Xã hội

Tin bão số 9 tối 27/10: Ban Chỉ đạo tiền phương họp trong đêm

27/10/2020, 23:10
image

Cập nhật cơn bão số 9 ngày 27/10: 23h, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão.

img
23h ngày 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang điều hành cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9

Liên tục cập nhật...

Thừa Thiên Huế - Bình Định cấm các phương tiện lưu thông trong đêm

23h: Báo cáo cập nhật tại Ban chỉ đạo tiền phương, đến 22h đêm nay (27/10), toàn bộ tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Riêng tỉnh Bình Định còn 92 tàu với 668 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Song song với đó, công tác tìm kiếm cứu nạn 2 tàu bị chìm với 26 thuyền viên của Bình Định vẫn đang được triển khai.

Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông.

Một số địa phương cấm các phương tiện lưu thông từ tối 27/10: Thừa Thiên Huế từ 21h; Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 20h; Bình Định: 22h; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28/10, trừ các lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

7h sáng 28/10, tâm bão số 9 trên vùng biển Đà Nẵng - Phú Yên

22h15: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 22h ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360 km, cách Phú Yên 286 km. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 22h tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 14m/s (cấp 7) giật 26m/s (cấp 10).

Dự báo, vào khoảng 7h sáng 28/10, tâm bão số 9 nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Với vận tốc 20-25 km/h, bão đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Thời điểm bão đổ bộ, sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15.

Cụ thể, cấp gió khi bão số 9 đổ bộ Đà Nẵng - Bình Định: cấp 11-13, giật cấp 15; Thừa Thiên Huế, Phú Yên: cấp 8-10, giật cấp 12; Kon Tum, Gia Lai: cấp 7-8, giật cấp 10; Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: cấp 6-7, giật cấp 10.

img
Trường sóng lớn nhất do bão số 9 trong 24 giờ tới

Cảnh báo lốc xoáy, sóng lớn trên biển miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, Dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão số 9 (Molave) có trục ở khoảng 12-15 độ Vĩ Bắc đang hoạt động mạnh.

Dự báo, đêm nay và ngày mai (28/10), ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ở phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa bão.

Do ảnh hưởng của bão số 9, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao 8-10m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Huyện đảo Lý Sơn gió giật cấp 8-9

22h: Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu có mưa lớn, gió giật cấp 8-9.

Bình Định: TP Quy Nhơn mưa nặng hạt kèm gió lớn

21h: Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), mưa bắt đầu nặng hạt kèm theo gió lớn. Tất cả các dãy quán nhậu trên đường Xuân Diệu, Nguyễn Thị Định... đóng cửa. Các tuyến phố vắng người qua lại.

img
Phố trung tâm Quy Nhơn vắng người qua lại

Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết, lực lượng của đơn vị được duy trì 100% quân số để đảm bảo ATGT, tuyên truyền vận động người dân còn ở trên đường tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tỉnh Bình Định cũng yêu cầu người dân không được ra đường sau 22h đêm.

Thừa Thiên Huế: Đã di dời hơn 19.320 hộ dân

20h40 tối nay (27/10), Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các địa phương đã di dời 19.324 hộ dân với 64.720 nhân khẩu đến nơi tránh trú bão số 9. Trong đó, tại huyện Phú Lộc có 3.736 hộ, huyện Phú Vang 3.416 hộ, huyện Phong Điền 2.544 hộ, thị xã Hương Thủy 1.836 hộ, thị xã Hương Trà 1.632 hộ, thành phố Huế 1.627 hộ, huyện Quảng Điền 1.384 hộ, huyện Nam Đông 1.595 hộ và huyện A Lưới 1.554 hộ.

Ghi nhận của PV lúc 20h40, tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế) trời vẫn yên ắng, không mưa.

img
Trên QL1 qua thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), hầu, hết các nhà dân, hàng quán đều đã đóng cửa, còn lác đác phương tiện ô tô, xe máy di chuyển

Đà Nẵng: Gió mạnh; đã sơ tán hơn 140.000 dân

20h10: Tại Đà Nẵng, bắt đầu có những cơn gió giật liên hồi. Trên các tuyến đường trung tâm thành phố vẫn đông đúc người qua lại.

Tại ngã 5 Hoàng Diệu, lượng phương tiện qua lại vẫn tấp nập. Trên đường Nguyễn Văn Linh, một quán nhậu vẫn còn hoạt động với hàng chục thực khách.

Ở nút giao thông phía Tây cầu Rồng, dòng phương tiện tuy thưa thớt hơn nhưng vẫn còn khá đông người đi lại. Các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Ông Ích Khiêm... vẫn có nhiều phương tiện đi lại.

