Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 20/4: Thủ tướng bị chỉ trích vì phát khẩu trang bẩn

20/04/2020, 21:30

Cập nhật tin thế giới mới nhất 20/4: Phát khẩu trang bẩn cho dân, Thủ tướng Abe bị chỉ trích; Tờ Bild đòi Trung Quốc bồi thường Đức 160 tỉ USD.

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Nhân viên bưu chính đem khẩu trang đến từng nhà tại Nhật. Ảnh: Kyodo

Phát khẩu trang bẩn cho dân, Thủ tướng Abe bị chỉ trích

Vốn đã bị mỉa mai, chính sách của thủ tướng Nhật hứng chịu những chỉ trích mới sau khi hàng nghìn chiếc khẩu trang bị phát hiện có vết bẩn, dính bụi, xác côn trùng hoặc tóc.

Sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe được công bố hôm 1/4, với mục đích cấp cho mỗi hộ trong hơn 50 triệu hộ gia đình ở Nhật 2 khẩu trang vải, sau làn sóng mua sắm tích trữ do hoảng sợ khiến hàng hóa bị thiếu hụt trong giai đoạn đầu dịch bệnh.

10 triệu khẩu trang đầu tiên đã xuất xưởng giữa tuần trước, đầu tiên được gửi đến chính quyền các địa phương để phân phát cho các phụ nữ mang thai, những người được cho là sẽ gặp nhiều rủi ro nếu họ nhiễm virus.

Giới chức địa phương và Bộ Y tế sớm nhận được những lời phàn nàn khi Đài NHK cho hay hơn 1.900 người từ 80 đô thị trên cả nước đã đề nghị cấp khẩu trang mới tính đến ngày 18/4.

Các quan chức Bộ Y tế từ chối bình luận nhưng truyền thông địa phương cho hay bộ sẽ thay thế số khẩu trang cũ bằng hàng mới và đang kêu gọi giới chức địa phương kiểm tra bằng mắt từng chiếc khẩu trang trước khi phân phát.

Tờ Bild đòi Trung Quốc bồi thường cho Đức 160 tỉ USD vì Covid-19

Tờ Bild được nhiều người đọc nhất ở Đức đã đăng trên báo giấy hóa đơn 160 tỉ USD cùng lá thư gửi tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích Bắc Kinh giấu dịch. Trung Quốc lập tức lên tiếng đáp trả.

img
Bức thư gửi ông Tập Cận Bình của tờ Bild sau khi Đại sứ quán Trung Quốc gửi thư phàn nàn về hóa đơn đòi 160 tỉ USD. Ảnh chụp màn hình

Đài ABC của Úc ngày 20/4 đã đưa tin về cuộc đấu khẩu giữa tờ Bild và chính quyền Bắc Kinh. Sự việc bắt nguồn từ hóa đơn "Những gì Trung Quốc nợ Đức" được đăng tải trên bản báo in của tờ Bild hồi tuần trước gồm nhiều mục nhỏ, ghi cụ thể các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế Đức.

Trong đó, 50 tỉ euro bồi thường cho các doanh nghiệp nhỏ của Đức; 24 tỉ euro cho du lịch Đức vì những thiệt hại trong tháng 3 và 4; 7,2 tỉ euro cho ngành công nghiệp điện ảnh và 1 triệu euro mỗi giờ cho Hãng hàng không Lufthansa.

Tổng số tiền Trung Quốc "nợ" Đức vì COVID-19, theo Bild, là 149 tỉ euro - tương đương 160 tỉ USD.

"Hóa đơn" đòi bồi thường của tờ Bild đã chọc giận Trung Quốc và gây xôn xao mạng xã hội nước này. Trong một tuyên bố phản đối, Bắc Kinh chỉ trích tờ Bild đang cố tình "khuấy động chủ nghĩa dân tộc và tâm lý bài ngoại" nhắm vào Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức lập luận nước này đã hành động nhanh chóng và cho thế giới thêm ít nhất 1 tháng để đối phó với đại dịch. Cơ quan này khẳng định việc truyền thông cố tình đổ lỗi cho Bắc Kinh nhằm che giấu yếu kém của phương Tây.

