Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 23/4: WHO dự báo thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc

23/04/2020, 20:15

Cập nhật tin thế giới mới nhất 23/4: WHO dự báo thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc; Iran tuyên bố hủy diệt chiến hạm Mỹ...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ dịch ở xã Clichy-sous-Bois, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp hôm 22/4. Ảnh: Reuters

WHO dự báo thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc

Sau 4 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát, mọi người có thể bắt đầu mong đợi số lượng ca mắc mới giảm, song Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra tuyên bố rằng virus sẽ tồn tại trong một thời gian dài và yêu cầu các nước không mắc sai lầm.

Reuters dẫn phát biểu ngày 22/4 của ông Tedros cho biết, nhiều quốc gia vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19. Ông nói thêm rằng các nước bị ảnh hưởng trước đó đang chứng kiến ​​sự tái bùng phát các ca mắc mới. Tuy nhiên, ông lưu ý, Covid-19 dường như đang giảm hoặc ổn định ở một số khu vực của Tây Âu.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO nói rằng việc mở cửa đi lại trên toàn cầu vào thời điểm này sẽ có rủi ro và sẽ cần quản lý rủi ro cẩn thận. Ở châu Phi, tác động của Covid-19 vừa mới bắt đầu. Các ca mắc Covid-19 cũng đã tăng 300 lần ở Somalia.

Các quan chức WHO kêu gọi tất cả các quốc gia tiếp tục sẵn sàng ứng phó, cho rằng không một nước riêng lẻ nào được lơ là phòng chống dịch bệnh. Tổng Giám đốc WHO Tedros cho biết, WHO đã tuyên bố khẩn cấp vào đúng thời điểm và nhiều quốc gia có đủ thời gian để ứng phó.

Thủ tướng Singapore đăng ảnh đeo khẩu trang, kêu gọi dân ở nhà

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ việc khuyên người dân không cần đeo khẩu trang nếu thấy khỏe đã chuyển sang thay đổi lập trường và giờ đăng ảnh đeo khẩu trang trên Facebook, kêu gọi người dân ở nhà.

img
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cập nhật ảnh đại diện đeo khẩu trang trên Facebook - Ảnh chụp màn hình

Ngày 23/4, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đăng ảnh ông đeo khẩu trang lên Facebook.

Ông cũng đăng kèm đường dẫn (link) một bài viết Facebook hôm 11/4, trong đó có video hướng dẫn cách làm khẩu trang tại nhà của Hedy Khoo (một biên tập viên tại báo The Straits Times của Singapore).

Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau bài viết trên, Thủ tướng Lý Hiển Long tiếp tục cập nhật ảnh đại diện Facebook của ông. Ông sử dụng ảnh đeo khẩu trang trước đó, kèm khung hình ngôi nhà với khẩu hiệu: "Hãy ở nhà vì Singapore!". Ngoài ra còn có hashtag #SGUnited (Singapore đoàn kết).

Trước đây, ngày 31/1, ông Lý Hiển Long từng khuyên người dân Singapore không cần đeo khẩu trang nếu thấy khỏe.

Ông phát biểu: "Khẩu trang cho bạn một cảm giác an toàn giả tạo. Bạn nghĩ bạn an toàn, nhưng thật ra khi tay bạn bẩn, khẩu trang của bạn có thể bẩn theo nếu bạn chạm tay vào khẩu trang".

Tuy nhiên, đến đầu tháng 4, ông Lý Hiển Long đã thông báo sự thay đổi lập trường của Singapore về việc đeo khẩu trang. Theo đó, Chính phủ Singapore không còn khuyến cáo người dân đừng đeo khẩu trang nơi công cộng nếu không mắc bệnh.

Do đó, việc ông Lý Hiển Long đăng ảnh đeo khẩu trang kèm khẩu hiệu kêu gọi người dân ở lại trong nhà phần nào cho thấy tình hình dịch Covid-19 ở Singapore đã trở nên nghiêm trọng hơn.

Iran tuyên bố hủy diệt chiến hạm Mỹ, đáp trả đe dọa của ông Trump

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Vịnh Persian, khi Iran phản ứng dữ dội trước các cuộc tập trận của Mỹ với các đồng minh Arab trong khu vực.

