Thị trường

Tiêu thụ liên tiếp lập đỉnh, làm sao "giải cơn khát" điện mùa cao điểm?

12/07/2022, 17:03

Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố về điện do nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm...

Nguy cơ thiếu điện cận kề

Báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong tháng 6/2022, nắng nóng diễn ra tại cả 3 miền nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.

Công suất đỉnh của toàn quốc cũng lên kỷ lục mới ở mức 45.528MW vào ngày 21/6/2022 (tăng gần 3.100 MW so với công suất đỉnh năm 2021). Sản lượng ngày cao nhất cũng lên mức kỷ lục mới với 900 triệu kWh cũng vào ngày 21/6/2022.

img

Dù hệ sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đứng đầu ASEAN, nhưng tính chất bất định theo thời tiết khiến cho hệ thống điện Việt Nam gặp khó khăn khi việc lưu trữ chưa được tính đến

Trong tháng 6/2022, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 24,52 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng đạt 133,11 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ, trong đó thủy điện đạt 41,58 tỷ kWh, chiếm 31,2%; Nhiệt điện than đạt 55,79 tỷ kWh, chiếm 41,8%; Tua bin khí đạt 15,22 tỷ kWh, chiếm 11,4%; Năng lượng tái tạo đạt 19,2 tỷ kWh, chiếm 14,4% (trong đó điện mặt trời đạt 14,25 tỷ kWh, điện gió đạt 4,67 tỷ kWh); Điện nhập khẩu đạt 1,32 tỷ kWh, chiếm 1%.

Nhận định về cung ứng điện thời gian qua, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biêt, hiện giá than khoảng 270 USD/tấn, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái; Giá xăng dầu, khí cũng tăng lên, chi phí đầu vào đang là thách thức với vận hành hệ thống điện của EVN.

Trong khi đó, mặc dù công suất sản xuất năng lượng tái tạo của Việt Nam đứng đầu ASEAN với tổng công suất gần 20.700 MW, nhưng do các loại hình này có những đặc tính về mùa, vùng miền và tác động của thời tiết..., không phải lúc nào cũng sẵn sàng để phát.

Chẳng hạn, nguồn điện mặt trời chỉ đạt hiệu quả phát điện tối ưu vào buổi trưa, bức xạ nhiều. Các nhà máy mặt trời đặt tại miền Trung, miền Nam có công suất phát tốt hơn tại phía Bắc do có số giờ nắng nhiều hơn...

Còn điện gió, công suất đặt hiện khoảng 3.900 MW, trong đó 92% được đưa vào vận hành cuối tháng 10 năm ngoái. Theo biểu đồ phát của điện gió, cao điểm thu điện vào tháng 12, 1 và 2; Còn thấp điểm là tháng 4, 5 và 6. Công suất phát điện gió không chỉ biến động theo mùa mà hàng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày.

Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000 MW (một nửa tổng công suất điện gió được vận hành thương mại COD). Cá biệt, nửa cuối tháng 3, nhiều thời điểm công suất phát của điện gió ở mức rất thấp, tối đa trong ngày khoảng hơn 500 MW, thậm chí không có gió để phát điện.

Nếu như trước đây, khung giờ cao điểm trưa từ 11-13h, thì nay lệch sang từ 14-16h. Đồng thời, xuất hiện thêm các khung giờ cao điểm từ 17-19 và 20h3-22h…với những khó khăn trên, theo ông Lâm, việc huy động các nguồn điện đang gặp khó khăn vào những tháng nắng nóng cao điểm.

Cần nâng cao trách nhiệm tiết kiệm điện

Lãnh đạo EVN nhận định, thành phần sinh hoạt đang quyết định giờ cao điểm tiêu thụ điện năng. Do đó, mỗi người dân phải là người tiêu dùng điện thông minh và cần nêu cao trách nhiệm phải tiết kiệm.

Bên cạnh đó, EVN cũng đang tập trung vào 2 nhóm giải pháp. Giải pháp thứ nhất là chủ động đẩy sớm việc sửa chữa trước thời điểm cao điểm. Cùng với đó, rà soát lưới điện của các địa phương, đảm bảo được sửa chữa, đầu tư xây dựng trong hết quý I/2022.

img

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN

Thứ hai, đối với nhóm nguồn điện bổ sung, trong bối cảnh xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng phụ tải điện: Kịch bản 1 là ở mức 8,3%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; Kịch bản 2 ở mức 12,4%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc đạt hơn 286 tỷ kWh.

EVN cũng xây dựng các kịch bản để tìm kiếm thêm nguồn điện mới, đảm bảo cung ứng điện, nhất là ở miền Bắc như: Tăng cường hệ thống truyền tải Bắc - Nam, đảm bảo hành lang tuyến không để xảy ra sự cố về điện trong mùa nắng nóng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mua điện từ nước bạn Lào, các dự án kết nối lưới điện với các nước láng giềng.

"Giữa tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã hoàn thành đường dây 220kV nối lưới với nước bạn Lào; với các dự án nối lưới với Trung Quốc, chúng tôi cũng tăng cường giải toả công suất, để nhập khẩu thêm điện từ Trung Quốc", ông Võ Quang Lâm nói.

Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) Trịnh Quốc Vũ cũng nhấn mạnh, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo…

Dẫn chứng thực tế, Việt Nam sử dụng năng lượng chưa hiệu quả khi vẫn tốn khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan, 40% Malaysia và gấp 4-5 lần Mỹ, ông Vũ cho biết, theo tính toán của Bộ Công thương, mỗi địa phương tiết kiệm 2% điện năng sẽ giúp giảm hàng tỷ kWh điện mỗi năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.