Thông tin từ UBND TP Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã sơ tán hơn 140.000 dân đến nơi an toàn, yêu cầu các ngư dân neo đậu tàu thuyền và rời khỏi tàu, lồng bè...

Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT (Công an Đà Nẵng) cho hay, đơn vị tổ chức các tổ TTKS lưu động, tuyên truyền vận động người dân không ra đường theo khuyến cáo của Đà Nẵng từ 20 giờ tối 27/10. Việc xử lý hành vi lưu thông ngoài đường sau 20 giờ tối 27/10 rất khó do thời tiết mưa, gió và chưa có chế tài cụ thể.

"CSGT đang tuyên truyền, vận động là chính. Nhìn chung người dân chấp hành khá tốt", Đại tá Truyền nói.

Đảo Lý Sơn gió giật cấp 10

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 20h tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 16m/s (cấp 7) giật 25m/s (cấp 10).

Vị trí tâm bão lúc 20 giờ ngày 27/10 đang cách Đà Nẵng khoảng 475km, cách Quảng Nam 420km, cách Quảng Ngãi 378 km, cách Phú Yên 310km. Sức gió mạnh nhất: cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17.

img
Mắt bão số 9 tiến sát đất liền (Ảnh chụp vệ tinh 20h tối 27/10)

Bình Định bắt đầu có mưa lớn gió mạnh

Tối 27/10, tỉnh Bình Định bắt đầu xuất hiện mưa lớn và gió mạnh.

Trước đó, chiều 27/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này vừa có văn bản về việc triển khai cấp bách công tác ứng phó cơn bão số 9 trên địa bàn tỉnh; trong đó yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 22h ngày 27/10 cho đến khi có tin cơn bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

UBND tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không ra đường khi xảy ra bão, mưa lớn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt khẩn cấp). Thông báo người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm đủ dùng trong thời gian ở nhà.

img
Tàu cá ngư dân Bình Định vào neo đậu tại cảng Tam Quan

Về 2 tàu cá của ngư dân Bình Định bị chìm khi đang trên đường đi tránh bão số 9, tối 27/10, trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Đắc Chương, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, vẫn chưa có thông tin gì.

Cụ thể, lúc 15h15 cùng ngày (27/10), Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhận thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn ở thị xã Hoài Nhơn ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Minh (ngụ cùng địa phương) làm thuyền trưởng, khi tàu đang trên đường chạy về cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để tránh bão đã bị chìm ở tọa độ 12043’N - 111027’E.

Sau đó, 16h30 tàu cá BĐ 97467-TS với 14 lao động do ông Võ Ngọc Đoan làm thuyền trưởng, trên đường chạy về bờ tránh bão số 9, cách Đông Hòn Tre, Khánh Hòa khoảng 172 hải lý, bị phá nước chìm, không liên lạc được.

Quảng Trị: Dừng tất cả các cuộc họp, cưỡng chế di dân nếu cần

Ngày 27/10, tại cuộc họp khẩn về triển khai công tác phòng chống bão số 9, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu người dân hạn chế ra đường sau 21h tối nay, sẽ cưỡng chế di dân tránh bão nếu thấy cần thiết.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị tạm dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 28/10 cho đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm.

img
Mưa lũ khiến cho đời sống người dân ở Quảng Trị gặp nhiều khó khăn

Khẩn trương di dời, sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng trũng thấp, ngập úng. Thực hiện nghiêm công tác di dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng bởi mưa lũ và có phương án cưỡng chế nếu thấy cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn tình mạng, tài sản của nhân dân. Việc di dời, sơ tán dân hoàn thành trước 21h ngày 27/10.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị đã kêu gọi hơn 2.300 tàu thuyền với hơn 7.100 thuyền viên đến nới neo đậu, tránh trú bão an toàn. Tỉnh dự kiến triển khai sơ tán gần 6.400 hộ dân với gần 18.000 người đến các khu vực an toàn để tránh bão trên địa bàn tỉnh (bao gồm di dời tại chổ và di dời tập trung)…

Đối với các vùng ngập lụt, tỉnh này sẽ sơ tán ban đầu hơn 8.500 hộ với gần 26.000 người dân tại 82 trong tổng số 124 xã, phường thị trấn. Đối với các vùng sạt lở đất, lũ ông, lũ quét ở miền núi sẽ sơ tán hơn 500 hộ với 2.200 người dân đến các điểm sơ tán tập trung.

