Xã hội

Tin tức Covid-19 ngày 23/4: Thêm 2 ca mới 269-270, đều từ Nhật Bản về

23/04/2020, 18:30

Tin tức dịch Covid-19 ngày 23/4 tại Việt Nam: Đến 18h, Bộ y tế công bố có 2 ca mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 270.

img

Chiều 24/4, Bộ Y tế công bố có 2 ca mắc mới COVID-19, nâng số ca mắc tại Việt Nam lên 270 ca. Cả 2 ca mắc mới đều là du học sinh trở về từ Nhật Bản và được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh.

Theo đó, tính đến 18h00 ngày 24/4, Việt Nam có tổng cộng 270 ca mắc COVID-19.

Cả 2 ca mắc mới 269-270 đều là du học sinh, từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 22/4 trên chuyến bay VN311. Ngay sau nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, họ được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.

Bệnh nhân 269, nam, 23 tuổi, địa chỉ ở Hương Mai, Việt Yên, Bắc Giang.

Bệnh nhân 270, nữ, 22 tuổi, địa chỉ ở Đông Thắng, Tiến Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang.

Ngày 22/4,Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình lấy mẫu sàng lọc, kết quả nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình đã chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái bình và triển khai các hoạt động phòng chống dịch, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định.

Ngày 24/4 Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 2 bệnh nhân đã được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Cần Thơ đón 216 công dân từ Singapore về nước

Ngày 24/4, ông Pham Thanh Tâm, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ cho biết, 15h cùng ngày, sân bay Cần thơ vừa đón chuyến bay đưa 215 công dân Việt từ Singapore về nước sau thời gian tạm thời ngưng hoạt động các đường bay thực hiện giãn cách xã hội.

Sau khi đáp xuống sân bay Cần Thơ, toàn bộ hành khách được kiểm tra, khai báo y tế. Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ đã đưa 209 hành khách về khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 932 (Trường quân sự TP Cần Thơ cũ). 6 hành khách, còn lại được đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện việc theo dõi cách ly do có bệnh lý nền từ trước.

img
209 hành khách từ Singapore về được đưa đến cách ly tập trung tại Trung đoàn 932.

Theo ngành y tế cho biết, toàn bộ 215 hành khách này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm sau khi đến nơi cách ly.

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ thông tin, bệnh viện tiếp nhận 6 trường hợp là hành khách trên chuyến bay nói trên. Trong đó, 3 trường hợp mắc bệnh lý từ trước, trong đó có bệnh về tim mạch, 3 trường hợp còn lại là người thân đi theo chăm sóc.

“Đúng lý thì những trường hợp như thế này sẽ đưa về Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Cần Thơ cách ly. Tuy nhiên, do bệnh nhân mắc bệnh lý về tim nên chuyển sang đây điều trị. Trước khi trở về, họ đã được ngành y tế xét nghiệm và cho kết quả âm tính với Covid-19. Dù vậy Chúng tôi cũng bố trí họ vào khu cách ly của bệnh viện và tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm covid-19 theo quy định”, ông Nguyễn Văn Nghĩa thông tin.

TP.HCM chỉ còn lại một bệnh nhân duy nhất

Chiều 23/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM hiện chỉ còn một trường hợp duy nhất là bệnh nhân phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.

Bệnh nhân cuối cùng điều trị Covid -19 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi đã khỏi bệnh và được xuất viện ngày hôm nay là bệnh nhân 206 (nam, quốc tịch Việt Nam, trú ở phường An Phú, quận 2), là lái xe riêng của bệnh nhân 124 và bệnh nhân 151.

Bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 31/3 và được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Các bác sĩ cho biết, sau xuất viện, bệnh nhân 206 vẫn phải tiếp tục cách ly theo dõi 14 ngày.

Riêng bệnh nhân 91 phi công người Anh, hiện tình trạng sức khỏe ổn định và đã có tiến triển hơn trước, không sốt, mạch huyết áp bình thường tuy nhiên vẫn còn thở máy và can thiệp ECMO. Như vậy, tính đến thời điểm ngày 23/4, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ không còn ca bệnh điều trị.

