Quản lý

Tiết kiệm hơn 200 tỷ nhờ đấu thầu bảo trì qua mạng

08/02/2019, 06:09

Năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện đấu thầu qua mạng bảo dưỡng thường xuyên trên 24.000 km quốc lộ...

img
Việc đấu thầu bảo trì đường bộ qua mạng giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

Vượt chỉ tiêu đấu thầu qua mạng

Là một trong số những ngành đi tiên phong trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, 2018 là năm đầu tiên triển khai đấu thầu qua mạng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Tổng cục đã vượt các chỉ tiêu được giao trong lĩnh vực mới mẻ này.

Năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện đấu thầu qua mạng bảo dưỡng thường xuyên trên 24.000 km quốc lộ và trên 270 gói thầu sửa chữa định kỳ, số tiền tiết kiệm lên đến trên 200 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, năm 2019, Tổng cục sẽ tập trung đẩy mạnh áp dụng thiết bị, công nghệ mới vào quản lý, bảo trì đường bộ. Việc từng bước áp dụng thiết bị, công nghệ mới đã đem lại kết quả khả quan trong năm qua, giúp tăng hiệu quả, chất lượng công việc, giảm giá thành do tiết kiệm chi phí nhân công. Tổng cục Đường bộ VN đề nghị các cục quản lý đường bộ, các sở GTVT nghiên cứu áp dụng các thiết bị, công nghệ mới, loại bỏ phương pháp truyền thống để tăng cường chất lượng, tuổi thọ công trình.

Theo ông Điệp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo và các cục, sở GTVT hoàn thành tổ chức đấu thầu duy tu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ giai đoạn 2018-2020. Giá trị tiết kiệm do đấu thầu là trên 91 tỷ đồng. Như vậy từ nay đến hết 2020, các đơn vị chỉ tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát chất lượng quản lý bảo trì và nghiệm thu kết quả thực hiện mà không cần thực hiện lựa chọn nhà thầu.

Đối với các dự án sửa chữa định kỳ, sau khi có kế hoạch vốn, thực hiện theo Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đấu thầu qua mạng và chỉ đạo của Bộ GTVT về việc nâng cao tính minh bạch trong đấu thầu, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị áp dụng đấu thầu qua mạng trên 50% số gói thầu sửa chữa định kỳ quy mô nhỏ, tương đương khoảng 40% về giá trị các gói thầu. Toàn bộ chi phí tiết kiệm đấu thầu sửa chữa định kỳ năm 2018 đạt trên 112 tỷ đồng. “Năm 2018, Bộ GTVT yêu cầu đấu thầu 30% số gói thầu quy mô nhỏ nhưng Tổng cục đã chỉ đạo hầu hết các đơn vị lần đầu tiên triển khai đấu thầu qua mạng, với trên 50% tổng số gói thầu sửa chữa và trên 40% tổng chi phí đã thực hiện đấu thầu qua mạng, vượt chỉ tiêu Bộ GTVT. Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị đấu thầu trên 50% tổng số gói thầu kể cả quy mô nhỏ và không quy mô nhỏ. Tổng số tiền tiết kiệm đạt trên 200 tỷ đồng”, ông Điệp cho biết.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có chủ trương thực hiện đấu thầu qua mạng 100% gói thầu quy mô nhỏ. “Việc thực hiện đấu thầu qua mạng sẽ đạt bước tiến lớn về tính công khai, minh bạch, khắc chế triệt để tình trạng quân xanh, quân đỏ, từ đó mở rộng cơ hội tham gia đấu thầu bảo trì đường bộ cho nhiều nhà thầu có năng lực thực sự về tài chính, kinh nghiệm”, ông Huyện nói và cho biết, 2 điểm mới khác của đợt đấu thầu lần này là: hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên dài hạn tới 3 năm và theo mục tiêu chất lượng thực hiện, nghĩa là không theo mục tiêu khối lượng như trước.

Bảo trì đường bộ vẫn còn nhiều thách thức

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống quốc lộ bao gồm 154 tuyến với tổng chiều dài trên 24.000 km. Ông Lê Hồng Điệp cho biết, năm 2018, Tổng cục được giao vốn kế hoạch bảo trì đường bộ hơn 8.300 tỷ đồng. Đến nay, công tác giải ngân đều đạt 100% nguồn kinh phí được cấp. Tuy nhiên, theo ông Điệp, tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống quốc lộ vẫn có gần 11.000 km đã quá thời hạn trung tu, trên 5.000 km đã quá thời hạn đại tu do không có vốn đầu tư nhưng vẫn phải tiến hành sửa chữa cục bộ, sửa chữa một số đoạn hư hỏng nặng theo kế hoạch bảo trì hàng năm, dẫn đến nguồn vốn dành cho công tác bảo trì mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu lại càng thiếu thêm.

“Năm 2019, Tổng cục sẽ tập trung hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đường bộ do Bộ GTVT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập trung hoàn thiện Đề án về vốn bảo trì đến năm 2030 để giải quyết khó khăn về nguồn vốn bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tăng cường giám sát kiểm tra quản lý chặt chẽ về khối lượng, chất lượng bảo trì”, ông Huyện cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.