Hạ tầng

Tìm cách trị triệt để hỏng mặt cầu Thăng Long

15/08/2018, 07:02

Các vị trí hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long được gọi là trượt xô, bản chất khác hẳn với hiện tượng hằn lún...

1

Theo các chuyên gia, trước khi sửa chữa mặt cầu Thăng Long, cần có một dự án thử nghiệm các loại kết cấu, tránh tình trạng làm xong lại hỏng (Trong ảnh: Mặt cầu Thăng Long bị vá víu nhiều chỗ, chụp chiều 14/8) - Ảnh: Tạ Tôn

Sau một số lần sửa chữa, gần đây, mặt cầu Thăng Long lại tiếp tục xảy ra tình trạng hỏng hóc tại nhiều vị trí. Báo Giao thông trao đổi với các chuyên gia về giải pháp làm sao để khắc phục triệt để hư hỏng có tính chất đặc thù xảy ra trên cây cầu này. 

Phải tổng kết, rút kinh nghiệm từ giải pháp cũ

PGS. TS. Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình (Đại học GTVT) cho biết, mặt cầu Thăng Long có kết cấu giàn thép, bê tông nhựa lớp mặt. Trước đây, Liên Xô (cũ) làm, độ dính bám giữa mặt thép với lớp bê tông nhựa ở trên rất tốt. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài khai thác, sử dụng và nhiều lần sửa chữa, độ dính bám của lớp bê tông nhựa với bản mặt thép đã suy giảm nhiều.

“Tôi được biết, thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN đã liên hệ với một số công ty của Hoa Kỳ tiến hành thay thế lớp dính bám cũ bằng một lớp dính bám mới tốt hơn, nhằm tăng khả năng dính bám giữa lớp bê tông nhựa với bản mặt thép”, ông Cậy nói và cho biết: Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về cầu cho rằng, mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng do công trình được khai thác quá lâu nên bản mặt thép đã bị biến dạng nhiều.

"Việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long chưa triệt để do sự dính bám kém giữa vật liệu thảm và bản mặt thép. Hơn nữa, cầu đã khai thác hàng chục năm nên kết cấu mặt cầu bị mỏi. Việc xử lý thế nào đòi hỏi phải những chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế góp ý. Bây giờ, không thể khẳng định áp dụng ngay công nghệ hay giải pháp nào tốt nhất vào sửa chữa, khắc phục mặt cầu Thăng Long”.

Ông Phạm Hữu Sơn
Tổng giám đốc TEDI

“Để chắc chắn điều này chúng ta phải thử nghiệm, đo đạc thực tế. Nếu đúng có hiện tượng dầm thép bị biến dạng, trước khi sửa chữa lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long phải tăng cường khả năng chịu lực cho lớp bản mặt thép phía dưới”, PGS. TS. Bùi Xuân Cậy cho biết.

Theo PGS. TS. Bùi Xuân Cậy, điều quan trọng nhất bây giờ là khi sửa chữa phải tránh được tình trạng làm xong lại hỏng. “Do đó, các cơ quan liên quan cần phải có một dự án thử nghiệm các loại kết cấu. Sau đó, tiến hành đánh giá chất lượng từng loại kết cấu, loại nào tốt mới áp dụng đại trà để sửa chữa”, ông Cậy nói và cho rằng, nếu không thử nghiệm trước mà đã áp dụng ngay, rất dễ xảy ra tình trạng mặt cầu Thăng Long hư hỏng như hiện nay, gây lãng phí lớn.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) khẳng định, trước đây đã có nhiều ý kiến chuyên gia về các giải pháp, công nghệ sửa chữa khắc phục tình trạng hằn lún, rạn nứt trên mặt cầu Thăng Long. Giải pháp của nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã được đưa ra, kinh nghiệm tại một số công trình có kết cấu tương tự như cầu Thuận Phước cũng đã được trình bày.

