Giao thông

Tin giao thông 17/11: Cầu vượt chữ C đầu tiên ở Hà Nội sẽ xong 6/2022

17/11/2021, 15:00

Tin tức giao thông 17/11: Cầu vượt Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch là cầu vượt chữ C đầu tiên tại Hà Nội, tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được thi công theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ thi công phần cầu phía đường Phạm Ngọc Thạch và xén hè mở rộng đường Chùa Bộc. Dự kiến đến ngày 31/12/2021, hoàn thành công tác thi công kết cấu phần dưới bên phía đường Phạm Ngọc Thạch (trụ P4, P5, P6, P7, P8 và mố M9) và công tác xén hè mở rộng đường Chùa Bộc.

img

Cầu vượt chữ C đầu tiên tại Hà Nội rộng 9m sẽ xong trong tháng 6/2022.

Giai đoạn 2 thi công phần cầu phía đường Chùa Bộc và lao lắp dầm thép phía Phạm Ngọc Thạch. Dự kiến 2/1/2022, thi công kết cấu phần dưới phía đường Chùa Bộc (trụ P1, P2, P3, mố M0) và lao lắp dầm thép kết cấu phần trên, dự kiến hoàn thành dự án ngày 30/6/2022.​​​

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, chủ đầu tư dự án cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch cho biết, dự án có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Về thiết kế, cầu vượt thép được lắp ghép theo hình chữ C dài hơn 300m, rộng 9m, tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp ô tô và xe máy. Hướng dọc đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch, đường Chùa Bộc - Đông Tác và các nhánh rẽ còn lại sẽ được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu dưới cầu.

Gần 147.000 tỷ đồng để hoàn chỉnh cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đây là bước tiếp nối sau khi triển khai đầu tư 11 dự án thành phần trong giai đoạn 2017-2020.

Ở bước này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các đoạn tuyến còn lại của cao tốc Bắc - Nam gồm Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Mục tiêu là hoàn thiện mạch cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau với tổng chiều dài 2.063 km.

img

Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km.

Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km. Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80-120 km/h.

Tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 5.481 ha, trong đó đất dân cư khoảng 502 ha. Số hộ bị ảnh hưởng là gần 15.000, số hộ tái định cư gần 12.000. Tổng mức đầu tư sơ bộ của 12 dự án theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng.

Để bảo đảm sớm hoàn thành dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần. Sau khi hoàn thành, các dự án sẽ được tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Theo tính toán sơ bộ, phương án thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trong 5 năm đầu có thể giúp thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng. Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu) thì trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn Nhà nước và 10 năm là 30.000 tỷ đồng.

Về cấp triển khai thực hiện dự án, từ thực tiễn một số địa phương đã triển khai đầu tư cao tốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần.

Sau hơn 16 năm kể từ khi xây dựng tuyến cao tốc đầu tiên (tuyến TP.HCM - Trung Lương), đến nay cả nước đã đưa vào khai thác 1.163 km cao tốc. Tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm, bằng 1,5% tốc độ phát triển cao tốc của Trung Quốc.

Chính phủ đánh giá giá kết quả trên chưa đáp ứng được mục tiêu “đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc” theo Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Việc phân bổ đầu tư các tuyến cao tốc chưa hợp lý, chưa hài hòa giữa các vùng.

Kiến nghị hoạt động 100% công suất xe buýt vào giờ cao điểm

Ngày 16/11, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng (VT HKCC) TP Hà Nội vừa có kiến nghị gửi về UBND TP Hà Nội, Sở GTVT, Trung tâm Quản lý GTCC TP Hà Nội cho phép xe buýt được hoạt động 100% công suất vào giờ cao điểm.

img

Xe buýt được hoạt động với công suất 100% giờ cao điểm hành khách đi lại sẽ thuận tiện hơn - Ảnh minh hoạ

Theo Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Nguyễn Trọng Thông, những ngày cuối tháng 10 trở lại đây, lượng hành khách sử dụng xe buýt đang có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều hành khách phải chờ đợi lâu mới có thể đón được xe buýt do yêu cầu giãn cách trên xe để phòng, chống dịch (xe chỉ chở không quá 50% sức chứa và không quá 20 hành khách/xe tại một thời điểm).

Tần suất dịch vụ thưa, từ 15 - 60 phút/lượt dẫn đến nhiều trường hợp hành khách phải chờ đợi lâu và chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân. Do đó, để phục vụ người dân đi lại bằng xe buýt được thuận tiện hơn, Hiệp hội VTHKCC TP Hà Nội đề nghị cơ quan quản lý xem xét cho phép hoạt động xe buýt Hà Nội được hoạt động 100% công suất vào khung giờ cao điểm, từ 6 giờ đến 9 giờ vào buổi sáng và 16 giờ đến 20 giờ vào buổi chiều.