Tỉnh Quảng Trị hiện đang huy động các lực lượng khẩn trương về địa bàn giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, thu dọn đồ đạc và sơ tán dân, các phương tiện cứu hộ cứu nạn, ca nô, áo phao đã được đưa về các địa bàn trọng yếu. Tỉnh cũng đưa nhu yếu phẩm, lương thực dự trữ đến các vùng dễ xảy ra ngập lụt, cô lập do chia cắt giao thông, đặc biệt là các địa phương vùng miền núi.

img
Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường ở Quảng TRị bị sạt lở, giao thông chia cắt

Lãnh đạo UBND tỉnh khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết bắt đầu từ 21h ngày 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra (trừ các lực lượng làm công tác cứu hộ cứu nạn và các trường hợp đặc biệt);

UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968, các đơn vị, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu giúp đỡ nhân dân. Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải cần kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn các tuyến đường giao thông phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đã chỉ đạo chính quyền các huyện, xã tiếp tục tuyên truyền cho bà con có phương án phòng chống và di dời đến chỗ an toàn, tuyệt đối không được đi rừng đến tránh nguy cơ sạt lở núi bất cứ lúc nào.

Dự báo trong thời gian tới, tổng lượng mưa từ ngày 28-31/10 tại Quảng Trị phổ biến đạt từ 200-400 mm, có nơi trên 450 mm, mưa to đến rất to tập trung trong khoảng ngày 28-29/10.

Nỗ lực liên lạc, tìm các thuyền viên gặp nạn

Tối 27/10, Đài duyên Hải Nam trung bộ cho biết, đang liên lạc với tàu của ông Nguyễn Văn Toàn bằng thiết bị giám sát hành trình sóng vệ tinh để theo dõi việc tìm kiếm nhưng chưa có thêm thông tin. Đài duyên hải đang phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng thông báo cho các phương tiện hoạt động trong khu vực kêu gọi hỗ trợ các phương tiện bị nạn.

Đà Nẵng: Hàng quán đóng cửa, đường bắt đầu vắng

Ghi nhận PV tại Đà Nẵng, từ 19h tối nay (27/10), Đà Nẵng bắt đầu có mưa, gió mạnh. Khu vực biển, sóng động. Hầu hết hàng quán đều chủ động đóng cửa, không tiếp khách. Dọc tuyến phố "ăn nhậu" Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Thoại... nhiều quán đóng cửa, gia cố mái tôn, vật dụng.

Tại quán nhậu trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Đà Nẵng) dù mở cửa nhưng chủ quán quy định chỉ tiếp khách đến 19h30 tối 27/10, 30 phút trước khi Đà Nẵng giới nghiêm.

img
Quán nhậu đóng cửa

Theo các chủ cửa hàng kinh doanh quán nhậu, từ người dân đến cơ sở kinh doanh đều tự giác chấp hành nghiêm quy định thành phố. Thông tin bão giật cấp 15-17 nên không ai dám chủ quan.

img
Đường Đà Nẵng bắt đầu vắng phương tiện, người đi lại

Cũng theo ghi nhận của PV, dọc tuyến phố trung tâm Đà Nẵng, người ra đường khá vắng. Chỉ một số ô tô, xe máy của người dân lưu thông để về nhà.

Biển Đà Nẵng lúc 18h. Sóng mạnh dần, 1 số người dân vẫn ra bờ biển tập thể dục, ngắm cảnh nhưng không xuống tắm

Bão số 9 gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10). Thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 12; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15.

Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

2 tàu cá bị đánh chìm trên biển Khánh Hòa, 26 ngư dân mất tích

Tính đến 16h hôm nay 27/10, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 hiện còn 20 phương tiện; trong đó Bình Định 19 tàu, Khánh Hòa 1 tàu.

Đáng chú ý trong số 20 tàu trong vùng nguy hiểm có 1 tàu cá BĐ-96388-TS/12 LĐ bị phá nước chìm tại khu vực cách Hòn Tre, Khánh Hòa 120 hải lý. Tại khu vực này có tàu BĐ-98658-TS/14 LĐ đã tiếp cận nhưng không tìm thấy 12 người của tàu BĐ 96388 TS. Hiện tàu BĐ 98658TS đang thả neo tại địa điểm.

Uỷ ban Quốc gia TKCN, Bộ tư lệnh BĐBP và tỉnh Bình Định đang thông báo để các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Trong khi đó, theo báo cáo ban đầu của Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, hồi 16h30 chiều nay (27/10), tàu cá BĐ 97469 TS/14 LĐ do ông Võ Ngọc Đoan (1979) làm thuyền trưởng trên đường quay về bờ tránh bão, đến khu vực cách đảo Hòn Tre khoảng 172 hải lý bị phá nước chìm, không liên lạc được.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đang phối hợp với gia đình chủ tàu tiếp tục liên lạc với thuyền trưởng; thông báo cho các phương tiện đang trên đường di chuyển về bờ tránh bão qua khu vực tàu bị nạn quan sát hỗ trợ tìm kiếm.

