Xã hội

Tín hiệu đáng mừng về văn hóa từ chức

08/11/2022, 14:41

Các chuyên gia cho rằng, những quy định mới được xem là "lối mở" cho người sau từ chức, tránh quan niệm đã từ chức là "về vườn".

Từ chức thể hiện sự tự giác, gương mẫu

Vừa qua, Quốc hội đã chính thức miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thể. Ông là Bộ trưởng đầu tiên được Quốc hội miễn nhiệm giữa nhiệm kỳ theo nguyện vọng cá nhân, không phải do vướng kỷ luật trước. Sau đó, Bộ Chính trị đã quyết định điều động, phân công ông Thể làm Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương.

Đầu tháng 10/2022, có 3 nhân sự thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII là các ông: Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương. Ba nhân sự này đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những sai phạm trong quá trình công tác.

img

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục của Quốc hội

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – giáo dục của Quốc hội, việc một số cán bộ tự nguyện từ chức, trong đó có ông Nguyễn Văn Thể là tín hiệu đáng mừng. Điều này thể hiện sự tự giác, gương mẫu của một người đảng viên.

"Đã đến lúc nên coi từ chức, "nhường ghế" là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên", ông Tiến cho biết.

Theo ông Tiến, ở các nước, câu chuyện lãnh đạo rút khỏi "ghế nóng đương nhiệm" khi không đủ sức khỏe, khả năng gánh vác công việc được giao là khá phổ biến và bình thường. Việc làm này của các vị lãnh đạo được dư luận xã hội đánh giá rất cao về sự dũng cảm khi đã nhận rõ trách nhiệm của mình.

Không nên quan niệm "đã lên không xuống, đã vào không ra", "cán bộ bị kỷ luật hay có vấn đề thì mới rút lui", mà cần phải nhìn nhận vấn đề này là việc bình thường của quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy. Chuyện "có xuống có lên, có vào có ra" là lẽ đương nhiên của cuộc sống và nhất là trong công tác cán bộ.

Sau từ chức mà phấn đấu tốt vẫn có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm

Trên thực tế, Đảng, Nhà nước đã có các quy định pháp lý cho việc từ chức. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" xác định phải "xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ". Luật Công chức, viên chức cũng quy định những vấn đề này.

Đặc biệt, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và ngày 8/9/2022, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Thông báo số 20-TB/TW Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Với quy định: "Cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định", Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

img

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Luận bàn về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, đây là những quy định mới, được xem là "lối mở" cho người sau từ chức, tránh quan niệm đã từ chức là "về vườn". Nếu sau khi từ chức, đảm nhận công tác mới mà phấn đấu tốt, khắc phục yếu kém, khuyết điểm thì có thể được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải được coi là bình thường.

"Như thế mới xây dựng được văn hóa từ chức của cán bộ", ông Hòa nói và cho biết, trong lịch sử, không ít những cán bộ thôi chức vụ, sau đó, phấn đấu rèn luyện và cống hiến cho đất nước để rồi quay trở lại giữ chức vụ cao hơn.

Cùng quan điểm, GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, trong lịch sử đất nước, đã có những trường hợp từ chức, nhường vị trí cho người khác vì thấy có lợi cho đất nước. Sau đó, những người từ chức vẫn tiếp tục cống hiến, nỗ lực ở vị trí công tác mới và được bổ nhiệm trở lại cương vị cũ, thậm chí cao hơn.

"Việc làm vừa rồi của Đảng ta là tiếp nối những cái đã có trong điều kiện mới", ông Thắng nói.

GS.TS Mạch Quang Thắng cho biết, Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng thôi giữ chức Tổng Bí thư sau đó ông đã trở lại giữ vị trí này và là người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

"Hay như ông Nguyễn Văn Linh từng xin rút khỏi Bộ Chính trị, nhưng sau đó, với những đóng góp quan trọng cho Đảng, cho đất nước, ông trở lại tham gia Bộ Chính trị rồi trở thành Tổng Bí thư. Điều đó để cho thấy việc từ chức không có nghĩa "kết thúc" sự nghiệp của cán bộ, lãnh đạo. Nếu biết rèn luyện, phấn đấu vì đất nước, vì nhân dân thì sẽ được ghi nhận", ông Thắng nói.

GS.TS Mạch Quang Thắng cho biết, trong điều kiện hiện nay, sự nghiệp cách mạng đi lên rất mạnh, yêu cầu cán bộ, lãnh đạo phải đáp ứng về năng lực, phẩm chất, đạo đức.

"Chính vì vậy, nếu cảm thấy mình không phù hợp với vị trí hiện tại thì cán bộ, lãnh đạo có thể xin từ chức để người phù hợp hơn giữ vị trí đó. Vừa rồi chúng ta đã có một số cán bộ xin thôi và từ chức, tôi tin rằng thời gian tới điều này sẽ trở thành nề nếp", ông Thắng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.