Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 24/4: Thủ tướng Anh chưa làm việc lại sau xuất viện

24/04/2020, 20:26

Cập nhật tin thế giới mới nhất 24/4: Thủ tướng Anh chưa làm việc lại sau xuất viện; Trump đề xuất tiêm “chất khử trùng” vào người nhiễm virus...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Thủ tướng Anh Boris Johnson rời văn phòng trên Phố Downing ở thủ đô London hôm 25/3. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Anh chưa làm việc trở lại sau nhiễm Covid-19

Sức khỏe Thủ tướng Boris Johnson "rất tốt và đang hồi phục", nhưng chưa rõ khi nào ông trở lại làm việc, Bộ trưởng Y tế Anh cho biết.

"Tôi đã nói chuyện với ông ấy hôm qua, ông ấy đang có sức khỏe tốt và rõ ràng là đang hồi phục", Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm nay trả lời Sky News, đề cập tới Thủ tướng Boris Johnson. "Tôi chắc chắn ông ấy sẽ trở lại ngay khi các bác sĩ khuyên như vậy".

Tuyên bố được Hancock đưa ra sau khi có những đồn đoán rằng Johnson sẽ quay trở lại nhiệm sở vào thứ 2 tuần sau, sau khi trải qua quá trình hồi phục do nhiễm nCoV. "Quyết định chưa được đưa ra, nhưng ông ấy đang tiến hành các cuộc điện đàm và giữ liên lạc", Bộ trưởng Y tế Anh nói.

Thủ tướng Anh, 55 tuổi, hôm 5/4 nhập viện do những triệu chứng như sốt cao và ho dai dẳng sau hơn 10 ngày dương tính nCoV. Một ngày sau, ông được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực do tình trạng xấu đi, đến ngày 12/4 thì xuất viện.

Ông Trump đề xuất tiêm “chất khử trùng” vào người nhiễm virus

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất "tiêm" chất khử trùng vào người bị nhiễm virus để ngăn virus lây lan, trong cuộc họp báo hôm 23/4, theo NBC News.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo hằng ngày về Covid-19 hôm 23/4. Ảnh: Reuters

Ông Trump đã đưa ra nhận xét này sau khi ông Bill Bryan, cố vấn khoa học và công nghệ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, trình bày nghiên cứu cho thấy virus không sống lâu ở môi trường có nhiệt độ ấm hơn và ẩm hơn.

Ông Bryan đã nói: "Virus chết nhanh nhất dưới ánh sáng mặt trời". Điều này khiến ông Trump tự hỏi liệu có thể mang ánh sáng "vào bên trong cơ thể" hay không.

"Nếu chúng ta chiếu ánh sáng mạnh lên cơ thể, cho dù đó là tia cực tím hay là một loại ánh sáng cực mạnh thì sao? Và tôi nghĩ ông nói với tôi điều này chưa được kiểm tra", ông Trump nói với ông Bryan trong cuộc họp báo. "Sau đó tôi nói giả sử đem ánh sáng vào bên trong cơ thể qua da hoặc bằng một cách khác. Tôi nghĩ rằng ông nói ông sẽ kiểm tra điều này".

Ông Trump không nói rõ loại chất khử trùng ông đề cập đến.

Các chuyên gia y tế đã nhanh chóng phản bác "thông điệp sức khỏe không phù hợp" của tổng thống.

Người Triều Tiên đổ xô mua đồ tích trữ trong bối cảnh đại dịch

Trong tuần này, người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đua nhau đi mua thực phẩm tích trữ, gây ra tình trạng nhiều kệ hàng sạch bách hàng hoá, NK News đưa tin.

img
Kiểm tra thân nhiệt tại ĐH Công nghệ Kim Chaek ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Tình trạng này có thể do các biện pháp hạn chế xã hội được áp dụng ở Bình Nhưỡng và có vẻ không liên quan đến thông tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang ốm, NK News, trang tin ở Hàn Quốc chuyên viết về Triều Tiên, dẫn các nguồn tin sống tại Bình Nhưỡng và có thể liên lạc với bên ngoài cho biết.

Bài viết nói rằng tình trạng thiếu hàng ban đầu chỉ xảy ra với rau quả, nhưng sau đó lan sang cả những hàng hoá khác.

