Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 4/5: Nghị sĩ Hàn Quốc xin lỗi vì loan tin về ông Kim

04/05/2020, 20:30

Cập nhật tin thế giới mới nhất 4/5: Nghị sĩ Hàn Quốc xin lỗi vì loan tin về ông Kim; Cựu lính Mỹ đứng sau vụ tấn công Tổng thống Venezuela...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Chủ tịch Kim Jong-un xuất hiện hôm 1/5. Ảnh: KCNA

Nghị sĩ Hàn Quốc đào tẩu từ Triều Tiên xin lỗi vì loan tin về ông Kim Jong-un

Thae Yong-ho, chính trị gia Hàn Quốc, cựu Phó Đại sứ Triều Tiên tại Anh hôm nay, 4/5, đã lên tiếng xin lỗi vì đưa ra những thông tin chưa được xác nhận về tình hình sức khỏe ông Kim Jong-un.

Chủ tịch Triều Tiên hôm 1/5 “tái xuất” sau 20 ngày không xuất hiện trước công chúng. Báo giới phương Tây đưa tin ông có thể bị bệnh nặng hoặc vừa phẫu thuật. Trong khi đó, ông Thae cho rằng ông Kim “không thể tự đứng lên hoặc đi lại bình thường”.

“Tôi xin lỗi công chúng, bất kể lí do là gì”, ông Thae nói trong một tuyên bố. “Khi phải hứng chịu những lời chỉ trích trong suốt 2 ngày qua, tôi đã cảm nhận được hậu quả từ phát ngôn của mình.”

Ông Thae - người mới giành được một ghế trong Quốc hội Hàn Quốc - cho biết ông cảm thấy có trách nhiệm nặng nề về những tác động mà lời nói của ông mang lại với tư cách là một nhà lập pháp.

Cùng ngày, Ji Seong-ho, một người Triều Tiên đào thoát vừa được bầu làm nghị sĩ Hàn Quốc, cũng đã lên tiếng xin lỗi về những gì đã nói tuần trước.

Ông Ji tuyên bố “chắc chắn 99% là ông Kim Jong-un đã qua đời”.

“Tôi xin lỗi người dân một cách sâu sắc. Tôi đã suy nghĩ về bản thân mình trong vài ngày qua. Tôi cảm nhận được trách nhiệm trong những phát ngôn của mình”, ông Ji nói.

Đảng cầm quyền Hàn Quốc, trong khi đó, cũng không ngừng chỉ trích hai ông Thae và Ji vì những phát ngôn của mình.

Một số nhà lập pháp còn cho rằng hai ông Thae và Ji không nên góp mặt trong Ủy ban Quốc hội về Quốc phòng và An ninh - cơ quan vốn chịu trách nhiệm xử lý các thông tin nhạy cảm về Triều Tiên.

Cựu lính đặc nhiệm Mỹ đứng sau vụ tấn công Tổng thống Venezuela

Một cựu lính đặc nhiệm Mỹ lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công thất bại ngày 3/5 nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

img
Lực lượng đặc nhiệm Venezuela tại bờ biển gần thành phố Macuto, Venezuela ngày 3/5

Cụ thể, trong một video, cựu lính đặc nhiệm Mỹ Jordan Goudreau và đại úy Venezuela về hưu Javier Nieto, cả hai đang sống ở bang Florida, xác nhận họ đã phát động chiến dịch chống Tổng thống Maduro, theo AP.

Trước đó, vào ngày 1/5, AP đăng bài điều tra cho thấy ông Goudreau từng làm việc với một tướng lục quân về hưu của Venezuela huấn luyện hàng chục binh sĩ Venezuela tại một số doanh trại bí mật ở nước láng giềng Colombia, với mục tiêu là tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới và bắt giữ Tổng thống Maduro.

Ông Goudreau nhận trách nhiệm như trên sau khi Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol phát biểu trên truyền hình rằng một nhóm lính đánh thuê vào rạng sáng 3/5 đã đổ bộ lên bờ biển thuộc thành phố cảng La Guaira, cách thủ đô Caracas khoảng 32 km, theo Reuters.