“Các tàu hải quân Mỹ sẽ bị hủy diệt nếu chúng đe dọa các tàu quân sự hoặc phi quân sự của Iran ở Vịnh Persian” - Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) - Reuters dẫn lời ông Hossein Salami phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Iran hôm 23/4.

"An ninh của Vịnh Persian là một phần trong các ưu tiên chiến lược của Iran. Chúng tôi hoàn toàn kiên quyết và nghiêm túc trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, biên giới trên biển, an toàn tàu thuyền và lực lượng an ninh. Chúng tôi sẽ phản ứng quyết liệt với bất kỳ sự phá hoại nào” - ông Salami tuyên bố.

Lời tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ thị hải quân tiêu diệt pháo hạm Iran "quấy rối" tàu Mỹ. Tuần trước, hải quân Mỹ đã công bố video cho biết các tàu hải quân Iran liên tục "tiếp cận nguy hiểm và quấy rối" các tàu chiến của hải quân Mỹ ở Biển Bắc Arab và tuyên bố rằng một tàu Iran đã suýt va chạm với tàu Mỹ ở khoảng cách chưa đến 10 mét.

Trung Quốc tài trợ thêm 30 triệu USD cho WHO

Trong một thông báo trên tài khoản Twitter hôm nay 23/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: "Trung Quốc quyết định tài trợ thêm 30 triệu USD cho WHO để hỗ trợ cuộc chiến ứng phó toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19, đặc biệt là tăng cường hệ thống y tế ở các nước đang phát triển. Trung Quốc đã tài trợ 20 triệu USD cho WHO vào ngày 11/3".

img
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. Ảnh Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng đưa ra thông báo này tại cuộc họp báo diễn ra hôm nay.

Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO do chỉ trích cách ứng phó đại dịch Covid-19 của tổ chức này. “Trung Quốc bày tỏ quan ngại việc Mỹ thông báo ngừng tài trợ cho WHO”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết cách đây vài ngày.

Ông Triệu cho biết thêm, Trung Quốc sẽ luôn ủng hộ WHO đóng vai trò quan trọng trong vấn đề y tế công cộng và ứng phó dịch bệnh toàn cầu. Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có tăng cường tài trợ cho WHO để bù đắp khoản đóng góp từ Mỹ hay không, ông Triệu cho biết: “Trung Quốc đã đóng góp 20 triệu USD cho WHO (để ứng phó Covid-19) và chúng tôi sẽ xem xét tiếp vấn đề này”.

Giá dầu có thể xuống âm 100 USD

Thế giới nguy cơ hết chỗ chứa cuối tháng 5, trong khi giao dịch dầu thô không có giá sàn có thể đẩy giá chìm sâu xuống vùng âm.

Được phóng lên quỹ đạo từ năm 2014, Sentinel-1 được thiết kế để gửi về những hình ảnh có độ phân giải cao ghi lại mọi chuyển động trên bề mặt trái đất, gồm cả những bể chứa và các tàu chở dầu. Những dữ liệu này sẽ được sử dụng để tính toán lượng dầu thô đã lưu trữ. Mới đây, hình ảnh từ Sentinel-1 gửi đến một thông điệp đáng báo động: các kho chứa dầu đã đầy.

Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây và thị trường mới chỉ bắt đầu đoán xem điều đó có nghĩa là gì. Các chuyên gia cho rằng có thể chỉ trong vài tuần tới, thế giới sẽ không còn chỗ chứa dầu. Hệ quả là giá "vàng đen" tại nhiều nơi được dự báo sẽ về 0, thậm chí xuống mức âm.

"Dữ liệu từ vệ tinh Sentinel-1 cho thấy cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, cả thế giới sẽ rơi vào tình trạng hết chỗ chứa", Florian Thaler - chuyên gia của Oilx, một công ty nghiên cứu dữ liệu gửi về từ vệ tinh, cho biết.

