Đời sống

Vụ thu hồi đất bến xe Đức Trọng: Doanh nghiệp sợ "chỉ có nước đứng đường"

07/11/2020, 10:43

Tiểu thương Bến xe Đức Trọng "sốc" trước quyết định thu hồi đất đang hoạt động tại bến xe Đức Trọng và bày tỏ phản đối.

img
Người dân cầm băng rôn di chuyển khắp trong chợ để đòi quyền lợi của mình

Thu hồi đất của bến xe, doanh nghiệp chỉ có nước... “đứng đường”!

Theo thông báo 918 ngày 30/10 của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lâm Đồng, 8h30 sáng ngày 6/11 Sở này mời đại diện UBND huyện Đức Trọng, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, Công ty Trường Sơn Xanh tham dự buổi bàn giao đất thu hồi của chủ đầu tư dự án bến xe Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng. Địa điểm tổ chức bàn giao tại Bến xe Đức Trọng.

Thế nhưng theo ghi nhận phóng viên, lúc sáng 6/11, chỉ có đại diện Công ty Trường Sơn Xanh có mặt tại địa điểm trên. Phía Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cũng như các đơn vị liên quan không tham dự.

Bức xúc và bất ngờ trước thông tin UBND tỉnh ra quyết định thu hồi sổ hồng của khu đất đang được làm bến xe, hàng chục tiểu thương ở Bến xe Đức Trọng đã có mặt căng băng rôn, bày tỏ thái độ phản đối và đòi quyền lợi.

img
Một hộ dân kinh doanh nước uống cho biết, đã kiếm sống bằng công việc này ở đây hơn 10 năm rồi, nói "đâu thể nói thu đất là thu ngay như vậy".

Ông Phan Điền, Giám đốc nhà xe Điền Linh chia sẻ, mỗi ngày hiện nay nhà xe có 10 chuyến chạy tuyến Đức Trọng - Hà Nội và Đức Trọng - TP.HCM. Hoạt động vận tải hành khách suốt hơn 10 nay diễn ra bình thường, yên ổn…

Ông bày tỏ: "Giờ nhà nước có quyết định thu hồi thì doanh nghiệp biết đi đâu về đâu? “Trên địa bàn huyện, đây là bến xe duy nhất. Nếu nhà nước thu hồi thì chúng tôi phải ra... đứng đường. Mà đứng đường là vi phạm quy định pháp luật vì trở thành xe dù, bến cóc”, ông Điền nói.

Ông Điền cho hay, ông là người địa phương và gắn bó với bến xe ngay từ ngày đầu thành lập. Kể từ khi khu đất này là bãi đất trống, chính công ty quản lý bến xe đã kêu gọi bà con vào để kinh doanh buôn bán.

"Chúng tôi đã ký hợp đồng thuê với ông Huỳnh Ngọc Bé, người đứng đầu quản lý bến xe lúc bấy giờ. Chúng tôi xây nhà, làm ăn buôn bán tại đây. Sao cách đây 10 năm không nói gì, giờ dân xây dựng hết cả rồi thì đến thu hồi? Sai chỗ nào sửa chỗ đó. Người nào sai thì phải xử lý người đó, chứ tại sao bắt người dân gánh chịu?”, ông Điền bức xúc nói.

img
Chủ nhà xe Điền Linh cho biết hiện nay doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn, nếu thu hồi thì nhà xe chỉ có "đứng đường"!

Ông Nguyễn Văn Biên - hiện đang bán nước, rau củ quả tại bến xe, cho biết cuộc sống gia đình ông làm ăn yên ổn cả chục năm nay, giờ nhà nước nói thu hồi, "vậy bồi thường thiệt hại cho chúng tôi như thế nào đây?”, ông Biên hỏi.

Người sai phạm phải bị xử lý

Trước đó, Báo Giao thông đã thông tin: Vào tháng 9/2020, UBDN tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định về việc thu hồi đất của Bến xe Đức Trọng. Lý do thu hồi do Công ty Trường Sơn Xanh sử dụng đất không đúng mục đích đã được nhà nước cho thuê.

Các sai phạm này được xác nhận chủ yếu từ lỗi chuyển nhượng các ki ốt trong bến xe theo dạng nhận tiền một lần. Số diện tích cho thuê hợp đồng dài hạn này với tổng diện tích hơn 1.300m2. Và việc bán, chuyển nhượng này diễn ra từ 2008 -2013.

Kết luận của Thanh tra tỉnh nêu rõ: Sai phạm này có từ thời kỳ cũ trước đó. Cụ thể, Thanh tra tỉnh xác định trách nhiệm, trong đó có ông Huỳnh Ngọc Bé, Giám đốc Công ty TNHH Gia Thành, nguyên Giám đốc Công ty Trường Sơn Xanh từ thời kỳ đầu phải chịu trách nhiệm về các sai phạm xảy ra liên quan đến việc nhận chuyển giao một phần mục đích sử dụng đất của dự án.

Chưa kể, việc sai phạm này để kéo dài nhiều năm. Vậy có hay không cần xem xét trách nhiệm quản lý của địa phương, và những đơn vị liên quan?

Ông Phan Văn Hải, Giám đốc Cty TNHH Trường Sơn Xanh - cổ phần chính của giai đoạn hiện nay cho biết, đã nộp đơn khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh. Theo ông, vì doanh nghiệp đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã khắc phục sai phạm toàn bộ vấn đề xây dựng. Thế nhưng tỉnh vẫn ra quyết định thu hồi.

"Việc chấm dứt toàn bộ dự án, không xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp, công sức, tiền bạc của chủ đầu tư đã bỏ ra là không bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi của nhân dân địa phương và là quyết định vô tình. Điều này thậm chí còn đi ngược so với mong muốn và lời kêu gọi của Chính phủ trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển", ông Hải nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.