Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 18/5: Nhân viên y tế quay lưng khi thủ tướng tới thăm

18/05/2020, 07:08

Cập nhật tin thế giới mới nhất 18/5: Nhân viên y tế Bỉ quay lưng khi thủ tướng tới thăm; Trung Quốc phát tán nCoV qua đường hàng không?...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Các nhân viên y tế quay lưng với đoàn xe chở Thủ tướng Bỉ tại bệnh viện ở Brussels. Ảnh: Euronews

Hàng trăm nhân viên y tế Bỉ quay lưng khi thủ tướng tới thăm

Thủ tướng Sophie Wilmes ngày 16/5 đã có chuyến thăm đầu tiên tới 2 cơ sở chăm sóc y tế kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Bỉ. Tuy nhiên, các nhân viên y tế tại bệnh viện Saint Peter đã có màn chào đón thiếu thiện cảm dành cho nhà lãnh đạo Bỉ.

Hàng trăm nhân viên y tế đã xếp hàng tại lối vào bệnh viện, nhưng đồng loạt quay lưng về phía đoàn xe chở Thủ tướng Sophie. Không chỉ các bác sĩ, y tá, mà cả các nhân viên hành chính, vệ sinh và hậu cần, cũng tham gia vào “cuộc biểu tình” này.

Màn chào đón không thân thiện trên thể hiện sự phản đối của các nhân viên y tế trước cách ứng phó của chính phủ Bỉ với đại dịch Covid-19, cũng như đạo luật mới được thông qua gần đây liên quan tới vấn đề việc làm trong ngành y tế.

Bệnh viện Saint Peter là nơi tham vấn để điều trị bệnh nhân Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.

Các nhân viên y tế trên cả nước Bỉ đã than phiền về sự mệt mỏi cực độ và tình trạng kiệt sức do thời gian làm việc kéo dài trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Họ cũng phàn nàn về mức lương và việc cắt giảm ngân sách.

Trong khi đó, chính phủ Bỉ vừa thông qua một dự luật gây tranh cãi, trong đó tăng khối lượng công việc của các nhân viên y tế và cho phép tuyển những người thiếu kỹ năng y tế vào làm y tá.

Sau chuyến thăm, Thủ tướng Sophie phát biểu tại cuộc họp báo rằng, bà coi sự phản đối của các nhân viên y tế tại bệnh viện là lời kêu gọi đối thoại giữa chính phủ và ngành y tế.

62 nước ủng hộ điều tra độc lập về đại dịch Covid-19

Theo Đài ABC (Úc), 62 quốc gia đã ủng hộ đề xuất của Úc và Liên minh Châu Âu (EU) trong việc cần tổ chức điều tra độc lập về dịch bệnh Covid-19 trước thềm hội nghị của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) khai mạc ngày 18-5 tại Geneva (Thụy Sĩ).

img
Người dân làm xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AP

Dự kiến trong cuộc họp của WHA, đề xuất điều tra của Úc và EU sẽ chính thức được đưa ra xem xét.

Úc là quốc gia đầu tiên kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập, tìm hiểu đại dịch Covid-19 đã bùng phát như thế nào.

Động thái này của Úc đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh. Trung Quốc cáo buộc Úc lợi dụng việc này để tung đòn tấn công chính trị với họ.

Tuy nhiên theo Đài ABC (Úc), căn cứ vào thực tế có thể thấy sự ủng hộ của quốc tế với Úc trong vấn đề này ngày càng tăng.

Các nước EU và Úc đã vận động dư luận quốc tế ủng hộ đề xuất thực hiện "một đánh giá toàn diện, độc lập và vô tư" về "phản ứng y tế quốc tế do WHO điều phối với dịch Covid-19".

Cũng theo Đài ABC, tính tới tối 17/5 giờ Canberra, đã có 62 nước - trong đó có Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Nam Phi và Anh - ủng hộ kế hoạch điều tra này.

