Quản lý

Tiếp tục khuyến khích đầu tư hạ tầng giao thông

13/04/2016, 06:52

Tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

1

Nguyên Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bàn giao chức vụ Bộ trưởng cho ông Trương Quang Nghĩa - Ảnh: Ngô Vinh

Hôm qua (12/4), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị giao ban quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2016. Tại hội nghị này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bàn giao chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT cho Ủy viên T.Ư Đảng Trương Quang Nghĩa - người vừa được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GTVT.

Khánh thành và khởi công 32 công trình

Báo cáo kết quả hoạt động của Bộ GTVT trong quý I/2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, hầu hết các mặt công tác cơ bản hoàn thành kế hoạch. Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ bằng công nghệ tự động không dừng. Hiện, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện 5 dự thảo văn bản QPPL và 3 đề án đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm được ban hành. Trong đó, có Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt. Đối với dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ đã tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện Dự thảo (lần 4) và Ban Cán sự đảng Bộ đã thảo luận, cho ý kiến.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, 3 tháng qua, Bộ GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác 23 công trình, dự án, khởi công 9 công trình, dự án, đồng thời cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đấu thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHK quốc tế Long Thành. Tổng số các nguồn vốn dự kiến giải ngân năm 2016 là hơn 66.545 tỷ đồng. Sau 3 tháng triển khai, kết quả giải ngân ước đạt 13.109,5 tỷ đồng, đạt 19,85% kế hoạch năm 2016.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II cũng được Bộ GTVT xác định như: Tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); Tăng cường triển khai kết nối các phương thức vận tải và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải; Tăng cường công tác bảo đảm ATGT tất cả các lĩnh vực; Tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, trong quý I, TNGT tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015; Giảm 866 vụ (-14,8%), giảm 152 người chết (-6,48%), giảm 969 người bị thương (-17,65%). Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng triển khai việc tuyên truyền thực hiện nhiều quy định mới về vận tải theo Nghị định số 86 và đối thoại, lấy ý kiến nhiều doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải.

2

Nhiều công trình được đưa vào khai thác trong quý I/2016 tiếp tục làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông (Hầm chui Thanh Xuân hoàn thành đã hạn chế ùn tắc giao thông tại nút giao này) - Ảnh: Lã Anh

Tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện thời gian qua được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đến nay tình trạng xe quá tải đã cơ bản được giải quyết. Kết quả từ ngày 1/4/2014 đến nay đã kiểm tra 1.278.054 xe, trong đó có 126.690 xe vi phạm. Tỷ lệ số xe vi phạm so với số xe được kiểm tra giảm dần: Năm 2014 là 14,4%, năm 2015 là 8%, năm 2016 còn 7%.

“Xe quá tải đã giảm mạnh, đến trên 90%. Hiện, chỉ còn dưới 10% xe quá tải, chủ yếu hoạt động tại các mỏ vật liệu, đường địa phương, xe cơi nới thành thùng đã được xử lý bảo đảm được kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Huyện nói.

* Tại Hội nghị sơ kết quý I Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao tặng Bộ GTVT bức tượng đồng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ tem mẫu mới về chủ quyền biển đảo. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bộ GTVT bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp sắp kỷ niệm ngày sinh của Người và Đảng ta đang tiếp tục triển khai, thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Cho biết lý do trao tặng Bộ GTVT mẫu tem mới về chủ quyền và hải đảo của đất nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, ngành GTVT luôn là một trong những ngành đi đầu quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới. Hơn nữa, việc ngành GTVT đẩy mạnh các hoạt động vận tải, quản lý vận tải trên lãnh hải cũng như không phận quốc gia là bằng chứng thể hiện rõ chủ quyền của đất nước. 

* Tại Hội nghị giao ban quý I, Bộ GTVT đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự phát triển GTVT Việt Nam cho các đồng chí: Nguyễn Kim Khoa, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh; Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam.

