Xã hội

Covid-19 ngày 22/5: Người bán hàng rong chỉ mất 20 giây để vào khu cách ly

22/05/2020, 19:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 22/5 tại Việt Nam: Hàng rào sau khu cách ly bệnh nhân Covid-19 có một khoảng đất trống, người bên ngoài dễ dàng vào.

img

Siết chặt các lối vào khu cách ly ở Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu

Hôm nay, bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết qua trích xuất camera an ninh trong bệnh viện cho thấy người bán hàng rong trèo qua hàng rào chỉ trong khoảng 20 giây nên không lường hết được những tình huống như vậy.

Theo bà Sang, thời điểm xảy ra vụ việc là chiều tối, lực lượng tập trung canh gác khu vực có nhiều người ra vào nhất để ngăn người bán hàng rong trà trộn vào, phía sau cũng có lực lượng đi tuần vòng qua. Sau vụ sự cố này, các lối vào khu vực cách ly đã được siết chặt.

img
Lối chính dẫn vào khu điều trị cách ly bên trong Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu được siết chặt. Ảnh: Gia Minh

Theo ghi nhận, khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 (Khoa Nhiễm) trong Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu nằm sâu phía sau và cách xa các khoa còn lại. Các lối dẫn vào Khoa Nhiễm đều được lực lượng chức năng lập rào chắn và chăng dây xung quanh, không cho phép những người không phận sự ra vào. Đồng thời, tại vị trí thường xuyên có người ra vào, lực lượng công an, bảo vệ chốt chặn rất chặt.

Phía sau Khoa nhiễm là một khoảng đất trống rất rộng, rồi mới đến bức tường rào cao hơn 2m, khu vực này, hiện tại cũng đã được rào chắn. Khu vực giáp ranh các hộ dân chưa được xây tường rào kiên cố, bệnh viện cũng đã cho đơn vị chăng dây, cắm cọc để làm hàng rào tạm ngăn người bên ngoài đột nhập từ phía sau vào khu vực cách ly.

Đình chỉ hàng hoạt cán bộ ở Hòa Bình chi trả hỗ trợ Covid-19 sai đối tượng

Chiều 22/5, UBND huyện Lạc Sơn cho biết, đã yêu cầu UBND xã Quý Hòa, xã Tân Lập tạm đình chỉ các cán bộ, trưởng xóm liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 không đúng đối tượng.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết, quá trình rà soát các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVD-19 được nhận hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, xảy ra một số sai sót như báo chí phản ánh.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện về kết quả kiểm tra công tác chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, huyện Lạc Sơn yêu cầu UBND xã Quý Hòa quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ Công chức Lao động - Thương binh và Xã hội đối với bà Bùi Thị Linh, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong tham mưu chi trả hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại đơn vị.

UBND xã Tân Lập tạm đình chỉ nhiệm vụ Công chức Lao động - Thương binh và Xã hội đối với bà Bùi Thị Linh; Trưởng xóm Chiêng Vang và Trưởng xóm Rậm; Đồng thời, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong tham mưu chi trả hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại đơn vị.

Thêm trường hợp tái dương tính khỏi bệnh

Chiều tối ngày 22/5, Bộ Y tế cho biết, có 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh được công bố khỏi bệnh.

Đó là bệnh nhân 149 (nam, 40 tuổi, quốc tịch Việt Nam). Đây là bệnh nhân được công bố tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh lần 1 vào ngày 16/4. Bệnh nhân được cách ly và tiếp tục theo dõi tại bệnh viện, ngày 21/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm và các kết quả xét nghiệm từ ngày 28/4 - 4/5 đều âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Từng bước cai ECMO, chuyển viện bệnh nhân 91

Chiều 22/5, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết BV đang phối hợp với BV Chợ Rẫy chuyển bệnh nhân 91 sang BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91 sáng 22/5: Nằm yên, vẫn sử dụng thuốc an thần, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ, không xuất huyết trên lâm sàng, tiểu nhiều 3.100ml/24 giờ. Kết quả siêu âm tim cho thấy tim co bóp tốt đồng bộ, tràn dịch màng tim lượng ít. Phổi trái tràn dịch ít, không tràn khí. Phổi phải tràn dịch ít, tràn khí khu trú vùng cạnh ức.

