Y tế

Tìm lại hạnh phúc nhờ sửa lỗi âm đạo

26/10/2019, 07:00

Nhiều cuộc đời mới được sang trang, tươi sáng và hạnh phúc hơn nhờ tài sửa lỗi “tạo hóa” - tái tạo âm đạo của các bác sĩ Việt.

img
Một ca tái tạo âm đạo được bác sĩ Phạm Thị Việt Dung cùng các đồng nghiệp thực hiện

Vui mừng vì đã có con

Khi nhắc đến các ca bệnh đã được phẫu thuật để sửa chữa lỗi tạo hóa, BS. Phạm Thị Việt Dung, Khoa Thẩm mỹ, tạo hình, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội rạng rỡ cho hay: “Một nữ bệnh nhân phẫu thuật tái tạo âm đạo cách đây 2 năm, vừa nhắn tin thông báo, vợ chồng có một bé trai kháu khỉnh nhờ thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ. Cuộc sống rất hạnh phúc, viên mãn”.

Theo BS. Dung, nữ bệnh nhân T.T.N (Nghệ An) tìm đến bệnh viện thăm khám sau khi đã lập gia đình nhưng có cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Theo chia sẻ của bệnh nhân N. với bác sĩ điều trị, dù không có kinh nguyệt nhưng do cơ thể phát triển bình thường nên đến tuổi chị vẫn “vô tư” lập gia đình với người mình yêu thương. Tuy nhiên, đến khi nên vợ nên chồng, quan hệ tình dục không thành khiến vợ chồng chị lục đục, lúc này chị N. mới đi thăm khám và ngã ngửa với chẩn đoán “không âm đạo, không tử cung”. Tuy nhiên, ca phẫu thuật tái tạo âm đạo sau đó thành công. Và thành quả là cuộc sống vợ chồng hòa hợp, mái ấm có thêm tiếng cười của trẻ nhỏ.

Còn bệnh nhân N.T.T (Nghệ An) tìm đến thăm khám lúc tuổi 19 khi nhận thấy điều bất thường trên chính cơ thể mình. “T. mắc hội chứng bất sản ống Muller, rối loạn bẩm sinh do đột biến gen khiến phụ nữ đến tuổi dậy thì vẫn không có kinh nguyệt do không có âm đạo, tử cung nhưng cơ quan sinh dục vẫn phát triển. Tỷ lệ mắc hội chứng này không quá hiếm, từ 1/4.000-1/10.000 bé gái”, BS. Dung cho hay.

Đợi tới 3 năm sau khi hoàn thành việc học đại học, nữ bệnh nhân đã quay trở lại thực hiện ca phẫu thuật tái tạo âm đạo và thành công sau 1 lần phẫu thuật duy nhất. Theo bác sĩ Dung, cách đây ít lâu, nữ bệnh nhân đã hạnh phúc gửi tới chị tấm thiệp cưới.

Theo BS. Dung, nhu cầu tái tạo bộ phận sinh dục hiện nay là rất cao, tuy nhiên, nhiều người chưa biết đến kỹ thuật và y học hiện đại có thể tái tạo bộ phận sinh dục theo như ý muốn của con người. Đa phần bệnh nhân mắc hội chứng này đều có ý muốn sẽ giấu đi nhu cầu thực sự của mình.

Sửa lỗi tạo hóa “đơn giản”

Tính đến thời điểm này sau gần 7 năm thực hiện kỹ thuật tái tạo âm đạo bằng việc dùng nguyên liệu là niêm mạc khoang miệng do GS. BS. Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện SaintPaul phát minh và “truyền nghề”, BS. Dung vẫn nói vui: “Giờ làm quá đơn giản!”.

Trong phẫu thuật tạo hình, việc tái tạo, làm mới bộ phận sinh dục được đánh giá là khá phức tạp. Phẫu thuật tạo hình âm đạo được thực hiện với những bệnh nhân dị tật không âm đạo bẩm sinh, không có khoang trống để quan hệ tình dục. Việc mở khoang âm đạo cần thực hiện sao cho khoang này không dính vào nhau và có chất liệu che phủ phù hợp. Việc tái tạo âm đạo là hoàn toàn giống nhau và chỉ khác ở chất liệu che phủ.

BS. Dung cho hay, để tạo hình âm đạo, bác sĩ phải tạo khoang âm đạo mới có vị trí và kích thước tương tự âm đạo thật, khoảng 8-9 cm x 4 cm. Công đoạn này yêu cầu phẫu thuật viên phải bóc tách thật khéo léo vì vị trí này sát trực tràng, niệu đạo. Sau đó, để che phủ, bác sĩ sẽ lấy một phần niêm mạc miệng ở 2 bên má, môi trên, môi dưới, ngách tiền đình rồi đục lỗ mắt lưới để làm tăng diện tích, sau đó sẽ cuộn vào khuôn nong và ghép vào khoang âm đạo vừa tạo.

Trước kia, việc tái tạo âm đạo thường dùng phương pháp ghép da hoặc vạt tổ chức da, mỡ bụng, bẹn đùi nhưng phần da cấy ghép dễ co lại, bộ phận này bị hẹp và khô dẫn đến quan hệ tình dục đau đớn, khó khăn. Tuy nhiên, các điểm yếu này đều được cải thiện nhờ chất liệu niêm mạc miệng.

Nói về chất liệu niêm mạc miệng được sử dụng tái tạo âm đạo này, BS. Dung cho biết: “Niêm mạc miệng có tính chất mô học tương đồng niêm mạc của “cô bé”. Khi dùng chất liệu này, âm đạo được tái tạo sẽ mềm, tiết dịch vừa đủ độ ẩm để quan hệ không đau; phần vạt phủ không bị co như khi dùng da; biểu mô hóa rất tốt khiến khoang âm đạo sẽ dần được phủ kín hết (ban đầu không phủ kín hết). Nhờ vậy, hầu hết các bệnh nhân sau phẫu thuật đều có thể sinh hoạt tình dục bình thường như bao người khác”, BS. Dung chia sẻ.

Theo bác sĩ Dung, với những người phụ nữ mắc hội chứng bất sản ống Muller, sau phẫu thuật, họ không thể có khả năng mang thai vì không có tử cung. Tuy nhiên, do vẫn phát triển buồng trứng nên họ hoàn toàn có thể có con nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.