Triều Tiên đóng cửa biên giới từ tháng 1 khi các ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng nhanh ở Trung Quốc. Triều Tiên cũng cấm du khách nước ngoài, tăng cường rà soát và huy động nhân viên y tế giám sát và cách ly người dân có triệu chứng.

Triều Tiên khẳng định họ không có ca mắc Covid-19 nào, nhưng khẳng định này bị giới quan sát bên ngoài hoài nghi.

Ông Trump lên tiếng về sức khỏe ông Kim Jong Un

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bác bỏ các thông tin trên truyền thông nói Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang bệnh nặng. Ông Trump trước đó cho biết có thể gọi cho Triều Tiên để hỏi thăm tình hình.

img
Tổng thống Mỹ Trump (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore năm 2018. Ảnh: Reuters

"Tôi nghĩ các bài báo đó không chính xác", Tổng thống Trump nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 23/4 (giờ Mỹ), tức sáng 24/4 theo giờ Việt Nam.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đã nghe có người báo cáo rằng thông tin ông Kim Jong Un đang bệnh nặng thực chất là "dựa trên những tài liệu cũ rích". Tổng thống Trump trước đó cho biết ông có thể sẽ gọi cho các quan chức Triều Tiên để hỏi thăm tình hình thực tế của ông Kim Jong Un.

"Chúng tôi có mối quan hệ khá tốt với Triều Tiên. Bản thân tôi cũng có mối quan hệ tốt với ông Kim Jong Un. Hi vọng ông ấy sẽ ổn", ông Trump nhắn gửi qua truyền thông nhưng im lặng khi được hỏi đã gọi điện tới Bình Nhưỡng hay chưa.

Đây là lần thứ hai Tổng thống Trump lên tiếng về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong Un sau khi có các thông tin nói nhà lãnh đạo Triều Tiên đang trong tình trạng nguy hiểm hậu phẫu thuật. Hôm 21/4, ông Trump lập luận các thông tin ông Kim Jong Un nguy kịch vẫn chưa được xác nhận và khẳng định ông không có nhiều niềm tin vào những tin đồn kiểu này.

Hai nhà lãnh đạo đã gặp trực tiếp 3 lần vào các năm 2018, 2019 tại Singapore, Việt Nam và khu phi quân sự liên Triều cùng nhiều lần trao đổi thư từ.

Ca nCoV ở Trung Quốc có thể gấp 4 lần báo cáo

Trung Quốc báo cáo 55.000 ca nhiễm tính tới ngày 20/2, nhưng các chuyên gia nhận định con số thực tế có thể lên tới 232.000 ca.

Tổng số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc tính tới ngày 20/2 có thể lên tới 232.000 nếu áp dụng định nghĩa rộng hơn về người nhiễm từ tháng 1, theo nghiên cứu được một nhóm tác giả tại Đại học Hong Kong công bố trên tạp chí y khoa Lancet hôm 21/4.

img
Một nhân viên mặc trang phục bảo hộ phun hóa chất tẩy trùng một nhà máy ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc che đậy quy mô bùng phát của Covid-19. Nước này hồi tháng 1 chỉ thống kê số ca nhiễm và tử vong là những người có triệu chứng được xét nghiệm dương tính với nCoV.

Kết quả là tâm dịch Vũ Hán tới ngày 20/2 ghi nhận khoảng 27.000 ca nhiễm, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng số người nhiễm thực tế là 127.000. Giới chức Trung Quốc hồi tuần trước cũng sửa số liệu người chết vì nCoV tại Vũ Hán, tăng 1.290, tương đương 50%, với lý do báo cáo trước đó bị chậm.

Nghiên cứu mới cho thấy thay đổi trong cách định nghĩa ca nhiễm "ảnh hưởng đáng kể" đến số liệu, làm tỷ lệ lây nhiễm tăng từ 2,8 lên 7,1. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý việc thay đổi định nghĩa về ca nhiễm trong đại dịch là điều bình thường, bởi hiểu biết khoa học về virus và năng lực của phòng thí nghiệm được tăng cường theo thời gian.

Lý do bệnh viện số Hai Cáp Nhĩ Tân thành “ổ dịch”

Bệnh viện số Hai hiện là một trong những ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại thành phố Cáp Nhĩ Tân, khi một bệnh nhân dương tính Covid-19 điều trị ở đây đã lây bệnh cho nhiều y bác sĩ.

img
Bệnh viện số Hai Cáp Nhĩ Tân. Ảnh:Thepaper

Nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng phát gần đây tại thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc bắt nguồn từ một lưu học sinh tên Han trở về từ thành phố New York, Mỹ. Sau đó cô này đã lây bệnh cho người thân trong gia đình và một số người hàng xóm, trong đó có ông Chen.