“Một toán lính đánh thuê từ Colombia tìm cách xâm nhập Venezuela bằng đường biển, nhằm thực hiện các vụ tấn công khủng bố và ám sát giới lãnh đạo của chính quyền Caracas”, theo ông Reverol. Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Xã hội Diosdado Cabello cho hay 8 lính đánh thuê đã bị tiêu diệt và 2 người bị bắt sống.

9 tỉ phú Thái Lan chung tay chống dịch Covid-19

9 trong số những "ông trùm" giàu nhất Thái Lan đã tài trợ tiền cũng như cam kết các dự án lớn đóng góp cho công cuộc tái thiết nền kinh tế nước này trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Straits Times đưa tin.

Một số tỉ phú Thái Lan đã chọn cách quyên góp tiền hỗ trợ dịch Covid-19. Người đứng đầu danh sách những người giàu Thái Lan trên tạp chí Forbes, Dhanin Chearavanont - chủ sở hữu Tập đoàn Charoen Pokphand, một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc lớn nhất thế giới - đã quyên góp 21,55 triệu USD cho chính phủ; tỉ phú Chalerm Yoovidhya của hãng đồ uống tăng lực Red Bull đã quyên góp 9,3 triệu USD cho 1 tổ chức giúp đỡ cộng đồng.

Tương tự, tỉ phú Prasert Prasarttong-Osoth, chủ sở hữu của Dịch vụ y tế Bangkok Dusit (tập đoàn chăm sóc sức khỏe tư nhân lớn nhất Thái Lan) kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Bangkok Airways, cũng quyên góp 3,1 triệu USD cho Bộ Y tế Công cộng Thái Lan.

Bên cạnh đó, số khác đã chọn những cách tiếp cận khác nhau để giúp đỡ chính phủ và người dân. Trong đó, tỉ phú cafe Prayudh Mahagitsiri, chủ tịch tập đoàn PM, cam kết sẽ mua nông sản từ tỉnh Lamphun trong sáu tháng. Tỉ phú Petch Osathanugrah, CEO của tập đoàn nước tăng lực Osotspa, sẽ cung cấp 3,1 triệu USD để khởi động một dự án giúp những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19…

Ông Trump cảnh báo 100.000 người Mỹ có thể chết vì Covid-19

“Chúng ta sẽ mất khoảng từ 75, 80 cho tới 100 nghìn người. Đó là điều khủng khiếp”, Tổng thống Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 3/5.

img
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Con số dự đoán của ông chủ Nhà Trắng liên tục thay đổi trong những tuần gần đây. Ngày 1/5, Tổng thống Trump hy vọng số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ sẽ ít hơn 100.000 người. Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 20/4, ông Trump dự đoán sẽ có khoảng 50.000 - 60.000 người Mỹ chết vì dịch bệnh.

“Con số vẫn tăng lên. Tôi từng nói 65.000 người. Nhưng bây giờ tôi nói 80.000 hoặc 90.000 người và con số này tiếp tục tăng lên nhanh chóng”, ông Trump thừa nhận.

Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên của Nhà Trắng về ứng phó với dịch Covid-19, ngày 3/5 cho biết các số liệu cho thấy khoảng 100.000 - 240.000 người có thể tử vong tại Mỹ, ngay cả khi các biện pháp kiểm soát đã được triển khai.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với 68.602 ca tử vong và hơn 1,1 triệu người mắc Covid-19.

Nga ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm trong ngày thứ 2 liên tiếp

Ngày 4/5, Nga công bố thêm 10.581 ca nhiễm virus Corona trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 145.268, cao thứ 7 thế giới.

img
Nga ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm trong ngày thứ 2 liên tiếp. Ảnh: TASS

Số ca nhiễm Covid-19 trong ngày 3/5 là 10.633. Trong số hơn 10.000 ca nhiễm mới, Moscow, nơi có dân số 12,7 triệu người, chiếm tới gần 6.000 ca. Nga đã vượt qua Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran về số ca nhiễm vào tuần trước.

76 người đã tử vong vì virus Corona trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết ở Nga lên 1.356, con số thấp hơn nhiều so với 10 quốc gia đứng đầu như Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Pháp.

Trong khi các nước châu Âu đang dần dỡ bỏ các hạn chế, thì Moscow, tâm dịch ở Nga, đang kêu gọi cư dân ở nhà bất chấp thời tiết đẹp lên sau một mùa đông dài.