"Chúng tôi phải chuyển sang chiến lược kiểm soát khủng hoảng theo từng ngày", Paul Sankey, chuyên gia phân tích dầu mỏ tại Mizuho Bank cho biết. Chuyên gia này từng cảnh báo chính xác về mức âm của giá dầu trong tháng 3 và giờ ông lại đưa ra dự báo bi quan hơn. "Liệu chúng ta sẽ thấy giá dầu về âm 100 USD mỗi thùng trong tháng tới? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra".

Truyền thông Triều Tiên đưa tin về ông Kim Jong-un giữa đồn đoán sức khỏe

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã đưa tin về một hoạt động của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong bối cảnh đang có nhiều đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông.

KCNA đưa tin, ông Kim Jong-un đã gửi thư hồi đáp cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào hôm qua, ngày 22/4, để cảm ơn nhà lãnh đạo Syria đã gửi thư chúc mừng nhân dịp sinh nhật thứ 108 của cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Trong lá thư, ông Kim Jong-un bày tỏ sự tin tưởng rằng quan hệ giữa 2 quốc gia Triều Tiên và Syria dựa trên mối quan hệ hữu nghị lâu dài, sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, theo KCNA.

img
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA

CNN trước đó dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng, giới chức nước này đang tìm cách xác minh thông tin ông Kim đã trải qua một ca phẫu thuật tim hôm 12/4.

Trước đó, ông Kim đã vắng mặt tại một số sự kiện kỷ niệm quan trọng của đất nước, trong đó có ngày sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó nói rằng, Mỹ không nắm được tình hình sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên, song ông chúc ông Kim Jong-un mạnh khỏe.

Số ca nhiễm nội địa tăng vọt, Trung Quốc phong tỏa Cáp Nhĩ Tân

Thời báo Hoàn cầu cho biết, chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân hôm 22/4 đã áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 khi cử lực lượng an ninh gác tại lối vào các cộng đồng dân cư, ngoài ra chính quyền yêu cầu người dân khi ra vào thành phố đều phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt. Đồng thời tất cả những buổi tụ họp gặp gỡ, cũng như ma chay cưới hỏi đều bị cấm tiến hành.

img
Tất cả người dân khi ra vào thành phố đều phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: THX

Những biện pháp trên được áp dụng trong bối cảnh có ít nhất 71 người tại thành phố này được xác nhận dương tính với virus Sars-CoV-2, cũng như có hơn 4.100 trường hợp khác đang được các cơ quan y tế thành phố Cáp Nhĩ Tân liệt vào diện theo dõi tình hình sức khỏe và cách ly.

Nguyên nhân dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Cáp Nhĩ Tân bắt nguồn từ một lưu học sinh tên Han trở về từ thành phố New York, Mỹ. Sau đó,cô này lây bệnh cho người thân và một số hộ hàng xóm xung quanh, và những người nhiễm Covid-19 trên đã tới khám tại hai bệnh viện khiếnsố ca dương tính Sars-CoV-2 trong thành phố Cáp Nhĩ Tân những ngày gần đây tăng lên nhanh chóng.

Ông Obama lên tiếng hiếm thấy về đại dịch

Trong tweet mới nhất, cựu Tổng thống Obama đã ám chỉ kế hoạch hành động chống dịch Covid-19 của Mỹ có phần chậm chạp và kêu gọi "hành động trước khi quá muộn".

img
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Occidental College

“Trong khi chúng ta tiếp tục chờ đợi một kế hoạch quốc gia cụ thể để đối phó với đại dịch, thì các bang như Massachusetts đã bắt đầu thực hiện các kế hoạch y tế cộng đồng của riêng họ để chống dịch trước khi quá muộn”, cựu Tổng thống Barack Obama viết trên Twitter cá nhân ngày 22/4.

Ông dẫn kèm link bài báo có tựa đề “Chưa quá muộn để tấn công chống lại virus corona” của New Yorker.

“Suốt nhiều tuần nay, chúng tôi đã dõi theo cách đại dịch Covid-19 lan rộng khắp nước Mỹ. Trong phần lớn thời gian đó, dường như điều duy nhất cần làm là khoanh tay, chờ đợi và hy vọng. Chúng tôi hy vọng một loại vắc-xin sẽ xuất hiện, dù không chắc cần bao lâu”, bài báo viết.