7 ngày không có ca nhiễm mới

Số ca mắc mới tính đến 6h00 ngày 23/4: 0 ca

3. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 67.022, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 358;

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.263;

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.401.

4. Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

- 07 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi trong ngày 22/4:

· 06 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN184, BN215, BN216, BN227, BN246, BN266.

· 01 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh: BN252.

- Tình hình điều trị của 03 ca nặng đang thở máy, lọc máu là:

· BN19 và BN161 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN19 đã có tiến triển, Glassgow 15 điểm, tiêu hóa được, không sốt;

· BN91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: không sốt, thở máy, ECMO, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, ngưng lọc máu.

- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12ca.

- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 09 ca.

Kiên Giang đề xuất cho một số loại hình vận tải đường thủy hoạt động lại

Chiều 23/4, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang đã có tờ trình UBND tỉnh Kiên Giang xem xét việc tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với hoạt động vận tải đường bộ, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang đề xuất cho hoạt động trở lại đối với vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe sử dụng năng lượng điện để vận chuyển hành khách tham quan trong nội bộ các khu du lịch, khu di tích và xe trung chuyển.

Riêng hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, cho hoạt động tối đa 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến).

Về đường bộ, các hoạt động vận tải sẽ được hoạt động trở lại bao gồm: vận tải hành khách ven biển, quanh các đảo, vận tải hành khách ngang sông, vận tải đường biển, đường thủy nội địa, các tuyền từ bờ ra đảo. Riêng tuyến tàu cao tốc Vĩnh Thuận đi TP Cần Thơ và ngược lại hoạt động tối đa 1 chuyến/tuyến/ngày.

Bạc Liêu, Cà Mau: Không được vận chuyển quá 50% sức chứa

Theo Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu, nhằm đảm bảo các giải pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, đối với xe buýt chỉ hoạt động tối đén 50% theo biểu đồ đã được Sở GTVT phê duyệt.

img
Xe buýt, xe khách vào Bến xe Bạc Liêu để hoạt động trở lại, tuy nhiên, lượng khách đi xe là rất ít. Ảnh: Gia Minh

Xe tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa 30% theo biểu đồ đối với các tuyến liên tỉnh (đi đến tỉnh, thành phố có nguy cơ như: TP.HCM, Hà Nội, Hà Giang, Bắc Ninh) và tối đa đến 50% đối với các tỉnh thành có nhóm nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/ngày).

Xe hợp đồng chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ và tối đa 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ thấp (tối thiểu nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).

Trong khi đó tại Cà Mau, Sở GTVT tỉnh này cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

Đối với xe tuyến cố định, xe buýt chỉ hoạt động tối đa 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhòm nguy cơ và tối đa đến 50% đối với các tỉnh, thành có nhóm nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/ngày).

Đối với xe hợp đồng và xe du lịch chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ và tối đa 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ thấp (tối thiểu nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).

Riêng, đối với vận tải hành khách các tuyến thủy nội địa chỉ hoạt động tối đa 1 chuyến/tuyến/ngày.

Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cũng đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải phải chấp hành nghiêm túc các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (như trang bị nước rửa tay, tất cả người đi trên phương tiện phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt...).

Đồng thời, sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện, không quá 50% sức chứa và không quá 20 người/chuyến. Đặc biệt, hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi.

Huế: Xe khách chỉ được chạy tối đa 50% số chuyến

Ngày 23/3, Sở GTVT Thừa Thiên - Huế đã có văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh: xe tuyến cố định liên tỉnh; xe hợp đồng, xe du lịch có chuyến đi ngoài tỉnh Thừa Thiên - Huế, kể từ 0h ngày 23/4 cho đến khi có thông báo mới.

