Thời sự

Tiết lộ cuộc điện thoại cáo buộc Nixon phản quốc vì chiến tranh VN

01/05/2016, 07:08

Tham vọng chính trị và phản quốc là những ngôn từ được dư luận Mỹ dùng khi nói đến Richard Nixon...

7
Nixon (trái) và Kissinger  

Tham vọng chính trị và phản quốc là những ngôn từ được dư luận Mỹ dùng khi nói đến Richard Nixon, Tổng thống thứ 37 của Mỹ, nhân vật phải từ chức giữa nhiệm kỳ năm 1974, trong đó có việc lừa người tiền nhiệm để thắng cử và âm mưu kéo dài chiến tranh ở Việt Nam.

Vờ kết thúc chiến tranh để chiến thắng bầu cử?

Ngày 27/1/2016, kỷ niệm 43 năm ngày ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến Mỹ, Việt Nam DCCH, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa (Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu), báo chí Mỹ đã đồng loạt đưa tin nói về sự kiện trọng đại này.

Theo Richard Stockton, tác giả nghiên cứu mang tên Curiosity, History, Politics, United States, Vietnam, and War (Sự tò mò, Lịch sử, Chính trị, Mỹ, Việt Nam, và Chiến tranh) thì vào ngày này cách đây 43 năm, đại diện của Mỹ, miền Bắc và miền Nam Việt Nam đạt được thỏa thuận cuối cùng về chấm dứt chiến tranh. Miền  Bắc và Nam Việt Nam ngừng bắn, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam sau hai năm khi Mỹ chấm dứt can thiệp, chế độ ngụy quyền miền Nam đã sụp đổ.

Trong các cuộc đàm phán hòa bình khởi xướng mùa hè năm 1968, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, Henry Kissinger cùng với ứng cử viên Tổng thống Richard Nixon được xem là cặp đôi ăn ý, làm việc rất bí mật, sử dụng thông tin mật và các kênh thông tin không ai biết, làm suy yếu những nỗ lực của tổng thống đương nhiệm Johnson nhằm kết thúc chiến tranh, phục vụ cho mục đích chính trị tạm thời, giúp Nixon nhanh chóng trở thành ông chủ của Nhà Trắng trong cuộc đua đang diễn ra nước rút.

Trên cương vị Tổng thống, Johnson duy trì cuộc đàm phán khởi đầu đầy hứa hẹn nhưng sau đó liên tục bị gián đoạn. Năm 1968, chiến tranh trở nên ác liệt, thái độ đàm phán của Mỹ được Hà Nội đánh giá là tích cực, nhưng chính quyền Sài Gòn lại tỏ ra lo lắng. Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu lo ngại Washington quá vội vàng, dẫn đến việc  bỏ rơi, để Sài Gòn tự đương đầu với Bắc Việt.

Trong giai đoạn này, các nhà ngoại giao Mỹ đã phải đi lại như con thoi để trấn an Thiệu. Điều này cho thấy, sẽ không có hòa bình ở Việt Nam nếu chính quyền Sài Gòn không đồng ý với các điều khoản của hiệp định.

Các dấu hiệu cản trở đầu tiên trong vòng đàm phán hòa bình ở Việt Nam chính là phái đoàn của Thiệu từ chối nhượng bộ đối với miền Bắc. Ngoài ra, chính quyền Sài Gòn bắt đầu có những động thái mới bí mật và bất hợp tác với Mỹ. Bằng chứng, Thiệu đã từ chối thảo luận với phái viên của Johnson, làm cho cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.

8

Một phần Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại Washington DC 

Sự phản bội hay phản quốc?