Các thông số hô hấp đang cải thiện tốt lên từng ngày. Bệnh nhân đang được tiến hành cai ECMO từng bước bằng cách giảm dần các thông số để tiến tới cai máy và tự thở.

img
Các thông số hô hấp BN91 đang cải thiện tốt lên từng ngày, được tiến hành cai ECMO từng bước bằng cách giảm dần các thông số để tiến tới cai máy và tự thở.

Hiện bệnh nhân vẫn đang tiếp tục thở máy, mở khí quản, lọc máu. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 6 lần âm tính liên tiếp. Kết quả CT Scan ngày 18/5 cho thấy phổi bệnh nhân hồi phục 30%.

Ngoài bệnh nhân 91, TP.HCM hiện đang điều trị cho 4 bệnh nhân COVID-19 khác, gồm bệnh nhân 278 chuyển từ tỉnh Bạc Liêu lên TP.HCM đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, tự sinh hoạt cá nhân, giảm ho, không sốt, mạch, huyết áp bình thường, tiên lượng tốt.

Ba bệnh nhân còn lại điều trị tại BV Dã chiến Củ Chi là các bệnh nhân 271, 321, 322 với tình trạng sức khỏe ổn định.

Tính đến nay, TP.HCM có tổng số 57 trường hợp mắc COVID-19 và một trường hợp chuyển từ Bạc Liêu đến TP.HCM điều trị.

Siết chặt quy định cách ly nhân viên hàng không quốc tế đến Việt Nam

Những ngày gần đây, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh COVID-19 từ nước ngoài về. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng. Vì vậy, toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, không được có tâm lý “coi như đã hết dịch”.

Đó là nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp chiều ngày 21/5. Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hết sức phức tạp, khó lường. Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh xâm nhập vào trong nước. Vì vậy thời gian tới vẫn phải lo chống đỡ với COVID-19.

Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập có khả năng gia tăng, do Việt Nam tổ chức đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao nước sang Việt Nam làm việc tại các dự án…

Đáng chú ý, các chuyên gia y tế đã nêu nguy cơ, rủi ro lây nhiễm từ thành viên tổ bay, phi hành đoàn của các hãng hàng không ở nước ngoài, vốn vẫn sinh hoạt bình thường, không phải cách ly trước khi thực hiện các chuyến bay đến Việt Nam.

img
Bên trong chuyến bay chở công dân Đức và EU hồi hương.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương phải siết chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, tổ bay các chuyến bay chở khách cũng như vận tải hàng hoá quốc tế đến Việt Nam. Những phi hành đoàn này phải ở khách sạn riêng, không được ở chung những khách sạn có các đối tượng khách lưu trú khác để tránh nguy cơ, rủi ro lây nhiễm.

Trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp thị thực và cách ly đối với: người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước; các tổ bay, phi hành đoàn, thuỷ thủ đoàn và những người lái xe qua lại biên giới.

Các văn bản này phải quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ban Chỉ đạo địa phương, trách nhiệm của các cá nhân người đứng đầu, trách nhiệm của từng đơn vị, từng lực lượng để tổ chức thực hiện quản lý người nhập cảnh thống nhất, hiệu quả.

Tính đến phương án chuyển bệnh nhân phi công về Anh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19) khẳng định: Tất cả các bệnh nhân (BN) nặng COVID-19 tại Việt Nam đã được chữa khỏi.

Riêng trường hợp nặng nhất đến thời điểm này là BN91 cũng đã 6 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2; kết quả nuôi cấy virus của BN tại Viện Pasteur TPHCM cũng không phát triển, cho thấy BN đã được điều trị khỏi COVID-19, không thấy khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2.

