Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 12/5:Phát ngôn viên của ông Putin nhiễm Covid-19

12/05/2020, 14:08

Cập nhật tin thế giới mới nhất 12/5: Người phát ngôn của Tổng thống Putin nhiễm Covid-19; "Kỷ lục" Covid-19 ở Ghana: 1 người lây cho 533 người.

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người phát ngôn Dmitry Peskov. Ảnh:AFP

Người phát ngôn của Tổng thống Putin nhiễm Covid-19

Theo Reuters, người phát ngôn của tổng thống Nga là Dmitry Peskov hôm 12/5 cho biết bản thân ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới virus corona. Hãng thông tấn Interfax của Nga cho biết ông Peskov đang được điều trị tại bệnh viện.

"Vâng, tôi đang ốm, tôi đang điều trị tại bệnh viện", Interfax dẫn lời ông Peskov cho biết.

Ông Peskov cho biết lần cuối cùng ông tiếp xúc cá nhân với Tổng thống Putin là hơn một tháng trước, theo hãng thông tấn TASS. Điện Kremlin cho biết sức khỏe của Tổng thống Putin được bảo vệ nghiêm ngặt, đồng thời Nga sẽ sử dụng những phương pháp điều trị y tế tốt nhất cho nhà lãnh đạo đất nước.

Ông Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, là quan chức chính phủ cấp cao mới nhất nhiễm dịch bệnh tại Nga. Trước đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cuối tháng 4 cho biết được chẩn đoán nhiễm virus corona. Ông Mishutin đã tạm thời nghỉ việc để tiếp nhận điều trị.

Kỷ lục “siêu lây nhiễm” Covid-19 ở Ghana: 1 người lây cho 533 người

Trong bài phát biểu quốc gia hôm 10/5, Tổng thống Ghana Akufo-Addo cho biết, đã có 533 người bị mắc Covid-19 lây nhiễm từ một công nhân tại nhà máy ở thành phố cảng Tema. Sự lây nhiễm này được phát hiện từ hồ sơ 921 mẫu được thu thập để xét nghiệm vào tháng 4/2020 mà các quan chức y tế vừa báo cáo, ông Akufo-Addo nói thêm.

img
Một người phụ nữ đang bán nước rửa tay tại chợ Makola, Ghana hôm 20/4. Ảnh: AFP.jpg

Tuy nhiên, Tổng thống Akufo-Addo không cung cấp chi tiết về các biện pháp cần phải được thực hiện để đối phó với tình huống này. Sự lây nhiễm hàng loạt tại nhà máy nói trên đã nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Ghana lên 4.700 người, trong đó có 22 người tử vong, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia Tây Phi này vào tháng 3/2020.

Tổng thống Akufo-Addo cho biết, số ca mắc tiếp tục gia tăng, một phần do việc tăng cường xét nghiệm. “Càng làm nhiều xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thì chúng tôi càng phát hiện nhiều bệnh nhân dương tính”, ông nói.

Ghana đã thực hiện hơn 160.000 xét nghiệm. Nước này cũng thành lập thêm 7 trung tâm xét nghiệm nữa để đẩy mạnh tiến trình. Tổng thống Akufo-Addo đã kéo dài lệnh cấm tụ tập, đồng thời cho biết, sẽ tiếp tục đóng cửa các trường học và biên giới trên khắp đất nước.

Trung Quốc xét xử cựu bí thư tỉnh ủy nhận hối lộ 60 triệu USD

SCMP đưa tin, cựu bí thư Thiểm Tây Zhao Zhengyong hôm 11/5 đã ra hầu tòa ở tỉnh Thiên Tân với cáo buộc là lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ từ các nhà thầu và những người muốn thăng chức, hoạt động phân công nhân sự và ưu đãi khi quản lý hoạt động kinh doanh, theo tài liệu của tòa án.

img
Ông Zhao Zhengyong tại tòa. Ảnh: Weibo

Tổng cộng, ông Zhao và vợ - người chưa lộ danh tính - bị nghi nhận hối lộ 426 triệu nhân dân tệ (60 triệu USD) và đồng ý nhận thêm 291 triệu nhân dân tệ.

Phiên tòa xử ông Zhao diễn ra 2 tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Thiểm Tây, và yêu cầu các cán bộ rút ra bài học từ vụ bê bối tham nhũng mà ông Zhao bị cáo buộc đứng đầu.

Để nhấn mạnh quan điểm trên, ông Tập đã đi thăm dãy núi Tần Lĩnh, nơi được xem là “hiện trường” của vụ tham nhũng.

