Thế giới

Tiết lộ động trời từ hộp đen máy bay rơi ở Pháp

27/03/2015, 07:35

Hôm qua (26/3), nhiều tờ báo lớn BBC, Telegraph dẫn lời công tố viên Brice Robin nghi ngờ Phi công phụ Andreas Lubitz

111

Một mảnh vỡ lớn của máy bay gặp nạn tại Pháp

Phi công phụ tự tử?

Theo ông Robin, thông tin trích xuất từ hộp đen cho thấy, phi công phụ ở một mình trong buồng lái, khóa trái cửa và cố tình nhấn nút giảm độ cao máy bay. Nhân viên kiểm soát không lưu nhiều lần liên lạc với máy bay nhưng không thành công. Ngoài ra, trong 8 phút kể từ khi máy bay bị giảm độ cao và rơi xuống, buồng lái lúc đó hoàn toàn không có tiếng trao đổi, chỉ có tiếng cơ trưởng đập cửa bên ngoài và tiếng la hét của hành khách trong những giây cuối cùng khi máy bay lao xuống. Trước những thông tin mới này, Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt rất sốc. Đồng thời, ông xác nhận, khả năng cao máy bay bị đối tượng nào đó cố tình đánh rơi.

Các nhà điều tra cho biết thêm rằng, họ không phát hiện sự liên hệ của phi công phụ với các phần tử cực đoan/khủng bố.

Tại cuộc họp báo khẩn, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Lufthansa - ông Carsten Spohr quá bất ngờ với những thông tin về phi công phụ: “Tôi chỉ biết nói rằng, chúng tôi rất sốc. Tôi không thể tưởng tượng tình hình lại chuyển biến xấu như vậy. Một lần nữa tôi khẳng định, cả hai phi công đều do Lufthansa đào tạo,  vượt qua tất cả các bài kiểm tra. Phi công phụ hoàn toàn đủ điều kiện để được bay. Lâu nay, chúng tôi luôn tự hào về tiêu chí chọn lựa phi công. Chính vì vậy, trước những thông tin trên chúng tôi càng cảm thấy sốc hơn.  Đây là sự việc kinh khủng nhất xảy ra đối với hãng hàng không. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hoàn toàn đặt niềm tin vào đội ngũ phi công và các đồng nghiệp của mình”.

Trước nghi ngờ của ông Robin, rất nhiều bạn bè thân quen của phi công phụ đã thể hiện bức xúc. Nhiều thành viên trong câu lạc bộ phi công của Lubitz tại Montabaur (Đức) bức xúc nói: “Anh Lubitz luôn hài lòng với công việc tại Germanwings và anh đang làm rất tốt”. Chủ tịch CLB này - ông Klaus Radke phản đối nhận định của công tố viên: “Tôi chưa từng thấy ai đưa ra kết luận vội vàng như vậy trước khi cuộc điều tra hoàn tất”.

Andreas Lubitz sống cùng bố mẹ tại thị trấn Montabaur, vùng Rhineland-Palatinate, miền Tây nước Đức, nuôi ước mơ được làm phi công từ khi còn nhỏ. Với bạn bè, Lubitz được biết là một người trầm tính nhưng thân thiện. Anh thường xuyên tham gia trong các hoạt động chạy bộ ở địa phương. Anh Johannesburg Rossbach, 23 tuổi, sống cạnh nhà Lubitz, cho biết, anh thường xuyên bắt gặp Lubitz chạy bộ. Lubitz rất lịch sự, mỗi lần gặp nhau, Lubitz luôn chào hỏi, không có gì bất thường. Thậm chí, người hàng xóm này không biết Lubitz là phi công cho đến khi mới nghe thông tin gần đây.

Mẹ bạn học của Lubitz cho biết,  Lubitz từng kể với con gái bà rằng anh phải tạm dừng khóa học đào tạo phi công vì trầm cảm. “Có lẽ, lúc đó Lubitz bị kiệt sức và sinh ra trầm cảm” - người phụ nữ này nói. Tuy nhiên, con gái bà cho biết, khi gặp Lubitz trước Giáng sinh năm ngoái, Phi công phụ đã trở lại bình thường. 

