Tối 19/12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi thông tin, cơn bão số 9 gây gió giật mạnh, sóng biển cao uy hiếp đên nhiều nhà dân khu vực ven biển. Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp dân phòng tránh mưa bão. Hiện đã có hàng ngàn người dân được sơ tán đến nơi an toàn, tránh trú cơn bão số 9.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam), bắt đầu từ 10h ngày 19/12, do ảnh hưởng bão số 9 (bão RAI), tại Cù Lao Chàm đã xuất hiện gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Gió lớn kèm theo sóng biển đang uy hiếp đến nhiều nhà dân sát biển tại thôn Bãi Làng.
Từ sáng 19/12, sóng biển cao 3-4m đã xuất hiện ở đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An
Bà Hương cho hay: Đến chiều nay, gió bão giật rất mạnh, kèm theo sóng biển cao, phủ lên bờ và đến cả những nhà dân thôn Bãi Làng. Ngoài bão gió và sóng biển lớn, tại Cù Lao Chàm đang có mưa to, nước mạnh cuốn trôi đất đá trên núi xuống các nhà dân sát chân núi.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con, các lực lượng địa phương phối hợp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng trên đảo triển khai giúp bà con chằng chống nhà cửa, đồng thời đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú, riêng các thuyền nhỏ được đưa lên bờ an toàn, di dời người dân có nhà sát biển đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: Do ảnh hưởng của không khí lạnh và bão số 9, chiều nay, tại đảo Cù Lao Chàm và toàn bờ biển Hội An xuất hiện sóng lớn và gió giật mạnh. Vấn đề lo lắng nhất của Hội An là nguy cơ nước biển dâng sau bão. Đoạn bờ biển qua Hội An hiện đang sạt lở nghiêm trọng. Nếu tiếp tục tái diễn tình trạng nước biển dâng sau bão như cơn bão số 13 năm 2020 thì chắc chắn sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn.
"Đối với xã đảo Tân Hiệp, Hội An đã chỉ đạo địa phương chủ động rà soát, nhất là ở thôn Bãi Hương. Phương án sơ tán các hộ sát bờ biển, sát chân núi ở nhà tạm, nhà trệt vào khu vực an toàn và tùy theo diễn biến thực tế của bão số 9 thì số lượng hộ phải di dời sẽ được quyết định với từng cấp độ cụ thể", ông Hùng nói.
Con đường ven biển đảo Cù Lao Chàm bị nước, sóng biển đánh cuốn khiến cát sỏi, đá cuội nằm ngổn ngang.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), từ sáng nay, đảo Lý Sơn xuất hiện gió giật mạnh, sóng biển cao liên tục đánh vào bờ. Để kịp thời ứng phó với cơn bão số 9, huyện Lý Sơn bố trí lực lượng túc trực 24/24 theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, yêu cầu các chủ phương tiện, tàu, thuyền nuôi trồng, không được ở lại tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc và duy trì chốt chặt kiểm tra các tàu thuyền trong và ngoài tỉnh, thực hiện nghiêm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bà Hương cho hay: Đến nay, trên địa bàn huyện có 725 phương tiện các loại như tàu cá, tàu vận tải, tàu khách, cano. Hiện đang neo đậu tại bến 719 chiếc. (Riêng có 5 chiếc thuộc tỉnh Bình Định và Đà Nẵng có 25 lao động) Tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 6 phương tiện/73 lao động, nhưng không có tàu nào nằm trong vùng nguy hiểm.
Hiện đã di dời 2 hộ 6 khẩu khu vực mon tàu (An Bình) vào nhà kiên cố và 170 hộ có nhà ở không đảm bảo di chuyển xen ghép đến nhà dân kiên cố. Đến 15h chiều 19/12, các hộ nuôi trồng thủy sản và ngư dân đã lên bờ đến nơi tránh trú an toàn. Hiện tại 51/51 lồng bè neo đậu an toàn tại vũng neo đậu tàu thuyền.
Video sóng biển cao 3-4m bắt đầu xuất hiện ở vùng biển đảo Cù Lao Chàm vào sáng 19/12
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), đến nay còn 1 tàu đánh bắt hải sản của ngư dân huyện Bình Sơn trên vùng biển Trường Sa bị mất liên lạc.
Cụ thể, tàu Đặng Bi đánh bắt hải sản QNg-90440-TS có 16 lao động mất liên lạc trên biển. Tàu có công suất 774CV do ông Đặng Duy Bình (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng. Ngày 27/11, tàu xuất bến tại Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) hành nghề lặn ở Trường Sa. Từ ngày 5/12, tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tại Đảo Tiên Nữ đến nay chưa liên lạc được.