Bão số 9 di chuyển nhanh

Bão số 9 di chuyển nhanh, cường độ rất mạnh dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên trong sáng mai (28/10) với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15.

Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị người dân sơ tán khỏi những nơi không an toàn; không ra ngoài khi bão đổ bộ nếu không thực sự cần thiết; không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản; dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh; tuân thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương, thông tin kịp thời khi cần hỗ trợ.

Thừa Thiên Huế yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 21h tối nay

img
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra công tác di dời dân ven biển tại chiều 27/10

Chiều tối nay (27/10), Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản hóa tốc về việc triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, để đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, tài sản, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh và các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện Công điện số 17 ngày 26/10 của UBND tỉnh về việc triển khai ứng phó với cơn bão số 9.

“Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 21h tối 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi gió lớn xảy ra- trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt”, văn bản nêu.

img
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao đổi với lãnh đạo xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và các lực lượng chức năng về công tác di dời dân đến nơi trú tránh bão số 9

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

“Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, bắt đầu từ 18h ngày 27/10”, văn bản hỏa tốc nhấn mạnh.

Trước đó, tỉnh cũng yêu cầu khẩn trương tổ chức sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, các vùng thấp trũng, ngập úng. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 15h ngày 27/10.

Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh và các địa phương cấp huyện thông báo cho các đơn vị, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn bố trí công việc cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động đảm bảo an toàn theo yêu cầu trên.

Quảng Nam cấm người dân ra khỏi nhà từ 20h hôm nay

Chiều 27/10, UBND tỉnh Quảng Nam có lệnh khẩn yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20 giờ tối nay 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ làm việc ngày 28/10 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai). Các tổ chức, đơn vị khác chủ động quyết định cho cán bộ, người lao động nghỉ làm việc theo thẩm quyền.

img
Quảng Nam vừa có thông báo yêu cầu người dân không được phép ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/10

Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão Molave (bão số 9) gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp ứng phó bão Molave và tình hình mưa lũ. Lãnh đạo các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án bảo vệ trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị. Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể (kể cả trực chỉ huy, xử lý tình huống); tổ chức hiệp đồng với các lực lượng quân đội, công an… để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai.

img
Các lực lượng xung kích giúp dân đi chuyển tàu thuyền ở đảo Cù Lao Chàm, Hội An vào nơi tránh trú.

Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam tổ chức kiểm tra tình hình triển khai công tác ứng phó với thiên tai đã được phân công nhằm đảm bảo công tác ứng phó bão số 9 an toàn cao nhất cho người dân và lực lượng ứng cứu, khi bão đến tất cả phải tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho nơi sơ tán dân đến, chỉ ra ngoài làm nhiệm vụ và ứng cứu khi có lệnh của người có thẩm quyền.

img
Lực lượng dân quân giúp dân xã đảo Tân Hiệp, Hội An chằng chống nhà cửa

Các đơn vị tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18h ngày 27/10. Yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu, sơ tán dân khỏi ở các khu vực nguy hiểm tại các địa phương ven biển, cửa sông, hoàn thành trước 17h ngày 27/10. Trường hợp không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định.

img
Lực lượng bộ đội sơ tán dân vùng biển Núi Thành đến nơi tránh trú an toàn
img
Người dân vùng biển Núi Thành được sơ tán vào trú tránh tại trường học
img
Lực lượng quân đội, biên phòng túc trực 24/24 tại xã đảo Tân Hiệp, Hội An sẵn sàng giúp dân khi có tình huống khẩn cấp xảy ra
img
Tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền trên đảo Cù Lao Chàm trước giờ bão số 9 đổ bộ

Bình Định: Sơ tán khẩn cấp trước 17h ngày 27/10

Ngày 27/10, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, chính quyền các địa phương đã kiểm tra tình hình sạt lở tại huyện An Lão và việc neo đậu tàu thuyền tại TX Hoài Nhơn và công tác ứng phó bão số 9 tại một số địa phương.

Để bảo vệ an toàn cho người dân, ông Hồ Quốc Dũng chỉ đạo trước 17h hôm nay (27/10), tất cả các hộ dân sống ven biển và nơi có triều cường phải được di dời đến nơi an toàn. Những hộ không chịu di dời thì lực lượng chức năng phải tiến hành cưỡng chế và bắt buộc di dời ngay tức khắc.