Nga cũng đang là quốc gia châu Âu ghi nhận nhiều ca nhiễm một ngày nhất, với hàng nghìn ca mỗi ngày. Dù vậy, chính phủ nước này vẫn bày tỏ ý định dỡ bỏ dần các lệnh phong tỏa từ ngày 12/5, tùy vào từng vùng, theo The Moscow Times.

Mỹ tố Nga, Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để gia tăng ảnh hưởng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 4/5 cáo buộc Nga và Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Covid-19 để thâu tóm lợi ích, tăng cường sức ảnh hưởng ở châu Âu.

"Mỹ biết rõ một số quốc gia sẽ cố gắng sử dụng đại dịch như một cách để đầu tư vào ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng, có ảnh hưởng đến an ninh trong dài hạn", Bộ trưởng Esper nói với tờ La Stampa khi ông được hỏi liệu Trung Quốc và Nga có lợi dụng viện trợ y tế ứng phó đại dịch Covid-19 để tăng cường sức ảnh hưởng ở Ý.

"Các đối thủ tiềm năng cố gắng thâu tóm lợi ích và tạo ra sự chia rẽ trong NATO và châu Âu. Huawei và công nghệ 5G là ví dụ điển hình cho hoạt động thâm hiểm này của Trung Quốc”, ông Esper nói.

Cả Trung Quốc và Nga đều viện trợ, bao gồm gửi bác sĩ, thiết bị y tế và khẩu trang đến Ý, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 ở châu Âu.

Chính phủ Mỹ lâu nay đã kêu gọi các nước tẩy chay Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, không cho tập đoàn này tham gia dự án mạng điện thoại di động 5G và tránh sử dụng thiết bị của một công ty Trung Quốc khác là ZTE.

"Sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc có thể khiến những hệ thống quan trọng dễ bị gián đoạn, thao túng và do thám. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho khả năng liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo", Esper nói.

Tổng thống Trump tái khởi động tranh cử với lời hứa vaccine Covid-19

Phát biểu trong sự kiện kéo dài 2 tiếng được truyền hình trực tiếp trên sóng Fox News bên trong Đài tưởng niệm Lincoln hôm 3/5, Tổng thống Donald Trump thuyết phục người dân Mỹ để lại đại dịch Covid-19 phía sau để nắm bắt tương lai.

img
Tổng thống Donald Trump trong sự kiện ngày 3/5 tại Đài tưởng niệm Lincoln. Ảnh: AFP

"Chúng ta không thể để đất nước đóng cửa, hoặc là chúng ta sẽ không còn một đất nước nào nữa. Chúng ta sẽ có một năm đáng kinh ngạc" - ông Donald Trump nói.

Nói rằng người Mỹ nên bắt đầu quay trở lại các bãi biển vào mùa hè này và khuyến nghị các trường học bị đóng cửa cần phải mở lại vào tháng 9, Tổng thống Donald Trump cũng dự báo tin tốt về vaccine Covid-19.

"Chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ có vaccine vào cuối năm nay. Tôi nói những gì tôi nghĩ" - ông Donald Trump nói.

Trong hầu hết các cuộc thăm dò mới đây, Tổng thống Donald Trump đang đứng sau ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Cuộc thăm dò mới nhất của FiveThirtyEight cho thấy 43,4% ủng hộ công việc tổng thống của ông Donald Trump, trong khi 50,7% không tán thành.

Ông Trump còn phải đối mặt với những chỉ trích vì cách ứng phó dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ bùng nổ trước đây - vốn được coi là tấm vé vàng cho nhiệm kỳ thứ hai của ông - hiện đang rơi vào tình trạng khó khăn do các biện pháp hạn chế trên toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Đấu súng ở DMZ: Mỹ tin Triều Tiên nổ súng vì “sơ ý”

Việc các binh sĩ Triều Tiên nổ súng về phía biên giới với Hàn Quốc có thể là do sơ ý, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm qua, 3/5.

img
Khu phi quân sự (DMZ). Ảnh: Yonhap

Sự cố xảy ra ngay khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vừa xuất hiện trở lại sau gần 20 ngày không lộ diện trước công chúng.