Theo đó, đối với xe tuyến cố định liên tỉnh, tuyến cố định đi và đến từ các địa phương (trừ đi Hà Nội), thực hiện tối đa 50% số chuyến theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt, tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến. Tuyến cố định đi và đến Hà Nội, chỉ thực hiện tối đa 30% số chuyến theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt, tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến.

Đối với xe hợp đồng, du lịch đi và đến từ các địa phương (trừ đi Hà Nội), các doanh nghiệp, HTX chỉ hoạt động tối đa 50% tổng số phương tiện, tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải. Xe hợp đồng, du lịch đi và đến Hà Nội, các doanh nghiệp, HTX chỉ hoạt động tối đa 30% tổng số phương tiện (cả xe hợp đồng và du lịch), tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải.

Các doanh nghiệp, HTX khẩn trương xây dựng phương án kinh doanh theo các tiêu chí nêu trên, đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, dễ quản lý và thông báo với Sở GTVT số lượng phương tiện và biển số xe hoạt động để Sở kịp thời thông báo đến các lực lượng chức năng của Hà Nội. Sở sẽ có hướng dẫn tiếp theo khi có sự thay đổi về tần suất hoặc hạn chế điểm đến theo ý kiến của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để các đơn vị điều chỉnh cho phù hợp.

Cần Thơ: Bến xe, bến tàu hoạt động trở lại như thế nào sau giãn cách?

Chiều 23/4, Sở GTVT TP Cần Thơ đã ban hành văn bản tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn TP.

img
0h ngày 23/4, hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ được hoạt động tối đa đến 50% theo biểu đồ.

Theo đó, đối với hoạt động vận tải đường bộ, từ 0h ngày 23/4, Sở GTVT TP Cần Thơ cho phép các tuyến xe buýt liên tỉnh, nội tỉnh trên địa bàn được phép hoạt động trở lại; Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định sẽ được hoạt động tối đa đến 50% theo biểu đồ (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến).

Riêng các tuyến từ TP Cần Thơ đi TP.HCM và Hà Nội chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến); vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe du lịch chỉ hoạt động tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải (tối thiểu không nhỏ hơn 01 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).

Riêng các chuyến xe đến TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội chỉ hoạt động tối đa đến 30% tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải (tối thiểu không nhỏ hơn 01 xe/đơn vị kinh doanh vận tải); Hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi được hoạt động bình thường.

Cũng theo Sở GTVT TP Cần Thơ, để đảm bào công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở yêu cầu các đơn vị kinh doanh khi vận chuyển bố trí tối đa không quá 50% số ghế, đồng thời thực hiện khai báo y tế theo quy định đối với các tuyến TP Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và ngược lại. Khi hoạt động trở lại, yêu cầu các phương tiện vận tải phải có pano tuyên truyền phòng, chống dịch, có trang bị dung dịch rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn.

Người điều khiển phương tiện, người phục vụ, hành khách phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến đi, phải được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên xe, phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi, không khạc nhổ bừa bãi, phương tiện phải được khử khuẩn trên bề mặt trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tùy tình hình thực tế.

Về đường thủy, từ 0h ngày 23/4, Sở GTVT tiếp tục dừng hoạt động đối với bến và tàu chở khách du lịch, du thuyền; Các bến và tàu khách chở khách theo tuyến cố định liên tỉnh được phép hoạt động trở lại tối đa 1/chuyến/tuyến/ngày; Các bến khách ngang sông, nội tỉnh, liên tỉnh được phép hoạt động vận chuyển hành khách và không giới hạn đối tượng.

Hải Phòng dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch

UBND thành phố Hải Phòng vừa có văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; trong đó có việc bắt đầu từ ngày mai (24/4) dừng hoạt động các chốt kiểm soát liên ngành.

