Chính trị

Tiêu chuẩn chọn lãnh đạo chủ chốt có nhiều điểm mới

12/02/2020, 18:59

Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có một số điểm mới so với quy định cũ.

img
Ông Nguyễn Đức Hà, thành viên tham gia Tổ biên tập soạn thảo Quy định 214

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

4 điểm mới đánh giá cán bộ

Trao đổi về Quy định 214, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ biên tập tham gia soạn thảo Quy định 214) cho biết, Quy định 214 là văn bản pháp lý cao của Đảng để làm cơ sở cho nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Ông Hà cho biết so với Quy định 90 trước đây, Quy định 214 có một số điểm mới. Thứ nhất là việc bổ sung đầy đủ các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý.

Quy định 90 được Bộ Chính trị ban hành năm 2017 khá đầy đủ nhưng vẫn thiếu một số chức danh lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý, do vậy quy định lần này đã bổ sung đầy đủ hơn. Ví dụ bổ sung tiêu chuẩn của một số chức danh cấp phó như phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, phó chánh án TAND tối cao…

Thứ hai, Quy định 214 đã điều chỉnh, sửa đổi một số tiêu chí, tiêu chuẩn đối với một số chức danh. Ví dụ, Quy định 90 yêu cầu tất cả cán bộ diện Trung ương quản lý đều phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nay được điều chỉnh là “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên”, nghĩa là hoàn thành tốt, hoặc xuất sắc.

Thứ ba, trước đây tiêu chuẩn chức danh Phó Chủ tịch nước quy định chưa rõ và cụ thể, lần này được bổ sung thêm một số tiêu chí nữa để có tiêu chuẩn tương đương chức danh Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Theo ông Hà, ba chức danh này đòi hỏi tương đương nhau.

Thứ tư, liên quan đến việc điều động, luân chuyển cán bộ. Trước đây, quy định tiêu chuẩn lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh phải có điều kiện là kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp, nghĩa là muốn làm cán bộ chủ chốt cấp tỉnh phải từng là cán bộ chủ chốt cấp huyện.

Nhưng thực tế có trường hợp Trung ương điều động, luân chuyển một số lãnh đạo Trung ương như Thứ trưởng về làm Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch tỉnh. Những cán bộ này chưa bao giờ kinh qua chức Bí thư, Chủ tịch huyện.

Vì vậy, nếu quy định cứng như trước đây thì rất khó trong điều động, luân chuyển cán bộ Trung ương về nên cần điều chỉnh.

Linh hoạt hơn, phù hợp với thực tiễn

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Hà, Quy định 214 của Bộ Chính trị có đặt ra trường hợp đặc thù đã có trong thực tiễn.

Ví dụ, nếu đang giữ chức vụ này mà chuyển sang chức vụ tương đương thì không nhất thiết phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh tương đương. Cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ này, giao kiêm thêm chức vụ khác thì không nhất thiết đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của chức danh kiêm nhiệm.

“Quy định của Bộ Chính trị lần này thể hiện khá đầy đủ, chi tiết, cụ thể cả tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá đối với các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý”, ông Hà nhấn mạnh.

Theo ông, tiêu chí đánh giá cán bộ cũng đã cụ thể về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực trình độ chuyên môn và năng lực công tác, tiêu chuẩn sức khoẻ, độ tuổi… Đây là cơ sở để tới đây phục vụ công tác nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ.

Quy định 214 điều chỉnh tiêu chuẩn của cán bộ chủ chốt là “hoàn thành tốt nhiệm vụ” thay vì phải “hoàn thành xuất sắc”, ông Hà cho rằng việc này nhằm thống nhất với Quy định 132 của Bộ Chính trị về đánh giá cán bộ hàng năm.

Theo đó, Bộ Chính trị quy định số cán bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không được quá 20% số hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ông Hà phân tích, thực tế có nhiều lãnh đạo khiêm tốn, gương mẫu, không bao giờ tự nhận mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà chỉ là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như vậy, các lãnh đạo khiêm tốn, gương mẫu nhường ‘suất’ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho anh em cấp dưới thì họ sẽ thiệt thòi. Do vậy, Quy định 214 điều chỉnh lại nội dung này theo hướng các cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Quy định 214 cũng bổ sung tiêu chuẩn với các chức danh cán bộ chủ chốt phải là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức.

Các chức danh cán bộ chủ chốt ở Trung ương gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư. Ngoài những yêu cầu, tiêu chuẩn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì các chức danh chủ chốt phải đảm bảo một số yêu cầu khác. Ví dụ, Tổng Bí thư phải có hiểu biết về lý luận sâu sắc; Thủ tướng phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; Chủ tịch Quốc hội phải quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng luật, thực hiện luật, kiểm tra, giám sát...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.