“Hiện BN91 không có thân nhân đến nhận hay thăm nom. Thế nhưng, BN đã được sự chăm sóc rất tích cực của các y bác sĩ Việt Nam. Ngoài ra, chỉ trong 1 tuần qua đã có 59 người tình nguyện đăng ký hiến phổi cho nam phi công, trường hợp ít tuổi nhất là nam thanh niên 21 tuổi và người cao tuổi (76 tuổi). Điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.

Chúng tôi tri ân, cảm ơn tấm lòng của những người mong muốn hiến tạng, nhưng BN này cần trọn lá phổi chứ không thể sử dụng một phần phổi, vì thế, nguồn phổi hiến từ người chết não là ưu tiên hàng đầu. Với BN này cần ghép toàn bộ lá phổi (2 bên phổi) nên nguồn phổi hiến cần lấy từ người chết não có chỉ số phù hợp” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

img
Kết quả chụp CT phổi lần hai cho thấy phần phổi bệnh nhân 91 hồi phục khoảng 20-30%.

Ngoài phương án ghép phổi, một phương án khác đang được tính đến, đó là chuyển bệnh nhân về Anh vì hiện bệnh nhân đã khỏi COVID-19.

“Tuy nhiên, về vấn đề này, chúng tôi đang phải xem xét, cân nhắc. Mặt khác, hiện bệnh nhân còn hôn mê và phải chạy ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo) nên phải chờ bệnh nhân tỉnh, hồi phục, chúng tôi mới đưa ra phương án phù hợp”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.

Tính đến nay, BN này đã trải qua 2 tháng 3 ngày điều trị COVID-19, với 46 ngày chạy ECMO vô cùng nguy kịch, phổi đông đặc 90% nay đang có những tiến triển tích cực.

Kết quả chụp CT- Scan phổi lần 2 của BN cho thấy, phần phổi phục hồi đã chiếm khoảng 20 đến 30%, chức năng phổi đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, mạch và huyết áp của BN ổn định, siêu âm tim ghi nhận thất trái co bóp tốt, đồng bộ, dịch màng ngoài tim lớp mỏng.

St. Petersburg có 11 lưu học sinh và 1 trẻ em Việt Nam mắc COVID-19

Tính đến sáng 22/5, theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của cộng đồng người Việt Nam tại thành phố St. Petersburg, thủ đô phương Bắc của nước Nga đã có 11 lưu học sinh và 1 trẻ em Việt Nam mắc COVID-19, trong đó có 6 lưu học sinh Trường Quân y đã điều trị khỏi bệnh.

Trường Bách khoa St. Petersburg chiều 21/5 có thêm 2 lưu học sinh Việt Nam sống tại ký túc xá theo địa chỉ Grazdanskyi Prospekt 30 phải chuyển đến khu cách ly.

Như vậy đã có 5 lưu học sinh Việt Nam đang được cách ly tại địa chỉ Phố Khlopina 11 và 2 lưu học sinh Việt Nam mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Hiện các lưu học sinh có sức khỏe ổn định.

img
Người dân đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 tại St. Petersburg. (Nguồn: TASS)

Trước đó, tin cho biết Trường Lâm nghiệp St. Petersburg có 3 lưu học sinh Việt Nam và 1 trẻ em mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Đến nay tình trạng sức khỏe có tiến triển tốt.

Trong ký túc xá số 5 của trường, địa chỉ phố Novorossiyskaia 36, các lưu học sinh đã được xét nghiệm nhưng chưa có kết quả.

Trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, sinh viên Việt Nam tại một số trường như Lâm nghiệp, Bách khoa, Mỏ, Trường Điện (LETI) đã thành lập ban chống dịch COVID-19 nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng chống dịch và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của nó.