“Mọi người không được chủ quan, chần chừ. Tối khuya hôm nay là cấm không cho ai ra đường để giữ an toàn cho người dân”, ông Dũng nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn cho biết, dự kiến địa phương sẽ di dời khoảng hơn 10.000 hộ dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Đến thời điểm hiện tại, đã di dời được khoảng 3.000 hộ dân, chủ yếu ở các vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở. Công tác vận động người dân đến nơi an toàn vẫn đang được tiếp tục triển khai.

Đến chiều 27/10, công tác sơ tán dân cũng như kiểm tra ứng phó với bão số 9 được tiến hành khẩn trương từ nhiều tỉnh thành miền Trung. Tại Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khắc phục sạt lở, di dời dân ở vùng núi của huyện An Lão, vùng trũng thấp ở TX Hoài Nhơn và một số địa phương khác.

Thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9

Trước tình hình bão số 9 có cường độ rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường làm Phó trưởng ban. Các thành viên gồm: đại diện lãnh đạo các bộ Quốc phòng, Công an, TN&MT, GTVT, Công thương, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.

Ban chỉ đạo tiền phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo kiểm tra đôn đốc các ngành, địa phương ứng phó với bão số 9 một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại, thường xuyên cập nhật tình hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ban sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, trong sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã dẫn đầu đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với bão số 9 tại các tỉnh từ Đà Nẵng tới Bình Định.

Đà Nẵng: Hối hạ cắt tỉa cây xanh chống bão

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 2
Trên địa bàn Sơn Trà (Đà Nẵng), hàng loạt cây xanh được cắt hạ tán cao, lá, chỉ để trơ lại phần thân cây chính

Ghi nhận PV tại Đà Nẵng, từ chiều 27/10, Đà Nẵng trời còn hửng nắng, mây nhiều hơn, gió bắt đầu mạnh. Khu vực ven biển sóng vỗ. Dọc tuyến đường nội thị, người dân chèn chống nhà cửa. Các cây xanh đường phố được lực lượng chức năng gia cố, cắt hạ tán lá.

Trên đường Hoa Lư, Lê Hữu Kiều, Hồ Sỹ Tân... trên địa bàn Sơn Trà (Đà Nẵng) hàng loạt cây xanh được cắt hạ tán cao, lá, chỉ để trơ lại phần thân cây chính. Đây chủ yếu là cây bàng Đài Loan, Phượng vĩ... Nhiều cây cao 4-5 mét, tán lá sum suê được cắt tỉa.

Theo đại diện Công ty công viên- cây xanh Đà Nẵng (thuộc sở Xây dựng Đà Nẵng), đơn vị tăng cường tối đa lực lượng, thiết bị để cắt dọn, thu gọn chiều cao, tán lá cây xanh để giảm sức cản gió, không gây ngã đỗ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân không nên đỗ ô tô, để vật dụng dưới các gốc cây lớn, cổ thụ phòng tránh trường hợp cây ngã đổ gây thiệt hại liên hoàn...

Ninh Thuận: Nghiêm cấm tàu bè ra khơi, kêu gọi ngư dân vào bờ

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 3
Hàng trăm phương tiện tàu thuyền đã vào neo đậu tại cảng Đông Hải, TP. Phan Rang-Tháp Chàm.

Trưa 27/10, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản hỏa tốc số 3887 về tiếp tục triển khai công tác ứng phó bão số 9 - bão Molave.

Theo đó, giao Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các địa phương khẩn trương thông báo và kêu gọi tất cả tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn tại các khu tránh trú bão tại Cảng Ninh Chữ, Đông Hải, Cà Ná.

Giao Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, BQL Khai thác các cảng cá và UBND các địa phương ven biển tổ chức sắp xếp, neo đậu hợp lý, tránh va đập.

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển từ 14 giờ ngày 27/10/2020, đồng thời yêu cầu người dân rời khỏi tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi thủy sản trước 18 giờ cùng ngày.

Trước đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành văn bản 3855 về triển khai các phương án ứng phó bão số 9, đồng thời thành lập 3 đoàn công tác do chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác ứng phó bão và mưa lũ có thể gây ra trên địa bàn.

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 4
Lực lượng biên phòng liên tục dừng ca nô chuyên dụng để thông tin về ảnh hưởng của bão số 9.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại cảng Ninh Chữ (huyện Ninh Hải) và cảng Đông Hải (TP. Phan Rang-Tháp Chàm), tính đến 9 giờ sáng 27/10 đã có trên 780 phương tiện tàu cá với trên 4.390 lao động đã vào neo đậu an toàn.

Đại úy Ngô Quý Bắc, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Đông Hải cho biết, hiện phần lớn tàu cá ngư dân địa phương đã neo đậu tại các bến cảng. Một số đánh bắt ở khơi xa cũng đã chủ động vào bờ ở các tỉnh như: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng và neo đậu an toàn.