Theo văn bản ngày 23/4/2020 của UBND thành phố Hải Phòng, từ hôm nay (23/4), mọi người dân trên địa bàn thành phố Hải Phòng được đi lại bình thường nhưng phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc và không tập trung quá 20 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Các hoạt động kinh doanh, thương mại, vui chơi giải trí, như: vũ trường, karaoke, rạp chiếu phim, xông hơi, mát-xa, trò chơi điện tử, casino, thư viện, biểu diễn nghệ thuật, khiêu vũ thể thao, thể dục thể hình trong nhà, bi-a, yoga, tham quan bảo tàng và các khu di tích, các nghi lễ tôn giáo tiếp tục dừng hoạt động đến hết ngày 30/4/2020. Các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ và hoạt động tại nơi đông người, trừ những hoạt động trên, được phép hoạt động trở lại, nhưng phải đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung quá 20 người tại một chỗ và tại cùng một thời điểm; khai báo y tế và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Riêng sân Golf chỉ phục vụ người đang sinh sống và làm việc tại Hải Phòng.

Về hoạt động giao thông vận tải, cho phép hoạt động 30% tần suất đối với các tuyến xe khách từ Hải Phòng đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại; 50% tần suất đối với các tuyến từ Hải Phòng đi các tỉnh, thành khác. Các phương tiện vận tải hành khách khác như taxi, xe bus, xe hợp đồng... được hoạt động trở lại nhưng chỉ được phép chở dưới 50% số ghế và không quá 20 hành khách/chuyến; tuân thủ các biện pháp về phòng chống dịch Covid-19. Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi vẫn tiếp tục thực hiện khai báo, giám sát y tế đối với mọi hành khách.

Các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố Hải Phòng chính thức dừng hoạt động từ ngày mai (24/4). Tuy nhiên, những người đi từ vùng có nguy cơ cao (nhóm 1) và người có biểu hiện nghi nhiễm bệnh Covid-19 khi đến Hải Phòng vẫn tiếp tục phải cách ly y tế theo quy định.

An Giang tiếp tục tạm dừng một số loại hình kinh doanh dịch vụ

Chiều 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Nguyễn Thanh Bình đã có công văn yêu cầu các Sở, ban ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tuyên truyền cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, xem đây là trạng thái bình thường mới trong bối cảnh chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, chuyển sang giai đoạn chống dịch lâu dài hơn.

img
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị người dân chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch lâu dài hơn.

Cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện triệt để việc đeo khẩu trang khi ra ngoài và tham gia các hoạt động cộng đồng, hạn chế tập trung đông người. Đồng thời tiếp tục tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ bao gồm: Rạp chiếu phim, quán bar, chợ đêm, các trò chơi điện tử, Internet, karaoke (kể cả karaoke di động), tụ điểm hát với nhau, cơ sở mát xa, xông hơi thẩm mỹ, làm đẹp; các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội tập trung đông người; các khu, điểm du lịch, di tích, bảo tàng, thư viện trong tỉnh; các lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung quá 20 người.

Riêng loại hình kinh doanh nhà hàng, quán cà phê, các điểm ăn uống, giao người đứng đầu các cơ sở kinh doanh kiểm soát và thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch như bố trí các bàn ăn thông thoáng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người, bố trí đầy đủ các dung dịch vệ sinh bàn tay và thường xuyên vệ sinh nơi kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khuyến khích các loại hình mua bán trực tuyến, bán hàng mang đi, giao hàng tận nơi.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo tổ chức kiểm tra đột xuất các đơn vị kinh doanh ăn uống có dấu hiệu vi phạm để kịp thời nhắc nhở và xử lý nghiêm khi tiếp tục cố tình vi phạm.

Đối với việc cho học sinh trở lại lớp học, ông Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức cho học sinh khối lớp 9, khối lớp 12 đi học trở lại vào ngày 27/4; học sinh các khối lớp còn lại của bậc phổ thông sẽ học vào ngày 4/5. Riêng học sinh mầm non đi học vào ngày 11/5.

Về tình hình xuất nhập cảnh tại biên giới, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, siết chặt đường mòn, lối mở. Tiếp tục duy trì các biện pháp tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh, chưa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu, theo Thông báo số 118/TBVPCP ngày 21/3 của Văn phòng Chính phủ.

