Y tế

Tìm lại nụ cười cho nghìn trẻ nhỏ thiệt thòi

26/02/2023, 06:45

Sau ca phẫu thuật tạo hình, nhiều người không giấu được những giọt nước mắt khi ngắm nhìn gương mặt con mình…

Thắp hy vọng từ hành trình gian nan

img

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba thực hiện ca phẫu thuật cho trẻ dị tật sứt môi, hở hàm ếch

Cuối năm 2022, bé Trương Minh Vũ khi ấy vừa tròn 6 tháng tuổi bước vào cuộc phẫu thuật “vá” môi.

Sau ca phẫu thuật, vợ chồng anh Mạnh (bố mẹ bé Vũ) không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc khi đón con và ngắm nhìn đôi môi xinh xinh của Vũ được các bác sĩ “hàn gắn” sau ca phẫu thuật.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trong hành trình kéo dài đến 18 tuổi với nhiều đợt phẫu thuật khác, luyện âm, nắn chỉnh răng, hàm, thẩm mỹ sẹo, mũi… để con có được nụ cười trọn vẹn và hòa nhập cùng cộng đồng.

Ít ai biết rằng, khi Vũ mới vài tháng tuổi trong bụng mẹ, gia đình đã có giây phút đắn đo có nên bỏ thai khi phát hiện con sứt môi, hở hàm ếch, bởi lo lắng khiếm khuyết này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và cuộc sống sau này của con…

Trong thời khắc khó khăn nhất đó, vợ chồng anh Mạnh có cơ may kết nối cùng bác sĩ trẻ Nguyễn Trung Nghĩa (Khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cuba). Những cuộc trò chuyện, tư vấn phần nào giải tỏa khúc mắc cho bố mẹ Vũ.

“Khi đó tôi có nói, dị tật chỉ là vấn đề bên ngoài, khoa học y tế có thể khắc phục được. Vũ cần quyền được sống với sự chung tay của cả bố mẹ, gia đình và cộng đồng”, BS. Nghĩa nhớ lại...

Và Vũ không phải là đứa trẻ duy nhất được BS. Nghĩa “đòi” lại cơ hội tồn tại.

Với BS. Nghĩa, giải quyết được vấn đề tâm lý từ chính cha mẹ khi phát hiện con bị dị tật môi, vòm là một việc không hề dễ dàng và cũng chỉ là sự khởi đầu trước một hành trình dài. Điều này đòi hỏi kiến thức về bệnh của con cũng như sự mạnh mẽ, quyết tâm từ phía gia đình.

Bé Hà Văn Thái (4 tuổi) cũng vừa trải qua lần phẫu thuật thứ 3 tạo vòm trong chương trình Phẫu thuật nụ cười tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Ngay khi Thái nằm trong bụng mẹ, đi khám thai, chị Tuyết khá sốc khi biết khả năng cao con sẽ bị hở hàm ếch. Được sự tư vấn từ bác sĩ và tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật y tế, chị quyết tâm giữ lại thai.

Rồi lần lượt giai đoạn Thái được 6 tháng tuổi, 18 tháng tuổi, con đã qua 2 lần phẫu thuật môi và vòm miệng.

“Con giờ bên ngoài đã khá hơn nhiều, dù vẫn còn ăn uống khó khăn, dễ bị tái viêm tai giữa nhiều lần, còn nói ngọng và thính giác kém, nhưng tôi tin là một vài năm nữa sẽ được cải thiện”, chị Tuyết chia sẻ.

Ấp ủ một trung tâm chăm sóc toàn diện cho trẻ dị tật

img

Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba khám cho trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch

Hiện, nhiều tỉnh, thành đã đánh dấu bước chân của chương trình Phẫu thuật nụ cười cho trẻ dị tật môi, hàm, trong đó có sự tham gia của BS. Phương Mỹ, BS. Trung Nghĩa… cũng như nhiều bác sĩ đến từ các bệnh viện khác nhau trên toàn quốc. Với họ, mỗi chuyến đi, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện để lại nhiều kỷ niệm.

