Sách

Tiếng sét giữa ban ngày

30/04/2019, 10:29

Trên núi Pú Nhung thỉnh thoảng có sét đánh giữa ban ngày.

img
Ảnh minh họa: Tạ Tôn

Đang trời quang mây tạnh, tự nhiên chớp loé sáng loằng ngoằng và sét nổ ầm ầm váng óc. Sét đánh giữa ban ngày, không động rừng thì cũng cháy nhà, hoặc người trong bản chết thảm. Từ ngày xuống núi lập bản mới ở thung lũng thì không thấy sét đánh giữa ban ngày nữa và rừng yên.

Ngày xưa, bản người Mông ở sườn núi Pú Nhung kia.

Ông Pù đứng bên tàu ngựa, bất chợt nhìn lên bản cũ. Trên đó, bây giờ cỏ hoang, dây leo, sim mua, bạc hà mọc trùm lên nền nhà và tường đất cũ. Lồng ngực nhói đau, ruột gan ông quặn thắt. Chuyện cũ qua lâu rồi vẫn không xoá được nỗi đau héo lòng. Bản cũ, nơi ông đã sống hết thời tuổi trẻ trước khi vào Đội du kích Tuần Giáo. Bản cũ, nơi em trai bị địch treo lên cành đào cổ thụ... bắn; nơi mẹ bị bọn Pháp mổ bụng, moi gan; xác mẹ bị vùi ở đâu đến giờ không biết mộ. Bản cũ, nơi cha, mẹ, em... bị giết cả thảy là tám người. Nhà cháy, bản cháy đỏ lửa, khói ngút trời xanh. Máu người đổ từng vũng. Những chuyện đau thương động trời ấy cứ ngỡ vừa mới hôm qua chứ không phải ngày xưa...

Ôi giời ơi! Ngày xưa, đứng từ thung lũng này nhìn lên chỉ thấy nhà nhà nhỏ như tổ chim đậu chênh vênh trên sườn núi. Tháng hạ nóng ong ong và thiếu nước, người Mông xuống tận mỏ nước dưới chân núi cõng lên. Ngày xưa, nhà người Mông ở triền núi Pú Nhung, mái lợp cỏ gianh, tường trình đất, chỉ một lối cửa ra vào, đêm cũng như ngày tối om om. Ngày đông, gió thổi tốc tác chỉ chực cuốn “những cái tổ chim” ấy bay vèo xuống thung lũng. Vậy mà những cái nhà người Mông như có rễ bám sâu vào đất đá, chẳng gió nào bứt được. Dân bản lại còn nuôi ngựa, chó, dê, ngỗng và trồng được ngô, cải ngồng trên mảnh đất đá khô cằn cao sát gần trời ấy. Ăn Tết xong, ra giêng thì hoa đào nở hồng rực sườn núi; trai thổi khèn, gái ném pao cả tháng cho đến lúc tra ngô vào hốc đá mới thôi. Sức sống người Mông trên núi cao thật diệu kỳ!

Hắn lại đến. Hắn đi khẽ đến sát máng cỏ, giọng kim the thé, bảo:

- Pù à! Ta nghĩ kỹ rồi, hôm nay ta đưa mày đến chỗ chôn bà Sùng - mẹ mày.

Ông không bất ngờ, nhưng trái tim già nua mệt mỏi đập liên tục bảy mươi năm vẫn hồi hộp. Bao nhiêu lần hắn nói: “Tao nghĩ kỹ rồi...” là bấy nhiêu lần ông hy vọng rồi lại thất vọng. Lần nào hắn đến bảo dẫn đi, ông cũng theo, mặc dù niềm tin tìm được hài cốt mẹ chỉ loé lên giây lát rồi chợt tắt.

*

* *

Hắn lại dẫn ông leo lên triền núi Pú Nhung.