300 tay súng tàn sát dân làng, cướp đồ cứu trợ dịch Covid-19

Theo Reuters, vụ tấn công xảy ra hôm thứ bảy, 18/4, khi nhóm cướp có vũ trang mang theo súng AK47 ập vào các ngôi làng ở bang Katsina phía tây bắc Nigeria.

img
Bang Katsina, nơi xảy ra vụ tấn công

“Chúng tôi nhận được tin báo về vụ tấn công xảy ra đồng thời tại các ngôi làng ở Danmusa, Dutsenma và Safana”, chính quyền địa phương thông báo.

“Lực lượng cảnh sát, lục quân, không quân, dân phòng đã được điều đến hiện trường để khống chế nhóm cướp.”

Theo thống kê sơ bộ, nhóm cướp có khoảng 300 tên. Ít nhất 47 dân làng đã bị sát hại.

Những tên này yêu cầu người dân giao nộp thực phẩm và các mặt hàng cứu trợ khác mà chính phủ cung cấp cho dân làng trước đó để chống chọi với dịch Covid-19.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Muhammadu Buhari cho biết ông sẽ không dung thứ cho hành vi giết người vô tội vạ của các băng đảng tội phạm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nigeria đã có tổng cộng 627 ca mắc Covid-19, và chưa ghi nhận ca tử vong.

Tổng thống Brazil biểu tình phản đối chỉ thị “ở nhà” của các thống đốc

Ngày 19/4, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã tham gia đoàn biểu tình hàng trăm người bên ngoài doanh trại quân đội ở thủ đô Brasilia để phản đối chỉ thị yêu cầu "ở nhà" của một số thống đốc bang ở nước này.

img
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro chào những người ủng hộ, người biểu tình đã xuống đường phản đối các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội do dịch Covid-19 ở thủ đô Brasilia, Brazil ngày 19/4. Ảnh: Reuters

Đám đông khoảng 600 người biểu tình đã kêu gọi quân đội can thiệp vào việc xử lý đại dịch Covid-19 ở Brazil và yêu cầu đóng cửa quốc hội.

Một số người giơ cao các biểu ngữ kêu gọi: "Quân đội can thiệp cùng (Tổng thống) Bolsonaro".

Phát biểu trước đám đông từ phía sau của một chiếc xe bán tải, ông Jair Bolsonaro cho biết: "Tôi đến đây vì tôi tin tưởng ở các bạn. Tôi biết các bạn ở đây vì các bạn tin tưởng ở Brazil".

Theo AFP, ông Bolsonaro, cựu quân nhân đã liên tục chỉ trích các biện pháp kiểm dịch từng phần của thống đốc các bang, trong đó có những bang đông dân nhất Brazil như Sao Paulo và Rio de Janeiro, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Thứ sáu tuần qua, ngày 17/4, ông sa thải bộ trưởng y tế, người ủng hộ các biện pháp hạn chế mà ông Bolsonaro cho rằng có thể hủy hoại nền kinh tế đất nước.

Trump muốn phái người đến Trung Quốc điều tra về Covid-19

Trump cho biết chính phủ Mỹ vẫn muốn các điều tra viên nước này đến Trung Quốc để tìm hiểu về sự bùng phát của Covid-19.

"Chúng tôi đang trao đổi với Trung Quốc. Chúng tôi từ lâu đã đề cập với họ chuyện đưa người tới tìm hiểu. Chúng tôi muốn tới đó, xem điều gì đang diễn ra", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng hôm 19/4, bày tỏ sự không hài lòng với cách Trung Quốc xử lý đại dịch khi nó mới bùng phát ở Vũ Hán hồi tháng 12 năm ngoái.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 19/4. Ảnh: AFP

Trump nói rằng ông đã hài lòng với thỏa thuận thương mại đạt được với Trung Quốc, nhưng từ khi phát hiện ra cách Bắc Kinh ứng phó với đại dịch Covid-19, ông "không hài lòng nữa". "Chúng tôi đã không được mời tới đó, tôi có thể nói với các bạn như vậy", ông khẳng định.

Mỹ từng nhiều lần đề xuất đưa các điều tra viên tới Trung Quốc để tìm hiểu về Covid-19, nhưng đều bị Trung Quốc từ chối.