Vụ việc được đưa ra ánh sáng vào tháng 1 năm ngoái khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV chiếu một chương trình, trong đó, các quan chức Thiểm Tây thú nhận rằng họ đã phớt lờ chỉ thị từ ông Tập hồi năm 2014 về việc dẹp bỏ hàng trăm công trình sang trọng xây dựng trái phép tại khu bảo tồn thiên nhiên ở núi Tần Lĩnh.

Chương trình của CCTV không trực tiếp nhắc tới ông Zhao, nhưng chỉ trích mạnh mẽ một “lãnh đạo chủ chốt” của tỉnh ủy Thiểm Tây vì đã xem nhẹ chỉ thị nói trên.

Ông Zhao là thống đốc Thiểm Tây từ năm 2010 tới 2012 và sau đó được thăng chức lên bí thư tỉnh ủy cho tới khi ông xuống chức vào tháng 3/2016.

Một tuần sau khi chương trình trên được trình chiếu trên CCTV, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Trung Quốc thông báo ông Zhao đã bị bắt.

Mỹ tố tin tặc TQ đánh cắp thông tin vắc-xin Covid-19

Tờ Independent trích nguồn tin từ các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có Cục Điều tra Liên bang và Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rằng phía Trung Quốc đang tìm kiếm “những tài sản trí tuệ có giá trị và và dữ liệu về sức khỏe cộng đồng liên quan tới vắc-xin, tiến trình điều trị và xét nghiệm dịch Covid-19”.

img
Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và An ninh hạ tầng Mỹ (CISA) Christopher Krebs. Ảnh: Reuters

“Trung Quốc từ lâu đã có hành vi xấu trong không gian mạng, nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi nước này theo dõi các cơ quan, tổ chức liên quan tới chiến dịch phòng chống Covid-19 của Mỹ. Và nhiều cơ quan an ninh mạng nội địa sẽ cố gắng hết sức trong việc bảo vệ những dữ liệu về virus Sars-CoV-2”, Independent trích lời Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và An ninh hạ tầng Mỹ (CISA) Christopher Krebs nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bị tố đứng đằng sau các vụ tin tặc tấn công vào mạng lưới các cơ sở nghiên cứu Covid-19 tại Mỹ. Trước đó, CISA cũng các cơ quan an ninh mạng của Mỹ và Anh cũng đã đưa ra lời cảnh báo chung về việc nhiều cơ quan y tế, những công ty dược phẩm, các phòng nghiên cứu vắc-xin tại châu Âu và Mỹ đã trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công mạng.

Putin nới phong tỏa bất chấp ca nCoV tăng

Putin thông báo người lao động có thể trở lại nơi làm việc dù số ca nhiễm nCoV đang tăng mạnh, khiến Nga thành vùng dịch lớn thứ tư thế giới.

img
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức, ngày 11/5. Ảnh: Điện Kremlin

Với hơn 221.000 ca nhiễm và mức tăng hơn 10.000 ca mới trong 9 ngày liên tiếp, Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới sau Mỹ, Tây Ban Nha và Anh. Dù số liệu cho thấy tình hình Covid-19 tại Nga chưa được cải thiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thời gian nghỉ làm có lương của nước này sẽ kết thúc hôm nay.

Putin hồi cuối tháng 3 cho phép những người Nga không làm các công việc thiết yếu nghỉ ở nhà và vẫn được nhận lương, một trong những biện pháp ngăn nCoV lây lan. Tuy nhiên, quyết định của Putin được nhận định khiến nền kinh tế Nga bấp bênh trong bối cảnh giá dầu giảm và các chủ doanh nghiệp chật vật trả lương đầy đủ cho nhân viên khi phải đóng cửa.

"Bắt đầu từ 12/5, giai đoạn không làm việc của đất nước sẽ kết thúc với toàn bộ lĩnh vực của nền kinh tế", Putin nói trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức chịu trách nhiệm đối phó với Covid-19 tại Nga ngày 11/5.

Putin nói các địa phương của Nga được phép đưa ra cách phòng chống dịch khác nhau và có thể giữ nguyên các biện pháp hạn chế cần thiết để ngăn nCoV lây lan. Tuyên bố của Putin được phát trên truyền hình quốc gia sau khi Nga ghi nhận mức tăng kỷ lục gần 12.000 ca nhiễm trong 24 giờ.

