Giáo dục

Tiếng kẻng học bài giữa “bão” Covid-19 ở vùng biên Nghệ An

26/04/2020, 15:23

Mỗi khi nghe tiếng kẻng vang lên, hơn 50 học sinh ở tất cả các cấp học của bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê (huyện Con Cuông) ngồi vào bàn học bài....

img
Đoàn thanh niên giúp các em giải những bài toán khó

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hàng vạn học sinh ở Nghệ An chưa thể đến trường. Ở thành phố và các huyện đồng bằng, các em được học trực tuyến để bổ sung kiến thức.

Tuy nhiên, với những học sinh ở vùng biên Nghệ An, do điều kiện còn khó khăn “tiếng kẻng học bài” của các đoàn viên thanh niên góp phần giúp các em ý thức hơn khi học tại nhà… Bên cạnh đó, nhiều thanh niên tình nguyện, giáo viên đã đến từng bản, gõ từng nhà, hướng dẫn các em giải những bài tập khó.

Tiếng kẻng vang lên, giờ học bắt đầu

Hơn một tháng nay, bất kể trời nắng hay mưa, cứ đúng 19h30, khi nghe tiếng kẻng vang lên, hơn 50 học sinh ở tất cả các cấp học của bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) lại ngồi vào bàn học bài.

Sau 15 phút, các anh chị đoàn thanh niên cùng các thầy cô giáo đến từng nhà kiểm tra việc chấp hành giờ giấc học bài của học sinh, đồng thời hướng dẫn các em giải một số bài tập khó.

Em Lương Thanh Thảo, học sinh lớp 8B, trường THCS xã Lạng Khê chia sẻ, “Sợ nghỉ học lâu, bọn em quên hết kiến thức, thầy cô và các anh chị đoàn thanh niên đã gửi bài tập, hướng dẫn làm tại nhà. Và mỗi khi tiếng kẻng vang lên, mấy chị em lại ngồi vào bàn như học trên lớp. Nếu ai không chấp hành nghiêm chỉnh, lúc thầy cô đi kiểm tra bắt gặp sẽ bị nhắc nhở, phê bình”.

img
Khi tiếng kẻng vang lên báo hiệu giờ học bài bắt đầu, các em học sinh trong bản đều tự giác ngồi vào bàn học bài

Anh Vi Văn Khai (trú bản Chôm Lôm), phụ huynh em Vi Ngọc Đàn, học sinh lớp 4 cho biết, các cháu nghỉ học dài ngày ở nhà, không tránh khỏi việc lơ là học tập. Ngày trước, bận nhiều việc quá nên đôi lúc tôi cũng quên nhắc cháu học bài. Nay mỗi lần nghe tiếng kẻng là cháu lại tự giác ngồi vào bàn học, không đợi bố mẹ phải nhắc nhở. Thấy cháu có ý thức tự giác, gia đình cũng cảm thấy yên tâm hơn.

Anh Lộc Vĩnh Thêu, Bí thư Đoàn xã Lạng Khê cho biết: Bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê là bản nằm bên tả ngạn sông Lam, 100% là người đồng bào dân tộc Thái, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Điều kiện kinh tế - xã hội còn những hạn chế nhất định, nhưng việc chăm lo nuôi dạy con em của gia đình và xã hội luôn được quan tâm.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng việc học tập của các em tại trường. Sợ nghỉ học dài ngày, các em sẽ lơ là trong việc học, tụ tập chơi bời, mải mê xem tivi... Chính vì vậy, ban chấp hành Đoàn xã đã xây dựng mô hình “Tiếng kẻng học bài” nhằm tạo cho các em thói quen tự giác trong học tập.

“Khi chưa có tiếng kẻng nhắc nhở học bài, nhiều cháu đến tối vẫn tụ tập la cà tụm năm, tụm bảy ở ngoài đường, đặc biệt trong thời điểm mà học sinh đang được nghỉ dài để phòng tránh dịch Covid-19.

Nhờ tiếng kẻng nhắc nhở, các em cũng có ý thức hơn nên tình hình an ninh trật tự của địa phương cũng được đảm bảo. Tuy nhiên, để buổi học ở nhà có hiệu quả, các bậc phụ huynh cũng cần nhắc nhở các em ngồi vào bàn khi nghe tiếng kẻng, không mở tivi, tạo không gian yên tĩnh cho các con học bài”, anh Thêu nói.

Cần nhân rộng mô hình

Chị Vi Thị Thảo, Bí thư Huyện đoàn Con Cuông cho biết: “Tiếng kẻng học bài” không chỉ nâng cao ý thức tự giác học tập, mà còn giúp các em biết tự sắp xếp thời gian học bài của mình sao cho cân đối, hợp lý. Nhờ vậy, việc học tập của các em không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, để duy trì mô hình “tiếng kẻng học bài” thực sự hiệu quả, các đội “phản ứng nhanh” cần phối hợp với phụ huynh giám sát chặt chẽ, đồng thời kèm cặp và giúp đỡ các em giải những bài tập khó.

“Có thể thấy, “Tiếng kẻng học bài” là mô hình không mới nhưng rất hiệu quả với thời điểm các trường đang cho học sinh nghỉ học vì dịch bệnh. Mô hình này lan rộng sẽ kích thích tinh thần thi đua học tập, tạo hiệu ứng xã hội lan toả trong việc thúc đẩy truyền thống hiếu học trên quê hương Bác Hồ”, chị Thảo chia sẻ.

img
Đến giờ học, các em ngồi ngay ngắn vào bàn, tạo thành nếp quen hằng ngày.

Thời gian gần đây, không chỉ ở huyện Con Cuông mà các xã như Hương Sơn, Nghĩa Hoàn, Tân Phú (huyện Tân Kỳ); xã Viên Thành, Hoa Thành, Vĩnh Thành, Mỹ Thành (huyện Yên Thành) cũng đang thực hiện và duy trì mô hình này. Cứ vào buổi tối, xóm nào có kẻng thì vang lên tiếng kẻng, nơi không có kẻng thì dùng trống, loa phát thanh thông báo cho các em đã đến giờ học bài.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định, đây là mô hình rất hay, nhờ có mô hình này mà việc phối hợp giáo dục, quản lý học sinh giữa nhà trường và phụ huynh cũng diễn ra thuận lợi hơn, đặc biệt trong thời điểm học sinh đang được nghỉ nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Tôi tin tưởng rằng hiệu quả của mô hình “Tiếng kẻng học bài” sẽ được nhân rộng ra toàn tỉnh, góp phần nâng cao ý thức, tạo cho các em tính tự giác học tập trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp”, ông Hoàn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.