Ông chủ Nhà Trắng từng cảnh báo Trung Quốc có thể phải đối mặt hậu quả nếu nước này bị phát hiện không làm tròn trách nhiệm ngăn Covid-19. Tổng thống Mỹ cũng nghi ngờ số liệu Covid-19 của Trung Quốc khi nước này chỉ ghi nhận 0,33 ca tử vong trên 100.000 người, trong khi con số này tại Mỹ là 11,24, tại Pháp và Tây Ban Nha lần lượt là 27,92 và 42,81.

Bạo loạn chống phong tỏa bùng phát dữ dội ở Paris

Các cuộc bạo loạn đã nổ ra ở Paris, Pháp giữa làn sóng giận dữ về việc cảnh sát đối xử nặng tay với các nhóm thiểu số trong thời kỳ phong toả vì đại dịch Covid-19.

img
Cảnh sát ở khu vực Villeneuve-la-Garenne, phía bắc Paris đã phải dùng tới hơi cay và dùi cui để kiểm soát tình hình

Theo Daily Mail, lúc sáng sớm nay (20/4) cảnh sát ở khu vực Villeneuve-la-Garenne, phía bắc Paris đã phải dùng tới hơi cay và dùi cui để kiểm soát tình hình. Trước đó, có nhiều người biểu tình tụ tập ở khu vực này.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy, pháo hoa nhuộm đỏ bầu trời ở ngoại ô Paris lúc sáng sớm nay. Nhiều thùng rác cũng bị đốt, khói bốc cao lên trời khi cảnh sát có vũ trang tiến vào khu vực.

Bạo lực bùng phát sau khi cơ quan công tố mở cuộc điều tra về vụ một người đi xe máy 30 tuổi bị thương nặng do va chạm với một xe cảnh sát tại Villeneuve-la-Garenne.

Các bạn bè của nạn nhân cho rằng, vụ va chạm đêm 18/4 là điển hình của việc cảnh sát đối xử mạnh với cộng đồng người thiểu số trong thời kỳ Pháp bị phong tỏa.

Một phát ngôn viên cảnh sát địa phương nói: “Cảnh sát và lực lượng hỗ trợ đã trở thành mục tiêu của các đối tượng bạo loạn. Họ ném đá và pháo hoa vào cảnh sát. Bạo lực nổ ra ở Villeneuve-la-Garenne và lan sang các khu vực gần đó”.

Tổng thống Emmanuel Macron đã gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội tới 11/5. Số ca tử vong hàng ngày vì virus corona ở Pháp hiện đã hạ xuống thấp nhất trong vòng 3 tuần, ở mức 395. Tổng số người chết vì Covid-19 ở Pháp hiện là 19.718.

Ca tử vong ở Mỹ vượt 40.000, tăng 10.000 người chết trong 4 ngày

Các thống đốc bang ở Mỹ đang bất đồng với Tổng thống Trump, khi ông Trump nói họ có đủ thiết bị xét nghiệm và nên nhanh chóng mở cửa lại kinh tế.

img
Thị trưởng New York Bill de Blasio yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội khi ông đến nói chuyện với đội ngũ y tế ở khu Queens ngày 10/4. Ảnh: Reuters

Bang New York tiếp tục có số ca nhiễm Covid-19 đang trong viện giảm xuống 16.000, so với mức cao trước đó là 18.000. Số người đang phải thở máy cũng giảm. Có thêm 507 ca tử vong mới, so với mức cao trước đó là 700 ca mỗi ngày, theo Reuters.

Để xác định toàn bộ những người nhiễm virus, bang New York sẽ thực hiện chiến dịch xét nghiệm kháng thể lớn nhất cả nước trong tuần tới, trên các mẫu ngẫu nhiên. Theo đó, bang của ông sẽ xét nghiệm 2.000 người mỗi ngày, tức 14.000 người mỗi tuần, trên 19 triệu cư dân của bang.

Mỹ đang có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, với hơn 740.000 ca nhiễm và 40.000 ca tử vong.

Mất 38 ngày để số ca tử vong ở Mỹ tăng từ ca đầu tiên lên 10.000 ca. Nhưng sau đó, chỉ mất 5 ngày để số ca tử vong tăng lên 20.000. Con số này tăng từ 30.000 lên 40.000 trong bốn ngày, bao gồm các ca tử vong “nghi nhiễm Covid-19” mà New York công bố gần đây.