Về việc triển khai đề án thu phí không dừng trên toàn quốc, ông Huyện cho biết, theo quy hoạch, trên hệ thống quốc lộ và đường cao tốc có gần 100 trạm thu phí, trong đó QL1 có hơn 40 trạm. Để triển khai thu phí không dừng cho các trạm thu phí này, Tổng cục Đường bộ VN đã và đang thực hiện việc đảm bảo sự kết nối giữa 3 công nghệ thu phí không dừng để người sử dụng chỉ cần sử dụng một tài khoản (một thiết bị) để đi qua tất cả các trạm.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, giao thông TP HCM còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và cơ chế. “Một khó khăn khác là thiếu nguồn vốn. Thống kê giai đoạn 2011-2015, chương trình giảm ùn tắc giao thông thành phố huy động được khoảng 54.000 tỷ đồng, tính ra một năm được khoảng hơn chục nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 20% nhu cầu. Trong 5 năm tới, cần cơ chế huy động vốn như thế nào? Rất mong lãnh đạo Bộ hỗ trợ về cơ chế chính sách”, ông Cường đề xuất.

Về tiến độ các công trình hàng không trọng điểm, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, các dự án đang được thực hiện đúng kế hoạch. Sân bay Đà Nẵng sẽ nâng cấp xong để phục vụ APEC, Sân bay Cát Bi cố gắng đưa vào sử dụng đúng ngày 13/5 kỷ niệm giải phóng Hải Phòng. Sân bay Cam Ranh đang triển khai đường băng số 2. Về việc cấp phép các hãng hàng không, ông Thanh cho biết, thực chất các hãng vừa được cấp phép không phải hãng mới. Ngay như hãng VASCO từ trước tới nay vẫn khai thác trên một số tuyến bay nhưng sau khi cổ phần hóa, huy động thêm vốn, thực chất vẫn là hãng hàng không VASCO nhưng mang tên mới là SkyViet. Còn hãng Vietstar Airlines vẫn đang là nhà khai thác tàu bay và mở rộng vận chuyển khách nhưng tỷ trọng rất nhỏ.

Tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đánh giá rất cao đột phá của ngành GTVT trong việc kêu gọi các nhà đầu tư xã hội hoá nâng cấp các tuyến đường giúp nâng tốc độ xe và an toàn hơn. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần xem xét lại lộ trình tăng phí đường bộ BOT. Hiện nay, ở một số tuyến vận tải cụ thể, phí đường bộ đã cao hơn chi phí nhiên liệu, gây xáo trộn trong giá cước vận tải.

4

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng:

Khoảng thời gian ở Bộ GTVT rất ý nghĩa trong cuộc đời tôi

Phát biểu tại lễ bàn giao, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xúc động: “Tính đến hôm nay, tôi về công tác ở Bộ GTVT 4 năm, 8 tháng, 4 ngày. Quá trình đó đã được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều của cán bộ, nhân viên trong ngành. Đây là khoảng thời gian rất ý nghĩa và quan trọng trong cuộc đời công tác của tôi. Tôi được sống trong tập thể đoàn kết, nhất trí và giàu khát vọng vươn lên, luôn biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đề cao giá trị nhân văn, làm được nhiều việc Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Môi trường tập thể lãnh đạo thẳng thắn và chân thành”. 

Bàn giao chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT cho tân Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cũng gửi gắm sự tin tưởng và kỳ vọng vào sự bứt phá hơn nữa của toàn ngành GTVT. Ông đề nghị tân Bộ trưởng tiếp tục quan tâm tới hiệu quả đầu tư các dự án giao thông, kết nối giao thông vùng, xóa điểm nghẽn giao thông tại các đô thị lớn...

“Tôi tin Bộ trưởng Nghĩa với kinh nghiệm từ cơ sở, công tác qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng như: Tổng giám đốc Vinaconex, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư và giờ là Bộ trưởng Bộ GTVT, sẽ đủ năng lực, bản lĩnh để giữ được sự đoàn kết, nhất trí toàn ngành. Ngành GTVT sẽ phát triển với tốc độ bứt phá nhanh hơn nữa, xóa được điểm nghẽn về hạ tầng, nỗ lực cố gắng nhiều hơn để đất nước có một hệ thống giao thông hiện đại. Tôi hứa dù ở cương vị công tác mới nhưng sẽ tiếp tục sát cánh cùng ngành GTVT đi lên. Ngành GTVT là hậu phương lớn, là điểm tựa để tôi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới”, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chia sẻ và cảm ơn tập thể lãnh đạo Bộ, toàn thể cán bộ, công nhân viên trong toàn ngành GTVT. 