Trang tin Zhonghong cho biết, ông Chen từng tới Bệnh viện số Hai Cáp Nhĩ Tân điều trị trong khoảng thời gian từ ngày 2-6/4. Trong thời gian ở viện, bệnh nhân Chen có triệu chứng sốt nhưng ông không được đưa đi làm xét nghiệm axit nucleic để phát hiện virus Sars-CoV-2.

Tới ngày 6/4, bệnh nhân Chen được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện số Một thuộc Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân. Trang Zhonghong nhận định trong quá trình chuyển viện hoàn toàn có thể phát hiện việc ông Chen nhiễm Covid-19, nhưng không rõ lý do gì khiến việc xét nghiệm axit nucleic cho bệnh nhân này không được diễn ra.

“Trước hết bệnh viện đã có tư tưởng chủ quan và không tiến hành thực hiện nghiêm ngặt các quy định và biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, chẳng hạn việc kiểm tra các bệnh nhân có triệu chứng sốt rất lỏng lẻo”, Jiangsu News trích lời quan chức y tế thành phố Cáp Nhĩ Tân Kha Vân Nam nói.

Sau này, kết quả xét nghiệm được công bố hôm 23/4 cho thấy có hai bác sĩ và sáu y tá làm việc tại đây nhiễm Sars-CoV-2, đồng thời 216 nhân viên y tế khác từng tiếp xúc với bệnh nhân Chen cũng buộc phải cách ly.

Du thuyền Ý thành ổ dịch Covid-19, Nhật Bản lo lắng

Du thuyền Ý Costa Atlantica đang được sửa chữa ở Nhật Bản hiện có hơn 600 thành viên thủy thủ đoàn (không có hành khách) và trong số 127 người đã được xét nghiệm, 48 người (chiếm 38%) nhiễm SARS-Cov-2, Reuters đưa tin ngày 23/4.

Kết quả xét nghiệm mới nhất, ngày 23/4, cho thấy, có thêm 14 người trên du thuyền (đang ở thành phố Nagasaki) nhiễm coronavirus. Họ là đầu bếp hoặc người phục vụ ăn uống trên tàu.

img
Du thuyền Ý Costa Atlantica đang được sửa chữa ở Nhật Bản. Ảnh: AP

Giới chức thành phố đang lo các bệnh viện sẽ bị quá tải nếu số người mắc virus tiếp tục tăng khi tất cả thành viên thủy thủ đoàn được xét nghiệm xong.

Trước đây, một ca mắc trên du thuyền được đưa tới bệnh viện ở Nagasaki và hiện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, một quan chức thành phố cho biết tại một cuộc họp báo trực tuyến.

Hiện nay, những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn ở trên du thuyền Costa Atlantica. Giới chức hy vọng hoàn thành xét nghiệm toàn bộ 624 thành viên trong tuần này.

Các ca nhiễm trên Costa Atlantica dấy lên lo ngại về sự lây lan trong cộng đồng dân cư Nagasaki vì có thông tin rằng, một số thành viên thủy thủ đoàn đã rời khu vực dành riêng cho họ. Tuy nhiên, Costa Cruises khẳng định, những người này vẫn ở trong khu vực cầu tàu, không đi ra khỏi phạm vi cho phép. Giới chức thành phố đang tìm hiểu chi tiết về sự đi lại của những người này.

Hai tháng trước, du thuyền Diamond Princess (đăng ký ở Anh) tới thành phố Yokohama của Nhật Bản và trở thành ổ dịch COVID-19 với hơn 700 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn nhiễm virus.

Đến nay, Nhật Bản có khoảng 12.000 bệnh nhân Covid-19 và khoảng 300 ca tử vong, không tính con số trên du thuyền Diamond Princess, Reuters đưa tin.

Nghiên cứu mới: Virus Corona bị tiêu diệt nhanh chóng dưới ánh nắng

Hãng AFP ngày 24/4 dẫn nghiên cứu mới công bố cho rằng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 có thể nhanh chóng bị tiêu diệt dưới ánh nắng, đem lại hy vọng đại dịch có thể được ngăn chặn vào mùa hè.

img
Nghiên cứu mới cho rằng tia cực tím cùng nhiệt độ và độ ẩm cao có thể tiêu diệt virus Corona

Chia sẻ với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông William Bryan, cố vấn khoa học và công nghệ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay các nhà khoa học nước này nhận thấy tia cực tím có khả năng tác động đối với virus.