BS. Mỹ vẫn nhớ mãi lần đoàn của bệnh viện tới khám ở Hà Tĩnh, năm 2010: “Khám 200 ca, mổ 120 ca, chưa kể nhiều ca được tư vấn ra Hà Nội làm các kỹ thuật khó. Chưa chương trình nào tổ chức ở địa phương mà bệnh nhân đông đến vậy. Cao điểm có ngày, bác sĩ đứng mổ cho 10 - 12 ca liên tục từ sáng đến chiều tối. Không nhiệt huyết khó làm được, bởi mỗi ca mổ đều rất căng thẳng”.

Tuy nhiên, không phải ca phẫu thuật nào cũng thuận lợi. BS. Mỹ nhớ mãi khi gặp một bệnh nhi mổ vòm với bộ xét nghiệm trước mổ hoàn toàn bình thường. Ca mổ thuận lợi, nhưng sau mổ trẻ liên tục chảy máu không ngừng, khi ấy mới phát hiện bé mắc máu khó đông.

“Tôi thức trắng đêm chỉ giữ gạc cầm máu và sớm hôm sau điều xe từ Hà Tĩnh cùng bệnh nhân ra Hà Nội. Khi bệnh nhân ổn, tôi lại về Hà Tĩnh tiếp tục công việc”, BS. Mỹ nhớ lại.

Còn với BS. Nghĩa, ngoài tham gia phẫu thuật, anh còn là cầu nối với các mạnh thường quân để hỗ trợ tối đa có thể cho bệnh nhân và gia đình trong quá trình xuống viện điều trị. “Đa phần bệnh nhân đến với chương trình phẫu thuật đều rất nghèo, đến từ vùng xa xôi, hẻo lánh; nhiều người dân tộc thiểu số, lần đầu rời bản làng về Hà Nội… Chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ để họ yên tâm đồng hành cùng con trong điều trị”, BS. Nghĩa tâm sự.

Với 15 năm gắn bó với chương trình, tham gia phẫu thuật cho hàng nghìn trẻ nhưng BS. Mỹ vẫn đau đáu ước mơ Việt Nam có một trung tâm chăm sóc toàn diện cho trẻ dị tật sứt môi, hở hàm ếch vốn nhiều thiệt thòi như ở nước ngoài.

Ở nước ngoài, một trung tâm tập hợp nhiều chuyên khoa sẽ giải quyết tất cả các vấn đề này ở trẻ và thường miễn phí. Bởi, chi phí điều trị toàn diện cho trẻ rất lớn, không phải gia đình nào cũng theo được. Cũng vì lẽ đó, hầu hết trẻ dị tật ở Việt Nam mới dừng lại ở những bước phẫu thuật đầu tiên.

“Trẻ mắc dị tật đâu chỉ một vài ca phẫu thuật “vá” môi, chỉnh vòm miệng hay đóng khe lỗ thông là đã xong. Đó mới chỉ là những bước khởi đầu trong hành trình rất dài đến khi trẻ 18 tuổi. Trẻ cần được can thiệp luyện âm với bác sĩ chuyên khoa bởi tất cả trẻ mắc dị tật này đều nói ngọng. Và sau đó, trẻ cần được can thiệp về chỉnh răng, chỉnh hàm, thẩm mỹ lại sẹo môi miệng, nâng mũi…”, BS. Mỹ chia sẻ.

Theo BS. Hoàng Phong Mỹ, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cuba, thông qua sự giúp đỡ của Tổ chức Operation Smile (OS) mà từ năm 1989 đến nay, hơn 62.000 bệnh nhi đã được can thiệp để khắc phục dị tật khe hở môi, khe hở vòm miễn phí. Chỉ tính riêng tại bệnh viện, trung bình mỗi năm có khoảng 400 bệnh nhi được can thiệp phẫu thuật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.