Hôm 9/4, ông Obama đã gửi lời khuyên tới các thị trưởng Mỹ và thành viên của nhóm phản ứng nhanh từ hơn 300 thành phố. “Sai lầm lớn nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta có thể mắc phải trong những tình huống này là thông tin sai lệch”. “Hãy nói sự thật với lòng trắc ẩn”, ông nói trong cuộc họp trực tuyến.

Ông Obama không nhắc đích danh Tổng thống Trump mà chỉ gửi lời nhắn của mình đến các thị trưởng tham dự trong cuộc họp.

Tổng thống Trump ký sắc lệnh nhập cư “rất quyền lực”

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã ký sắc lệnh hành pháp tạm ngưng nhập cư sẽ kéo dài 60 ngày, áp dụng đối với người xin thẻ xanh.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã ký sắc lệnh hành pháp tạm ngưng nhập cư sẽ kéo dài 60 ngày, áp dụng đối với người xin thẻ xanh. Ảnh: Reuters

“Tôi đã ký sắc lệnh trước khi bước vào phòng này”, ông chủ Nhà Trắng cho biết.

"Để bảo vệ những người lao động Mỹ vĩ đại của chúng ta, tôi vừa ký một sắc lệnh hành pháp tạm thời đình chỉ nhập cư vào Mỹ. Điều này sẽ đảm bảo rằng những người Mỹ thất nghiệp thuộc mọi hoàn cảnh sẽ là những người đầu tiên tìm được việc làm khi nền kinh tế của chúng ta mở cửa trở lại", ông Trump nói trong cuộc họp báo hàng ngày về virus corona tại Nhà Trắng.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết sắc lệnh này cũng đảm bảo các nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân Mỹ chịu tác động của đại dịch.

Tổng thống Trump nói đây là sắc lệnh nhập cư "rất quyền lực", và sau 60 ngày ông sẽ xem xét lại sắc lệnh, sau đó ông có thể thay đổi cách thức thực hiện hoặc gia hạn.

Mỹ tuyên bố xem xét "toàn diện" WHO, chuyển tài trợ qua tổ chức khác

Reuters dẫn thông báo ngày 22/4 của ông John Barsa, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết nước này sẽ xem xét về quá trình vận hành hiện tại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố dừng tài trợ cho tổ chức trên. USAID là cơ quan của chính phủ Mỹ được giao việc điều hành hoạt động viện trợ dân sự cho nước ngoài.

img
Ông John Barsa. Ảnh: Reuters

Ông Barsa cũng cho biết Washington sẽ dùng khoảng thời gian này để tìm kiếm các đối tác thay thế ngoài WHO nhằm tiếp tục thực hiện “các nhiệm vụ quan trọng” như vắc-xin và đảm bảo sẽ không có sự gián đoạn với các nỗ lực tài trợ của Mỹ.

Mặt khác, Mỹ trước đó đã tuyên bố sẽ chi 270 triệu USD trong nỗ lực hỗ trợ bổ sung cho quốc gia nước ngoài. Nguồn quỹ này đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

Ông Barsa nói thêm, sẽ có đánh giá "toàn diện" được đưa ra và cho biết có nhiều câu hỏi về quản lý, bao gồm cả việc WHO sẽ buộc "các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm" cho hành động của họ như thế nào.

Ông Trump thông báo dừng tài trợ cho WHO tuần trước trong khi Washington xem xét lại cách mà tổ chức trên xử lý đại dịch Covid-19. Ông Trump cáo buộc WHO thúc đẩy “thông tin sai lệch” từ phía Trung Quốc về virus SARS-CoV-2 và nói rằng điều này có thể đã khiến

Lầu Năm Góc: Ông Kim Jong-un vẫn kiểm soát quân đội, vũ khí hạt nhân

Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng John Hyten hôm 22/4 cho biết Lầu Năm Góc tin rằng quyền kiểm soát quân đội, vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn nằm trong tay nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Khi được hỏi về các thông tin cho rằng ông Kim Jong-un đã trải qua phẫu thuật và có lẽ vẫn đang được điều trị, tướng Hyten cho biết: “về khía cạnh tình báo, Lầu Năm Góc không có bất kỳ thông tin gì để xác nhận hoặc bác bỏ những câu hỏi trên”.

img
Tin tức về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang nhận được sự quan tâm đặc biệt

“Tôi cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn toàn quyền điều động kho vũ khí hạt nhân và lực lượng vũ trang Triều Tiên”, AFP dẫn lời tướng không quân Mỹ.