Quảng Nam: Vận tải nội tỉnh hoạt động trở lại, tuyến ngoại tỉnh chỉ hoạt động tối đa 50%

Ngày 23/4, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam ban hành thông báo về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, đối với hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh, gồm các loại xe: Tuyến cố định, bus, taxi, hợp đồng, du lịch, điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện và hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa được phép hoạt động trở lại từ ngày hôm nay (23/4) cho tới khi có thông báo mới.

Sở GTVT tỉnh Quảng Nam yêu cầu các loại xe này chỉ được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh, riêng xe taxi được phép hoạt động ngoại tỉnh nếu địa phương nơi đến cho phép.

Đối với hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam quy định cụ thể như sau:

Xe tuyến cố định: Các đơn vị vận tải đăng ký hoạt động tối đa đến 50% theo biểu đồ đang thực hiện để Sở GTVT tỉnh Quảng Nam thỏa thuận với Sở GTVT các địa phương đến; chủ động liên hệ với bến xe nơi đến để nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động vận tải.

Xe hợp đồng, xe du lịch: Các đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện đã được cấp phù hiệu, biển hiệu hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng hoặc du lịch về Sở GTVT tỉnh Quảng Nam nhưng tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị.

Hà Giang phong tỏa thêm một thôn và trạm y tế xã

Ngày 23/4, UBND huyện Đồng Văn cho biết, ngoài thị trấn Đồng Văn, huyện này tiếp tục phong tỏa thêm thôn Tả Kha (thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn) tính từ Cổng công an Phố Bảng đến mốc 393 cửa khẩu Phó Bảng, để phòng chống dịch Covid -19.

Được biết, thôn Tả Kha có diện tích 336,5ha và 503 người dân trong khu vực phong tỏa với 97 hộ.

Bên cạnh đó, UBND huyện Vị Xuyên quyết định tiếp tục cách ly Trạm Y tế xã Thanh Thủy (thuộc thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy) từ ngày 22/4 cho đến khi có thông báo mới.

Số người cách ly trong khu vực Trạm Y tế xã Thanh Thủy gồm 6 cán bộ y tế thuộc Trạm Y tế xã Thanh Thủy, 2 cán bộ công an thuộc Đồn Công an xã Thanh Thủy, 1 cán bộ quân y thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 313 và công dân nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy.

img
Hà Giang tiếp tục phong tỏa thêm thôn Tả Kha (Đồng Văn) và trạm y tế xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Minh Tâm

2 hộ dân với 4 nhân khẩu sát khuôn viên Trạm Y tế xã Thanh Thủy cũng thực hiện cách ly.

Trước đó, ngày 16/4, tỉnh Hà Giang ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với Covid-19 là bệnh nhân số 268 (SN 2004), người dân tộc Mông, thường trú thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn. Tính đến nay, tại Hà Giang chưa ghi nhận thêm ca nhiễm khác, các trường hợp nghi nhiễm đều cho kết quả âm tính.

Nhiều tỉnh, thành "chốt" thời gian cho học sinh, sinh viên đi học trở lại

Bạc Liêu: Ngày 23/4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng thống nhất cho học sinh các khối 9, 10, 11, 12 và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 27/4. Các khối lớp còn lại chờ đến khi có thông báo mới.

Đồng thời, giao Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Sở, ngành, và đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành việc vệ sinh trường, lớp sẵn sàng đón học sinh, sinh viên đi học trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.

Thủ trưởng các đơn vị tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên.

img
Nhiều tình miền Tây thống nhất thời gian cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại.

Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có văn bản về việc cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đi học bình thường trở lại sau thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, học sinh cấp THCS, THPT, sinh viên, học viên các trường Đại học, Cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, trường Chính trị tỉnh đi học lại từ ngày 27/4/2020.

Học sinh cấp Tiểu học và Mầm non, học sinh, học viên tại các cơ sở bồi dưỡng văn hóa, cơ sở tin học – ngoại ngữ ngoài công lập đi học trở lại từ ngày 4/5/2020.

