Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 20/3: Bộ trưởng Y tế Hà Lan xin từ chức vì kiệt sức

20/03/2020, 21:22

Cập nhật tin thế giới mới nhất ngày 20/3: Bộ trưởng Y tế Hà Lan xin từ chức vì kiệt sức chống dịch; Bệnh nhân ở Mỹ sốc vì hóa đơn điều trị...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Bộ trưởng Y tế Hà Lan khẳng định không nhiễm Covid-19 sau khi ngã quỵ tại Quốc hội

Bộ trưởng Y tế Hà Lan xin từ chức vì kiệt sức chống Covid-19

Quan chức dẫn đầu cuộc chiến chống Covid-19 của chính phủ Hà Lan vừa xin từ chức một ngày sau khi ngã quỵ vì kiệt sức trong một cuộc tranh luận về đại dịch tại quốc hội ngày 18/3.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo, Bộ trưởng Bruins đã xin từ chức vì chưa rõ khi nào ông sẽ hồi phục sức khỏe. Giải thích về lí do ông Bruins xin rút lui, người đứng đầu chính phủ Hà Lan nhấn mạnh: "Bản chất của cuộc khủng hoảng này đòi hỏi một bộ trưởng phải luôn sẵn sàng tăng tốc hành động ngay lập tức".

Theo Reuters, Phó Thủ tướng Hugo de Jonge sẽ đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Bộ Y tế Hà Lan cho đến khi chính phủ tìm được người thay thế.

Bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ sốc trước hóa đơn điều trị 35.000 USD

Câu chuyện của Askini được đăng trên tạp chí Time hôm 19/3. Cuối tháng 2, cô cảm thấy đau tức ngực, khó thở và nhức đầu, do đó đã gọi cho bác sĩ đang điều trị bệnh ung thư hạch bạch huyết để nhờ tư vấn. Sau đó, cô được chuyển tới một phòng cấp cứu ở Boston và được chẩn đoán bị viêm phổi. Askini được cho về nhà.

Vài ngày sau đó, nhận thấy thân nhiệt thay đổi bất thường và bị ho, Askini quay trở lại phòng khám để xét nghiệm. 10 ngày sau, bác sĩ thông báo cô nhiễm Covid-19.

img
Nhân viên y tế làm xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân tại Bệnh viện Newton-Wellesley, Mỹ. Ảnh: AFP

Sau một thời gian điều trị, đến ngày xuất viện, người phụ nữ này tá hỏa khi nhìn vào con số trên tờ hóa đơn điều trị: 34.927,43 USD.

Ngày 18/3, Quốc hội Mỹ thông qua luật hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19, tuy nhiên không bao gồm phí điều trị. Những bệnh nhân điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ICU) sẽ phải chi với số tiền “khủng” như Askini kể cả có bảo hiểm y tế.

Mỹ thả tù nhân để ngăn chặn Covid-19

Nhiều nhà tù ở Mỹ phải thả tù nhân vì đã xuất hiện trường hợp Covid-19 trong nhà tù. Hiện Mỹ có khoảng 2,3 triệu tù nhân ở các nhà tù cấp liên bang, tiểu bang và địa phương. Các tù nhân được trả tự do gồm những trường hợp phạm tội vặt và những người có bệnh lý nền.

Theo BBC, hạt Los Angeles có hệ thống nhà tù lớn nhất thế giới với số lượng người bị giam trung bình khoảng 22.000 tù nhân. Los Angeles đã phóng thích 600 tù nhân trong vòng 2 tuần qua để hạn chế nguy cơ lây bệnh cho tù nhân. Hạt Cuyahoga của bang Ohio cũng phóng thích hàng trăm tù nhân do lo ngại về dịch bệnh.

Trên thế giới, Iran đã phóng thích 85.000 tù nhân, kể cả tù chính trị trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

Cứ 10 phút, Covid-19 giết chết một người ở Iran

Bộ Y tế Iran 10 phút lại ghi nhận một ca tử vong do Covid-19, và số người chết tại quốc gia Trung Đông hiện là 1.284.

Thông tin được phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianush Jahanpur đăng Twitter hôm 19/3. Ông cho biết thêm "khoảng 50 người bị nhiễm sau mỗi giờ".

img
Lính cứu hỏa Iran phun khử trùng đường phố thủ đô Tehran. Ảnh: AFP

Iran hôm qua thông báo 1.046 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm lên 18.407, và 149 ca tử vong, mức cao nhất được ghi nhận, nâng số ca tử vong lên 1.284. Số ca nhiễm mới ở thủ đô Tehran cao nhất nước với 137 trường hợp, tiếp theo là tỉnh miền trung Isfahan với 108 và Gilan ở phía bắc với 73. Iran hiện là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19 tại khu vực Trung Đông.