“Quan sát nổi bật nhất của chúng tôi đến nay là ánh nắng dường như có tác động mạnh trong việc tiêu diệt virus, cả trên các bề mặt và trong không khí”, ông cho biết.

Bên cạnh ánh nắng, nhiệt độ và độ ẩm cao cũng khiến virus dễ bị tiêu diệt, theo nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Ứng phó về phòng vệ sinh học quốc gia.

Nghiên cứu cho thấy số lượng virus có thể giảm phân nửa trong 18 giờ với điều kiện nhiệt độ từ 21-240C và độ ẩm 20% trên các bề mặt như tay nắm cửa và thép không rỉ. Cùng điều kiện này, số lượng virus trong không khí sẽ giảm phân nửa trong 1 giờ.

Trong khi đó, khi độ ẩm tăng lên 80% thì số lượng virus trên các bề mặt giảm phân nửa trong 6 giờ, và chỉ trong 2 phút nếu có thêm ánh nắng. Với độ ẩm 80% và có ánh nắng, virus trong không khí sẽ giảm phân nửa chỉ trong 1 phút rưỡi.

Một nửa số ca tử vong vì Covid-19 ở châu Âu là thành viên trong các cơ sở chăm sóc dài hạn

Theo ước tính của WHO, có một nửa số ca tử vong ở châu Âu là thành viên trong các cơ sở chăm sóc dài hạn.

“Đây là một thảm kịch không thể tưởng tượng được”, ông Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu bày tỏ trong cuộc họp vào hôm 23/4. Ông miêu tả bức tranh về Covid-19 tại các cơ sở chăm sóc dài hạn là “mối quan tâm sâu rộng” và là vấn đề toàn cầu.

img
Một phụ nữ đeo khẩu trang đi bộ ngang qua con đường vắng vẻ vì lệnh phong tỏa Rome, Ý ngày 26/3

“Đại dịch đã soi chiếu vào những ngóc ngách thường bị đánh giá thấp hoặc bị bỏ quên trong xã hội của chúng ta. Trên khắp các khu vực ở châu Âu, cơ sở chăm sóc dài hạn thường bị lãng quên, nhưng nó không nên là như vậy” - CNN dẫn lời ông Kluge và ông gọi những nhân viên chăm sóc trong các cơ sở đó là “những anh hùng thầm lặng của đại dịch”.

Theo ông Kluge, điều cấp bách hiện nay là cần phải suy tính và điều chỉnh lại cách thức hoạt động của các cơ sở chăm sóc dài hạn.

Indonesia sẽ cấm bay nội địa và di chuyển đường biển cho đến đầu tháng 6

Jakarta Post cho biết, bắt đầu từ ngày 24/4, Bộ Giao thông vận tải Indonesia áp lệnh cấm bay nội và di chuyển đường biển cho đến đầu tháng 6.

Lệnh cấm không áp dụng đối với việc vận chuyển hàng hóa và di chuyển với mục đích đặc biệt như cứu hỏa và cứu thương.

Lệnh cấm áp dụng cho tất cả các loại phương tiện giao thông công cộng và tư nhân đối với đường hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt, ngoại trừ các phương tiện chở lãnh đạo nhà nước, cảnh sát, xe quân sự, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe tăng và các xe vận chuyển vật tư hậu cần, hàng hóa chủ lực và các loại thuốc.

Lệnh cấm áp dụng cho các phương tiện vào và ra trong các khu vực đã áp đặt lệnh giới nghiêm xã hội trên quy mô lớn và những khu vực được tuyên bố là điểm nóng Covid-19.

Tổng giám đốc Vận tải hàng không, Novie Riyanto, cho biết tất cả các chuyến bay thương mại và thuê bao đến các điểm đến trong và ngoài nước sẽ bị đình chỉ bắt đầu từ ngày 24/4 cho đến ngày 1/6.

Lệnh cấm không áp dụng cho các chuyến bay chở lãnh đạo nhà nước hoặc đặc phái viên nước ngoài; các chuyến bay hồi hương đối với công dân Indonesia hoặc người nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.