Các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh mở cửa đón khách trong và ngoài tỉnh từ ngày 29/4/2020.

Đồng thời, tiếp tục tạm ngừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ (massage, thẩm mỹ, bar, vũ trưởng, karaoke, bida, rạp chiếu phim, game, internet công cộng) và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động văn hóa, thể thao có tập trung đông người (từ 20 người trở lên).

Ninh Thuận: Sáng 23/4, UBND tỉnh Ninh Thuận có Công văn hỏa tốc số 1450 gửi sở GD&ĐT, UBND các huyện thành phố về việc chấp thuận chủ trương cho học sinh, học viên, sinh viên đi học trở lại kể từ ngày 27/4.

Theo đó, học viên lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) và học sinh các khối lớp 9 và 12 hệ giáo dục phổ thông (GDPT) sẽ đi học trở lại vào ngày 27/4.

Trong khi đó, sinh viên học viên các trường chính trị tỉnh; trường đại học, cao đẳng; trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; học viên các khối lớp còn lại của hệ GDTX; học sinh các khối lớp còn lại cấp THCS, THPT và học viên có độ tuổi tương ứng cấp THCS, THPT tại các Trung tâm ngoại ngữ, tin học sẽ đi học trở lại vào ngày 4/5.

img
Ngày 27/4, học sinh lớp 9 và lớp 12 ở Ninh Thuận bắt đầu trở lại trường học

Riêng trẻ em cấp học mầm non và học sinh cấp tiểu học các trường phổ thông; học viên trong độ tuổi mầm non, tiểu học tại các Trung tâm ngoại ngữ, tin học sẽ đi học trở lại từ ngày 11/5. Các hoạt động dạy thêm, học thêm cũng sẽ được phép hoạt động trở lại kể từ ngày này.

Ông Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận cho biết, để làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 sau khi cho học sinh trở lại trường, Sở đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế, như: thực hiện vệ sinh khử khuẩn 100% trường, lớp học, bếp ăn, nhà vệ sinh, các thiết bị dạy học...

Tất cả học sinh và giáo viên phải đeo khẩu trang trên đường từ nhà đến trường và trở về nhà; học sinh khi vào đến trường bắt buộc phải rửa tại bằng xà phòng hoạch nước sát khuẩn và được đo thân nhiệt trước khi vào lớp.

Hà Nội ngừng cách ly từ 23/4: Các hoạt động kinh tế dần trở lại

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, một số dịch vụ như cửa hàng ăn, uống, xe công nghệ... được hoạt động trở lại từ 0h ngày 23/4.

Chiều 22/4, kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay đã 7 ngày thành phố không phát hiện thêm ca nhiễm mới, các ổ dịch mới cũng đã được khẩn trương khoanh vùng dập dịch, cơ bản các nhóm liên quan đến các ổ dịch, liên quan đến yếu tố người nước ngoài, những người bán hoa tươi đã được tổ chức xét nghiệm tương đối triệt để. Gần 2.000 mẫu test nhanh tại các chợ đầu mối đều âm tính, đây là những thông tin để đánh giá việc lây nhiễm trong cộng đồng.

img
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 22/4
img

Chiều 22/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã khen ngợi Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua và đồng ý với đề xuất xếp Hà Nội vào nhóm có nguy cơ, những địa điểm có những ổ dịch chưa đủ 14 ngày thì khu vực đó thuộc nhóm có nguy cơ cao.

“TP Hà Nội sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể các quy định về phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới vì công tác này còn diễn ra trong thời gian dài. Về cơ bản các quận huyện thực hiện theo Chỉ thị 15”, ông Chung thông tin.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo lãnh đạo huyện Mê Linh, Thường Tín, xã có hai ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh) và Đông Cứu (Dũng Tiến) phải tiếp tục tổ chức cách ly triệt để, chăm lo cho người dân, kiểm soát tốt việc ra vào. Các xã khác trên địa bàn hai huyện phải thực hiện nghiêm theo tinh thần Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng. Tất cả các hoạt động vẫn phải kiểm soát, tất cả các loại cửa hàng vẫn chưa được buôn bán trừ các cửa hàng thiết yếu.

Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, kể từ 0h ngày 23/4, thành phố còn hai huyện là Mê Linh và Thường Tín phải thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị 15 – 16 của Thủ tướng. Hai thôn Hạ Lôi và Đông Cứu vẫn phải thực hiện tổ chức cách ly triệt để nghiêm túc. "Còn lại các nơi khác trên địa bàn thành phố, các hoạt động kinh tế chúng ta sẽ cho dần trở lại", ông Chung nói.

Đi ra đường phải đeo khẩu trang

Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu từ ngày 23/4, bắt buộc mọi người khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay. Các cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, người dân... phải xây dựng thói quen, nếp sống văn hóa, khi có dấu hiệu ốm thì ở nhà, ho sốt đau họng cần liên hệ ngay cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm, cách ly. "Đây là những yêu cầu bắt buộc", ông Chung khẳng định.

Chủ tịch Thành phố cũng chỉ đạo tất cả các hoạt động khi trở lại như trường học, hội nghị phải được đo thân nhiệt. Trong sinh hoạt không tụ tập đông người, ra đường phố phải giữ khoảng cách.

Các loại hình hoạt động như quán bar, nhà hàng, các trò chơi điện tử, tập trung đông người thì vẫn cấm. "Khuyến cáo người dân ra ngoài đường phải đeo khẩu trang, phải tổ chức phạt những người nào ra đường mà không đeo khẩu trang, bởi vì cái này là điều kiện bắt buộc", ông Chung nói.

"Tất cả các lễ hội, hoạt động thể thao, tập trung đông người, sinh hoạt tôn giáo đông người vẫn chưa cho hoạt động, trước mắt phải dừng đến 30/4 chờ thông báo mới", Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo.

Giữ khoảng cách an toàn khi ra đường, tới nơi công cộng

Ông Chung đề nghị mọi người dân tham gia giao thông, dừng đèn xanh đèn đỏ cố gắng giữ khoảng cách và xếp thứ tự. Tránh chen lấn, đứng chen chúc vì có lúc phải chờ đến 90 giây, có nút giao thông vài trăm, hàng nghìn người. CSGT cần có mặt để hướng dẫn, khuyến cáo người dân.

"Với các cửa hàng ăn, khi mở cửa hàng trở lại thì phải xếp bàn ghế giữ khoảng cách. Khuyến cáo các cửa hàng ăn có các tấm chắn mica hoặc bằng kính, giấy bóng để hai người ngồi đối diện không có nguy cơ lây nhiễm nhau", ông Chung hướng dẫn.

Với các trung tâm thương mại, siêu thị cũng cần cố gắng giữ khoảng cách, phải thường xuyên đo thân nhiệt. Khách phải đi ra đi vào theo một chiều.

"Thành phố vẫn cấm không cho các quán nước chè, trà chanh ngồi ở vỉa hè, ngồi vỉa hè ghế thấp", ông Chung nhấn mạnh.

Phương tiện công cộng hoạt động với công suất 20-30%

Thành phố giao Sở Y tế, Sở Du lịch có văn bản thông báo với Bộ GTVT bố trí 4 khách sạn 4 sao để phi công của máy bay chở hàng từ các nước đến cách ly, gồm Daewoo, Pullman, Crown, Pan Pacific. Các phi công đến thì phải xét nghiệm nhanh. Phục vụ ăn uống phải đảm bảo đúng quy trình của Bộ Y tế. Các phi công này không được ra ngoài đi chơi.

Đối với các bếp ăn tập thể của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp ông Chung yêu cầu phải có trách nhiệm với công tác phòng chống dịch, có máy đo thân nhiệt, lịch theo dõi vị trí làm việc, khuyến khích ghi nhật ký. Bắt buộc phải có khẩu trang và rửa tay.

