc các lỗi ở trên cùng các lỗi cơ bản khác như vẽ sai hình, đọc sai đề, tính toán nhầm, quên kết luận, trình bày “ẩu”, tẩy xóa,... Luyện tập thường xuyên, rèn tính cẩn thận, phân bổ thời gian hợp lý và dành thời gian xem lại bài là những cách để học sinh tránh các lỗi trên", thầy Hưng lưu ý.

Luôn bình tĩnh, thoải mái để làm bài tốt nhất

Không chỉ tránh các sai lầm trên, thầy Hưng cũng đưa thêm lời khuyên để học sinh có điểm rơi phong độ và làm bài tốt nhất.

"Thí sinh không để bản thân rơi vào trạng thái hồi hộp, lo lắng. Nếu có lo lắng, hãy hít thở sâu, uống 1 ít nước để lấy lại bình tĩnh. Giữ sức khỏe tốt. Ngủ đủ giấc, ăn uống bình thường, cân bằng đồng hồ sinh học để làm bài hiệu quả", thầy Hưng nói.

Cũng theo thầy Hưng, thí sinh không chủ quan hãy làm cẩn thận từng câu, kể cả câu dễ. Khi sợ sai trong tính toán, nhầm phương pháp, thí sinh hãy thử lại kết quả để chắc chắn với bài làm. Thí sinh cũng cần trình bày khoa học, dễ nhìn, không tẩy xóa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.