Triền núi một màu cỏ gianh áy vàng. Gió cuối ngày đuổi nhau chạy dàn dạt quất vào hốc đá. Mồ hôi loang đẫm lưng áo và ống tay. Hắn lấy mũ nồi đen cũ cáu bẩn trên đầu, vo mũ lại lau mặt và cổ. Tóc hắn cứng lởm chởm rễ tre bạc sám, hai mắt đỏ lồi, mặt đầy gân như mặt ngựa. Có hôm đang nắng tháng năm, cỏ gianh khô quắt, hắn đến bảo: “Tao nghĩ kỹ rồi! Tao đưa mày đi nhận mộ mẹ mày.” Ông mừng rỡ đi theo hắn. Đang ngày đông, mưa rét lướt thướt, hắn đến bảo: “Tao nghĩ kỹ rồi. Hôm nay, tao sẽ chỉ nơi chôn mẹ mày.” Mừng quá! Ông đội mưa rét đi luôn. Đang đêm, hắn đến nói: “Tao không ngủ được. Bà Sùng hiện về cứ nhìn tao trách móc rồi bảo: Chuyện xưa xa rồi. Ta không giận anh nữa đâu. Sao anh không cho mẹ con ta gặp nhau? Tao nghĩ kỹ rồi. Đêm nay, tao không đưa mày đến nơi chôn mẹ mày, thì tao chết không nhắm mắt.” Ông mừng quýnh quáng, ra khỏi nhà theo hắn ngay trong đêm...

Bao nhiêu lần như thế, tương tự như thế! Nhưng cứ đến triền núi này - triền núi Pú Nhung, nơi có cây đào ngày xưa Vừ - em ông bị chúng treo lên... bắn; thì hắn lại thôi, không chịu đi nữa... Lạ thế! Hắn bảo ông quay về... và nơi chôn mẹ ông vẫn còn trong màn đêm mênh mông bí ẩn. Ông van xin hắn! Ông doạ nạt hắn! Hắn cứ lạnh lùng, bảo: “Tử tế thì ta nói, nếu không ta sẽ mang bí mật ấy xuống mồ!” Ông không đón ý, lựa chiều thì hắn sẽ mang nơi chôn cất mẹ ông xuống âm ty.

Giận hắn! Căm thù hắn! Nhưng ông vẫn phải ghìm tất cả mọi uất ức vào lòng. Ông thở hổn hển, cố bước không để tụt lại đằng sau.

Bất chợt, hắn ngồi bệt xuống đám đất trống. Sức đang tàn, mệt đứt hơi, ông cũng ngồi ịch xuống theo rồi rên rỉ:

- Xá! Xá ơi! Mày còn hành cái thân già của tao đến bao giờ?

Hắn nhẩn nha nhồi một mồi thuốc lào vào tẩu. Khum tay che gió và bật lửa, khói thuốc xanh nhạt loãng ra theo gió cuốn. Mặt hắn tối om, lạnh tanh. Hắn vẫn câm lặng như đá.

...Ông nhận ra nơi đây ngày xưa có cây đào cổ thụ to cao như cái nhà đất của người Mông, cành xùm xoà, chi chít nụ, hoa phớt hồng. Bây giờ rừng đào mất. Cây đào cổ thụ cũng không còn nữa. Mộ em Vừ đã cất bốc đưa về yên nghỉ ở nghĩa trang Tuần Giáo. Nơi đây chỉ thấy một đám đất màu gan gà chẳng cỏ nào mọc nổi. “Khổ thân em tôi!” Ông thương em Vừ, thương cái thân ông và cũng thương cái thằng già mặt ngựa đang ngồi bên cạnh. Rõ ràng hắn cũng có nỗi đau, nỗi niềm trắc ẩn gì đó nên dẫn ông đi đến đây hắn lại thôi. Ông giơ tay quyệt nước mắt đang ứa ra chảy xuống hai gò má nhăn nheo, thổn thức. Ông Pù không dám nghĩ thêm về cái chết của Vừ. Cả ngày Vừ bị đánh đập, bị nhịn đói, nhịn khát. Vừ chết lúc đang đói. Con ma nó cũng đói. Bỗng nhiên, máu trong người ông chạy dần dật dồn lên mặt. Ông chồm lên người Xá. Hắn đổ gục. Ông chộp lấy cổ hắn:

- Mày! Chúng mày... chúng mày đã diệt sạch nhà tao!