Đối với các phương tiện công cộng như xe bus, Grab, taxi, xe khách, Chủ tịch Thành phố cho biết từ 23/4 đến 30/4, cho phép Tổng công ty Vận tải, các đơn vị làm dịch vụ vận chuyển hoạt động trở lại, với công suất 20 - 30%. Gần đến ngày 30/4, sẽ quyết định tiếp các biện pháp.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền cũng nhấn mạnh, tất cả các lái xe, nhà xe phải đo thân nhiệt, hành khách phải đeo khẩu trang, phải có nước khử khuẩn, giữ khoảng cách, khuyến khích không ngồi hết số ghế.

img
Hà Giang phong tỏa thị trấn Đồng Văn để phòng chống dịch Covid-19.

Hà Giang phong tỏa thị trấn Đồng Văn sau 6 ngày công bố ca bệnh 268

Sáng 22/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) cho biết, chính quyền địa phương vừa quyết định phong tỏa toàn bộ thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) để phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian kết thúc phong tỏa tùy vào diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương. Hiện tại, các cửa ngõ vào thị trấn Đồng Văn đã bố trí các chốt chặn, tuyệt đối không cho người trong thị trấn đi ra và người từ ngoài vào. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, đời sống của người dân vẫn được vận chuyển.

Theo ông Thịnh, do bệnh nhân 268 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn nên chính quyền quyết định phong tỏa toàn bộ thị trấn để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Được biết, thị trấn Đồng Văn có hơn 1.600 hộ với khoảng 7.600 nhân khẩu.

Như Báo Giao thông đưa tin, sáng 16/4, Bộ Y tế công bố thêm 1 bệnh nhân mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm virus corona ở Việt Nam lên 268. Nữ bệnh nhân này trú tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Ngày 8/4, bệnh nhân đến khám Phòng khám đa khoa xã Phố Bảng, sau đó được chuyển tiếp lên Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn với tình trạng khó thở, mỗi lúc một tăng. Tới chiều 15/4, kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Sở Y tế tỉnh Hà Giang cũng đã rà soát được tổng cộng 917 người có liên quan (69 người F1, 325 người F2 và F3 là 523 người); đưa cách ly tập trung 252 người và 665 người cách ly tại nhà. Đặc biệt, trong số này có 15 chiến sĩ Bộ đội Biên phòng là các F2 và F3. Các chiến sĩ này đều đã được cách ly tập trung tại đơn vị.

Địa phương đã tiến hành phong tỏa thôn Pín Tủng (xã Phố Là, huyện Đồng Văn, nơi ở của bệnh nhân 268) cùng Phòng khám đa khoa xã Phố Bảng và Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn ngay sau khi phát hiện ca bệnh.

img
Người đi bộ đeo khẩu trang trên phố Canal, tại New York, Mỹ, ngày 21-4-2020. (Ảnh: AP)

Thông tin liên quan, theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 23/4 theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 2.632.532 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó, số ca tử vong đã lên tới 183.866 trường hợp.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 với 846.294 ca nhiễm (tăng 27.550 ca so với hôm trước) và 47.524 ca tử vong (tăng 2.206 ca).

Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 208.389 ca mắc (tăng 4.211 ca) và 21.717 ca tử vong (tăng 435 ca).

Italy tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 187.327 ca mắc (tăng 3.370 ca) và 25.085 ca tử vong (tăng 437 ca).

Đứng thứ tư là Pháp với 159.877 ca mắc (tăng 1.827 ca) và 21.340 ca tử vong ((tăng 544 ca).

Mặc dù Nga và Anh đứng sau các nước trên về tổng số ca nhiễm và tử vong, song số ca mắc mới trong 24 giờ ở hai nước này khá cao, xếp thứ 2 và 3 thế giới sau Mỹ, lần lượt là 5.236 trường hợp và 4.451 trường hợp, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay ở 2 nước lên lần lượt là 57.999 lên 133.495 người.

Trong khi đó, số ca mắc mới ở Thổ Nhĩ Kỳ là 3.083 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 98.674 người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.