Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 29/4: Nhật kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng

29/04/2020, 22:00

Cập nhật tin thế giới mới nhất 29/4: Nhật kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng; Đồn đoán về Kim Jong-un làm lộ điểm yếu tình báo Hàn Quốc...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đeo khẩu trang trong một cuộc họp thượng viện vào đầu tháng 4. Ông Abe có thể tiến hành kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia do lo ngại số ca nhiễm gia tăng. Ảnh: Reuters

Gần 14.000 ca nhiễm, Nhật kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch kéo dài tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau ngày 6/5 dự kiến do lo ngại Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Nikkei cho biết hôm 29/4.

Theo Nikkei, nhiều khả năng dân chúng được khuyến khích ở nhà trong khoảng một tháng nữa theo một đề xuất sẽ được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp các chuyên gia vào ngày 1/5.

"Vẫn rất khó để chắc chắn mà nói rằng ‘Mọi chuyện đã chấm dứt’ vào ngày 6/5," thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các nhà lập pháp ở thượng viện hôm 29/4.

Vì vậy, cuộc họp tới đây sẽ xem xét cẩn thận mức độ lây lan hiện tại của virus, liệu dân chúng đã giảm tiếp xúc và thay đổi thói quen của mình, và thực trang của hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toan quốc để cân nhắc việc kéo dài tình trạng khẩn cấp.

Thủ đô Tokyo, nơi có số ca nhiễm cao nhất Nhật Bản và nhiều khu vực khác vẫn đang vật lộn từng giờ để làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Đồn đoán về Kim Jong-un làm lộ điểm yếu tình báo Hàn Quốc

Đồn đoán về sức khỏe Kim Jong-un cho thấy Hàn Quốc không có mạng lưới tình báo tại Triều Tiên để xác nhận thực hư thông tin quan trọng.

img
Kim Jong-un (áo trắng) thị sát căn cứ Sunchon hôm 12/4. Ảnh: KCNA

Đồn đoán về sức khỏe của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dấy lên từ khi ông vắng mặt trong dịp kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành hôm 15/4, dẫn tới những lo ngại về tương lai của đất nước được ví như "gót chân Achilles" trong nền chính trị ở khu vực Đông Á.

Tình trạng sức khỏe Kim Jong-un rất quan trọng với các nước láng giềng và Mỹ, vì nó sẽ quyết định sự ổn định của chính quyền Triều Tiên, cũng như cách nước này sử dụng năng lực hạt nhân. Tuy nhiên, truyền thông và cả giới tình báo các nước vẫn chưa trả lời được câu hỏi cơ bản nhất: Những đồn đoán đó có đúng hay không?

Nhiều tranh cãi đã nổ ra tại Hàn Quốc xoay quanh năng lực tình báo và khả năng nắm bắt thông tin ở Triều Tiên của nước này.

Phe ủng hộ chính phủ Hàn Quốc đề cao các cuộc trao đổi liên Triều và chỉ trích chính sách bảo thủ suốt nhiều năm qua, trong đó hạn chế tiếp xúc ngoại giao và kinh doanh để đối phó tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Họ cho rằng chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng khiến Seoul không thể tiếp cận những nguồn tin có giá trị.

Phe bảo thủ lại chỉ trích chính phủ đã cắt giảm hoạt động tình báo trong lúc theo đuổi chính sách làm ấm quan hệ liên Triều, gây tổn hại những mạng lưới gián điệp rất khó xây dựng.

Anh cảnh báo tình trạng tử vong vì triệu chứng liên quan Covid-19 ở trẻ em

Reuters đưa tin, các chuyên gia y tế của Italia và Anh đang nghiên cứu mối liên hệ có thể có giữa đại dịch Covid-19 và cụm trẻ sơ sinh bị viêm nặng, nhập viện trong tình trạng bị sốt cao và sưng động mạch.

img
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết tình trạng một số trẻ em tử vong vì một loại bệnh mới liên quan đến Covid-19. Ảnh: AFP

Các bác sĩ ở miền bắc Italia, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới trong đại dịch, đã báo cáo số lượng lớn trẻ em dưới 9 tuổi trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và dường như mắc bệnh Kawasaki, căn bệnh thường phổ biến hơn ở các khu vực châu Á.