Hắn không chống cự. Người mềm nhũn, hai tay buông xuôi, chờ chết. Nhưng chính lúc ấy thì vòng ngón tay ông lại nới lỏng. Ông ngồi ệch sang bên thở hổn hển. Trời đất tối sầm trước mặt ông. Hắn từ từ ngồi dậy. Bất chợt, hắn khóc rống lên. Hắn nói liên hồi kỳ trận:

- Mày không biết đâu, Pù à! Những thằng khác bắn em mày, tao cũng bắn. Tao không ngắm đâu, đã chắc gì viên đạn của tao trúng đích. Em Vừ mày chết rồi, nhưng thằng chỉ huy mũi đỏ không cho bọn tao rút. Nó bắt tao và một tiểu đội mang súng tốt ở lại ẩn nấp phục mấy ngày chờ bắt người đến lấy xác Vừ. Pù ơi! Tao không nói dối đâu! Con cún Vàng của em Vừ mày chẳng chịu bỏ đi. Nó cứ lảng vảng quanh đó thỉnh thoảng lại sủa toáng lên. Trời thì nóng, nước uống thì thiếu, bọn lính chúng tao ngày ăn không ngon, đêm mất ngủ vì con Vàng quấy nhiễu. “Mẹ nó. Tao bắn”. Mày không biết đâu, Pù à! Tao kê súng nhằm con Vàng: Tòm... Tòm. Hai tiếng súng rơi chìm vào gió. Con Vàng đã chui mất hút vào lùm cây khác. Rồi nó lại sủa: Gâu... gâu... Tao cầm súng đuổi theo. Mải rượt, ngắm, bắn con Vàng nên tao đạp phải hòn đá cập kênh. Tao lăn hàng chục vòng xuống nương thuốc phiện thì gốc nứa tươi dân bản phạt nhọn để rào nương chọc trúng chim tao gần như đứt rời. Máu chảy lênh láng. Đồng bọn dứt cỏ dấu, nhai đắp vào rồi hò nhau khiêng tao về nhà thương Tuần Giáo chữa. Nhưng người tao hỏng luôn từ đó. Tao không phải đàn ông mà cũng chẳng ra đàn bà. Tao sống như người chết rồi.

*

* *

...Dạo ấy, ta sắp mở Chiến dịch Tây Bắc nên bọn địch ở Tuần Giáo đi càn vào Pú Nhung dễ như đàn bà đi chợ. Tây trắng, Tây đen ở đồn Phiêng Ty cũng kéo ra phục kích đón lõng người Mông tiếp tế cho Việt Minh.

Bọn trẻ con bản Pú Nhung thấy Vừ bỗng nhiên vắng mặt, không ở bản. Chúng kháo nhau: Vừ đã vào rừng. Vào rừng lâu chẳng về, bà Sùng không đi tìm con thì chỉ có theo Đội du kích của Sùng Phái Sinh thôi. Em Vừ nhỏ con, mười lăm tuổi bé chỉ bằng đứa mười ba. Vừ ít nói hơi dụt dè, nhưng nhảy lò cò giỏi, thổi khèn hay và ham đánh cù.

Đêm đêm, đội du kích mò về quấy nhiễu đồn Phiêng Ty. Súng kíp cũ kỹ hai nòng bắn tắc bọp, tắc bọp... rồi chạy. Cái cách đánh đấm cò con ấy cũng làm bọn Tây điên đầu mất ăn mất ngủ. Chúng nghi ngờ người Mông nuôi Việt Minh. Chúng sục vào từng nhà thu hết muối. Hết muối thì không đánh du kích cũng lả người, kiệt sức. Pù ở trong hang xanh xao, tay cầm khẩu súng còn run. Anh em khác ăn củ nâu thay cơm răng xỉn như nhuộm chàm. Địch lại cấm dân bản không được đi rừng. Đội du kích Tuần Giáo bị tách khỏi dân, như cá tách khỏi nước.

Bà Sùng sốt ruột, lo sợ. Hai đứa con trai mà liều mò về bản lấy muối thì bị bắn chết thôi! Bà lại đồ mèn mén gói lá chuối bỏ vào quẩy tấu, dấu một ít muối trong người. Sáng sớm, Pú Nhung chìm trong biển mây mù. Người người còn đang nằm co trong ổ cỏ Mùa xó khô thì bà lặng lẽ rời khỏi nhà. Dao quắm cầm tay, lưng gùi quẩy tấu như người đi nương sớm mang lương thực vào hang cho Đội du kích.