Trung Quốc bị tố phát tán nCoV qua đường hàng không

Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cáo buộc Trung Quốc cố tình giấu dịch và để nhiều người nhiễm nCoV lên máy bay đi khắp thế giới.

img
Navarro trong cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng hôm 27/3. Ảnh: ABC

"Virus này sinh ra ở Vũ Hán, bệnh nhân số 0 được phát hiện hồi tháng 11/2019", Navarro, một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 17/5 nói trong cuộc phỏng vấn với đài ABC.

"Với sự che chắn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung Quốc đã che giấu dịch bệnh với thế giới trong hai tháng và sau đó đưa hàng trăm nghìn người Trung Quốc lên máy bay tới Milan, New York và khắp thế giới để gieo rắc virus", Navarro nói tiếp.

Milan và New York là hai điểm nóng Covid-19 trên thế giới.

Bình luận của Navarro được coi là một phần trong chiến dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đổ lỗi cho Trung Quốc về Covid-19, đại dịch khiến hơn 4,71 triệu người nhiễm và hơn 315.000 người chết khắp thế giới. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất với 1,52 triệu ca nhiễm và gần 90.000 ca tử vong.

"Họ đáng lẽ có thể giữ nó ở Vũ Hán nhưng thay vào đó, để nó biến thành đại dịch", ông nói tiếp. "Đó là lý do tôi nói người Trung Quốc đã gây tổn hại cho người Mỹ và họ phải chịu trách nhiệm".

Hơn 90.000 ca chết, Trump và Obama khẩu chiến

Sau khi cựu tổng thống Obama lên tiếng chỉ trích chính quyền Trump về phản ứng đối với dịch Covid-19, ông Trump cho rằng người tiền nhiệm "thiếu năng lực thậm tệ".

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

“Chúng tôi có nhiều cuộc họp tuyệt vời, tiến bộ lớn trên nhiều mặt”, ông Trump nói với các phóng viên tại Trại David. “Bao gồm việc tạo ra thuốc chữa cho căn bệnh kinh khủng đã bủa vây lấy đất nước chúng ta”, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.

Khi được yêu cầu nói rõ thêm, ông Trump không giải thích cụ thể, mà chỉ nói: “Cứ nhìn xem, ông ta thiếu năng lực. Tôi chỉ có thể nói vậy thôi. Thiếu năng lực thậm tệ”.

Việc ông Trump chỉ trích người tiền nhiệm không phải điều gì mới. Ông đã luôn phàn nàn rằng mình thừa hưởng một chính quyền yếu kém, nhiều vấn đề - thường là những lời chỉ trích mang nặng tính chính trị.

Nhưng bình luận mới đây được ông Trump đưa ra giữa lúc ông đang cổ xúy một thuyết âm mưu mới nhắm vào ông Obama, cáo buộc các quan chức Obama đã tìm cách phá hoại chính quyền Trump bằng cuộc điều tra Nga, theo POLITICO.

Từ trước khi làm tổng thống, ông Trump đã liên tục cổ xúy thuyết âm mưu không có căn cứ về việc ông Obama không phải sinh ra trên đất Mỹ và không đủ điều kiện để làm tổng thống. Sau cùng, ông Trump phải xin lỗi và nhận mình đã sai.

Nghi phạm diệt chủng Rwanda bị bắt tại Pháp sau 26 năm lẩn trốn

Người phát ngôn của Bộ Tư pháp của Pháp cho biêt, doanh nhân giàu có người Rwanda, một trong những nhân vật bị truy nã gắt gao vì tội diệt chủng, đã bị bắt tại ngoại ô Paris sau 26 năm chạy trốn.

img
Doanh nhân giàu có Felicien Kabuga, 84 tuổi, đã bị bắt ở ngoại ô Paris sau 26 năm chạy trốn

Felicien Kabuga, năm nay 84 tuổi, đã từng bị cáo buộc tài trợ những kẻ giết người, tuyên truyền thúc giục giết người hàng loạt vào năm 1994. Hơn 800.000 người dân tộc Tutsis và Hutus ở Rwanda đã bị giết chết thời kỳ đó. Kabuga đã từng bị truy nã và được Mỹ treo thưởng 5 triệu USD cho ai lấy được đầu của ông ta.