Phú Yên cấm biển, cho học sinh nghỉ học

Sáng 27/10, tỉnh Phú Yên có loạt văn bản hỏa tốc về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 9.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển, thời gian bắt đầu cấm biển từ 09 giờ ngày 27/10/2020.

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 5
Sáng 27/10, nhiều người dân TP. Tuy Hòa mang bao cát, bao nước để chèn chống nhà cửa

Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương ven biển triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trên biển nghiêm túc thực hiện khi có thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, neo đậu; tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu, thuyền.

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 6
Ngành chức năng tập trung cắt tỉa cây xanh tại thành phố Tuy Hòa

Ghi nhận tại thành phố Tuy Hòa trong sáng nay, biển động, sóng mạnh đập liên hồi. Nhiều người dân mang bao nilong đi xúc cát về chèn chống nhà cửa. Ngành chức năng tập trung cắt, tỉa cây xanh.

Ngành giáo dục cho phép học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên tạm nghỉ học ngày 28/10 (thứ 4). Các đơn vị tiếp tục theo dõi, tùy hình hình diễn biến cụ thể trên địa bàn, nếu bị ngập lụt, sạt lở và bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bão số 9 gây ra thì chủ động tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 7
Tỉnh Phú Yên cấm các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển, thời gian bắt đầu cấm biển từ 09 giờ ngày 27/10/2020.

Ngoài ra, theo Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Ba Hạ, tổng lượng nước về hồ chứa thuỷ điện Sông Ba Hạ lúc 7 giờ cùng ngày là 505 m3/s; lượng nước qua máy phát điện 400 m3/s; tổng lượng nước về hạ du là 500 m3/s.

Để chủ động ứng phó với bão số 9, có khả năng gây mưa to đến rất to trên lưu vực, từ 8h ngày 27/10, đơn vị tiến hành điều tiết lưu lượng nước qua tràn từ 300 đến 1.500 m3/s, tuỳ theo tình hình lưu lượng nước về hồ, để đưa dần mực nước hồ về mực nước đón lũ.

Quảng Trị yêu cầu sơ tán hàng ngàn hộ dân

Sáng 27/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Trị đã có Văn bản hỏa tốc số 156 /VP-PCTT yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, ban ngành, đoàn thể về việc chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 9.

“Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão số 9, từ đêm 27/10 khu vực tỉnh Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10; từ gần sáng 28/10 khu vực tỉnh bắt đầu có mưa lớn trên diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 500 mm; cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3”, Văn bản hỏa tốc nhấn mạnh.

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 8
Tỉnh Quảng Trị yêu cầu sơ tán hàng ngàn hộ dân bão số 9, vùng ngập lụt, vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu ở miền núi trước 18h hôm nay (27/10)

Để chủ động ứng phó bão số 9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện khẩn trương, triệt để các nội dung tại Công điện số 16 ngày 26/10 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9 - bão Molave.

“Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, lên danh sách và lập kế hoạch sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng do bão, khu vực trũng thấp, ven sông, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn theo Phương án được phê duyệt.

Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm di dời tập trung, lưu ý đảm bảo thực hiện nghiêm các nội dung, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định”, Văn bản hỏa tốc của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Trị yêu cầu.

Tin bão số 9 ngày 27/10 - 9
Hàng trăm tấn lúa người dân làng Hội Kỳ (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) bị ngâm nước trong đợt lũ vừa qua đang được chuyển bằng thuyền ra QL1. Ảnh chụp ngày 12/10

Trên tinh thần đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Trị cho biết, kế hoạch sơ tán dân tránh bão dự kiến 6.355 hộ dân với 17.840 người đến các khu vực an toàn để tránh bão trên địa bàn tỉnh (bao gồm di dời tại chổ và di dời tập trung). Tùy theo diễn biến bão số 9, các địa phương sẽ chủ động điều chỉnh phương án và triển khai sơ tán dân theo từng địa bàn cụ thể.

img
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang gấp rút phòng chống bão số 9, cắt tỉa cây bên QL1 đoạn qua thị xã Hương Trà sáng 27/10

Đối với sơ tán dân vùng ngập lụt, Quảng Trị dự kiến sơ tán 8.522 hộ/25.896 người thuộc 82/124 xã, phường, thị trấn bị (tương đương trận lũ từ 6-15/10) và dự kiến triển khai sơ tán 15.372 hộ/49.757người thuộc 98/124 xã, phường, thị trấn bị (tương đương trận lũ từ 16-21/10).

