Xã hội

Tin tức Covid-19 ngày 28/7: TP.HCM dừng các chuyến xe đến Đà Nẵng

28/07/2020, 06:22
image

Tin tức Covid-19 ngày 28/7 tại Việt Nam: Không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. TP.HCM dừng tất cả các chuyến vận tải khách đến Đà Nẵng...

img

Hậu Giang tạm dừng đưa đón khách đến Đà Nẵng

Sở GTVT Hậu Giang yêu cầu từ ngày 28/7 đến hết ngày 11/8, dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch đi đến địa bàn TP Đà Nẵng trừ các trường hợp đặc biệt vì lí do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón chuyên gia của doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ phòng chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực thực phẩm.

Đối với hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải hành khách của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi có hành trình đi qua TP Đà Nẵng, Sở GTVT tỉnh Hậu Giang đề nghị không được dừng, đỗ tại Đà Nẵng để đón trả khách.

img
Hành khách trước khi lên xe phải thực hiện khai báo y tế, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay

Riêng các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh,các hoạt động vận tải hành khách của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi không đi qua TP Đà Nẵng thì vẫn hoạt động bình thường.

Cần Thơ: Vận động người dân không tập trung quá 30 người

Tối 28/7, UBND TP Cần Thơ vừa có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị vận động người dân không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện để phòng chống Covid-19.

Cạnh đó, UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu, Giám đốc Sở; Thủ trưởng ban ngành TP, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND quận, huyện; Các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố; Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ có hiệu quả các quan điểm nguyên tắc phương châm tại mục 1 và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại mục 2 của Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, UBND TP còn đề nghị vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, giữ khoản cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.

Tại TP Cần Thơ, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định đi đến địa bàn TP Đà Nẵng. Riêng tuyến Cần Thơ-Quãng Ngãi vẫn hoạt động bình thường.

Trước đó, Sở GTVT TP cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị kinh doanh Bến xe khách, Bến tàu khách, bến khách ngang sông, bến khách du lịch, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, không để lây lan dịch bệnh ra công đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải theo như các văn bản đã hướng dẫn trước đó.

Tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ và hành khách phải luôn đeo khẩu trang. Hành khách trước khi lên xe phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc tại nhà, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, hạn chế giao tiếp, ăn uống trong chuyến đi,…

“Trong quá trình di chuyển, nếu hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thông báo với tiếp viên hoặc nhân viên phục vụ trên phương tiện. Gọi điện thoại cho đường dây nóng Sở Y tế TP Cần Thơ, số điện thoại 1900888670 và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời”, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ khuyến cáo.

Thống kê tình hình Covid-19 ngày 28/7 ở Việt Nam mới nhất

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, sáng 28/7 không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Việt Nam hiện vẫn có 431 ca bệnh. Sức khoẻ bệnh nhân 416, 418 trong tình trạng nặng.

Tổng số ca mắc: 431 ca

- Tính đến 6h ngày 28/7: Việt Nam có tổng cộng 431 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 27/7 đến 6h ngày 28/7: 0 ghi nhận ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.033, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 322

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.458

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.253.

img
TP.HCM đã dừng tất cả các chuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, xe hợp đồng, du lịch đến Đà Nẵng kể từ 0h ngày 28/7.

TP.HCM dừng tất cả các chuyến vận tải khách đến Đà Nẵng

TP.HCM đã dừng tất cả các chuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, xe hợp đồng, du lịch đến Đà Nẵng kể từ 0h ngày 28/7.
Sở GTVT TP.HCM vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19 trong 15 ngày kể từ 0h ngày 28/7.

Cụ thể, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng trong thực hiện các hoạt động vận tải theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Dừng tất cả các chuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, xe hợp đồng, du lịch đến Đà Nẵng, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân , đưa đón công nhân, xe chuyên chở vật liệu sản xuất hàng hóa…

Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của các xe hợp đồng, xe du lịch có hành trình qua thành phố Đà Nẵng không được dừng, đỗ tại TP Đã Nẵng để đón, trả khách.

Các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của các xe hợp đồng, du lịch (không qua thành phố Đà Nẵng) thực hiện bình thường.