Trước đó, toàn bộ các tuyến buýt được yêu cầu tạm dừng hoạt động trong gần 3 tháng để phục vụ công tác phòng, chống dịch và hoạt động trở lại với 50% công suất chạy xe từ ngày 14/10/2021 khi được Sở GTVT phê duyệt. Sau hơn 1 tháng hoạt động trở lại, công tác tổ chức vận hành các tuyến buýt được đảm bảo an toàn và tuân thủ nghiên các quy định, phòng chống dịch.

Trong những ngày đầu tái hoạt động, lượng hành khách đi xe buýt giảm khá nhiều, ở một số tuyến người dân đi xe giảm đến gần 70% so với trước đây; một số nguyên nhân được chỉ ra là do học sinh, sinh viên chưa được đi học và nhu cầu đi lại chưa cao khi các đơn vị, DN vẫn đang thực hiện giãn cách, hạn chế nhân sự làm việc trực tiếp tại trụ sở thời điểm đó.

Giá vé bay thẳng Việt Nam - Mỹ khoảng 1.000 USD/người

Chiều 16/11, Vietnam Airlines đã chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không điểm dừng giữa Việt Nam và Mỹ.

Với sự kiện này, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được cấp phép bay thẳng thường lệ đến Mỹ.

Dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh vào ngày 28/11 tới đây, sau đúng 20 năm kể từ thời điểm Vietnam Airlines thành lập văn phòng đại diện tại Mỹ nhằm đặt nền móng cho quá trình xây dựng đường bay thẳng giữa hai nước.

img

Chiếc máy bay Boeing 797 của hãng hàng không VNA tại đường băng của xưởng sản xuất Boeing South Carolina (Mỹ)

Ông Charles Ranado, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã thay mặt nhà chức trách Mỹ trao chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ cho Vietnam Airlines.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) là cơ quan cấp phép cuối cùng của nhà chức trách Mỹ và chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết về pháp lý để Vietnam Airlines được phép khai thác thường lệ đường bay Mỹ.

Chứng chỉ của FAA có hiệu lực không giới hạn về thời gian và cho phép hãng hàng không quốc gia Việt Nam chủ động xây dựng tần suất, triển khai kế hoạch khai thác theo nhu cầu của hãng.

Bamboo trước đó cũng công bố đường bay thẳng Mỹ, Anh vv. Đường bay Mỹ dưới hình thức thuê chuyến kèm theo các điều kiện về số lượng chuyến bay, thời gian và tần suất khai thác.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, kế hoạch mở đường bay thẳng Việt - Mỹ được hãng triển khai từ năm 2000. Để đạt chứng nhận khai thác thường lệ đường bay tới Mỹ, Vietnam Airlines đã phải làm việc với 9 cơ quan của Mỹ, với nhiều thủ tục khắt khe.

Hiện tại Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ. Dự kiến chuyến bay chiều đi sẽ khởi hành vào tối 28/11 với hành trình từ TP.HCM đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút. Chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29/11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại TP.HCM vào sáng mùng 1/12, với thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. (rút ngắn được 5- 6h bay so với các chuyến bay nối chuyến).

Về giá vé bay thẳng đến Mỹ, ông Hà cho biết, vẫn là bài toán kinh tế khi nhiều hãng đưa ra giá vé cạnh tranh. Để đảm bảo cân đối thu chi vẫn là thách thức lớn với hãng trong thời gian tới. Dự kiến trong 5 năm đầu Vietnam Airlines sẽ lỗ và phải sau 5 năm mới có thể hoà vốn và có lãi.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, các chuyến bay được thực hiện bằng đội tàu bay thân rộng hiện đại (Boeing 787 và Airbus A350) nhằm mang đến trải nghiệm thoải mái, tiện nghi cho hành khách.

Khi thực hiện bay thẳng tới Mỹ hãng sẽ sử dụng đội tàu bay thân rộng chuyên chở từ 220 -230 khách mỗi chiều (giảm 100 ghế so với thiết kế), giá vé khoảng 1.000 USD/ người mỗi chiều.

Được biết, sau khi mở đường bay thẳng từ TP.HCM tới Mỹ, tới đây nhà chức trách hàng không Mỹ sẽ tiến hành khảo sát sân bay Nội Bài để đánh giá điều kiện mở thêm đường bay từ Hà Nội đi Mỹ. Sau đường bay thẳng tới San Francisco, Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu mở thêm đường bay tới Los Angeles.

Trước đó, hôm 4/11 vừa qua FAA đã thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ.

Từ tháng 12/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng giữa TP.HCM và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Hãng sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.