"Có một số trẻ em vốn không có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, đã tử vong... Đây là một căn bệnh mới mà chúng tôi nghĩ có thể do virus Corona hoặc virus SARS-CoV-2 gây ra, chúng tôi không chắc chắn 100% vì một số ca mắc bệnh không có kết quả xét nghiệm dương tính, vì vậy, rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành, chúng tôi đang rất lo lắng", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Anh Hancock cho biết.

Trẻ em cho đến nay vốn được cho là ít bị ảnh hưởng hơn cha mẹ hoặc ông bà của chúng trước các biến chứng nguy hiểm nhất do Covid-19 gây ra, mặc dù vậy, căn bệnh viêm bí ẩn ở Anh, Tây Ban Nha và Italia có thể cần phải đánh giá lại.

Bộ trưởng Y tế Anh không đưa ra chính xác số ca tử vong ở trẻ em nhưng cho biết số lượng các ca này không nhiều.

Viện Pasteur Paris: Dịch bệnh ở Pháp có chủng virus khác Trung Quốc

Sự bùng phát virus corona ở Pháp không phải do ca bệnh từ Trung Quốc, mà do một chủng virus không rõ nguồn gốc đã lây lan trong nước, theo một nghiên cứu của Viện Pasteur Paris.

img
Pháp phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, trước các nước khác ở châu Âu. Ảnh: AP

Phân tích di truyền cho thấy các chủng virus nổi bật nhất trong các ca bệnh ở Paris đều thuộc một nhánh virus không phải đến từ Trung Quốc hay Italy - điểm nóng đầu tiên tại châu Âu, theo South China Morning Post.

“Sự bùng phát ở Pháp xuất phát từ các mầm mống do một hoặc vài chủng thuộc cùng nhóm virus... Chúng tôi có thể suy luận rằng virus đã âm thầm phát tán ở Pháp từ tháng 2”, các nhà khoa học cho biết trong nghiên cứu chưa được bình duyệt đăng trên bioRxiv.org tuần trước.

Đến nay, Pháp đã có 128.000 ca nhiễm và 23.000 ca tử vong.

Pháp phát hiện ca nhiễm cuối tháng 1, trước các nước khác ở châu Âu, nhưng sau đó kiềm chế được nhờ truy vết tiếp xúc nhanh chóng. Tuy nhiên, chủng virus ở các bệnh nhân ở đợt lây nhiễm đầu tiên không giống với chủng virus ở các bệnh nhân sau đó.

Xuất hiện ứng viên mới có thể thay đổi cục diện bầu cử tổng thống Mỹ

Justin Amash, hạ nghị sĩ tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng hòa vào năm 2019, thông báo sẽ khởi động một ủy ban thăm dò khả năng đại diện Đảng Tự do tranh cử tổng thống Mỹ.

Justin Amash ngày 28/4 thông báo ông đã thành lập một ủy ban thăm dò cho chiến dịch tranh cử tổng thống.

img
Hạ nghị sĩ Justin Amash của Quận bầu cử số 3, bang Michigan, tuyên bố lập ủy ban thăm dò tranh cử tổng thống. Ảnh: Roll Call

Hạ nghị sĩ đến từ Michigan vào tháng 5/2019 công khai ủng hộ luận tội Tổng thống Donald Trump dựa vào các kết luận từ cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, xoay quanh mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và vụ việc Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ vào năm 2016. Ông là thành viên đầu tiên và duy nhất của Đảng Cộng hòa ủng hộ luận tội Tổng thống Trump vào thời điểm đó.