Tuy nhiên, vụ việc không gây thương vong về người hay thiệt hại về tài sản ở phía Hàn Quốc.

“Chúng tôi nghĩ rằng phía Triều Tiên nổ súng do sơ ý”, ông Pompeo nói.

Ngoại trưởng Mỹ từ chối bình luận về các thông tin cho rằng ông Kim đã lâm bệnh nặng cách đây vài tuần. Tuy nhiên, ông cho biết dựa vào đoạn video ghi lại cảnh ông KIm Jong-un tham dự sự kiện mới đây sau 20 ngày "ở ẩn", có thể nói ông Kim vẫn khỏe mạnh.

Trước đó, phía Hàn Quốc đưa tin nhiều tiếng súng đã vang lên từ phía Triều Tiên vào khoảng 7h41 ngày 3/5 (giờ địa phương). Các binh sĩ Hàn Quốc sau đó phát hiện 4 vết đạn trên tường một chốt canh gác phía Hàn Quốc ở khu phi quân sự (DMZ).

Hàn Quốc sau đó đáp trả bằng 2 loạt đạn, mỗi loạt 10 phát súng về phía Triều Tiên.

Hiện chưa rõ phía Triều Tiên có ghi nhận thiệt hại hay không.

Nửa triệu người Malaysia ký tên đòi phong tỏa tiếp

Gần 500.000 người Malaysia đã ký vào một kiến nghị trực tuyến yêu cầu chính phủ tiếp tục các biện pháp hạn chế đi lại sau khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo các doanh nghiệp sẽ được mở cửa trở lại từ hôm nay 4/5.

img
Người dân Malaysia xếp hàng chờ xét nghiệm ở một trung tâm xét nghiệm virus Corona. Ảnh: Reuters

Bản kiến nghị do một nhóm có tên Rakyat Malaysia Prihatin đưa lên trang Change.org ngày 2/5 đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.

Chưa đầy 24 tiếng sau khi đưa lên, gần 340.000 người đã ký tên và tính đến tối 3/5, con số này đã gần nửa triệu người - chạm mốc 500.000 mà nhóm tổ chức đề ra.

Trong đơn kiến nghị, nhóm tổ chức bày tỏ lo ngại việc nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển (MCO) ở Malaysia là quá sớm và có thể khiến nước này vỡ trận như các nước khác.

"Chúng tôi không muốn những sai lầm của các quốc gia khác đã nới lỏng/dỡ bỏ phong tỏa được lặp lại ở Malaysia. Chúng tôi không muốn những người đang ở tuyến đầu của chúng ta bị vắt kiệt sức một lần nữa", Rakyat Malaysia Prihatin khẩn thiết kêu gọi.

Anh có thể biết Trung Quốc che giấu Covid-19 từ đầu

Các bộ trưởng Anh đã được cơ quan tình báo cảnh báo việc Trung Quốc che giấu quy mô Covid-19 ngay từ đầu, một cựu quan chức tình báo cho hay.

img
Một y tá cầm kit xét nghiệm nCoV tại Bệnh viện Edinburgh, Anh. Ảnh: Guardian

Nội các Anh đã được cảnh báo rằng "không nên tin vào những tuyên bố của Bắc Kinh" ngay từ đầu cuộc khủng hoảng và nên hoài nghi các thông tin mà Trung Quốc đưa ra, một cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Anh MI6 tiết lộ vào tối 3/5.

"Cộng đồng tình báo biết những gì đang thực sự diễn ra ở Trung Quốc và chuyển thông tin cho các bộ trưởng Anh", người này cho hay. "Việc nghĩ rằng Anh sẽ tin ngay các số liệu của Trung Quốc công bố là hoàn toàn vô lý. Nếu người Trung Quốc nói dối, vai trò của cộng đồng tình báo là phải biết con số thực sự bị che giấu là gì".

"Chúng tôi không tin những con số từ phía Trung Quốc. Chính phủ đã nhận thức đầy đủ về quy mô thực sự của Covid-19 ở Trung Quốc vào thời điểm đó", một nguồn tin khác nói thêm.

