Hàng không

Tiếp tục giảm phí, lệ phí, gỡ khó cho hàng không mùa Covid-19

28/06/2021, 10:45

Những giải pháp về thuế, phí, giá là "cứu cánh" để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không hoạt động trong bối cảnh Covid-19 đang phức tạp...

img

Các doanh nghiệp vận tải hàng không vẫn đang đối mặt với tình trạng khó khăn kéo dài do tác động chưa từng có của dịch Covid-19

Tiếp tục kéo dài thời hạn giảm nhiều loại thuế, phí

Thực hiện các Nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát để giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực hàng không, một số phí, lệ phí được giảm đáng kể. Cụ thể, phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay được giảm bằng 90% mức thu phí hiện hành.

Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay được giảm bằng 80% mức thu phí quy định.

Cùng đó, phí đăng ký giao dịch bảo đảm được giảm bằng 80% mức thu hiện hành. Việc giảm phí được áp dụng từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 cho các hãng hàng không với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Bộ Tài chính cần sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

“Bay được mới sống được”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay, những giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

"Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không, cả về thuế, phí, giá. Cục Hàng không VN cũng đã hỗ trợ tối đa để các DN có thể chuyển đổi, tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển đổi máy bay từ chở khách sang chở hàng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói và cho biết: "Diễn biến của dịch nằm ngoài dự báo. Mức độ trầm trọng của dịch cũng nằm ngoài dự tính".

Một chuyên gia hàng không phân tích, trong bối cảnh này, tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn, không riêng gì hàng không. Tuy nhiên, dễ nhận thấy các hãng hàng không đang quản lý, khai thác một tài sản khổng lồ. Chỉ một máy bay thân hẹp như A320, A321 đã có giá cả trăm triệu USD. Giá những tàu thân lớn thậm chí lên tới 200 - 300 triệu USD. Dịch xảy ra, có những thời điểm hoạt động hàng không gần như tê liệt, hầu như không có chuyến bay. Trong khi đó, chi phí khấu hao rất lớn, chi phí đi thuê rất lớn và chi phí để khai thác cũng rất lớn.

“Làm một phép tính đơn giản, một máy bay trị giá 300 triệu USD, khấu hao trong 15 năm, mỗi năm đã mất 20 triệu USD. Như đội bay của Vietnam Airlines, 20 tàu bay như thế thì riêng chi phí khấu hao đã nhiều đến mức nào?”, vị này nói và cho rằng: Giải pháp quan trọng nhất thời điểm này là phải có tiền để trang trải các chi phí bởi sức ép của các chủ nở rất lớn. Kế đó, phải tái cơ cấu được các khoản nợ; tái cơ cấu hoạt động để tiết giảm chi phí. Về lâu dài, thì phải bay được.

“Bay được mới sống được”, chuyên gia nói và cho rằng, với thị trường nội địa, chắc chắn với việc triển khai tiêm vaccine quyết liệt như hiện nay, thị trường nội địa sẽ ổn định, khôi phục rất nhanh và chắc chắn sẽ không còn những đợt sóng như thời gian qua nữa. Tuy nhiên, thị trường nội địa thôi cũng chưa đủ, mấu chốt vẫn phải nằm ở thị trường quốc tế.

“Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, thị trường quốc tế mang lại cho các hãng hàng không 65% doanh thu. Lợi nhuận chủ yếu cũn nằm ở thị trường này”, vị này nói và cho rằng cùng với chiến lược vaccine, phải từng bước mở lại được thị trường quốc tế, lựa chọn những thị trường trọng yếu của mình đang làm tốt công tác chống dịch, ưu tiên trước mắt cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Tiếp theo có thể tính đến các thị trường Úc, Châu Âu. Mở được thị trường quốc tế thì mới là cứu cánh lâu dài cho các hãng.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.