Đối với các phương tiện vận chuyển hành khách, Sở GTVT yêu cầu phải trang bị dung dịch rửa tay, sát khuẩn; người điều khiển phương tiện, tiếp viên, hành khách phải luôn đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe… và trên các phương tiện vận tải hành khách.

Hành khách trước khi lên phương tiện phải khai báo y tế điện tử bắt buộc tại nhà, chỉ khai báo y tế giấy khi không thực hiện được khao báo y tế điện tử (không áp dụng với taxi và xe buýt); kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay. Hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi.

Các chủ phương tiện, lái xe phải khử khuẩn các bề mặt phương tiện trước và sau khi kết thúc hành trình chuyến đi, trong quá trình di chuyển cần khử khuẩn thường xuyên tùy tình hình thực tế.

Trong quá trình di chuyển, hành khách có dấu hiệu ho, sốt cần báo ngay cơ quan y tế số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095.

Cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 2 người Trung Quốc đi xe máy từ Đà Nẵng ra Huế

Trưa 28/7, Trung tâm y tế huyện Phú Lộc xác nhận 2 người đàn ông Trung Quốc đi xe máy từ Đà Nẵng ra Huế giữa đêm bị phát hiện, đưa vào cách ly.

Ông Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, sau khi bị lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát y tế phía Nam tỉnh phát hiện đang đi xe máy từ Đà Nẵng ra, khoảng 4h sáng cùng ngày (28/7), 2 người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.

Đáng chú ý, ông Cường cho biết, sau khi đưa vào Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc để cách ly, cả 2 người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc trên đã được lấy mẫu kiểm tra test nhanh theo quy định. Kết quả, cả 2 người đàn ông này đều âm tính.

Trong khi đó, sau khi 2 người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc trên bị lực lượng chức năng phát hiện đi xe máy từ Đà Nẵng ra địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi Đà Nẵng đã “giới nghiêm” giãn cách xã hội 6 quận kể từ 0h ngày 28/7, sáng 28/7, Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã về làm việc với 2 người trên.

img
Chốt kiểm soát y tế số 4 trên QL1 đoạn qua thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi, nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, ngăn ngừa không để lây lan trong cộng đồng, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu thực hiện khai báo y tế trên các ứng dụng Hue-S, Ncovi đối với tất cả những người sinh sống, lao động, học tập, công tác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng đến Đà Nẵng từ ngày 10/7/2020.

Tỉnh yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã và TP Huế tổ chức rà soát, kiểm tra trong cộng đồng dân cư, đồng thời truyền thông, vận động người dân tự giác kịp thời thông báo cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 10/7, hiện đang có mặt trên địa bàn tỉnh.

Tạm ngừng các tuyến vận tải hành khách từ Thừa Thiên - Huế đi Đà Nẵng và ngược lại từ 0h ngày 28/7. Sở GTVT đề xuất một số chuyến/ngày phục vụ yêu cầu bức thiết giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Tăng cường xử phạt, chấm dứt các xe hoạt động vận tải hành khách trái phép tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại.

img
Khu đường biển Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng) thưa vắng ngày đầu cách ly Covid-19.


Đà Nẵng ngày đầu cách ly phòng dịch Covid-19, người dân chấp hành nghiêm

Đà Nẵng đã kích hoạt toàn hệ thống thực hiện cách ly toàn thành phố, người dân sẵn sàng thích ứng với "sống chung" với dịch Covid-19.

Sáng 28/7, những góc phố, còn đường, khu vui tham quan ở Đà Nẵng thường ngày đông đúc, nhộn nhịp, bỗng trở nên im ắng, vắng lặng trong ngày đầu thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Tại các chợ dân sinh, quán ăn, nước giải khát, siêu thị... người dân đã nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Người dân đi lại trên đường phố đều mang khẩu trang, không có hiện tượng tụ tập đông người. Các siêu thị, điện máy, quầy hàng buôn bán các mặt hàng thiết yếu đều trang bị dung dịch sát khuẩn, nhân viên, người bán hàng đều mang khẩu trang.

Các khu vui chơi, giải trí ven biển mới những ngày trước đông đúc, nhộn nhịp, hôm nay đã vắng lặng. Bờ biển, bãi tắm không có một ai, ngoài nhân viên bảo vệ, lao công, nhân viên chăm tỉa cây xanh.

