Đường sắt

Tìm về cội nguồn Công đoàn Đường sắt Việt Nam

10/04/2016, 16:06

Bên ấm trà xanh, mới chạm đến nghiệp cán bộ Công đoàn, đôi mắt ông Khuất Minh Trí vụt sáng.

10

Gỡ băng gắn biển nơi diễn ra hội nghị “Việt Nam Công nhân Hỏa xa Cứu quốc hội“

Bên ấm trà xanh, mới chạm đến nghiệp cán bộ Công đoàn, đôi mắt ông Khuất Minh Trí, nguyên UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam vụt sáng. Ông nhắc lại nhiều kỷ niệm khó quên, mà tâm đắc nhất là chuyện tìm về cội nguồn Công đoàn ĐSVN.

Cuốn hồi ký quý giá…

Người đứng đầu Công đoàn ĐSVN khóa XII chia sẻ: “Tháng 3/2003, tôi được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam (ĐSVN). Ngay những ngày đầu tiên trên cương vị mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng được anh em kỳ vọng là tìm cho được, làm cho rõ lịch sử ra đời Công đoàn ĐSVN”.

“Lúc đó, anh Phạm Đức Thuận, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn ĐSVN nói với tôi: Mong muốn của anh, chị, em từ nhiều năm nay là xác định được ngày thành lập Công đoàn”, ông Trí nói và cho biết thêm, lúc đó, chỉ có một thông tin duy nhất là từ năm 1946 đã thống nhất tổ chức Việt Nam Công nhân Hỏa xa cứu quốc và tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Hà Nội.

"63 năm mới về lại cội nguồn, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động Công đoàn ngành Đường sắt”.

Ông Khuất Minh Trí

Công việc đầu tiên là tiếp xúc với các cán bộ Công đoàn ĐSVN tiền nhiệm, tìm kiếm hồ sơ tư liệu về Công đoàn ĐSVN ngày đầu thành lập. “Tháng 2/2005, tôi cùng anh Thuận tìm gặp bác Nguyễn Đăng, nguyên Bí thư BCH lâm thời Công nhân Hỏa xa cứu quốc. Lần gặp đó, bác Nguyễn Đăng đã tặng chúng tôi bản copy hồi ký về những ngày hoạt động khó quên trong Công nhân Hỏa xa. Cũng từ những thông tin vô cùng quý báu trong cuốn hồi ký này, chúng tôi mới được biết, tính đến đầu năm 1945, toàn ngành Đường sắt có 20.806 công nhân. Sau Chỉ thị kháng chiến kiến quốc của T.Ư Đảng (25/11/1945), ngành Đường sắt đã hồi sinh mạnh mẽ. Nhà máy Xe lửa Trường Thi quy tụ được 3.000 công nhân tiếp tục hoạt động. Tuyến xe lửa Hải Phòng - Lào Cai thu nhận trở lại được 2.343 công nhân, viên chức. Tuyến xe lửa miền Trung sử dụng 3.500 công nhân, viên chức. Tính chung, sở Hỏa xa Việt Nam đã có gần 20 nghìn người trở lại làm việc”, ông Trí kể.

Đến giữa tháng 9/1945, hệ thống đường xe lửa Việt Nam đã được tổ chức lại, hành trình Bắc - Nam được thông suốt… Cách mạng tháng 8/1945, tại nhiều địa phương, Ủy ban Công nhân Hỏa xa cứu quốc được thành lập và có vai trò tiên phong trong khởi nghĩa giành chính quyền.

Trước yêu cầu cấp thiết thống nhất tổ chức, ngày 25/2/1946, tại phòng họp Ga Huế, 20 đại biểu của các tổ chức Công nhân Hỏa xa cứu quốc ở ba miền Bắc, Trung, Nam với sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Thường vụ xứ ủy Trung kỳ đã họp và bầu ra Ban Chấp hành lâm thời của “Việt Nam Công nhân Hỏa xa Cứu quốc Hội” và đến tháng 6/1946 tổ chức Đại hội đại biểu Công đoàn ngành Đường sắt lần thứ nhất tại Hà Nội.

… Và ngày 25/2/1946 lịch sử

“Ngoài những thông tin quý giá từ cuốn hồi ký của bác Nguyễn Đăng, chúng tôi còn tìm đến Thư viện Hà Nội và Thư viện Quốc gia Việt Nam, tìm kiếm lại những bài báo thời kỳ 1945 - 1946. Tại đây, chúng tôi rất may mắn khi được các cán bộ ở Thư viện Quốc gia tư vấn, giúp sức”, ông Trí tâm sự và cho biết thêm, trong số nhiều tờ báo cũ được lưu giữ khá cẩn thận ở thư viện, ông đã được đọc những trang báo Cứu quốc, Hỏa xa, tập san Đường sắt. Báo Hỏa xa - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Công nhân Hỏa xa cứu quốc, nơi tập trung nhiều tư liệu về hoạt động thực sự sôi nổi của: Tổ chức Công nhân Hỏa xa cứu quốc; Tổ chức Tổng Công đoàn Hỏa xa. Có một tư liệu rất quý mà chúng tôi tìm được ở đây là diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ nhất tổ chức Việt Nam Công nhân Hỏa xa cứu quốc do ông Nguyễn Duy Trinh đăng trên báo Hỏa Xa”.

Vị cựu lãnh đạo Công đoàn ĐSVN xúc động kể, cội nguồn ra đời của Công đoàn ĐSVN đã được tìm lại như vậy đó. Ngay sau khi tổ chức công đoàn ra đời, phong trào công nhân đường sắt đã có những chuyển biến mạnh và tích cực đồng hành cùng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà đỉnh cao là những kỳ tích huyền thoại như “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, “ Địch phá ta cứ đi”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”…

Ngày 27/12/2005, Ban Thường vụ Công đoàn ĐSVN ra Văn bản số 232/ KH-CĐĐS-BTV khẳng định: “Sau quá trình nghiên cứu tư liệu lưu trữ quốc gia và qua các cuộc hội thảo, Ban Thường vụ Công đoàn ĐSVN đã báo cáo và được Đảng ủy Đường sắt nhất trí về việc xác định ngày thành lập Công đoàn ĐSVN là ngày 25/2/1946.

Và ngày 25/2/2009 - 63 năm sau ngày thành lập, tại sân Ga Huế, lãnh đạo ngành ĐSVN, Công đoàn ĐSVN cùng hàng trăm CBCNV trong ngành đã xúc động gỡ băng gắn biển: “Nơi đây, ngày 25/2/1946 đã diễn ra hội nghị Việt Nam Công nhân Hỏa xa Cứu quốc hội toàn quốc lần thứ nhất, tiền thân của tổ chức Công đoàn ĐSVN - Công đoàn ngành đầu tiên thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

(Ghi theo lời kể của ông Khuất Minh Trí,
nguyên UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,
nguyên Chủ tịch Công đoàn ĐSVN)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.