Hung thủ lái xe cảnh sát, xả súng giết người ở Canada, ít nhất 13 người chết

Theo đài CBC của Canada, một vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất kể từ năm 1989 vừa xảy ra ở nước này làm ít nhất 13 người tử vong.

img
Xe cảnh sát tại khu vực tay súng bị hạ sát. Ảnh: CBC

Hung thủ Gabriel Wortman, 51 tuổi, đã bắn vào nhiều người tại nhiều địa điểm khắp tỉnh Nova Scotia.

Tên này lái một chiếc xe giống xe của lực lượng cảnh sát hoàng gia liên bang Canada và mặc đồng phục của lực lượng này. Cảnh sát cho rằng việc mặc đồng phục và lái xe cảnh sát cho thấy đây không phải là một hành động bộc phát. Một số nạn nhân không quen biết hay có quan hệ gì với hung thủ. Danh tính các nạn nhân vẫn đang được xác nhận.

Hung thủ bắt đầu hành động điên rồ của mình vào tối muộn ngày thứ bảy, 18/4 tại một cộng đồng nhỏ có tên Portapique, ở Nova Scotia. Cảnh sát đã truy đuổi tên này suốt sáng chủ nhật, ngày 19/4 trên một trong những con đường cao tốc đông đúc nhất Canada.

Cuộc rượt đuổi chấm dứt vào lúc 11h40 (giờ Canada). Cảnh sát xác nhận tay súng đã chết.

Trong vụ thảm sát kéo dài tới 12 giờ này, đối tượng đã sát hại ít nhất 13 người, trong đó có Heidi Stevenson, một nữ cảnh sát.

Hiện cảnh sát cho biết có thể số nạn nhân sẽ còn tăng lên và họ vẫn đang nỗ lực xác minh con số tử vong cuối cùng.

Triều Tiên phủ nhận gửi thư cho ông Trump

Triều Tiên phủ nhận nhà lãnh đạo Kim Jong Un gửi thư cho Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông khoe nhận được bức thư "tốt đẹp" từ ông Kim.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

"Có lẽ ông ấy nói về những lá thư riêng đã trao đổi trước đây. Nhưng gần đây lãnh đạo tối cao Triều Tiên không gửi bức thư nào cho Tổng thống Mỹ" - Hãng thông tấn KCNA ngày 19/4 dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.

Không chỉ bác bỏ việc gửi thư, Triều Tiên cũng nói rằng mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ không phải là vấn đề để đem ra tiêu khiển hoặc sử dụng cho các mục đích vị kỷ.

Tuyên bố đề cập đến việc Tổng thống Donald Trump trước đó cho biết ông vừa nhận được bức thư từ ông Kim Jong Un. Bức thư mà Tổng thống Mỹ nói đến được coi là hồi âm của bức thư ông Trump gửi cho ông Kim vào tháng 3/2020.

Mỹ rút toàn bộ”‘pháo đài bay” B-52 khỏi đảo Guam

Tất cả 5 máy báy ném bom chiến lược B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ đã rời khỏi căn cứ trên đảo Guam Thái Bình Dương.

Động thái này được tiến hành chỉ vài ngày sau khi các máy bay tham gia cuộc diễn tập “Voi đi bộ” phô trương lực lượng. Theo kênh RT, Không quân Mỹ cho biết lực lượng muốn trở nên “khó phán đoán hơn”.

img
Máy bay ném bom B-52 trên đảo Guam tham gia diễn tập "Voi đi bộ" ngày 13/4. Ảnh: Không quân Mỹ

Cụ thể, ngày 16/4, các máy bay ném bom B-52H Stratofortresses đã rời khỏi đảo Guam, chấm dứt Nhiệm vụ Hiện diện Máy bay ném bom Liên tục sau 16 năm. Trên đường trở về, các máy bay này đã được phát hiện bay qua Căn cứ Không quân Minot ở North Dakota (Mỹ) với tín hiệu gọi trên radar là “SEEYA” – Hẹn gặp lại.

Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ Thiếu tá Kate Atanasoff giải thích quyết định tái triển khai này nằm trong Chiến lượng Quốc phòng mới của Mỹ, bao gồm việc rút các máy bay ném bom về căn cứ thường trực khiến đối thủ khó nắm bắt phương hướng triển khai phương tiện trong tương lai. Thiếu tá Kate nhấn mạnh các máy bay ném bom chiến lược vẫn sẽ tiếp tục hoạt động tại ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam, tùy vào thời điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.