Đầu tháng 7/2019, Amash tuyên bố từ bỏ vĩnh viễn Đảng Cộng hòa. Ông bày tỏ sự thất vọng trước những hoạt động chính trị của đảng này, đồng thời chỉ trích hệ thống lưỡng đảng tại Mỹ đã trở thành "mối đe dọa sống còn đối với các nguyên tắc và thể chế Mỹ".

Theo bình luận của CNN, viễn cảnh một ứng viên ngoài hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đắc cử tổng thống Mỹ gần như không thể xảy ra. Tuy nhiên, việc có một ứng viên nặng ký thứ ba không thuộc hai đảng này tham gia tranh cử có thể thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.

Phong tỏa chống Covid-19 có thể khiến 7 triệu phụ nữ mang thai ngoài ý muốn

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) dự báo tình trạng cách ly xã hội do đại dịch Covid-19 có thể khiến 7 triệu phụ nữ mang thai ngoài ý muốn.

img
Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cảnh báo tình trạng gia tăng mang thai ngoài ý muốn trong đợt dịch Covid-19

Chuỗi cung ứng sản phẩm tránh thai bị gián đoạn do dịch Covid-19 sẽ khiến khoảng 47 triệu phụ nữ thiếu biện pháp tránh thai, dẫn đến 7 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, theo hãng tin DPA ngày 28/4 dẫn nguồn từ UNFPA.

Số liệu phân tích cũng cho thấy nếu các lệnh phong tỏa kéo dài đến 6 tháng, trên thế giới sẽ có khoảng 31 triệu trường hợp bạo hành gia đình.

Theo UNFPA, tình trạng gián đoạn ở chương trình ngăn ngừa hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM) và tảo hôn cũng sẽ khiến 2 triệu phụ nữ phải chịu FGM và thêm 13 triệu vụ tảo hôn trong thập niên tới.

Mỹ - Trung khẩu chiến về hóa đơn Corona

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/4 (giờ Việt Nam) đã lần đầu tiên nhắc việc đòi các khoản bồi thường từ Trung Quốc do những thiệt hại của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc phương Tây có động cơ chính trị trong vấn đề này.

img
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại kinh tế chưa thể kiểm đếm tại nhiều nước, đặc biệt là châu Âu và Mỹ - những nơi chiếm tới 80% số ca nhiễm bệnh. Ảnh: Reuters

Trước câu hỏi Mỹ nghĩ gì về "hóa đơn" đòi Trung Quốc bồi thường 165 tỉ USD của nhật báo Bild ở Đức, Tổng thống Trump tuyên bố ông cũng sẽ làm điều tương tự. "Đức đang đánh giá sự việc và chúng tôi cũng đang nhìn lại mọi thứ. Nhưng người Mỹ đang nói về số tiền lớn gấp nhiều lần những gì người Đức đang thảo luận. Chúng tôi chưa xác định con số cuối cùng nhưng nó sẽ rất lớn" - ông Trump nói.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/4, Tổng thống Trump cũng lần đầu tiên xác nhận Mỹ đang tiến hành "các cuộc điều tra nghiêm túc" nhắm vào Trung Quốc và theo tờ Politico, Mỹ có thể đã bắt đầu điều tra từ giữa tháng 4.

"Chúng tôi không hài lòng với Trung Quốc. Dịch bệnh đã có thể được ngăn chặn tại nguồn và không lan ra toàn thế giới. Có rất nhiều cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm" - ông Trump lập luận tại cuộc họp báo.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bị chỉ trích vì không đeo khẩu trang

Ông Mike Pence đã phải hứng chỉ trích vì khi đi thăm bệnh viện Mayo ở Minnesota nhưng là người duy nhất không đeo khẩu trang.

img
Ông Pence là người duy nhất không đeo khẩu trang trong chuyến thăm Bệnh viện Mayo Clinic hôm 28/4

Trả lời các phóng viên hôm qua, ông Pence cho biết không đeo khẩu trang vì thường xuyên được xét nghiệm Covid-19.