Trong khi đó, theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga, tính đến sáng 22/5, nước này ghi nhận thêm 8.894 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số người nhiễm virus này lên thành 326.448 người. 42,2% số ca nhiễm mới không có triệu chứng lâm sàng.

Đến 6h sáng 22/5, Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới.

Bộ Y tế cho biết, đến 6h sáng 22/5, Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, tròn 36 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến 6h ngày 22/5, Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Hiện tổng số ca mắc là 324, đã có 266 trường hợp đã khỏi bệnh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.744, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 266; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.726; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.752

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 4 ca; Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 4 ca.

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới hết sức phức tạp, khó lường. Vừa qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca bệnh xâm nhập vào trong nước. Vì vậy, thời gian tới chúng ta vẫn phải lo chống đỡ với Covid-19.

img
Y bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Một người từ Campuchia về chưa kiểm tra y tế, Hậu Giang cách ly bến xe

Một người từ Campuchia về Hậu Giang nhưng chưa được kiểm soát y tế. Nhận thấy đây có thể là nguy cơ lây COVID-19 nên lực lượng chức năng tiến hành cách ly tập trung đối với bến xe Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Tối 21/5, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang tiến hành cách ly tập trung đối với bến xe Vị Thanh vì có người nhập cảnh từ Campuchia về Việt Nam nhưng chưa được kiểm tra y tế.

Theo thông tin ban đầu, người dân nói trên ngụ ở phường 1, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Người này trở về từ Campuchia thông qua cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhưng chưa được kiểm soát y tế, dịch tễ.

Sau khi về nước, người này đi xe khách đến quán cơm Minh Phát (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), sau đó đi tiếp trên xe khách giường nằm Hòa Hiệp về thành phố Vị Thanh (Hậu Giang).

img
Lực lượng chức năng thực hiện cách ly bến xe Vị Thanh ngay trong đêm. Ảnh- C.A.

Ông Mai Văn Tân - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hậu Giang cho hay, tài xế và những người có tiếp xúc gần với trường hợp kể trên đã được ngành chức năng cách ly y tế.

Được biết, trên xe khách Hòa Hiệp về Vị Thanh có 2 người xuống tại bến xe Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), 1 người xuống bến xe Cần Thơ, hai người xuống bến xe Rạch Gòi (tỉnh Hậu Giang) và hai người khác xuống bến xe Vị Thanh.

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, việc nhập cảnh vào Việt Nam nhưng chưa được kiểm tra y tế sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Ngành y tế tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan đang tiến hành điều tra dịch tễ, đồng thời cách ly tập trung những người có tiếp xúc với trường hợp kể trên.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang cũng đã phát đi thông báo đề nghị Ban Chỉ đạo các địa phương khẩn trương thông báo trong hệ thống để truy vết những người có liên quan trên cùng chuyến xe nói trên, báo cho ngành y tế tiếp cận để xử lý.

Trước đó, ngày 19/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh với tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách, số người đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ… với yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Riêng đối với các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, quán ăn và tổ chức các đám hiếu, hỉ tại gia đình thì chỉ yêu cầu sát khuẩn tay...

img
Đây là sản phụ thứ 2 được các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiến hành phẫu thuật lấy thai vì có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID -19.

Phẫu thuật lấy thai an toàn cho sản phụ trong khu cách ly

Trước đó, sản phụ là Du học sinh bay từ Seoul - Hàn Quốc về Việt Nam được hạ cánh tại sân bay Vân Đồn ngày 8/5/2020.

Sản phụ được cách ly tập trung ở Trường Quân sự (Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Quảng Ninh) tại Thành phố Uông Bí ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khi đó sản phụ đang mang thai ở tuần thai thứ 38.

Vì thai lớn, gần ngày sinh, nên sản phụ được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để tiếp tục cách ly, theo dõi vào ngày 9/5/2020.

Đến ngày 17/5, Sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, suy thai, ối nhiễm phân su/ thai 39 tuần. Sau khi tiến hành hội chẩn các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật lấy thai cho sản phụ ngay tại khu cách ly theo dõi và điều trị COVID -19 của bệnh viện.