Tình đến nay, các xã trên địa bàn huyện Bình Sơn đã sơ tán, di dời 471 hộ/1.286 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn. Huy động lực lượng chén chống nhà cửa, hỗ trợ các hộ dân có người già neo đơn, đảm bảo an toàn trước ảnh hưởng của cơn bão số 9.
Ông Bùi Đức Thái, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi thông tin, tính đến nay, Quảng Ngãi đã di dời, sơ tán 525 hộ, với 1.499 nhân khẩu, cụ thể, TP. Quảng Ngãi có 54 hộ (xã Nghĩa An 37 hộ/148 nhân khẩu, Nghĩa Phú 17 hộ/65 nhân khẩu) và huyện huyện Bình Sơn 471 hộ/1.286 nhân khẩu.
Thừa Thiên Huế gia cố bờ biển, chủ động ứng phó với bão số 9
Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 19/12, chính quyền và người dân xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng lực lượng Hải đội 2 Biên phòng, lực lượng Đồn Biên phòng cảng Thuận An tất bật gia cố đoạn bờ biển bị xâm thực nặng đoạn qua thôn Tân An...
“Chiều nay chúng tôi đã hoàn thành gia cố đê bao xung yếu ở thôn Tân An với hơn 1.000 bao cát để hạn chế nước biển dâng cao do ảnh hưởng của bão số 9, triều cường nước tràn vào đường”- ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho hay.
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cũng cho biết, để chủ động ứng phó với bão RAI (cơn bão số 9) đang diễn biến phức tạp, địa phương đã có kế hoạch di dời khẩn cấp 29 hộ với 96 khẩu và di dời diện rộng 76 hộ với 446 khẩu đang đợi lệnh nếu phải di dời.
Lực lượng chức năng cùng người dân tất bật vận chuyển bao tải cát gia cố bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận bị xâm thực nặng.
Phú Thuận là một trong những địa phương ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó khu vực thôn Tân An (xã Phú Thuận) tình hình sạt lở, xâm thực bờ biển hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến rất nhiều hộ dân, đe dọa các cơ sở hạ tầng phía bên trong và nguy cơ mở một cửa biển mới.
Ngoài ra, tại khu vực hai đầu múi kè thuộc xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), hiện nay cũng xảy ra tình trạng xâm thực biển nghiêm trọng, làm nhiều diện tích rừng dương phòng hộ bị cuốn trôi. Cụ thể, từ múi kè Giang Hải đến khu vực núi Linh Thái giáp xã Vinh Hiền với chiều dài 1km biển xâm thực nặng, song biển đánh vào gần tràn qua khu vực đường tỉnh lộ 21. Phía múi kè giáp xã Vinh Mỹ hiện nay còn khoảng 15 hộ dân nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm đã có phương án bố trí tái định cư nhằm đảm bảo an toàn...
Để ứng phó với bão số 9, chính quyền xã Giang Hải đã chuẩn bị lực lượng, vật tư nhằm gia cố những điểm sạt lở xung yếu, tổ chức giúp ngư dân đưa các thuyền bãi ngang lên bờ tránh trú bão an toàn và di dời các hộ dân trong vùng sạt lở cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thông tin, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí 322 tỷ đồng xử lý các điểm sạt lở biển. Trước mắt, để xử lý khẩn cấp các đoạn xung yếu sạt lở bờ biển tại thôn Tân An cần khoảng 100 tỷ đồng. Riêng đối với đoạn múi kè Giang Hải đến đoạn giáp xã Vinh Hiền đã có nghiên cứu, lập hồ sơ dự án đầu tư và đang chờ bố trí vốn.
Người dân tất bật xúc cát vào các bao tải...
... khẩn trương đưa các bao tải cát gia cố bờ biển đoạn thôn Tân An chiều 19/12.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có Công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế và các Sở ngành, đơn vị chủ động triển khai công tác ứng phó với bão RAI (cơn bão số 9).
Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, phương án sơ tán, di dời ứng phó với bão mạnh, siêu bão gồm: xen ghép với 19.623 hộ/55.788 khẩu; tập trung với 8.374 hộ, 30.725 khẩu. Căn cứ tình hình, hướng di chuyển và cấp độ rủi ro do bão các huyện, thị xã và TP Huế tổ chức triển khai phương án sơ tán, di dời dân giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh, cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra tình hình sạt lở biển, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc và TP Huế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh yêu cầu các địa phương rà soát, có phương án sơ tán dân vùng ven biển, đầm phá, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở và các khu vực trọng điểm để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu yêu cầu bám sát công tác dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Cần tính toán, dự báo chính xác đường đi của bão để xác định phương án di dân bởi trong điều kiện dịch bệnh hiện nay rất khó khăn và xác định khi di dân phải đảm bảo an toàn chống dịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận