Đời sống

Tiến sỹ ung thư Mỹ chia sẻ 4 điều cực kỳ quan trọng về nhiễm độc thuỷ ngân

06/09/2019, 17:36

Tiến sĩ về ung thư ở Mỹ chia sẻ 4 điều cực kỳ quan trọng về nhiễm độc thuỷ ngân sau công bố có 15,1-27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường.

img
Sau hơn 1 tuần, công tác che chắn, cách ly khu vực cháy Rạng Đông trong đó có chứa nhiều thủy ngân mới được thực hiện (ảnh Hải Tạ)

Kết quả quan trắc khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết "đã có khoảng từ 15,1-27,2 kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường" khiến người dân hoang mang, lo lắng. TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA chia sẻ 4 điều cực kỳ quan trọng về nhiễm độc thuỷ ngân.

Làm sao tránh hít hơi kim loại thủy ngân trong không khí?

Theo khuyến cáo của TS. Nguyễn Hồng Vũ, trong vùng nhiễm, khi ra đường người dân tuyệt đối phải sử dụng khẩu trang có trang bị than hoạt tính vì khẩu trang thường không cản được thủy ngân dạng hơi. Chỉ khi có trang bị bộ lọc chứa than hoạt tính như loại của ông Phó tổng cục trưởng Môi trường Hoàng Văn Thức đi khám nghiệm hiện trường, thì hơi thủy ngân kim loại mới bị oxi hóa và hấp thụ bởi than này trước khi không khí đi vào mũi.

Ông Vũ cũng cho rằng, các cơn mưa sau vụ cháy có thể đã làm lượng thủy ngân trong không khí giảm đáng kể khi chúng bị ngưng tụ và rơi xuống đất. Tuy nhiên, nếu lượng thủy ngân này còn nằm ở trên mặt đất, bề mặt đường xi măng, ban công,… thì chúng có thể bốc hơi lại trong không khí sau cơn mưa, nhất là khi nhiệt độ cao lúc trời nóng. Do vậy, mọi người trong vùng nhiễm nên tiếp tục sử dụng khẩu trang có than hoạt tính cho đến khi vùng nhiễm được công bố hoàn toàn sạch.

img
Khẩu trang có bộ lọc chứa than hoạt tính như loại của ông Thức mới đảm bảo không hít thủy ngân vào cơ thể

Nước mưa có giúp rửa sạch ô nhiễm thủy ngân?

Có thể nói nước mưa giúp giảm ô nhiễm thủy ngân trong không khí nhưng không loại thuỷ ngân khỏi môi trường nếu chúng ta không có những biện pháp làm sạch triệt để. Mối lo nhiễm độc thủy ngân kim loại dạng hơi nay đang được chuyển thành mối lo ngại nhiễm độc thủy ngân dạng hữu cơ. Đây là dạng nhiễm độc thủy ngân hữu cơ rất nguy hiểm mà điển hình nhất là sự kiện ở Minamata, Nhật Bản trong hơn nửa thế kỷ với hàng ngàn người chết, chục ngàn người bị ảnh hưởng!

Kiểm tra như thế nào mới biết người bị nhiễm thủy ngân hay không?

Hiện nay có một số phương pháp thông dụng để kiểm tra nhiễm thủy ngân đó là máu, nước tiểu và tóc. Khi bị nhiễm, thủy ngân “bám rất chặt” vào nguyên tố selen (Se) và các nhóm sulfhydryl có trong nhiều enzyme nên lượng thủy ngân đã bám này không thể đào thải dễ dàng, Trong khi đó, với lượng thủy ngân tự do trong máu, trong cơ thể sẽ bị đào thải liên tục qua nước tiểu, phân. Do vậy, lượng thủy ngân trong máu và nước tiểu sẽ giảm từ từ trong 1 khoảng thời gian ngắn tính từ lúc nhiễm độc. Chính vì thế các xét nghiệm máu và nước tiểu thường chỉ để kiểm tra sự lây nhiễm xảy ra trong thời gian ngắn và không đánh giá được lượng nhiễm thật sự trong cơ thể (do lượng thủy ngân đã bám vào thì không dễ đào thải).

img
Nhiều người dân quanh khu vực vụ cháy Rạng Đông lo sợ đi khám, yêu cầu được xét nghiệm thủy ngân, sắt...

Làm cách nào để thải độc thủy ngân ra khỏi cơ thể?

Theo TS. Vũ, khi bị nhiễm độc thủy ngân, cơ thể của bạn cũng có cơ chế tự đào thải chất độc qua nước tiểu và phân. Do vậy, việc sử dụng một số phương pháp đơn giản để tăng lượng đào thải như ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hoặc uống nhiều nước cũng có tác dụng phần nào! Tuy nhiên nếu bị nhiễm độc nặng thì bạn cần được điều trị một cách phù hợp hơn ở các cơ sở Y tế.

Hiện nay để thải độc kim loại nặng nói chung và thủy ngân nói riêng, người ta sử dụng các chất thuộc nhóm có tên là Chelate. Nhóm chất Chelate có tác dụng bám và cô lập các kim loại nặng và chúng sẽ được cùng nhau thải ra ngoài qua nước tiểu. Việc sử dụng phương pháp này phải được thực hiện ở cơ sở Y tế và chuyên viên Y tế vì có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

Tuy nhiên, hầu hết các thuốc sử dụng để khử độc kim loại thủy ngân trong cơ thể hiện nay không thấy hiệu quả đối với thủy ngân đã tích tụ trong não.

"Tôi thực sự quan ngại trước nguy cơ nhiễm độc thủy ngân đang xảy ra trên địa bàn xung quanh nhà máy Rạng Đông sau vụ cháy. Qua các kết quả khảo sát bước đầu của Bộ TN-MT và các dẫn chứng khoa học phía trên, chúng ta có cơ sở để lo ngại cho một thảm họa ô nhiễm thủy ngân dạng hữu cơ sắp tới - là hệ quả sau thảm họa ô nhiễm hơi kim loại thủy ngân", TS. Vũ chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.