Thời sự Quốc tế

Tin quốc tế mới nhất ngày 5/2: Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa

05/02/2021, 19:08

Những thông tin quốc tế mới nhất xoay quanh diễn biến luận tội của Tổng thống Mỹ Donald Trump; căng thẳng Eo biển Đài Loan; đảo chính Myanmar.

Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa lần đầu tiên dưới thời ông Biden

img

Khu trục hạm USS John S. McCain.

Chiều 5/2, tàu khu trục John S. McCain của Hải quân Mỹ đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam và đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo này kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức.

Theo thông báo từ Hải quân Mỹ, "tàu USS John S. McCain đã thực thi quyền tự do hàng hải ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".

Trước khi ông Biden nhậm chức, nhất là vài tháng gần đây, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump thường xuyên điều tàu tới Biển Đông, tăng cường thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực.

Thời điểm tháng 12/2020, Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ra thông báo chỉ trích những “yêu sách hàng hải bành trướng và bất hợp pháp tại Biển Đông đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia liên quan".

Bác sĩ điều trị cho chính trị gia đối lập Navalny chết bí ẩn

img

Alexei Navalny - ảnh ABC.

Ngày 5/2, hãng tin CNN dẫn thông báo từ Bệnh viện cấp cứu Omsk cho biết: Bác sĩ người Nga, điều trị cho nhà chính trị đối lập Alexei Navalny qua đời một cách bí ẩn mà không rõ nguyên nhân.

Theo thông báo, “Phó trưởng khoa gây mê và hồi sức cấp cứu của Bệnh viện cấp cứu số 1, Phó khoa của trường Đại học y bang Omsk, Tiến sĩ Khoa học y tế Maksimishin Sergey, đột ngột qua đời”.

Ông Maksimishin Sergey chính là người điều trị đầu tiên cho chính trị gia đối lập Alexei Navalny. Sau khi bị trúng chất độc thần kinh Novichok trên máy bay từ Siberia đến Moscow, ông Navalny đã được đưa đi cấp cứu tại đơn vị chống độc của bệnh viện cấp cứu số 1 Omsk ngày 20/8/2020. Khi hôn mê, ông Navalny được chuyển đến viện ở Berlin, Đức để điều trị tiếp trong 5 tháng.

Ông Leonid Volkov, chánh văn phòng của ông Navalny xác nhận, bác sĩ Maximishin là người chịu trách nhiệm điều trị ban đầu cho chính trị gia Navalny và là người biết rõ hơn ai hết “tình trạng của ông Alexei”.

Dù vậy ông Volkov cũng thừa nhận, tại Nga không hiếm những trường hợp bác sĩ đột nhiên qua đời ở tuổi ông Maximishin do hệ thống y tế nội địa yếu kém. Do đó, khả năng cao sẽ không có cuộc điều tra nào về cái chết của vị bác sĩ này.

Lâu nay, vị chính trị gia đối lập của Nga luôn khẳng định đã bị lực lượng an ninh Nga đầu độc. Trong khi đó, chính quyền Nga đương nhiệm luôn phủ nhận các cáo buộc liên quan.

img

Donald Trump vẫy chào lần cuối trước khi rời khỏi Nhà Trắng

Ông Trump sẽ không làm chứng tại phiên luận tội

Đây là tuyên bố của nhóm luật sư đại diện cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay sau khi Nghị sĩ Đảng Dân chủ Jamie Raskin, người đứng đầu nhóm ra nghị quyết luận tội ông Donald Trump vì vai trò trong vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ hôm 6/1 vừa qua.

Phía Luật sư của ông Trump cho rằng vụ xử luận tội là “vi hiến” nên Tổng thống sẽ không làm chứng tại phiên toà như vậy.

Nhóm luật sư của ông Trump cho rằng đây chỉ là "chiêu trò PR (đánh bóng)”.

Trong trường hợp vị cựu lãnh đạo Mỹ từ chối đề nghị, “chúng tôi bảo lưu mọi quyền, trong đó có quyền đề xuất nhận định, việc ông không hợp tác sẽ chứng minh rõ ràng những lập luận cáo buộc hành động của ông hôm 6/1” – trích nội dung bức thư của nhóm ra Nghị quyết luận tội ông Trump gửi tới cựu Tổng thống Mỹ.

Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu phiên toà luận tội ông Trump từ ngày 9/2 sau khi nhận được cáo buộc ông Trump kích động bạo loạn gây ra sự việc bạo động tại Quốc hội Mỹ hôm 6/1 gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Trump chỉ bị kết tội khi có 2/3 số Thượng Nghị sĩ ủng hộ, đồng nghĩa, cần có thêm 17 Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hoà và toàn bộ 50 Thượng Nghị sĩ đảng Dân chủ đồng ý. Điều này được đánh giá rất khó xảy ra.

Trung Quốc theo dõi chiến hạm của Mỹ di chuyển ở Eo biển Đài Loan

img

Trung Quốc đang theo dõi sát sao tàu chiến Mỹ di chuyển qua Eo biển Đài Loan

Trong phản ứng mới nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Trung Quốc đang duy trì mức độ cảnh giác cao toàn thời gian, sẵn sàng ứng phó trước mọi mối đe doạ, khiêu khích, kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Bắc Kinh hy vọng Mỹ sẽ có vai trò xây dựng với hoà bình, ổn định trong khu vực chứ không phải đi theo hướng ngược lại”.

Trước đó, Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain thực hiện hoạt động mà Mỹ luôn gọi là “đảm bảo an ninh, tự do hàng hải”, đi qua Eo biển Đài Loan, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Hạm đội 7 của Mỹ khẳng định, chiến hạm USS John S. McCain "tuân theo luật pháp quốc tế" và cho biết "việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Đảo chính Myanmar: Ông Biden lên tiếng

img

Ông Joe Biden lên tiếng về tình hình đảo chính tại Myanmar trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên

Ngày 4/2, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: “"Trong một nền dân chủ, các lực lượng không nên tìm cách bác bỏ ý nguyện của người dân hay xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin cậy. Quân đội Myanmar nên từ bỏ quyền lực mà họ chiếm và thả toàn bộ quan chức, nhà hoạt động bị bắt, dỡ bỏ hạn chế về thông tin liên lạc và tránh dùng bạo lực".

Ông khẳng định Washington tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh để giải quyết vụ đảo chính.

Trươc đó, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, chính quyền ông Biden có thể ra sắc lệnh phản ứng với tình hình Myanmar, áp lệnh cấm vận nhằm vào cá nhân/thực thể nằm trong kiểm soát của quân đội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.