Trump cân nhắc giới hạn tiếp xúc phó tổng thống dù không lo Covid-19 bùng phát ở Nhà Trắng

Trong cuộc họp với cánh báo chí ở Vườn Hồng hôm 11/5, Tổng thống Trump có gián tiếp đề cập đến khả năng Phó tổng thống Pence đang tự cách ly sau khi thư ký báo chí của ông nhận kết quả dương tính với dịch Covid-19, dù nhà lãnh đạo không nói thẳng điều đó, theo Reuters.

img
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) trong một cuộc họp báo cùng Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Hiện đã có 3 thành viên của tổ chuyên trách đối phó dịch Covid-19 của Nhà Trắng phải cách ly, bao gồm chuyên gia bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci, ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và ông Stephen Hahn, người đứng đầu Cục Quản lý dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA). Nhân viên Nhà Trắng được yêu cầu đeo khẩu trang, và tại đây chỉ một số rất ít người không đeo - trong đó có Tổng thống Trump

Hồi cuối tuần trước, một phát ngôn viên của ông Pence bác bỏ phó tổng thống đang tự cách ly, nhưng qua những gì Tổng thống Trump cho biết, có vẻ như thực tế hoàn toàn khác.

Khi được hỏi liệu ông Trump có nghĩ đến việc giới hạn tiếp xúc với "phó tướng" của mình hay không, nhà lãnh đạo cho hay “ông ấy và tôi sẽ nói về chuyện này”. Ông cũng nói thêm rằng mình chưa gặp ông Pence kể từ tuần trước.

Nhà lãnh đạo cũng tìm cách xua đi bất kỳ quan ngại nào về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở Cánh Tây của Nhà Trắng, nơi làm việc của tổng thống Mỹ và các quan chức dưới quyền.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán tuyên bố không thể rò rỉ virus

Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán khẳng định cơ sở này tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ nghiêm ngặt, đảm bảo không có khả năng virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ ra ngoài.

img
Bên trong Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán. Ảnh: Xinhua

Theo SCMP, Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán bao gồm một phòng thí nghiệm cấp 4 - cấp độ an toàn sinh học cao nhất, và được ủy quyền để nghiên cứu các loại mầm bệnh nguy hiểm nhất như Ebola, virus Lassa Tây Phi và virus sốt xuất huyết Crimea-Congo.

“Chúng tôi áp dụng một loạt biện pháp cần thiết để đảm bảo không có bất cứ con virus nào có thể thoát khỏi phòng thí nghiệm”, Yuan Zhiming - Giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn sinh học quốc gia Vũ Hán nói với tờ Công nghệ Nhật báo.

Tất cả các nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm đều phải vượt qua các bài kiểm tra sức khỏe thể chất và tâm lý hàng năm. Những người làm việc trong phòng thí nghiệm cấp 4 cần phải xin phép trước khi ra vào, đồng thời phải chứng minh rằng tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường thông qua kiểm tra huyết áp, thân nhiệt.

Phòng thí nghiệm sử dụng công nghệ áp suất âm để không khí trong phòng không lưu thông ra ngoài, đảm bảo không lây lan mầm bệnh gây chết người.

Tuyên bố của phòng thí nghiệm virus Vũ Hán được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần công khai ủng hộ giả thuyết về việc virus SARS-CoV-2 là sản phẩm của phòng thí nghiệm Vũ Hán (Trung Quốc).

Tuy nhiên, WHO và Bắc Kinh mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc này.

Lợi dụng bệnh dịch, IS tìm cách trỗi dậy

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tìm cách trỗi dậy trong lúc liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Trung Đông đang bận rộn đối phó đại dịch Covid-19.

img
Lực lượng liên quân diễn tập cứu thương tại căn cứ Taji ở Iraq vào ngày 1/2

Đài Al Jazeera ngày 11/5 đưa tin tân Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi vừa tái bổ nhiệm trung tướng Abdul Wahab al-Saadi vào lực lượng phòng chống khủng bố. Vị tướng này nổi tiếng về thành tích truy quét tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lập công đầu trong việc đẩy lùi IS khỏi Mosul vào năm 2017, nhưng bị giáng chức không rõ lý do dưới thời cựu Thủ tướng Adel Abdul Mahdi vào năm ngoái. Việc này khiến người dân biểu tình phản đối rầm rộ tại Baghdad và nhiều nơi trên cả nước.

Quyết định quan trọng của chính phủ Iraq cho thấy lo ngại về nguy cơ IS trỗi dậy trong bối cảnh lực lượng an ninh của Iraq, Syria cùng liên quân do Mỹ cầm đầu đang bận rộn đối phó đại dịch Covid-19 và những xáo trộn về kinh tế - xã hội gây ra do giá dầu giảm mạnh.

Lợi dụng dịch bệnh Covid-19, IS đang tăng cường các vụ tấn công trong vài tuần qua với hy vọng lợi dụng tình trạng biến động ở Trung Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 8/5, trung tướng Pat White chỉ huy liên quân đối phó với IS tại Iraq và Syria cho biết IS nhận trách nhiệm 151 vụ tấn công trong tháng 4. Tuy nhiên, ông cho rằng các vụ tấn công gần đây ít tinh vi hơn trước nếu xét về vũ khí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.