Ngoại trưởng Mỹ: Có “bằng chứng lớn” SARS-CoV-2 từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

“Có bằng chứng to lớn về nguồn gốc của virus này. Rất nhiều bằng chứng cho thấy nó xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo bình luận với Hãng tin ABC ngày 3/5.

img
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu ngành ngoại giao cũng đồng tình với kết luận trước đó của cộng đồng tình báo Mỹ rằng virus gây viêm phổi cấp (SARS-CoV-2) "không phải do con người tạo ra hay do biến đổi gen".

Ông Pomepo nhấn mạnh: "Tổng thống Trump đã nói rất rõ, chúng tôi sẽ buộc người có trách nhiệm phải trả giá".

Đây không phải lần đầu tiên giới chức Mỹ cáo buộc SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Hôm 30/4, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng ông có bằng chứng để tin virus này xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tuy nhiên, Tổng thống Trump từ chối giải thích lý do khiến ông đưa ra kết luận như vậy.

“Tôi không thể nói với các bạn về điều đó. Tôi không được phép nói với các bạn về điều đó. Chúng tôi sẽ xem xét virus bắt nguồn từ đâu, từ phòng thí nghiệm, từ những con dơi và loại dơi nào. Có rất nhiều giả thuyết. Giới khoa học và tình báo của chúng tôi đang xem xét tích cực vấn đề này”, ông Trump nói.

Nhà virus học Trung Quốc lên tiếng trước tin đồn bỏ trốn

Tin đồn lan truyền trên mạng xã hội cho rằng nhà virus học Thạch Chánh Lệ và gia đình đã trốn khỏi Trung Quốc, mang theo hàng trăm tài liệu mật về SARS-CoV-2 đến đại sứ quán Mỹ tại Pháp, theo đài Fox News.

img
Ảnh chụp bà Thạch Chánh Lệ trong siêu phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 ở Vũ Hán vào năm 2017

Tuy nhiên, trên ứng dụng tin nhắn WeChat ngày 2/5, bà Thạch khẳng định gia đình bà không hề rời khỏi Trung Quốc. "Mọi thứ đều ổn đối với gia đình tôi và bản thân tôi, các bạn thân mến!", bà Thạch viết và đăng tải kèm theo 9 bức ảnh về cuộc sống gần đây của mình.

"Cho dù mọi thứ có khó khăn đến đâu, chuyện đào tẩu cũng không bao giờ xảy ra. Chúng tôi không làm gì sai trái. Với niềm tin mãnh liệt vào khoa học, chúng ta sẽ thấy ngày đám mây đen trôi đi và mặt trời lại tỏa sáng", theo bà Thạch.

Bà Thạch là chuyên gia đã phát hiện ra nguồn gốc của chủng virus Corona mang tên SARS-CoV gây ra dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002 - 2003 là xuất phát từ loài dơi trong hang động.

Bà Thạch cũng đã bác bỏ thông tin SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ Phòng thí nghiệm An toàn sinh học Quốc gia Vũ Hán. Đây là siêu phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4, chuyên nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trump tin sẽ có vaccine Covid-19 vào cuối năm nay

Tổng thống Donald Trump ngày 3/5 cho biết ông "rất tự tin" rằng Mỹ sẽ có vaccine ngừa nCoV trước cuối năm nay.

Trump nhấn mạnh, nhiều công ty đang tích cực nghiên cứu vaccine và sắp thành công trong việc phát triển nó. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ có vaccine sớm hơn thay vì muộn hơn", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh Fox News.

img
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp báo về Covid-19 ở Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 27/4. Ảnh: Reuters

Mỹ cùng hàng loạt quốc gia khác đang chạy đua để trở thành nước đầu tiên có vaccine ngừa nCoV. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố ông vẫn sẽ rất vui nếu các nhà nghiên cứu Mỹ bị đánh bại trong cuộc đua phát triển thuốc cho Covid-19.

"Nếu nước nào đó thành công trước, tôi sẽ ngả mũ kính phục", Trump cho hay. "Tôi không quan tâm, tôi chỉ muốn có được một vaccine phát huy hiệu quả".

Khi được hỏi về những nguy cơ và rủi ro đối với con người trong quá trình nghiên cứu vaccine diễn biến nhanh một cách bất thường như hiện nay, Trump khẳng định tất cả mọi người tham gia thử nghiệm đều là các tình nguyện viên. "Họ biết họ đang làm gì", ông nói.