Trung Quốc không có ca nhiễm mới trong nước ngày thứ 2 liên tiếp

Theo số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 20/3, Trung Quốc đại lục (không tính Hong Kong, Macao và Đài Loan) ghi nhận 39 ca nhiễm mới trong ngày 19/3, toàn bộ đều là người vừa nhập cảnh Trung Quốc. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc không có ca nhiễm mới phát sinh trong nước.

img
Một nhóm nhân viên y tế tình nguyện rời Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa xã

Tổng cộng, Trung Quốc đã ghi nhận 80.976 ca nhiễm và 3.248 ca tử vong tại đại lục. Đến nay, 6.559 người đang được điều trị, với 2.136 ca bệnh nặng.

Số người thuộc diện nghi ngờ được thống kê trong ngày 19/3 là 31, nhưng không có ai tại Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là tỉnh lỵ.

Thân vương Monaco nhiễm Covid-19

Ngày 19/3, thông báo từ Cung điện Monaco cho biết, Thân vương Albert II đã dương tính với Covid-19, tuy nhiên, sức khỏe của ông ổn định.

Trong tuyên bố, Monaco cho hay Thân vương 62 tuổi, đã được điều trị tại bệnh viện công Princess Grace Hospital Centre.

Công quốc Monaco nằm bên bờ Địa Trung Hải, có ba mặt tiếp giáp nước Pháp, một trong những quốc gia châu Âu đang chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh.

Thông tin này xuất hiện chỉ 2 ngày sau khi ông Albert II có bài phát biểu trên truyền hình, trong đó bao gồm kế hoạch cải cách để ngăn sự lây lan của dịch Covid-19.

Số người chết do Covid-19 ở Italy vượt Trung Quốc

Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italy cho biết nước này xuất hiện thêm 5.322 ca nhiễm mới, nâng số người nhiễm nCoV lên 41.035. Số người chết vì Covid-19 tại nước này là 3.405 (trong khi số người chết tại Trung Quốc đại lục là 3.245), tăng 427 ca so với một ngày trước đó, khiến Italy trở thành vùng dịch chết chóc nhất trên thế giới.

img
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ xe cứu thương lên cáng tại Rome. Ảnh: AP

Tỷ lệ tử vong ở Italy là 8,3%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở nước này đặc biệt cao. Các chuyên gia y tế Trung Quốc giúp Italy đối phó Covid-19 cho rằng các biện pháp áp đặt tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề ở miền bắc Italy không đủ quyết liệt.

Tổng thống Trump hủy hội nghị G-7 tại trại David vì virus

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy hội nghị G-7 tại trại David, Mỹ vào tháng 6. Thay vào đó, lãnh đạo của các nền kinh tế phát triển sẽ họp qua cuộc gọi video, Nhà Trắng vừa cho biết hôm 19/3.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới và cấm di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus.

img
Tổng thống Donald Trump đã quyết định hủy cuộc họp G7 tại trại David vì virus

Ông Trump đã tổ chức một cuộc họp qua video với các nhà lãnh đạo vào đầu tuần này và dự định tiếp tục làm điều này vào vào tháng Tư, tháng 5 và tháng 6.

Nhà Trắng coi sự thay đổi này là một phần trong nỗ lực giảm sự lây lan của virus. Các quốc gia thường cử các phái đoàn lớn cùng lãnh đạo của họ tới các hội nghị thượng đỉnh G-7 và các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới cũng đến để đưa tin về cuộc họp của họ.

Trung Quốc nổi giận vì bị con trai Tổng thống Brazil đổ lỗi gây đại dịch

Các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Brazil đã phản ứng dữ dội khi con trai tổng thống nước này cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân của đại dịch.

img
Ông Eduardo Bolsonaro, con trai của tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: Guardian.

Hôm 19/3, người con trai có sức ảnh hưởng của ông Bolsonaro - Tổng thống Brazil, ông Eduardo Bolsonaro - nhân vật được coi là bộ trưởng ngoại giao Brazil không chính thức - đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ với một dòng trạng thái trên Twitter.

“Đây là lỗi của Trung Quốc”, ông Eduardo viết khi chia sẻ lại một dòng Tweet có nội dung: Trung Quốc là nguyên nhân cho đại dịch này.

Nhận xét này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc.

Ông Yang Wanming, nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh ở Brazil, yêu cầu ông Eduardo rút lại dòng trạng thái ngay lập tức và xin lỗi về “sự xúc phạm quá đáng”. Đại sứ quán của ông cũng cáo buộc ông Eduardo Bolsonaro đã nhiễm một loại “virus tâm thần” trong chuyến đi gần đây tới Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.