Chuyến đầu tiên trót lọt. Chuyến thứ hai không bị lộ. Chuyến thứ ba thì bà Sùng bị địch bắt ngay sau khi rời khỏi bản. Dẫn bà đến từng nhà người Mông, chúng bảo: “Chỉ cần mày nói tên một người tiếp tế cho Việt Minh là chúng tao tha ngay”. Bà Sùng lắc đầu. Người Mông là thế. Đã theo ai là theo đến cùng. Chúng dong bà đến chỗ đất trống ngoài bìa rừng. Thằng chỉ huy người Tây da trắng râu quai nón sai lính bắc chảo gang, nổi lửa. Hai thằng giữ tay, hai thằng giữ chân, một thằng cầm dao găm mổ bụng, moi gan bà Sùng.

Thằng Tây râu quai nón lại gọi thằng thông ngôn đến nói xì xồ, xì xồ. Lính khố đỏ người Thái người Mông nghệt mặt nghe, chẳng hiểu chi. Thằng thông ngôn mặt cũng đần ra rồi ồ lên một tiếng ra điều đã chợt hiểu:

- Thằng này. - Nó chỉ vào thằng Xá. Rồi lại chỉ tiếp. - Thằng này và thằng này nữa. Quan lớn bảo: chúng mày đem cái xác mụ Việt Minh người Mông to gan này đem chôn thật xa. Phi tang ngay, dấu thật kỹ, dân bản biết là chúng nó khiêng xác đến đồn bắt đền.

Thằng Xá run rẩy, lóng ngóng cầm tay bà Sùng kéo lên lại tuột. Một cái tát nảy đom đóm mắt làm Xá hết sợ, nó túm tóc bà Sùng kéo đi. Hai thằng kia cầm hai cái xẻng quân dụng bước theo...

Ba thằng vừa khuất khỏi lùm mây móc thì gió lặng. Cây lá im phăng phắc. Không khí nặng nề, ngột ngạt đến tức thở. Và đột nhiên, sét đánh sáng loà giữa trời quang mây tạnh. Chớp loằng ngoằng chói mắt. Quan lính địch thất kinh chạy toán loạn. Người Mông ở Pú Nhung thì ra hết ngoài sân đứng ngửa mặt nhìn trời. Họ biết sét chỉ đánh vào đỉnh núi Pú Nhung thôi. Lâu lắm rồi mới có sét đánh giữa ban ngày. Sét đánh giữa ban ngày là động rừng...

Quả nhiên, cháy rừng thật và cháy cả bản. Bọn Tây sau một hồi định thần bắt đầu phóng hoả. Thằng nào cũng cởi trần, da đỏ như gà chọi, khùng như trâu điên, huơ đuốc. Lửa đỏ rực, khói ngút trời xanh. Bọn Pháp đốt rừng, đốt cả bản Pú Nhung.

Bà Sùng hy sinh. Phong trào cách mạng ở Tuần Giáo tạm thời lắng xuống. Không khí nặng nề, tang tóc bao trùm xuống Pú Nhung. Nhưng ở các bản ngoại thị Tuần Giáo đã lác đác có thêm người vác dao quắm trốn nhà vào rừng. Bà Sùng hy sinh là mất một đầu mối liên lạc. Vừ phải làm thêm cả công việc của mẹ, làm cầu nối từ rừng Lim qua Pú Nhung ra tận Tuần Giáo. Vừ thường phải đi ban đêm, đi cắt rừng cùng con cún Vàng.