Khu vực ngắm cảnh thành phố từ chân cầu Rồng, đài Cá chép hoá rồng, cây cầu tình yêu... đều im ắng, không bóng người. Dưới bóng cầu, có vài ba shipper đợi chuyển hàng online, lặng lẽ ngồi cách xa nhau.

Đường phố khu vực trung tâm thành phố cũng thưa vắng. Các quầy bán hàng đều dán bảng thông báo "bán hàng mang về". Các quán cà phê 2 bên bờ sông Hàn im ắng, không một khách hàng.

"Ngày thường quán tôi bán buổi sáng khoảng 150 tô bún, phở, nhưng sáng nay, quán chỉ bán được 5-7 tô mang về. Dù bán bán được hay không, nhiều hay ít nhưng chiều nay sẽ đóng cửa, phòng dịch lây lan. Bảo vệ mình, bảo vệ khách hành, bảo vệ cộng đồng, là trách nhiệm mà...", lời chia sẻ của chị Hoa, một người bán bún, phở trước cổng bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, cũng là tâm trạng, suy nghĩ chúng của người dân Đà Nẵng.

img
Ca sĩ Hồng Nhung cùng hai con vào khu cách ly ở Quảng Ninh sáng 28/7.

Mẹ con nữ ca sĩ Hồng Nhung vào khu cách ly tại Quảng Ninh

39 công dân trở về từ Mỹ, trong đó có 3 mẹ con nữ ca sỹ Hồng Nhung đã được đưa vào khu cách ly ở Quảng Ninh sáng 28/7.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Khúc Thành Dư, Phó Chỉ huy huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sáng 28/7, đơn vị đã phối hợp tiếp nhận 39 công dân Việt Nam trở về từ Mỹ và đưa về Trung đoàn 244 (TP Uông Bí) thực hiện cách ly theo quy định.

Đây là số công dân về qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn trên chuyến bay VN-01 hạ cách lúc 00h10 ngày 28/7. Trước khi tiếp nhận, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành phun khử trùng toàn bộ hành lang và các phòng; chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho công dân khi tiếp nhận.

Qua kiểm tra, các công dân đều có sức khỏe ổn định, tinh thần tốt. Chiều 28/7, 39 công dân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lần 1.

Trong số 39 công dân trở về từ Mỹ vào khu cách ly tại Trung đoàn 244 lần này có 3 mẹ con ca sĩ Hồng Nhung.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Trung đoàn 244, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp nhận, tổ chức cách ly cho 1.212 người và đã có gần 1.200 công dân hoàn thành thời gian cách ly, bảo đảm sức khỏe và được trở về nơi cư trú. Hiện tại đơn vị này còn có 171 công dân đang thực hiện cách ly theo quy định.

img
Đà Nẵng nỗ lực truy tìm những người tiếp xúc với 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19

Gia Lai: Hiệu thuốc phải bắt buộc người mua thuốc ho, sốt khai báo y tế

Ngày 28/7, ông Ngô Ngọc Sinh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh vừa chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 đối với người từ TP. Đà Nẵng về tỉnh Gia Lai.

Theo đó, tất cả những người ở Đà Nẵng về Gia Lai đều phải được xét nghiệm, trường hợp cần thiết tiến hành cách ly y tế. Những trường hợp cảm, sốt, ho đều phải đến cơ sở y tế để khám sức khỏe. Đối với những người nước ngoài đến tỉnh trong thời gian gần đây cũng phải được xét nghiệm.

UBND tỉnh Gia Lai huy động hệ thống giám sát, dự phòng, các đội, tổ phản ứng nhanh phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát để phát hiện sớm tất cả những trường hợp có yếu tố dịch tễ và các ca nghi ngờ đi về từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, khẩn trương kiểm tra, xử lý các biện pháp phòng dịch theo quy định.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân khi có người đến mua thuốc sốt, thuốc ho phải bắt buộc người mua khai báo y tế.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, đã có công văn chỉ đạo các bến xe, các đơn vị vận tải hành khách khẩn trương thực hiện biện pháp phòng dịch. "Chúng tôi đã yêu cầu các bến, các nhà xe yêu cầu hành khách thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; các nhà xe thực hiện ghi tên hành khách, địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên hệ và vị trí chỗ ngồi".