“Là một phó tổng thống, tôi đã xét nghiệm Covid-19 thường xuyên và mọi người xung quanh tôi cũng đều được xét nghiệm.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh CDC, những người mang virus có thể ngăn chặn khả năng truyền bệnh cho người khác bằng cách đeo khẩu trang.

Vì tôi không mắc bệnh, nên tôi nghĩ đó là cơ hội để tôi có thể nhìn thẳng vào mắt các nhân viên y tế và nói lời cảm ơn”.

Ca tử vong ở Mỹ gấp 12 lần Trung Quốc, ông Trump tính phát thêm tiền cho dân

Nhiều người cho rằng khoản trợ cấp 1.200 USD từ chính phủ Mỹ cho hàng triệu gia đình bị mất thu nhập trong đại dịch Covid-19 là không đủ, vì suy thoái kinh tế có thể kéo dài.

img
Hỗ trợ thực phẩm cho người có thu nhập thấp ở Omaha, bang Nebraska. Ảnh: AP

"Những người khác đã gợi ý về một mức thu nhập tối thiểu, được đảm bảo cho mọi người. Điều đó có đáng chú ý vào bây giờ không? Có lẽ vậy", bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện nhận định trong một bài phát biểu với đài MSNBC.

Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Kevin Hassett, cố vấn kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump cho biết họ đang xem xét rất nghiêm túc việc công bố một gói hỗ trợ tiếp theo cho người dân Mỹ, trong khi nhiều người đang nhận được gói hỗ trợ đầu tiên bao gồm 1.200 USD tiền mặt.

Ông Hassett cũng cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể tới từ 16 đến 20% vào cuối tháng 6 (tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 4,4%).

Đây là một phần trong chương trình kích thích kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ USD được ông Trump phê duyệt hôm 27/3. Bên cạnh 1.200 USD cho mỗi người có thu nhập ít hơn 75.000 USD một năm, các gia đình thu nhập thấp có con nhỏ sẽ được hỗ trợ thêm 500 USD cho mỗi bé.

Nga gia hạn lệnh nghỉ làm đến 11/5

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ làm việc nhưng vẫn hưởng lương cơ bản của người lao động nước này đến ngày 11/5, khi ông cảnh báo tỉ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Nga vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.

img
Tổng thống Nga tại cuộc họp trực tuyến. Ảnh:Kremlin.ru

Cũng theo ông Putin, việc dỡ bỏ các hạn chế sau khi đất nước vượt qua đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 “sẽ không xảy ra đồng thời trên cả nước”.

Bởi ngay cả khi đã qua đỉnh dịch, tình hình một số khu vực vẫn sẽ rất căng thẳng, “điều đó có nghĩa là chúng ta không thể cùng lúc dỡ bỏ bất kì lệnh hạn chế nào”.

Ông Putin chỉ đạo quan chức Nga chuẩn bị kế hoạch cho việc từng bước dỡ bỏ các lệnh hạn chế bắt đầu từ ngày 12/5.

Thậm chí, một số khu vực có thể sẽ phải đối mặt với lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn, nếu tình hình xấu đi.

Số người chết vì Covid-19 ở Brazil bất ngờ vượt Trung Quốc

Quốc gia Nam Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch đã ghi nhận số ca tử vong vượt mốc 5.000 người vào hôm 28/4, theo Bộ Y tế nước này.

Theo AFP, 474 ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, con số kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Trong khi đó số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên 71.886 trường hợp.

Như vậy với 5.017 người chết vì đại dịch, Brazil đã có nhiều ca tử vong hơn cả Trung Quốc (4.643), nơi virus bùng phát đầu tiên.

Tổng thống cực hữu của Brazil, ông Jair Bolsonaro đã nhiều lần bày tỏ sự bất mãn với lệnh phong toả của thống đốc các bang, và háo hức muốn mở cửa nền kinh tế trở lại. Bản thân ông Bolsonaro cũng tham gia một cuộc biểu tình kêu gọi chấm dứt các lệnh phong tỏa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.