Bí thư Đinh La Thăng cũng đề nghị Bộ trưởng Nghĩa tiếp tục quan tâm đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là sửa đổi Luật Đường sắt và Đường bộ, sửa Nghị định 86. Bên cạnh đó là đầu tư kết cấu hạ tầng, quan tâm đến hiệu quả đầu tư, kết nối vùng miền, nhất là khu vực phía Nam, hiện việc kết nối giao thông cửa ngõ TP HCM đang rất bất cập. Để làm được điều này, đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm bố trí vốn đối ứng các dự án ODA hiện đang thiếu, nguy cơ bị các nhà thầu phạt do không có tiền thanh toán, từ đó dẫn đến việc chậm tiến độ, công trình sẽ bị đội vốn...

Bí thư Thăng cũng cho rằng, năm nay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đạt 30 triệu khách/năm, trong khi theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chỉ khoảng 25 triệu hành khách. Do vậy, cần nhanh chóng triển khai xây dựng sân bay Long Thành bằng cơ chế đột phá. Đối với Dự án đường sắt tốc độ cao, cần sớm chuẩn bị báo cáo Quốc hội, làm sao nhiệm kỳ này xin được chủ trương của Quốc hội để chuẩn bị các điều kiện triển khai. Đây là dự án quan trọng nhất trong thời gian tới của ngành GTVT.

Với dự án khoảng hơn 4.000 cầu dân sinh, Bí thư Thăng cho biết, hiện nay đã có nguồn vốn, cần sớm triển khai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm cải cách hành chính. Việc này mất ít tiền nhưng mang lại lợi ích lớn, cần tiếp tục cải cách làm sao cho ngành GTVT giữ được vị trí ngôi đầu về cải cách hành chính.

“Ngoài ra, tôi cho rằng, Bộ GTVT cần tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch thông tin, quan tâm đến công tác truyền thông. Việc này chúng ta đã làm tốt thì nay cần làm tốt hơn. Đừng ngại việc tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí”, Bí thư Đinh La Thăng chia sẻ.

5

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa: 

Giao thông luôn phải đi trước

Ngay sau phát biểu của người tiền nhiệm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng có bài phát biểu quan trọng:

“Tôi trân trọng cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao trọng trách là người đứng đầu ngành GTVT. Một ngành có vị trí quan trọng tác động đến sự phát triển KT-XH, đời sống hàng ngày của nhân dân. Tôi nhận thức sâu sắc rằng, đây là vinh dự lớn, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề được giao phó. Đó là kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được của ngành GTVT những năm qua, xây dựng phát triển hệ thống giao thông nước ta hiện đại, đồng bộ, thuận lợi, hiệu quả và an toàn. Hạ tầng giao thông góp phần bảo đảm thông suốt của nền kinh tế và giao thông luôn phải đi trước”.

Theo Bộ trưởng Nghĩa, tiếp quản nhiệm vụ mới với khối lượng công việc nhiều và thách thức lớn, nhiệm kỳ Bộ trưởng chỉ 5 năm là không dài nên khó có thể thực hiện được hết những gì mong muốn. Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự giúp đỡ và chia sẻ của các Bộ, ban, ngành và các địa phương cũng như cộng đồng trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ ngành GTVT để giúp cá nhân tôi và toàn ngành GTVT hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhân đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn đến nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng - người vừa có nhiệm kỳ thành công với cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, người lãnh đạo quyết đoán, sáng tạo và mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, luôn có mặt tại mọi điểm nóng của ngành suốt nhiệm kỳ qua để chỉ đạo, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu đề ra.

Từ nay, trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, cùng với lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, nhân viên ngành GTVT luôn lắng nghe, cầu thị và trân trọng những ý kiến đóng góp, tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới tư duy và phương pháp làm việc, quản lý, lãnh đạo, khắc phục những hạn chế và yếu kém để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, kế hoạch phát triển KT-XH 2016 - 2021; Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, ưu tiên các đoạn cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế lớn, đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hoàn thành đầu tư xây dựng các cảng biển cửa ngõ quốc tế, nâng cấp các cảng hàng không, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đảm bảo chất lượng các công trình giao thông, đảm bảo hiệu quả trong đầu tư; Hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; Tạo những thương hiệu mạnh cho ngành GTVT, phấn đấu để người dân tham gia giao thông an toàn hơn.