Kon Tum: Xe liên tỉnh không dừng đón trả khách ở Đà Nẵng

Tại tỉnh Kon Tum, đối với hoạt động vận tải liên tỉnh, Sở GTVT yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi đi/đến và trong thành phố Đà Nẵng. Trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly; xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ phòng chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Sở GTVT tỉnh Kon Tum yêu cầu việc hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch có hành trình qua thành phố Đà Nẵng thì không được dừng, đỗ tại thành phố Đà Nẵng và các vùng công bố có dịch Covid-19 khác để đón, trả khách.

Các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch (không qua thành phố Đà Nẵng và các vùng công bố có dịch khác) thực hiện bình thường, tuyệt đối không đi vào địa phận thành phố Đà Nẵng và các vùng công bố có dịch.

Tình hình Covid-19 hôm nay 28/7 tại Đà Nẵng

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng vừa thông tin chi tiết về lịch trình đi lại của 11 bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Tối 27/7, ​Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng cung cấp thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý trường hợp 11 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Trường hợp 1: Bệnh nhân tên N.D. (Nam, sinh năm 1957. Địa chỉ: phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Ngày 10/7, bệnh nhân nhập viện tại khoa Tim mạch can thiệp, thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng (cùng phòng với mẹ của bệnh nhân số 416).

Tối ngày 18 và 19/7, bệnh nhân về nhà và trong 2 ngày này có tổ chức ăn nhậu với em ruột và con rể tại nhà ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

​Ngày 20/7, bệnh nhân vào lại khoa Tim mạch can thiệp, thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 23/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt cao và ho. Ngày 25/7, bệnh nhân được làm xét nghiệm dịch hầu họng.

2h sáng 27/7, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân khai vào các ngày cuối tuần đi nhà thờ Ngọc Quang, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Ngoài ra bệnh nhân thường xuyên uống cà phê tại cà phê Loan ở Nguyễn Huy Tự, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng và ăn bún tại quán bà Thịnh tại tổ 81, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Trường hợp 2: Bệnh nhân tên: L.Đ.H. (Nam, sinh năm 1994).

Nghề nghiệp: Bác sỹ tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đà Nẵng.

​Bệnh nhân hiện đang ở nhà với ba và mẹ tại địa chỉ: Đường Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

Buổi sáng vào các ngày 20- 23/7, bệnh nhân ăn sáng tại Limousine Cafe ở địa chỉ: 419 Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Chiều 23/7, bệnh nhân uống cà phê tại Demen Coffee House (89 Nguyễn Trác, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Sau đó có đi dạo tại khu vực bờ sông Hàn thuộc đường Như Nguyệt, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Tối 23/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho khan nhưng không điều trị gì.

​Ngày 24/7, bệnh nhân uống cà phê tại Coffee Highland ở địa chỉ 203 Ông Ích Khiêm, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

Sáng 25/7, bệnh nhân ăn sáng tại quán trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ 40 Đinh Tiên Hoàng, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

​Chiều 25/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng và ngày 26/7, được xét nghiệm máu. Sáng ngày 27/7, bệnh nhân được đưa vào điều trị cách ly tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng.

Trường hợp 3: Bệnh nhân tên: H. (Nữ, sinh năm 1979. Địa chỉ: thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Nghề nghiệp: Điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.

​Bệnh nhân hiện đang ở nhà với ba và mẹ tại địa chỉ: Thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

Buổi sáng vào các ngày 20-25/7, bệnh nhân ăn sáng tại nhà và quán bún trên vỉa hè ở đối diện địa chỉ: 152 Lê Duẩn, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng (chợ đêm Lê Duẩn); ăn trưa và ăn tối tại nhà và tại Bệnh viện Đà Nẵng.

​Ngày 24/7, có tiếp xúc với ca bệnh số 416 trong khoảng thời gian 3 phút.

Ngày 26/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng làm xét nghiệm và cho kết quả (+) với vi rút SARS-CoV-2.

​Sáng ngày 27/7, bệnh nhân được đưa vào khu cách ly tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân không tham gia hoạt động tại phòng mạch tư nào khác.

Trường hợp 4: Bệnh nhân tên: N.T.M.L. (Nữ, sinh năm 1962. Địa chỉ: đường Hà Huy Tập, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).