Trong khi đó, các kênh truyền thông chính thống của CHDCND Triều Tiên hôm 22/4 vẫn không đề cập đến sức khỏe của nhà lãnh đạo, bất chấp những đồn đoán về bệnh tình của ông Kim Jong-un.

Còn báo đài Hàn Quốc, Trung Quốc tỏ vẻ nghi ngờ về “tin tình báo” cho rằng ông Kim Jong-un bị bệnh nặng.

Đài CNN thì dẫn thông tin một quan chức Mỹ tiết lộ chính phủ đang theo dõi thông tin tình báo cho rằng ông Kim “đang trong tình trạng nguy kịch sau ca mổ tim”.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên khác cho rằng Nhà Trắng đã được thông báo tình hình sức khỏe lãnh đạo Triều Tiên trở nên tồi tệ hơn sau cuộc phẫu thuật.

Thượng viện Mỹ thông qua gói cứu trợ 480 tỉ USD

AFP ngày 22/4 đưa tin Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói cứu trợ trị giá 480 tỉ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các bệnh viện cũng như thúc đẩy công tác xét nghiệm trên toàn quốc nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

img
Xe cấp cứu đưa bệnh nhân Covid-19 đến bệnh viện ở bang Maryland (Mỹ)

Trong số này, 320 tỉ USD dành cho chương trình đảm bảo tiền lương của các doanh nghiệp nhỏ; 60 tỉ USD cho quỹ tín dụng thảm họa hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ; 75 tỉ USD cho các bệnh viện và25 tỉ USD cho các bang để mở rộng xét nghiệm Covid-19.

Hạ viện Mỹ dự kiến dễ dàng thông qua dự luật về gói cứu trợ trên vào ngày 23/4 (giờ Mỹ).

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng kêu gọi Hạ viện nhanh chóng thông qua dự luật trên để ông có thể sớm ký thành luật.

Tranh giành trang thiết bị y tế từ Trung Quốc

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland mô tả tình trạng tranh giành trang thiết bị y tế từ Trung Quốc giống với "miền Tây hoang dã" sau khi 2 máy bay của nước này trở về tay không.

img
Một quan chức Canada cho biết đã có máy bay của 6 nước phải trở về tay không trong cuộc chiến nhằm đưa trang thiết bị y tế từ Trung Quốc trở về. Ảnh: AP

Theo Politico, tuần này có 2 chiếc máy bay của Canada đến Trung Quốc để lấy trang thiết bị y tế - nhưng chúng đã phải trở về tay không - và đây không phải là lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xuất hiện. Nhiều khả năng đó cũng không phải là lần cuối cùng.

Ngoài Canada, 6 nước khác cũng đã cho máy bay đến Trung Quốc để nhận đồ bảo hộ y tế (PPE) nhưng cuối cùng đã phải trở về mà không có kiện hàng nào trong khoang.

Cả thế giới đang hướng về Trung Quốc để tìm kiếm các vật tư y tế, bao gồm găng tay, áo choàng, khẩu trang và thậm chí cả máy thở. Cuộc tranh giành toàn cầu này được cho là rất khốc liệt, và nó đã tạo ra sự hỗn loạn tại các sân bay ở Trung Quốc.

"Vào lúc này, đó là một miền Tây hoang dã", Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Canada, bà Chrystia Freeland nhận định hôm 22/4 về cuộc chiến để mang thiết bị y tế từ Trung Quốc trở về.

Một quan chức cấp cao của Canada cho biết Sân bay Quốc tế Thượng Hải đang lâm vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, với số chuyến bay quốc tế cao gấp 4 lần bình thường, khi nhiều quốc gia cố gắng để đưa các lô hàng thiết bị y tế về nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.