Văn hóa - Giải Trí

"Tin ở hoa hồng" được “trẻ hóa” sau 33 năm

22/11/2018, 07:30

Sau hơn 30 năm kể từ bản dựng của NSND Lê Hùng, Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục dựng lại tác phẩm nổi tiếng...

22

Thanh Sơn (vai Hưng) trong một cảnh trong vở “Tin ở hoa hồng”

Công lý, uất ức chỉ có trẻ con giải quyết mà thôi

Tin ở hoa hồng là tác phẩm được cố tác giả Lưu Quang Vũ viết năm 1986, những giá trị tư tưởng và thông điệp trong vở kịch có đời sống hơn 30 năm vẫn còn nguyên vẹn, bắt kịp với thời đại 4.0. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của một viên chức Nhà nước lương thiện, khi chuẩn bị nghỉ hưu thì bị thủ trưởng cơ quan đổ vấy cho tội danh lạm dụng công quỹ. Là người “thấp cổ bé họng”, lại bị đẩy vào tình thế “quýt làm cam chịu”, ông uất ức ngã bệnh đến mức có ý định quyên sinh. Chứng kiến sự bất công, có niềm tin vào điều tốt đẹp, một nhóm bạn trẻ đã vào cuộc để đi tìm sự thật.

Vở diễn lần này do NSƯT Chí Trung dàn dựng. Hơn 30 năm trước, chính anh cũng từng có một vai diễn trong tác phẩm này với bản dựng của “bậc thầy sân khấu” Lê Hùng. Lần này, anh quyết định cắt ngắn kịch bản từ 71 trang xuống còn 37 trang, cắt 17 cảnh xuống còn 9 cảnh để tập trung truyền tải thông điệp chính mà vở diễn gửi gắm. Theo nghệ sĩ Chí Trung, giá trị cuối cùng mà vở hướng tới không phải đơn thuần chuyện tham nhũng công quỹ, mà đó là tham nhũng niềm tin.

Tin ở hoa hồng là tác phẩm được Bộ VH, TT&DL đặt hàng Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. Dự kiến, vở diễn sẽ chính thức công diễn vào tháng 2/2019. 

Trong bối cảnh hiện nay, xã hội bội thực bởi niềm tin bị mất. Nếu tinh ý, khán giả sẽ thấy, những công lý, uất ức của người dân bây giờ chỉ có trẻ con giải quyết mà thôi, NSƯT Chí Trung chia sẻ.

Chia sẻ với Báo Giao thông, nhà báo Lưu Minh Vũ (con trai kịch gia Lưu Quang Vũ) cho biết, anh từng xem vở dựng cách đây 33 năm, do đạo diễn Lê Hùng dựng. Anh ghi nhận bản dựng mới của nghệ sĩ Chí Trung mang hơi thở xã hội hiện đại, cách dàn dựng hiện đại với nhiều khối không gian diễn ra liên tục và không bị gián đoạn vì chuyển cảnh. Sân khấu được thiết kế có màn hình led và đồ họa hoạt hình 3D hỗ trợ trực tiếp bản diễn.

“Tôi không biết khán giả trẻ bây giờ sẽ tiếp nhận vở như thế nào nhưng tôi tin thông điệp: Hãy tin vào những điều tốt đẹp, hãy làm tất cả những điều tốt đẹp, những điều ấy sẽ được lan tỏa đến mọi người. Lý tưởng là cố gắng làm tất cả những gì mình tin là tốt đẹp nhưng vở diễn vẫn thổi điều gì đó để giới trẻ biết rằng, không nên sống an phận mà nên nghĩ cho người khác. Ở xã hội hiện nay, để sống được như vậy cũng khó nhưng mong các bạn trẻ hãy nghĩ tới những lý tưởng tốt đẹp và có những cách làm riêng của mình”, nhà báo Lưu Minh Vũ nói.

Thỏa mãn tính giải trí kết hợp truyền thông điệp

Nhắm tới đối tượng khán giả trẻ từ 13-19 tuổi nên Tin ở hoa hồng lần này cũng được “trẻ hóa”. Với mục tiêu: “Muốn thỏa mãn thị giác, hấp dẫn, có tính giải trí và ẩn sau đó là tư tưởng của Lưu Quang Vũ”, bên cạnh việc thiết kế sân khấu hiện đại, sử dụng các nhóm nhảy với âm nhạc hiện đại để vở diễn thêm sôi nổi, trẻ trung thì dàn diễn viên cũng là những người trẻ. Ngoài diễn viên chính: Thanh Sơn, Lý Chí Huy là hai gương mặt trẻ được yêu thích của nhà hát, cùng một số nghệ sĩ cốt cán như: Hương Tươi, Vân Dung, Tuấn Anh… toàn bộ diễn viên khác đều là những diễn viên trẻ đang thực tập tại nhà hát và vừa ra trường. Theo nghệ sĩ Chí Trung, các diễn viên trẻ cần cơ hội để cọ xát và rèn luyện. Anh cũng chia diễn viên thành hai kíp để sau này diễn nhiều có thể thay thế nhau và cũng là một cách để rèn luyện diễn viên cho tốt lên.

Hơn 40 diễn viên đã tập luyện suốt 2 tháng, đạo diễn Chí Trung yêu cầu các diễn viên phải xóa bỏ hết lối diễn mang tính kịch và lối diễn của phim truyền hình để phá cách cho vở diễn mang nét hồn nhiên, tung tẩy hơn. Anh cũng thừa nhận, công tác diễn viên là khó nhất, bởi hai diễn viên chính đều là những người đã có gia đình, ở độ tuổi U30 nhưng phải hóa thân thành những thanh niên trẻ mới 19-20 tuổi. Họ không diễn ra được chất của những thanh niên còn trong vắt nên anh đã rất cố gắng để xóa đi những “nhem nhuốc” đang tồn tại.

Diễn viên Lý Chí Huy (vai Phát) bộc bạch, anh đã phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu kịch bản, cũng như quan sát, học hỏi những suy nghĩ, lối sống và cách hành xử của những người trẻ ngày nay để làm chất liệu diễn. Bởi, những hoài bão, cách biểu hiện, suy nghĩ của độ tuổi 20 rất khác với anh nên đây là một thử thách. Anh phải nhìn nhận lại giới trẻ bây giờ ra sao, rồi từ đó kết hợp với dữ liệu đã có của nhân vật để ra diễn cho ra chất hiện đại. Chí Huy cũng không được xem những bản diễn của tác phẩm này trước đây và anh cũng không xem vì không muốn bị ảnh hưởng. “Tôi được sinh ra ở thời trẻ hơn thế hệ diễn viên cũ của vở nên suy nghĩ và cách sống đã khác với trước đây rất nhiều. May mắn là ở kịch của anh Vũ, hình tượng của vai diễn thể hiện rõ nét hết trong các lời thoại. 20 tuổi là một cậu thanh niên, biết yêu, biết ghét và phản ứng với xã hội rồi chứ không còn là một cậu nhóc ngây thơ nữa”, Chí Huy tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.