Giao thông

Tín hiệu vui từ “cuộc chiến” chống xe quá tải

22/05/2015, 09:01

Mục tiêu kiểm soát tải trọng xe đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương thực hiện quyết liệt.

111
Nhiều xe Howo trên địa bàn Hà Nội đã được cắt thành thùng theo đúng quy định

Mục tiêu kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương thực hiện quyết liệt. Đến nay, nhiều địa phương đã tổ chức cắt thành thùng xe theo đúng quy định, kiểm soát tận nơi xếp dỡ hàng hoá và tăng cường tuần tra kiểm soát. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, tình trạng xe quá tải đến nay đã giảm đáng kể.

Kiểm soát kích thước thùng hàng

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, vấn đề nóng nhất hiện nay trong việc KSTTX là kiểm soát kích thước thành thùng hàng. Đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện việc ký cam kết kiểm soát kích thước thùng hàng với tất cả 63 tỉnh, thành.

Sau một năm ra quân xử lý xe quá tải, chỉ riêng việc xử lý xe ô tô tải tự đổ vi phạm kích thước thùng chở hàng, từ tháng 4/2014 đến hết tháng 3/2015, cả nước đã kiểm tra 6.757 xe và phát hiện 1.217 xe vi phạm. Toàn bộ số xe này đã buộc phải cắt phần cơi nới thùng hàng trái phép. Nhiều doanh nghiệp đã tự giác cắt phần thành thùng cơi nới không đúng với qui định.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay số xe quá tải cơ bản đã giảm, tổng thể còn khoảng 20% số xe vẫn cố tình chở hàng quá tải trọng. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ kết cầu hạ tầng cầu đường, kéo dài tuổi thọ khai thác, giữ mặt đường êm thuận, giảm ách tắc giao thông, góp phần kéo giảm TNGT.

Đơn cử như tại Hà Nam, sau gần một năm thực hiện việc KSTTX, việc kiểm soát, xử lý xe thay đổi kích thước thành thùng hàng đã cơ bản được giải quyết, số lượng vi phạm về kích thước thành thùng hàng đã giảm tới 90%.

Theo ông Dương Văn Hội, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hà Nam, tính đến thời điểm hiện tại, lượng xe vi phạm cơi nới thành thùng và chở hàng quá tải trên địa bàn đã giảm khoảng 90%. Với sự vào cuộc quyết liệt như hiện nay thì 10% còn lại chắc chắn sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn.

Không chỉ Hà Nam mà nhiều địa phương khác cũng đã bắt tay vào việc kiểm soát kích thước thành thùng hàng. Ngay như Hà Nội, một địa phương có rất nhiều phương tiện vận tải hàng hoá có kích thước thùng hàng không đúng quy định cũng đã triển khai mạnh mẽ kiểm soát thùng hàng. Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng trên 1 nghìn doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó có khoảng trên 600 xe ô tô tải tự đổ (xe tải ben) có trọng tải từ 10 tấn trở lên thường xuyên hoạt động trên các tuyến đường của thành phố. Sau gần hai tháng ra quân kiểm soát thành thùng hàng, đến nay đã có rất nhiều doanh nghiệp tự cắt phần thùng sai quy định. Chỉ cần quan sát trên các tuyến đường ngoại thành cũng có thể thấy, số lượng các xe vi phạm kích thước thành thùng hàng đã giảm đáng kể.

Ngay sau khi có Chỉ thị của Bộ GTVT về việc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ tại các đầu mối xếp hàng hóa, tình hình xe quá tải ra vào các cảng biển, đường thủy nội địa cũng đang có chiều hướng giảm. Đặc biệt sau khi phát hiện các cảng có xe chở quá tải ra vào như: cảng Phú Thái (Hải Dương), Cửa Lò (Nghệ An), Hoàng Diệu (Hải Phòng), Cái Lân (Quảng Ninh), Bộ GTVT đã có những chỉ đạo quyết liệt xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo các đơn vị này. Điều này đã có những hiệu ứng tích cực, tạo sự chuyển biến khá tốt trong công tác KSTTX.

112
Kiểm tra kích thước thành thùng xe tại chân cầu Thanh Trì, Hà Nội

Quan trọng nhất là chuyển biến về nhận thức

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, điều quan trọng nhất trong công tác KSTTX là phải làm chuyển biến được nhận thức của các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, lái xe và người dân. Thực tế cho thấy, khi việc xử lý vi phạm được làm mạnh ngay cả với các đơn vị vận tải vốn được coi là có thế mạnh trên địa bàn các tỉnh đã khiến những doanh nghiệp vận tải còn lại có chuyển biến về nhận thức vì họ đã nhận thấy việc xử lý vi phạm không loại trừ bất cứ trường hợp nào. Cũng vì có niềm tin vào cuộc chiến xử lý xe quá tải nên thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp công khai hoặc âm thầm tố cáo số xe của các doanh nghiệp có xe chở quá tải. Điều này sẽ tạo sự công bằng hơn trong lĩnh vực kinh doanh vận tải.

“Các doanh nghiệp lớn họ rất muốn làm ăn đàng hoàng. Chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ lẻ, muốn làm ăn kiểu chụp giật không đồng thuận. Có thể khẳng định 80 - 90% lái xe cũng muốn chở đúng tải. Nhưng chỉ vì chủ bắt chở quá tải nên họ đành phải làm vì chở quá tải rất vất vả, mất an toàn. Không thực hiện họ sẽ mất việc. Ngay cả khi lái xe trốn, chống đối lực lượng chức năng thì đó cũng là do chỉ đạo của những ông chủ chứ bản thân họ đâu có muốn vậy.

Cũng không loại trừ có chuyện can thiệp trong quá trình xử lý vi phạm. Để làm được việc này thì chỉ có những người có chức vụ tại địa phương. Tuy nhiên có thể khẳng định đến nay tình trạng can thiệp đã giảm đi rất nhiều. Sự thành công bước đầu của chiến dịch đã làm chuyển biến về nhận thức ngay từ các lãnh đạo địa phương. Họ đã hiểu ra rằng, làm một con đường tốn kém biết bao, nếu không biết giữ gìn, sử dụng hợp lý, hiệu quả thì sẽ phung phí tiền của như thế nào. Từ chuyển biến ấy, người ta mới quay sang ủng hộ, chỉ đạo xử lý xe quá tải” - ông Huyện cho biết.

Cũng theo ông Huyện, mặc dù công tác KSTTX đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều địa phương thực hiện quyết liệt như: Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Bình Phước. Thừa Thiên - Huế… nhưng vẫn còn một số tỉnh như: Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá… vẫn còn nhiều xe quá tải, hiệu quả KSTTX còn hạn chế. Vì thế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã và sẽ làm việc với lãnh đạo các địa phương này để thúc đẩy công tác này nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát xe quá tải ngay trong năm 2015.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.