Tổng thống Mỹ dường như thừa nhận ông đang đi trước một bước so với các cố vấn của mình khi đưa ra dự đoán về vaccine. "Các bác sĩ sẽ bảo rằng "bạn không nên nói điều đó". Tôi sẽ trả lời rằng "tôi nói những gì tôi nghĩ", Trump cho biết.

Tổng thống Brazil phản đối phong tỏa vì Covid-19

Tổng thống Brazil Bolsonaro hôm 3/5 tiếp tục lên tiếng chống lại lệnh phong tỏa vì Covid-19 của các thống đốc, cho biết điều này đã phá hủy việc làm.

img
Tổng thống Brazil Jail Bolsonaro tại Brasilia hôm 20/4. Ảnh: Reuters

"Hành động tàn phá việc làm của một số thống đốc thật vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt sau này", Tổng thống Brazil Jail Bolsonaro phát biểu bên ngoài dinh tổng thống ở Brasilia trước hàng nghìn người.

Bolsonaro đã nhiều lần bất đồng với các thống đốc bang khi cho rằng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt họ đang áp dụng là một phản ứng thái quá và gây tổn hại tới nền kinh tế.

Brazil hiện ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm và hơn 7.000 người tử vong do nCoV. Nhiều chuyên gia lo ngại tổng ca nhiễm thực tế ở quốc gia 210 triệu dân này có thể cao gấp 12 đến 15 lần báo cáo do còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện vì năng lực xét nghiệm hạn chế.

Bolsonaro thường xuyên thể hiện sự thiếu kiên nhẫn với lệnh hạn chế do thống đốc các bang áp đặt để ngăn Covid-19 lan rộng và liên tục hối thúc lãnh đạo địa phương tái khởi động nền kinh tế.

Tổng thống Brazil hôm 17/4 sa thải bộ trưởng y tế, người ủng hộ các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó đại dịch mà Bolsonaro tin rằng có thể hủy hoại nền kinh tế đất nước. Ông còn tham gia biểu tình cùng hàng trăm người bên ngoài tổng hành dinh quân đội ở Brasilia, phản đối lệnh ở nhà của các thống đốc bang.

Giáo hoàng kêu gọi các nước chia sẻ vaccine Covid-19

Đức Giáo hoàng Francis ngày 3/5 đã kêu gọi các nước hợp tác phát triển vaccine ngừa Covid-19 và nếu chế tạo thành công, loại vắcxin đó nên được chia sẻ trên toàn thế giới.

“Điều quan trọng là phải hợp nhất các năng lực khoa học, một cách minh bạch và vô tư để tìm ra vắcxin và phương pháp điều trị”, Đức Giáo hoàng kêu gọi.

Theo một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết vào tháng 4 sẽ đẩy nhanh việc thử nghiệm thuốc và vaccine chống lại Covid-19, hứa sẽ chia sẻ chúng trên toàn cầu khi thành công.

Thái Lan nới lỏng, cho phép bán bia rượu

Thái Lan đã bắt đầu nới lỏng một số quy định giãn cách xã hội vì Covid-19, sau khi số ca nhiễm ở nước này tiếp tục giảm.

Tại thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh khác, chính quyền có thể cân nhắc mở cửa một số doanh nghiệp và nới lỏng các quy định trong cuộc sống thường ngày, bao gồm việc cho phép bán rượu bia vốn dĩ bị cấm trước đó, theo Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT).

Cụ thể, từ ngày 3/5, khách sạn được phép bán đồ ăn, thức uống. Các sân bay, ga tàu, trạm xe buýt, bệnh viện, nhà hàng và cửa hàng rượu bia, cửa hàng tiện lợi… có thể mở cửa. Tuy nhiên, các quán rượu, quán bar chỉ có thể mở cửa bán… mang đi. Người dân theo đó có thể mua rượu, bia nhưng phải uống tại nhà.

Một lệnh giới nghiêm từ 10h đêm tới 4h sáng vẫn còn hiệu lực. Các lệnh cấm dành cho "khu vực nguy cơ truyền nhiễm cao" như rạp chiếu phim, sở thú, công viên nước, hồ bơi công cộng, phòng tập thể hình hay cơ sở làm đẹp vẫn tiếp tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.