Nghề nghiệp: Hộ lý tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh nhân hiện đang ở nhà với 2 người con trai tại đường Hà Huy Tập, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

Buổi sáng vào các ngày từ 20- 25/7, bệnh nhân ăn sáng tại các quán trên vỉa hè cạnh cổng Trường tiểu học Lê Quang Sung và tại địa chỉ 265 Hải Phòng, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng; ăn trưa và ăn tối tại nhà và tại bệnh viện Đà Nẵng.

Trong các ngày từ 20-25/7, bệnh nhân có mua thức ăn tại vỉa hè dọc địa chỉ 46 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

​Ngày 22/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho nhưng không điều trị gì.

Ngày 26/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng làm xét nghiệm và cho kết quả (+) với vi rút SARS-CoV-2.

​Sáng ngày 27/7, bệnh nhân được đưa vào khu cách ly tại ngay tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng.

Trường hợp 5: Bệnh nhân tên: N.K. (Nam, sinh năm 1965. Địa chỉ: đường Âu Cơ, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

Hiện tại bệnh nhân đang ở nhà với vợ, con trai, con gái, con dâu và cháu nội tại đường Âu Cơ, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Từ ngày 11- 23/7, bệnh nhân nằm cùng phòng với mẹ của ca bệnh 416 tại Khoa Tim mạch can thiệp - Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng và ra viện ngày 23/7.

Ngày 24/7, bệnh nhân vào lại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng để chạy thận. Chiều ngày 26/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt nhiều nên đến khám tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu và được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng trong ngày.

Sau đó bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng làm xét nghiệm và cho kết quả (+) với vi rút SARS-CoV-2. ​Tối ngày 26/7, bệnh nhân được chuyển đến cách ly tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng.

Trường hợp 6: Bệnh nhân tên B.T. (Nam, sinh năm 1950. Địa chỉ: phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).

​Bệnh nhân khai là chung sống với cùng con trai Bùi Dũng tại phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tiền sử suy thận mạn, tăng huyết áp, suy tim.

Ngày 09/7, bệnh nhân thấy tức ngực, mệt vào nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng. Từ ngày 9/7, đến nay bệnh nhân được điều trị tại Khoa Nội - Tiết Niệu, Bệnh viện Đà Nẵng. Trong thời gian bệnh nhân không được ai đến thăm, chỉ được người nhà chăm sóc là B.D, B.E và B.T.

​Ngày 26/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho thấy (+) với vi rút SARS-CoV-2. Ngày 27/7, bệnh nhân được đưa vào khu vực cách ly tại Khoa Nội - Tiết Niệu, Bệnh viện Đà Nẵng.

Trường hợp 7: Bệnh nhân tên N.T.L. (Nữ, sinh năm 1967, Địa chỉ: Phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

​Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 5, bệnh nhân khai ho đàm trắng đã lâu, ngày 14/7, ho nhiều hơn, khạc nhiều đàm trắng, mệt, ăn uống kém. Ngày 19/7/2020 bệnh nhân thấy mệt nhiều nên người nhà đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tại Khoa Nội Thận - Tiết niệu đến nay.

Trong thời gian nằm viện, chỉ có con trai, con gái vào chăm bệnh (T.N. T.V, T.N.T.V, T.L.T)

​Ngày 26/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho thấy (+) với vi rút SARS-CoV-2. Chiều ngày 27/7, bệnh nhân được đưa vào cách ly tại Khoa Nội Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng.

Trường hợp 8: Bệnh nhân tên N.T.H.T. (Nữ, sinh năm 1996, địa chỉ: xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Nghề nghiệp: Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng.

​Theo lời khai của bệnh nhân: Ngày 23/7, bệnh nhân tiếp xúc với các nhân viên y tế có tiếp xúc gần với ca bệnh 418, không tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh 418.

Tối ngày 23/7, bệnh nhân về nhà ăn tối với gia đình tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sáng ngày 24/7, bệnh nhân lên khoa Hồi sức tích cực làm việc. Trưa ngày 24/7, bệnh nhân có qua nhà đồng nghiệp tại địa chỉ: đường Trần Cao Vân. Chiều ngày 24/7, bệnh nhân đi InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng cùng đoàn Bệnh viện Đà Nẵng.