Một bé gái chào đời với cân nặng 3.600gram, sức khỏe cả 2 mẹ con sản phụ đều ổn định. Do chưa hết thời gian cách ly vì vậy công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hết sức nghiêm ngặt bảo đảm an toàn cho mẹ và cho trẻ sau sinh tại phòng riêng biệt.

Được biết, đây là sản phụ thứ 2 được các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiến hành phẫu thuật lấy thai vì có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh COVID -19 được theo dõi và cách ly tại đây.

Châu Âu và châu Mỹ “thống trị” về số ca tử vong

Thế giới đã ghi nhận tới hơn 5,1 triệu ca mắc Covid-19, hơn 333.000 ca tử vong do bệnh này. Châu Âu, Bắc Mỹ, và Nam Mỹ đang là các điểm nóng toàn cầu.

Trang thống kê toàn cầu Worldometer cập nhật tình hình Covid-19 vào lúc 5h37 ngày 22/5/2020 (giờ Việt Nam) như sau: Thế giới có 5.174.548 người mắc và 333.188 ca tử vong do bệnh này.

Như vậy trong vòng gần 24 giờ, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã tăng thêm 92.101 ca và số bệnh nhân tử vong do bệnh này đã tăng thêm 4.214 trường hợp. Còn so với thời điểm 23h41 ngày 21/5, các con số tăng thêm tương ứng là 37.442 và 1.692.

Theo bảng số liệu cập nhật của Worldometer, 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng nhiễm SARS-CoV-2 là: (1) Mỹ, (2) Nga, (3) Brazil, (4) Tây Ban Nha, (5) Anh, (6) Italy, (7) Pháp, (8) Đức, (9) Thổ Nhĩ Kỳ, và (10) Iran, trong đó Mỹ ghi nhận tới 1.618.312 ca mắc, Nga theo sau với 317.554 ca mắc, còn Iran tạm đứng cuối top 10 này với 129.341 ca mắc. Danh sách này gồm 2 nước châu Mỹ, 5 nước châu Âu, 2 nước Tây Á, và 1 nước nửa Âu nửa Á.

Xét về số ca tử vong do Covid-19, 10 quốc gia đứng đầu thế giới gồm: (1) Mỹ, (2) Anh, (3) Italy, (4) Pháp, (5) Tây Ban Nha, (6) Brazil, (7) Bỉ, (8) Đức, (9) Iran, và (10) Canada. Mỹ đang giữ vững vị trí số 1 với 96.209 ca tử vong do Covid-19 (tăng thêm 1.273 trường hợp sau gần 24 giờ), đồng minh của Mỹ là Anh theo sau với 36.042 ca tử vong (tăng 338 ca sau gần 24 giờ), còn Canada đứng cuối bảng và là hàng xóm phía bắc của Mỹ thì ghi nhận 6.149 ca tử vong (tăng thêm 118 sau gần 24 giờ). Trong danh sách này, có 3 nước châu Mỹ, 6 nước châu Âu, và 1 nước Tây Á.

img
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại New York, Mỹ. Ảnh- New York Times.

Tổng hợp 2 danh sách này ta thấy: Châu Âu chiếm thế “thượng phong” cả về ca mắc và ca tử vong do dịch Covid-19. Riêng nước Mỹ đứng đầu cả 2 danh sách. Đáng lưu ý, Nga đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhưng lại không có mặt trong top 10 chết chóc.

Tại khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh Covid-19. Tại đây đã có 7 quốc gia ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Danh sách đáng buồn này như sau: Indonesia với 1.278 ca tử vong, Philippines 846, Malaysia 114, Thái Lan 56, Singapore 23, và Brunei 1.

Về số ca mắc Covid-19, Singapore đang dẫn đầu khu vực, với 29.812 trường hợp, theo sau là Indonesia với 20.162 trường hợp.

Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới./.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.