Xã hội

Tiếp tục đề nghị điều xe vào bến Nước Ngầm

10/04/2015, 10:28

Từ năm 2005 đến nay, bến xe này chưa bao giờ đạt được một nửa công suất thiết kế...

121

Bến xe Nước Ngầm - bến xe tư nhân đầu tiênở Hà Nội có nguy cơphá sản vì cách bố trí luồng tuyến bất hợp lý của Sở GTVT Hà Nội

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đề nghị giải quyết kiến nghị của Công ty CP Đầu tư Phát triển ngành nước và môi trường trong việc bố trí luồng tuyến vận tải hành khách về BX Nước Ngầm theo chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội trước đây.

Cần bố trí luồng tuyến phù hợp

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc xã hội hoá đầu tư khai thác bến xe khách là chủ trương lớn của Bộ GTVT nhằm đảm bảo giảm ngân sách Nhà nước trong đầu tư bến xe khách và nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động bến xe khách. Ngoài những cơ chế chính sách được Nhà nước ưu đãi với bến xe khách xã hội hoá thì điều quan trọng nhất là bố trí luồng tuyến phù hợp để các bến xe xã hội hoá khai thác có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, do TP Hà Nội chưa có quy hoạch cụ thể luồng tuyến vận tải hợp lý dẫn đến tình trạng bến xe quá tải, có bến chỉ khai thác 30-50% công suất. Theo các văn bản QPPL hiện hành, việc đăng ký khai thác tuyến vào các bến xe do các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đăng ký. Tuy nhiên, việc bố trí để DN, HTX vào khai thác tại bến xe nào lại do cơ quan quản lý tuyến xem xét bố trí trên cơ sở công suất thiết kế tại từng bến xe và đảm bảo TTATGT, nên nếu việc phân bổ luồng tuyến thiếu minh bạch, rất dễ dẫn đến cơ chế xin- cho, vì lợi ích nhóm.

Nhà đầu tư kêu cứu

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, BX Nước Ngầm thuộc Công ty CP đầu tư Phát triển ngành nước và môi trường là bến xe xã hội hoá đầu tiên được đầu tư bằng 100% vốn của công ty và đi vào hoạt động từ năm 2005. Từ đó đến nay, BX Nước Ngầm luôn quan tâm đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo ANTT, bảo vệ môi trường, được Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, các đơn vị vận tải và hành khách đi xe đánh giá cao. Tuy nhiên, suốt từ năm 2005 đến nay, bến xe này chưa bao giờ đạt được một nửa công suất thiết kế, trong khi các bến xe khác của Hà Nội đang quá tải.

Chỉ đạt 30% công suất thiết kế

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngày 27/3/2014, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 2162 cho phép BX Nước Ngầm được mở rộng diện tích từ 10.000m2 lên 17.800m2 với mục đích giảm tải cho BX Giáp Bát và BX Mỹ Đình theo định hướng, bố trí luồng tuyến theo hướng tuyến để đảm bảo giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. Sau khi mở rộng, BX Nước Ngầm có thể đảm bảo cho 600-800 lượt xe/ngày. Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội, cho đến nay, BX Nước Ngầm mới được bố trí gần 200 lượt xe/ngày, đạt 30% công suất thiết kế.

Trên cơ sở đó, ngày 27/12/2014, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 10187 giao Sở GTVT căn cứ vào khả năng đáp ứng của BX Nước Ngầm, xem xét điều chuyển một số tuyến vận tải khách tại các bến xe có lưu lượng khách lớn, quá tải như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên và các tuyến mới tăng thêm về BX Nước Ngầm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, khi triển khai thực hiện sẽ giảm áp lực cho các bến xe quá tải, đảm bảo TTATGT, khắc phục một phần ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, đồng thời tạo điều kiện cho việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư bến xe khách. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội sớm thực hiện nội dung Văn bản số 10187, đảm bảo ổn định trật tự GTVT trên địa bàn.

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc BX Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho biết: “Là nhà đầu tư, tin tưởng vào chủ trương xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư vào bến xe của TP Hà Nội và Bộ GTVT, chúng tôi đã đầu tư cả trăm tỷ đồng để đầu tư, hiện đại hóa BX Nước Ngầm, với mong muốn cùng chung tay phát triển ngành GTVT. Tuy nhiên, với cách quản lý luồng tuyến vận tải thiếu khoa học và minh bạch như hiện nay của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, nhà đầu tư không biết bao giờ mới thu hồi vốn đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.