Tối ngày 24/7, bệnh nhân ăn tối tại nhà hàng Cua Biển - 112 Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Trưa ngày 25/7, bệnh nhân ăn trưa tại Khách sạn Công đoàn - 2 Ông Ích Khiêm, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Chiều ngày 25/7, bệnh nhân về Bệnh viện Đà Nẵng làm việc. Ngày 26/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng làm xét nghiệm và cho kết quả (+) với vi rút SARS-CoV-2, sau đó được cách ly tại Khòa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng cho đến nay.

Trường hợp 9: Bệnh nhân tên P. (Nam, sinh năm 1975, địa chỉ: Thôn Hoà Thọ, xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng).

​Ngày 2/7, bệnh nhân thấy mệt nhiều nên người nhà đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tại khoa Thận - Nội tiết đến nay. Ngày 24/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, sốt và khó thở đến nay. Trong thời gian nằm viện từ ngày 9/7, đến nay chỉ có vợ chăm sóc và không có ai đến thăm.

​Ngày 27/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho thấy (+) với vi rút SARS-CoV-2. Chiều 27/7, bệnh nhân được đưa vào cách ly tại khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. Tối ngày 24/07/2020, bệnh nhân khởi bệnh với triệu chứng ho, sốt, khó thở.

Trường hợp 10: Bệnh nhân tên N.V. (Nữ, sinh năm 1987, Địa chỉ: đường Hoàng Văn Thái, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).

​Theo người nhà khai, bệnh nhân nhập viện từ ngày 23/6. Ngày 26/7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho thấy (+) với vi rút SARS-CoV-2.

​Chiều ngày 27/7, bệnh nhân được đưa vào cách ly tại Khoa Nội Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng.

​Bệnh nhân khó thở, mệt nhiều nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày 23/6/2020 điều trị tại khoa Nội Thận - Tiết niệu đến nay.

​Ngày 9/7, bệnh nhân mổ thẩm phân. Ngày 18/7, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho đến nay. Trong thời gian nằm viện, chỉ có chồng, em gái vào chăm bệnh (chồng: H.Q.B, em gái)

Trường hợp 11: Bệnh nhân tên P. (Nữ, sinh năm 1958, địa chỉ xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng).

​Hiện tại bệnh nhân đang ở nhà với chồng và con trai tại địa chỉ ở xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng.

​Tối ngày 17/7/2020, bệnh nhân khó thở, mệt nhiều nên đến khám và được điều trị tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng.

​Ngày 26/7/2020, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho và được xét nghiệm dịch hầu họng cho kết quả (+) với vi rút SARS-CoV-2.

​Chiều ngày 27/7/2020, bệnh nhân được đưa vào cách ly tại hoa Nội Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng.

​Trong vòng 14 ngày qua bệnh nhân chỉ ở nhà và đến điều trị tại Khoa Nội Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với bệnh viện Đà Nẵng và các đơn vị liên quan triển khai điều tra, xác minh những người tiếp xúc gần với bệnh nhân này.

Phong tỏa 3 bệnh viện liên quan đến các BN nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng

0h ngày 28/7, Công an TP Đà Nẵng bắt đầu chốt chặn các tuyến đường xung quanh Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Đây là động thái quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 của Đà Nẵng theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng chiều cùng ngày.

Các tuyến đường xung quanh 3 bệnh viện nêu trên bị phong tỏa gồm: Đường Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung); đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm); đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng).

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, ngoài việc phong tỏa các đoạn, tuyến đường chính, các con hẻm thông ra những con đường này cũng được rào chắn cẩn thận. Trước cổng các bệnh viện, luôn có lực lượng công an túc trực, bảo đảm ANTT.

Việc phong tỏa 3 bệnh viện và các tuyến đường này được TP. Đà Nẵng thực hiện đồng thời với việc cách ly xã hội 6 quận trên địa bàn theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng ghi nhận 15 ca nhiễm Covid-19. 11 ca nhiễm mới nhất được công bố chiều 27/7 là các bệnh nhân và nhân viên tại Bệnh viện Đà Nẵng.

img
Bộ GTVT yêu cầu dừng toàn bộ chuyến bay đi/đến Đà Nẵng từ 0h ngày 28/7

Dừng toàn bộ chuyến bay đi/đến Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 28/7

Bộ GTVT yêu cầu dừng toàn bộ chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến Đà Nẵng từ 0h ngày mai (28/7).
Trong văn bản vừa ký ban hành, Bộ GTVT yêu cầu giao Tổng cục Đường bộ VN, Cục Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Đường thuỷ nội địa VN phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn những vấn đề phát sinh, bao gồm cả phương án vận chuyển hành khách du lịch còn bị mắc kẹt tại Đà Nẵng sau 0h ngày 28/7.