“Quan trọng nhất bây giờ là phải lật lại hồ sơ quá trình lần trước làm để rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu chúng ta chủ quan áp dụng ngay một công nghệ hay giải pháp mới nào vào đây mà không tổng kết quá trình đã và đang làm sẽ là duy ý chí”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, cần xem xét kỹ lưỡng giữa giải pháp thiết kế được lựa chọn với biện pháp tổ chức thi công có khớp nhau không, đơn vị thi công có làm đúng thiết kế? Nếu giải pháp tốt nhưng thi công không đảm bảo, công trình cũng hỏng hóc bởi sản phẩm cuối cùng do người thi công quyết định.

“Đồng thời, phải xem xét đến điều kiện ngoại lai, làm thiết kế trong điều kiện kết cấu mặt cầu Thăng Long đa phần là kết cầu dàn thép liên tục, vừa sửa chữa, vừa cho phương tiện qua lại. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thay đổi ứng suất tại các vị trí tiếp giáp giữa mặt bê tông nhựa với bản thép”, ông Sơn nêu vấn đề.

2
Quá trình sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long sẽ được tiến hành thận trọng, gồm cả việc lật lại hồ sơ lần sửa chữa trước để rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp phù hợp (Chụp chiều 14/8) - Ảnh: Tạ Tôn

Công nghệ không khó, quan trọng là kinh phí

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, các vị trí hư hỏng trên mặt cầu Thăng Long được gọi là trượt xô, bản chất khác hẳn với hiện tượng hằn lún trên mặt đường nhựa và mặt cầu bê tông.

“Đặc điểm của cầu Thăng Long không phải bình thường như các cây cầu khác, bởi mặt cầu kết cấu bản thép, đã đưa vào sử dụng hơn 30 năm, nhiều vị trí lồi lõm, hư hỏng. Bây giờ muốn sửa chữa phải ứng xử với nó rất đặc biệt”, ông Hà nói và cho biết, nếu đúng quy trình những cầu có kết cấu thép như Thăng Long chỉ khoảng 5 - 7 năm phải đại tu một lần. Thế nhưng, chúng ta không có tiền nên để chạy gần 30 năm mới tiến hành sửa chữa lần đầu.

Mời chuyên gia đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đang phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) nghiên cứu đề xuất giải pháp cơ bản để sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long. “Việc sửa chữa tổng thể rất phức tạp, không chỉ liên quan đến mặt cầu mà đến giàn dầm thép của đường sắt, hệ bộ hành hai bên cầu do Hà Nội quản lý. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ VN sẽ mời các chuyên gia trong và ngoài nước để kiểm tra, đánh giá và có đề xuất giải pháp sửa chữa triệt để”, ông Huyện nói.

T.Duy

Theo ông Hà, ngay từ năm 2014, Bộ GTVT đã lập một dự án tổng thể khắc phục, sửa chữa triệt để hiện tượng trượt xô trên mặt cầu Thăng Long với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, do không có tiền nên dự án này đến nay vẫn chưa được duyệt. Trong những năm qua, mặt cầu Thăng Long tiếp tục được sửa chữa bằng các giải pháp tạm thời, trong đó có áp dụng công nghệ Novabond của Mỹ, kinh phí từ nguồn bảo trì của Tổng cục Đường bộ VN.

“Tiền bảo trì đường bộ tính theo km nên hàng năm nguồn này không đủ đáp ứng để sửa chữa, khiến diện tích hư hỏng ngày càng rộng hơn trên cầu Thăng Long. Trong những ngày tới, sau khi Tổng cục Đường bộ VN có báo cáo Bộ GTVT, chúng tôi sẽ xem xét vướng mắc ở đâu, nếu mắc ở tiền, phải xin cơ chế đặc biệt. Không có tiền làm triệt để nhưng cũng phải xử lý cơ bản tình trạng trượt xô trên mặt cầu Thăng Long”, ông Hà nói và khẳng định: Công nghệ sửa chữa, khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long không khó, quan trọng nhất là nguồn kinh phí sửa chữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.