Tòa án hình sự quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Rwanda đã truy tố Kabuga năm 1997 với các tội danh liên quan tới âm mưu diệt chủng, đàn áp và hủy diệt.

Các công tố viên Rwanda cho biết, các tài liệu tài chính được tìm thấy ở thủ đô Kigali của Rwanda cho thấy sau vụ diệt chủng đó rằng, Kabuga đã sử dụng hàng chục công ty nhập khẩu số lượng lớn dao rựa được dùng vào việc giết người.

Doanh nhân giàu có này cũng đã bị buộc tội thành lập đài phát thanh và truyền hình Mille Collines để tuyên truyền các tài liệu chống phá người dân tộc Tutsi cũng như đào tạo và trang bị cho các dân quân Interhamwe giết người.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc bắt giữ Kabuga. Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc cho biết, việc bắt giữ này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng những ai bị cáo buộc thực hiện những tội ác như vậy không thể thoát khỏi công lý và cuối cùng sẽ bị bắt giữ, cho dù sự việc đã diễn ra hơn 1/4 thế kỷ.

Bỏ tù, phạt nặng người không đeo khẩu trang ra đường

Từ ngày 17/5, cả Kuwait và Qatar sẽ phạt nặng về tài chính, thậm chí là bỏ tù người dân nếu họ không đeo khẩu trang khi ra đường.

img
Kuwait đang triển khai nhiều biện pháp đối phó với Covid-19. Ảnh: Getty

Bộ Y tế Kuwait cho biết, bất kỳ ai không đeo khẩu trang ra đường sẽ bị phạt số tiền lên tới 5.000 Dinar, tương đương 400 triệu đồng. Trong khi đó, truyền hình Nhà nước Qatar cho biết, mức phạt ở nước này cao hơn Kuwait nhiều. Cụ thể, mức tù đối với tội không đeo khẩu trang có thể lên tới 3 năm và số tiền nộp phạt có thể lên tới 200.000 Riyal, tức khoảng hơn 1,2 tỷ đồng.

Hiện 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã ghi nhận tổng cộng 137.400 ca mắc Covid-19, trong đó có 693 trường hợp tử vong. Ban đầu hầu hết số ca mắc Covid-19 xâm nhập từ bên ngoài, tuy nhiên, dịch Covid-19 đã bùng phát sau đó ở các khu nhà ở của lao động nhập cư tại các quốc gia này.

Saudi Arabia là quốc gia có ca mắc và tử vong cao nhất trong khu vực, với 54.700 trường hợp, trong đó có 312 ca tử vong. Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là quốc gia đứng thứ 2 với 23.350 ca mắc và 220 ca tử vong.

Lãnh tụ tối cao Iran: Người Mỹ sẽ bị “trục xuất” khỏi Iraq và Syria

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 17/5 tuyên bố, người Mỹ sẽ bị “trục xuất” khỏi Iraq và Syria.

img
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: AP

Lãnh tụ tối cao Iran cho biết, những động thái của Mỹ tại Afghanistan, Iraq và Syria đã khiến người Mỹ bị ghét bỏ và họ sẽ không thể duy trì sự hiện diện “bất hợp pháp” tại Iraq và Syria.

Tuyên bố của Lãnh tụ tối cao Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran không ngừng leo thang, từ cuộc khẩu chiến cảnh báo tấn công tàu của nhau trên biển, cho đến những tranh cãi về việc kéo dài lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc với Iran, bất chấp việc 2 bên đang phải đối phó với đại dịch toàn cầu Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.