Đối với sơ tán dân vùng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu ở miền núi, Quảng Trị dự kiến sơ tán 514 hộ dân với 2.214 người (huyện Đakrông 457 hộ dân với 2.040 người; huyện Hướng Hóa 57 hộ dân với 174 người) đến các điểm sơ tán tập trung, an toàn.

“Nguyên tắc sơ tán ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, cao tầng (đối với lũ), an toàn gần nhất trong khu vực; sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được lựa chọn trong phương án: nhà cộng đồng, trụ sở UBND, trường học… Từ tổng hợp dự kiến phương án sơ tán dân của các địa phương, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh phương án theo thực tế từng vùng, địa bàn cụ thể và triển khai thực hiện”, Văn bản hỏa tốc lưu ý.

Theo văn bản chỉ đạo, việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 18h hôm nay (27/10).

Quảng Ngãi khẩn trương đưa người già, trẻ nhỏ đi tránh bão

Sáng 27/10, trước dự báo bão số 9 diễn biến phức tạp, sắp đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thành lập các Đoàn công tác và phân công phụ trách địa bàn để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận của PV tại huyện Bình Sơn, ngay sáng 27/10, chính quyền địa phương tranh thủ từng phút để triển khai các phương án di dời dân ở các vùng nguy hiểm và tiếp tục giúp người dân chằng chống nhà cửa để đảm bảo an toàn tính mạnh và tải sản. Tại địa phương này, những người di dời tránh bão số 9 sẽ được bố trí tại 2 địa điểm là khu Kí túc xá của Hoà Phát Dung Quất và khu nhà ở của Công an huyện Bình Sơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho biết: “Toàn huyện có khoảng 10.000 người dân ở vùng nguy hiểm, thuộc các xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Đông, nơi bị triều cường đe dọa, gây sạt lở nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, trước tiên huyện cùng các địa phương và lực lượng quân sự tổ chức di dời khoảng 10.000 người dân trước khi bão đổ bộ vào”.

Phương án di dân được tính đến là đưa đến các điểm kiên cố như trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan; đồng thời tiến hành cho ở ghép đối với khu vực có nhà kiên cố. Đối tượng được di dời đầu tiên được tính đến là người già, phụ nữ và trẻ em. Đây là đối tượng cần phải di chuyển khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm.

Song song với việc chằng chống nhà cửa, di dân, huyện còn tiến hành tổng rà soát trong các xóm, người trên tàu thuyền, lồng bè. Không để trường hợp nào còn ở lại ở nơi nguy hiểm.

Tin mới nhất về cơn bão số 9

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10h ngày 27/10, vị trí tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Đến 10h ngày 28/10, vị trí tâm bão ngay trên đất liền từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-115km/giờ), giật cấp 15.

Ảnh hưởng của bão, từ chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Trên đất liền, bão bắt đầu gây gió mạnh từ tối và đêm nay (27/10); thời gian có gió mạnh nhất từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10.

Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.

Bão số 9 gây mưa lớn từ đêm nay

Cũng theo dự báo, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Đà Nẵng: Người lao động được nghỉ làm trong ngày 28/10

Ngày 27/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký công văn triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9 (Molave).

Công văn yêu cầu các lực lượng chức năng tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18h ngày 27/10.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá. Ai không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật; giao Chủ tịch UBND các quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 9 ở từng phường, xã.

Ông Thơ cũng giao Sở TN&MT làm việc với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dừng ngay việc khai thác từ 14h ngày 27/10 và đưa người rời khỏi khu vực khai thác để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân.

"Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới", Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu.

img
Người dân Đà Nẵng sơ tán thuyền thúng tránh bão số 9

Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đồng ý cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 28/10, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt.

Lãnh đạo Đà Nẵng giao Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND thành phố rà soát, triển khai phương án bảo vệ tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố và quyết định thành lập ba đoàn công tác do các Phó chủ tịch UBND TP làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 9.

Dân Đà Nẵng hối hả sơ tán tài sản

Sáng 27/10, trời Đà Nẵng yên ả, nắng dịu. Trên các tuyến phố trung tâm Đà Nẵng, lượng người, phương tiện đi lại vắng vẻ hơn thường ngày. Tại bãi biển Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an, dân quân tự vệ hối hả hỗ trợ người dân đưa thuyền thúng lên bờ tránh bão. Công việc diễn ra gấp rút, xe tuyên truyền chạy khắp nơi thông báo người dân sẵn sàng các phương án phòng, chống bão số 9 (Molave).

Vừa kéo 2 chiếc thuyền thúng buộc lại với nhau, ông Nguyễn Văn Ly (SN 1969, trú phường Mân Thái) cho biết, tránh thủ thời điểm trước bão tiết trời ráo tạnh, ông cùng hàng chục ngư dân với sự giúp đỡ của lực lượng chức năng đưa tài sản lên bờ, ràng buộc với nhau để hạn chế thiệt hại.