Lúc đầu, Tổng thống Johnson bối rối bởi sự thay đổi quá đột ngột của chính quyền Sài Gòn, đỉnh điểm bằng việc tẩy chay các cuộc đàm phán ở hội nghị. Đến cuối tháng 10, Johnson lại nhận được nguồn tin khác từ trung tâm tài chính Phố Wall, đặc biệt là từ Andrew Sachs, người đang đầu tư vào thị trường tài chính với nguồn tin về kế hoạch bí mật của Nixon sẽ “đâm ngang” đàm phán. Johnson ra lệnh cho FBI tiến hành điều tra  tức thì, kể cả việc khai thác điện thoại một số nhân vật chủ chốt. Kết quả, phát hiện Nixon đang ngấm ngầm chống lưng cho Thiệu bằng lời hứa sẽ nhận được khoản viện trợ “tốt hơn” nếu Nixon thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Tài liệu được giải mã, bao gồm băng ghi âm nghe lén, tạo ra một bức tranh tổng thể chuỗi dài các âm mưu. Nó được thực hiện từ Paris, nơi Henry Kissinger trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán hàng ngày, để Nixon và phó tổng thống tương lai Spiro Agnew lên kế hoạch. Tin tức được cặp đôi chuyển tiếp cho chuyên gia vận động hành lang tại Trung Quốc, Chennault thông báo cho Đại sứ Sài Gòn biết về những gì chính quyền Johnson đang thực hiện để bỏ rơi chính quyền Sài Gòn. Rõ ràng, trong vụ này có rất nhiều người tham gia và khi biết việc, quá tức giận, Tổng thống Johnson đã gọi điện cho Chủ tịch Thượng viện Everett Dirksen (nhưng cuộc gọi này cũng bị nghe lén) than phiền hành động chơi bẩn mà Nixon chủ mưu và coi đây là tội phản quốc. Tuy nhiên khi phản ứng, Dirksen đã trả lời “Tôi biết chuyện”.

Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với Dirksen, Johnson dọa sẽ công khai mọi vấn đề để dư luận biết nhưng Dirksen đã xoa dịu tổng thống bằng cách hứa gọi Nixon và tiến hành “xử lý”  vấn đề. Chiều hôm sau, tức ngày 3/11/1968, Nixon gọi điện trực tiếp cho Johnson với nỗ lực biến Johnson không còn là mối đe dọa nữa, Nixon quả đã chơi một cú sốc “vô tiền khoáng hậu”, nội dung cuộc điện thoại này được tóm tắt như sau: “Lạy Chúa, tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì để khuyến khích ... Sài Gòn không nên đến bàn đàm phán... Thề có Chúa, chúng ta muốn họ đến Paris, chúng ta cần đưa họ đến Paris hoặc nếu không chúng ta sẽ không có hòa bình... Cuộc chiến hiện nay dường như sắp đến đoạn kết. Càng nhanh càng tốt nhằm mang lại tiếng tăm chính trị, ông hãy tin tôi đi”.

Một lần nữa, Johnson đã “ngậm bồ hòn làm ngọt”, giữ bí mật thông tin này. Hai ngày sau khi có cuộc điện thoại khó chịu nói trên, Richard Nixon đã giành một chiến thắng ngoạn mục tại Humphrey, nhưng sự thật những gì xảy ra giữa Johnson và Nixon chỉ có FBI là biết rõ nhất.

Điều gì xảy ra khi Nixon lên nắm quyền?

Sau cuộc bầu cử, chính quyền Nixon theo đuổi một chính sách Việt Nam vô cùng nguy hiểm. Vừa đàm phán, vừa đánh nhau, đặc biệt là leo thang ném bom miền Bắc Việt Nam và sang cả Lào lẫn Campuchia. Henry Kissinger được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia và sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao, giám sát việc mở rộng bí mật của cuộc chiến tranh sang Lào và Campuchia, cũng như chiến dịch ném bom bí mật vùng Đông Dương. Ngoài ra Mỹ còn cho xây dựng đường dây điện thoại từ Văn phòng của Kissinger ở Washington với Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Phnom Penh. Đây là hành động dẫn đến việc trỗi dậy của Khmer Đỏ vào năm 1975 và nạn đói sau đó đã cướp đi hàng triệu sinh mệnh người dân Campuchia.

Chính sách Việt Nam của của Kissinger kết thúc năm 1975, làm cho các nhà ngoại giao Mỹ phải bám vào càng trực thăng sơ tán khỏi tòa đại sứ tại Sài Gòn nếu không sẽ bị tiêu diệt bởi chính quân Ngụy Sài Gòn vì họ bị phản bội.

Lịch sử được hoàn thành sứ mệnh và những người đứng đầu trong bộ máy chiến tranh của Mỹ như Tổng thống Johnson, Nixon, Spiro Agnew và Nguyễn Văn Thiệu nay đã chết. Riêng bà Anna Chennault hiện đã bước vào tuổi 90. Chennault là nữ nhà báo, nhà văn Mỹ gốc Hoa, tin vào lời Nixon làm thuyết khách thuyết phục chính quyền Sài Gòn tẩy chay Hội nghị Paris, chờ đợi Nixon lên giải quyết cuộc chiến có lợi cho Sài Gòn. Chennault là tác giả của nhiều cuốn sách, cũng là người bị lừa và phải mang tiếng nhiều nhất bởi quá tin vào lời hứa của Nixon.

Theo Allthatisinteresting/Wikimedia Commons - 4/2016

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.