Tháng 9/2013, Cục Hàng không liên bang Đức (FAA) công nhận Andreas Lubitz là một phi công uy tín, khi đạt hoặc vượt các tiêu chí về sức khỏe, bằng cấp và kiến thức do FAA đề ra.

112

Phi công phụ Andreas Lubitz đang bị nghi ngờ gây nên vụ tai nạn thảm khốc khiến 150 người thiệt mạng

Nhiều phi hành đoàn sợ... bay

Hai ngày kể từ sau khi xảy ra vụ tai nạn (ngày 24/3, làm 150 người thiệt mạng, trong đó có 144 hành khách, 6 thành viên phi hành đoàn), Hãng Germanwings liên tiếp phải hủy nhiều chuyến bay xuất phát từ sân bay Cologne vì phi hành đoàn xin nghỉ phép với “lý do cá nhân”. Giám đốc điều hành Lufthansa - ông Carsten Spohr cho biết, ông “thông cảm với tâm trạng của các thành viên phi hành đoàn. Họ đang phải đối mặt với khó khăn khi biết đồng nghiệp của mình tử nạn trong vụ tai nạn thảm khốc. Điều cần thiết lúc này là hỗ trợ họ ổn định tâm lý và cho phép họ trở lại làm việc ngay khi sẵn sàng”.

Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, các thành viên phi hành đoàn không dám bay vì tâm lý lo mất an toàn. Trước một ngày xảy ra tai nạn, máy bay 4U 9525 phải hạ cánh xuống sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) để sửa chữa một số lỗi kỹ thuật. Lufthansa cũng xác nhận điều đó; tuy nhiên sự cố này không ảnh hưởng đến an toàn bay. Chúng tôi chỉ đơn thuần khắc phục vấn đề tiếng ồn, người phát ngôn Germanwings nói.

Tờ Westdeutsche Allgemeine Zeitung (Đức) trích lời một phi công Germanwings cho biết, lâu nay, phi hành đoàn vốn e ngại phải bay trên chiếc máy bay gặp nạn vừa qua vì nó khá cũ kỹ (24 tuổi) và thường gặp phải sự cố kỹ thuật và đây là “một trong những chiếc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp nhiều nhất”.

* Việc nhân viên thi nhau nghỉ phép sau vụ tai nạn lần này khiến Hãng hàng không Lufthansa tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng thiếu phi công, tiếp viên. Mới ngày 18/3 vừa qua, chỉ một nửa trong số 1.400 chuyến bay nội địa, trong khu vực châu Âu, hạ cánh và xuất phát từ sân bay Frankfurt và Munich được thực hiện, ảnh hưởng tới 80 nghìn hành khách vì phi công biểu tình phản đối chính sách lương hưu. Mâu thuẫn giữa Hãng Lufthansa và phi công xoay quanh việc hãng này định bỏ chế độ cho phép phi công nghỉ hưu lúc 55 tuổi và được nhận 60% tiền lương tới khi đến tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi. Các phi công cho rằng, mục đích của Lufthansa nhằm tiết kiệm chi phí, lấy tiền đầu tư vào các hoạt động hàng không giá rẻ trong bối cảnh thị trường này đang cạnh tranh khốc liệt.

* Chiếc máy bay Airbus A320 số hiệu 4U 9525 của Hãng Germanwings được mua bảo hiểm ở hai hãng Allianz và AIG. Mức bảo hiểm khoảng từ 6 đến 7 triệu USD. Allianz cũng là nhà bảo hiểm cho các máy bay mang số hiệu MH370 (bị mất tích hồi tháng 3/2014), MH17 (bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine hồi tháng 7/2014) đều của Malaysia Airlines và QZ8501 (bị rơi trên biển Java hồi tháng 12/2014) của Air Asia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.