"Nghe bão lớn nên cũng lo lắng, từ 7h sáng nay, nhiều người phải thuê xe cẩu tải để đưa thuyền thúng lên bờ", ông Ly nói.

Clip Ngư dân Đà Nẵng kéo thuyền thúng lên bờ tránh bão

Theo ghi nhận, dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, xe cẩu tải chạy rầm rập đưa thuyền thúng của người dân từ bờ biển lên vỉa hè đối diện.

Ngư dân cho biết, những thuyền thúng nhỏ thì khiêng tay, còn thuyền lớn, ở xa thì phải thuê xe cẩu mới đưa về được. Mỗi thuyền thúng được cẩu lên bờ với giá 300 nghìn đồng, đi xa thì 400 nghìn đồng. Tuy đắt tiền nhưng cả thuyền, lưới có giá 50 triệu đồng nên phải bấm bụng thuê.

Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà), nhiều tàu thuyền cỡ lớn vào trú tránh bão từ cơn bão trước vẫn chưa ra khơi, được chủ neo lại.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết, sáng nay phường cùng với người dân đưa toàn bộ thuyền thúng lên bờ, dự kiến 10h sẽ hoàn thành. Riêng các tàu trên 50CV đã di chuyển vào âu thuyền Thọ Quang.

Ngư dân ven biển gấp rút sơ tán và bảo quản tài sản trước bão
Ngư dân gấp rút sơ tán tài sản trước khi bão số 9 đổ bộ

"Phường đang tiến hành sơn tán tại chỗ hơn 3.000 người. Đồng thời lập các tiểu ban phòng chống lụt bão tại các khu dân cư. Hiện nay, từng tổ dân phố trên địa bàn đã vận động người dân di chuyển đến nhà người thân, hàng xóm nơi có nhà kiên cố cao tầng để tránh bão. Trước 15h chiều nay, chúng tôi sẽ hoàn thành việc sơ tán, hộ nào không chấp hành sẽ cưỡng chế đến địa điểm an toàn”, ông Công nói và cho biết thêm, chiều nay sẽ cưỡng chế người dân còn ở các lồng bè nuôi cá, nhà hàng gần núi.

Sáng cùng ngày, nhiều người dân tại Đà Nẵng cũng bắt đầu chèn chống, gia cố nhà cửa trước khi bão số 9 đổ bộ. Nhiều người dân lo lắng nhà cửa bị hư hỏng do lũ lụt vừa qua sẽ không trụ nổi với sức gió quá mạnh của bão số 9.

Xe chở thuyền đi tránh vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão
Ngư dân phải chi hàng trăm nghìn đồng để thuê xe cẩu chở thuyền thúng đi tránh bão

Anh Nguyễn Văn Thuận (trú xã Hòa Tiến, huyên Hoà Vang) cho biết, nghe tin bão lớn, cả nhà tôi đã gấp rút chèn chống nhà cửa, gia cố lại mọi đồ vật trong nhà. Cơn bão được dự đoán là rất mạnh, chúng tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần trước, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết, lương thực, thực phẩm để đề phòng trường hợp mất điện, cắt đường.

Từ chiều hôm qua (26/10), bà Nguyễn Thị Hà (trú phường Mân Trà, quận Sơn Trà) thuộc tổ dịch vụ kinh doanh số 5 biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) đã gấp rút đưa dù, bàn ghế… ra khỏi bãi biển để tránh bão.

"Bữa nay nghe mưa bão là sợ lắm. Đợt mưa bão vừa rồi cũng đã hư hại rất nhiều, tôi lo đến ngủ không được, bây giờ mà hư hại thì cũng không có tiền để tu sửa", bà Hà lo lắng.

Được biết, Đà Nẵng đã bắt đầu sơ tán những hộ dân tại các khu vực nguy hiểm và sẽ hoàn thành trước 15h chiều nay (27/10). Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão gió cấp 8-11: Tổng số hộ sơ tán là 19.215 với tổng số người 72.136. Đối với kịch bản bão gió cấp 12-13: Tổng số hộ sơ tán là 35.229 với tổng số người 140.868.

Bão số 9 cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km

Theo Tung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, 7h sáng nay (27/10), tâm bão số 9 cách đảo Song Tử Tây khoảng 230km về phía Bắc Đông Bắc; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.

Do ảnh hưởng của bão số 9, cũng trong sáng nay, ở đảo Song Tử Tây đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Cũng theo dự báo của Trung tâm, bão số 9 bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10), thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng: từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Cũng từ đêm nay đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.

Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.