Vừ bị bắt khi đang trên đường từ Tuần Giáo về Pú Nhung. Bọn địch trói giật cánh khuỷu Vừ, nối thêm một đoạn dây gai cho thằng Xá dong đi như dong ngựa. “Mày muốn sống thì dẫn chúng tao đi tìm Việt Minh.” Vừ gật đầu nhận lời. Bọn lính súng ống lăm lăm, hí hửng bước theo. Vừ dẫn đi lòng vòng suốt cả ngày. Lên đèo. Xuống núi. Lội suối. Chui qua bụi mây gai. Lách qua đám lá han. Đến chỗ nọ không có Việt Minh lại dẫn đến chỗ kia. Con Vàng cứ lẩn quất theo sau, lúc chui trong bụi dậm, lúc len lén đi ngang ngang, cách một đoạn. Thằng Xá đã mấy lần gương súng định bắn thì con Vàng lại chui mất hút vào lùm cây. Nắng tháng sáu, quan quân địch đi cả ngày mệt, khát chẳng thấy bóng dáng Việt Minh đâu. Dụ dỗ ngon ngọt chẳng nghe, doạ nạt đánh đập mãi Vừ cũng không sợ. Trước sau, Vừ một mực không khai nơi ở của Đội du kích. Vừ hiền lành mà gan lỳ. Vừ khai ra thì cơ sở cách mạng Tuần Giáo vỡ ngay, đội du kích chỉ có vài khẩu súng kíp, còn lại là dao đi rừng và nỏ sẽ bị xoá sổ. Thất vọng và căm tức thằng bé ranh con 15 tuổi đánh lừa, chúng treo Vừ lên cây đào cổ thụ ở trên sườn núi Pú Nhung.

Hôm ấy, sét lại đánh vào đỉnh núi Pú Nhung. Chớp sáng thành dây dài nhằng nhằng giữa trời nắng nóng. Nhưng chỉ có một tiếng sét nổ ù tai...

Thời kỳ đó, ta đang chuẩn bị vào Chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Bọn địch càn quét, khủng bố dữ dội nhưng rất hoang mang. Không còn đường lùi nữa! Ôm súng trong rừng là chờ chết và sẽ chết thật. Bà Sùng và em Vừ hy sinh như tiếp thêm sức mạnh cho dân bản Pú Nhung, cho Đội du kích Tuần Giáo. Bộ đội dưới xuôi lên đông lắm cùng du kích bao vây đồn Phiêng Ty. Cái đồn Phiêng Ty bị nhổ phăng. Pú Nhung hết giặc, người người lũ lượt về bản. Thừa thắng, ta đánh tràn ra giải phóng luôn cả vùng ngoại thị Tuần Giáo và tiến dần lên Điện Biên.

*

* *

Đêm ấy, ông Pù không ngủ.

Ông đang trằn trọc vì chuyến đi tìm mộ mẹ lúc ban chiều lại dở dang thì Xá cho người gọi ông đến gặp hắn gấp. Lại chuyện gì nữa đây? Ông lẩm bẩm và khoác cái áo bộ đội cũ lên vai ra khỏi nhà. Chẳng lẽ hắn gọi ông đi một chuyến mới trong đêm tối đất tối trời?

Nhà hắn ở cuối bản, bé, thấp như cái chuồng bò. Hắn sống một mình. Đêm tối, hắn cứ vật vờ đi từ đầu bản về cuối bản đến tận khuya. Hắn lầm lì, ít nói, chẳng ai hiểu trong bụng hắn đang nghĩ gì. Nhưng có lúc, tự nhiên hắn khóc ời ời lên như cha chết, mẹ chết. Người ta bảo hắn lẩn thẩn. Có người bảo hắn điên.

Ông đến.

Hắn nằm ngửa trên cái chõng tre cũ bóng mồ môi. Người nhà hắn đến từ trước đang khêu ngọn đèn dầu trẩu to hơn. Lửa sáng xanh lè, chập chờn bóng người như ma trơi. Hắn thở khò khè, nặng nhọc. Hắn vẫy tay ra hiệu cho ông lại gần:

- Pù... ơi! Mày tha...a tội cho ta..o.

Tiếng hắn nhỏ dần. Có lẽ hắn về âm ty mất. Con chim sắp chết tiếng kêu thương, con người sắp chết lời nói thật. Ông hốt hoảng lo hắn chết. Hắn gồng mình, cố há miệng:

- Pù... ơi! Mộ mẹ mày... ở...ở...ở...

Ông vội lên nâng đầu hắn lên. Hắn hụt hơi, không nói được nữa. Nước mắt hắn ứa ra lăn xuống hai má xương xẩu, già nua. Hắn rùng mình ngắc một cái. Lưỡi cứng lại và đầu hắn nghẹo sang một bên.

Mắt ông nhoà mờ, nở bùng hoa cà hoa cải. Nhưng ông vẫn còn kịp nhìn thấy khuôn mặt hắn rạng ra. Mặt hắn không tối om như lúc ban chiều. S.N.M

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.