6

 

“Mức phí đường bộ ở Việt Nam thấp nhất khu vực”

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khi trao đổi với Báo Giao thông và các cơ quan báo chí bên lề Hội nghị sơ kết quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2016 vừa qua. Theo Thứ trưởng Trường, mức phí qua trạm ở Việt Nam hiện khá hợp lý và thấp nhất khu vực.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện trên nhiều tuyến đường đang dày đặc trạm thu phí BOT. Thứ trưởng có thể cho biết tình hình cụ thể và lộ trình tăng phí như thế nào?

Hiện nay, trên một tuyến đường, trạm thu phí được đặt cơ bản cách nhau 70 km, một số nơi là 60 - 70 km là do không có vị trí hợp lý để đặt trạm, nếu đặt lại rơi vào đô thị.

Tại TP HCM hay một số địa phương, Bộ GTVT đã thực hiện triệt để và đã tiến hành di dời một số trạm để phù hợp với quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để việc đặt trạm thu phí phù hợp hơn.Về lộ trình tăng phí BOT, trong quá trình xây dựng dự án BOT, Bộ GTVT cũng như Bộ Tài chính đã duyệt phương án tài chính, có lộ trình tăng phí theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như lộ trình hoàn vốn để đảm bảo lợi ích các bên. Các dự án này có quá trình chuẩn bị kỹ, có lộ trình rõ ràng. Trong quá trình xây dựng trạm thu phí giai đoạn 2011-2015, sau 3 năm sẽ xem xét tăng phí, nay đã đến giai đoạn các trạm tiến hành tăng phí theo lộ trình. Theo lộ trình cứ 3 năm một sẽ tính việc điều chỉnh phí theo mức độ trượt giá. Nên việc tăng giảm phí được điều chỉnh theo CPI bình quân của 3 năm. Giai đoạn từ năm 2010-2013, gần như không tăng, thậm chí năm 2010 có những trạm chỉ duy trì mức 10.000 đồng/lượt, sau đó phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường, rất công bằng. Thời gian qua, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc VN (VEC) đề xuất tăng phí tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình nhưng Bộ đã có văn bản chỉ đạo từ nay tới 30/6 chưa tăng phí, đề nghị tạm thời chưa thực hiện.

Thưa Thứ trưởng, vậy Bộ GTVT có tính đến việc mua lại trạm BOT hay không?

Hiện nay, ngân sách Nhà nước rất khó khăn nên phải kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư. Nhà nước sẽ thông qua thu phí của người dân để hoàn trả vốn đầu tư của doanh nghiệp. Nếu có tiền thì Nhà nước đầu tư luôn, chứ không mua lại làm gì. Xây dựng trạm thu phí là để dùng nguồn vốn xã hội đầu tư một lần, thu lại và hoàn vốn trong nhiều năm.

Trên thế giới cũng có một số nước đặt vấn đề mua lại các trạm thu phí nhưng đó là khi nền kinh tế phát triển, mức thu nhập trên đầu người đạt ngưỡng 15.000 USD/người/năm trở lên, còn Việt Nam hiện mới hơn 2.100 USD thì việc này rất khó.

Đầu tư các dự án BOT với số tiền lớn nhưng mức thu phí tại Việt Nam tính trên 1 km hiện đang thấp nhất khu vực Đông Nam Á và cũng thấp hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chẳng hạn mức tính phí trên 1 km đường đầu tư bằng hình thức BOT tại Trung Quốc khoảng 1 Nhân dân tệ/km (khoảng 3.300 đồng/km), tại các nước châu Âu khoảng 0,5 USD/km (tương đương khoảng hơn 10.000 đồng/km), còn tại Việt Nam mức trần mới là 2.000 đồng/km. Tuy nhiên, trước yêu cầu giảm phí hiện nay, Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Hiện, Bộ GTVT đang làm việc với Bộ Tài chính cũng như các nhà đầu tư để đưa ra một lộ trình thu phí phù hợp hơn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.