Bạn cần biết

Tiêu sợi huyết cứu tinh của bệnh nhân đột quỵ

14/11/2018, 08:34

Với phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết kịp thời, tỷ lệ cứu chữa thành công các ca đột quỵ do nhồi máu não...

15

Nhiều bệnh nhân đột quỵ đã hồi phục nhờ tiêu sợi huyết

Phục hồi không ngờ

Bà Trần Thị H. (51 tuổi, trú tại Hoành Bồ, Quảng Ninh) vẫn nhớ như in ngày bà được gia đình cho nhập viện cấp cứu “thập tử nhất sinh” sau cú ngã đột ngột trong nhà tắm. “Hôm ấy, tôi đang trong phòng tắm thì đột nhiên tối sầm mắt lại, ngã quỵ, chân tay đột nhiên tê buốt, không thể cử động người bên trái và cấm khẩu”, bà H. kể. Khi phát hiện sự việc, gia đình hoảng hốt đưa bà H. vào Bệnh viện Bãi Cháy và được các bác sĩ chẩn đoán nhồi máu não. Tại đây, với triệu chứng lâm sàng cùng cùng kết quả chụp CT không thấy tổn thương do xuất huyết não, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV Bãi Cháy đã chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho bà H. Ngay khi tiêm thuốc vài giờ đồng hồ, cơ lực của bà H. đã cải thiện, sau 3 ngày, gần như hồi phục sức khỏe hoàn toàn, không còn bị liệt người trái, có thể sinh hoạt, nói chuyện bình thường. “Chính tôi và gia đình cũng bất ngờ trước sự phục hồi kỳ diệu đó”, bà H. chia sẻ.

"Việc áp dụng điều trị tiêu sợi huyết đòi hỏi các bác sĩ phải đánh giá chuẩn xác tình trạng bệnh nhân và chạy đua với thời gian càng sớm càng tốt. Tùy theo cân nặng của người bệnh, thông thường một bệnh nhân điều trị từ 1 - 2 lọ thuốc với giá 10 triệu đồng/lọ. Thuốc tiêu sợi huyết nằm trong danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế”.

BS. Trịnh Kim Giang
Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Bạch Mai

Theo BS. Nguyễn Ngọc Tuyền, Khoa Hồi sức tích cực, BV Bãi Cháy, với các ca nhồi máu não như trường hợp của bà H. trước đây khi chưa có phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân có thể tử vong hoặc phải chịu di chứng nặng nề như liệt nửa người, nói ngọng, méo mồm… Nếu may mắn sóng sót, gây khó khăn cho sinh hoạt, lao động thường ngày, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, kỹ thuật dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch khi được sử dụng kịp thời sẽ làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não, giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch và khỏe lại nhanh chóng.

BS. Trịnh Kim Giang, Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Bạch Mai, đơn vị đi đầu trong thực hiện cũng như chuyển giao phương pháp dùng tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ não cho các bệnh viện tuyến cơ sở khẳng định: Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là sự tiến bộ của y học thế giới trong việc cứu chữa bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não, tỉ lệ thành công lên tới 70%. Điều này giúp hạn chế được những di chứng nặng nề như liệt nửa người, tàn tật khó đi lại, thậm chí tử vong... so với những phương pháp cũ. “Cơ hội được tiếp cận, được cứu sống của bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não tăng lên. Bằng phương pháp này ở tuyến cơ sở, mỗi năm hàng nghìn ca bệnh đột quỵ do nhồi máu não được điều trị kịp thời, do không mất thời gian chuyển lên tuyến trên. Do đó, hạn chế tối đa các di chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hệ vận động, giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường”, BS. Giang cho hay.

Cần lưu ý thời gian “vàng”

Theo BS. Giang, với mô hình bệnh tật trong thế giới hiện đại đang ngày càng diễn biến phức tạp, bệnh không lây nhiễm đang dần chiếm ưu thế. Đột quỵ não là nguyên nhân đứng hàng thứ nhất gây tàn tật ở người trưởng thành. Trước đây, gần như 100% bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não tử vong rất đột ngột, nếu sống được đều bị di chứng nặng nề do thiếu kỹ thuật, thuốc điều trị và phát hiện các triệu chứng khởi phát chậm nên đến bệnh viện muộn, làm mất cơ hội “thời gian vàng” trong điều trị can thiệp giảm thiểu tác hại. Hiện, y học đã có bước đột phá mới khi làm tái thông động mạch máu não bị tắc bằng phương pháp bơm thuốc tiêu sợi huyết qua đường tĩnh mạch và  động mạch. Cao hơn nữa là kỹ thuật lấy cục máu đông làm tắc động mạch não ra, nhằm khắc phục tình trạng tắc nghẽn mạch máu ở não khi cơn đột quỵ mới xuất hiện.

Tuy vậy BS. Giang cũng nhấn mạnh, “thời gian” là “chìa khóa” quyết định thành công bởi thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch alteplase có tác dụng tối ưu với bệnh nhân nhồi máu cấp tính trước 3,5 giờ; thậm chí, 4,5 giờ với một vài trường hợp tính từ lúc khởi phát triệu chứng. Chính vì vậy, việc phát hiện kịp thời các dấu hiệu đột quỵ nhồi máu não như đau đầu, nôn, méo miệng, yếu liệt tay chân, ngôn ngữ bất thường, rối loạn ý thức… là vô cùng cần thiết. “Cần lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế nếu có dấu hiệu của đột quỵ để được điều trị hiệu quả bằng phương pháp tiêu sợi huyết trong thời gian ngắn nhất”, bà Giang khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.