Với lĩnh vực hàng không, Bộ yêu cầu dừng toàn bộ chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến Đà Nẵng. Ưu tiên tăng chuyến để giải toả hành khách du lịch từ Đà Nẵng đi về các địa phương khác, trước 0 giờ ngày 28/7. Quyết định này được đưa ra sau khi có những tin tức Covid-19 mới nhất tại Đà Nẵng.

Các chuyến bay nội địa chở khách không đi/đến Đà Nẵng thực hiện bình thường. Không hạn chế khai thác với các chuyến bay không vận chuyển hành khách.

Với lĩnh vực đường bộ, dừng hoạt động vận chuyến các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, hoạt động vận tải của xe khách hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt đi/đến và trong Đà Nẵng.

Trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhận, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ chống dịch, nhu yếu phẩm, xe cung cấp thức ăn, hàng hoá...

Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt có hành trình qua Đà Nẵng thì không được dừng đỗ tại Đà Nẵng để đón đón trả, khách.

Với lĩnh vực đường sắt, tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách xuất phát và kết thúc tại ga Đà Nẵng.

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM khai thác bình thường nhưng không được đón, trả khách tại ga Đà Nẵng.

Riêng các tàu khách SE5/SE6, SE9/SE10, SE27/SE28 đã xuất phát tại ga Hà Nội, ga Sài Gòn trước 0h ngày 28/7 có hành trình qua ga Đà Nẵng được dừng đỗ để trả khách tại ga.

Lĩnh vực đường thuỷ nội địa, Bộ yêu cầu dừng các chuyến tàu chở khách từ bờ ra đảo có điểm đi/đến là Đà Nẵng, trừ trường hợp đặc biệt.

Quyết định này có hiệu lực trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 28/7/2020.

img
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Diễn biến liên quan, Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 192.310 trường hợp mắc COVID-19 và 3.610 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 16,6 triệu người.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 16.609.934 ca, trong đó có 655.493 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 10.209.226 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 66.561 ca và 5.745.215 ca đang điều trị tích cực.

Triều Tiên là quốc gia mới nhất (thứ 214) thông báo có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.424.295 ca bệnh và 150.275 ca tử vong. Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy, trong ngày 27/7, “xứ sở cờ hoa” ghi nhận 52.456 ca mắc COVID-19, giảm nhẹ so với một ngày trước đó.

Sau Mỹ là Brazil với 2.442.375 ca mắc COVID-19 và 87.618 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 1.482.503 ca mắc và 33.448 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm trên 40.000 ca bệnh, trở thành một trong những ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nhà chức trách Ấn Độ đang đẩy nhanh việc tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với người dân tại nước này và đến nay hơn 16 triệu người đã được xét nghiệm.

Tại Pháp, giới chức nước này đã ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại các bãi biển ở khu nghỉ dưỡng Quiberon. Còn tại Romania, chính phủ nước này cũng đang cân nhắc phong tỏa hàng chục khu vực sau khi số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp.

Trong khi Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4 (hơn 5.600 ca), nhiều nước như Bỉ, Ba Lan... lại chứng kiến số ca mắc gia tăng.

Ngày 27/7, giới chức y tế Bỉ cảnh báo nước này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng ở mức "đáng lo ngại", với số ca mắc trong tuần vừa qua tăng hơn 70% so với tuần trước đó. Tính đến ngày 27/7, Bỉ xác nhận 66.026 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.821 ca tử vong.

Trong khi đó, tình hình dịch ở Ba Lan cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu, đặc biệt tại vùng mỏ Silesia ở miền Nam. Ngày 25/7, Ba Lan ghi nhận thêm 584 ca mắc COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 43.402 ca, trong đó có 1.700 ca tử vong.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh nước này (KCDC) ngày 27/7 xác nhận thêm 25 ca mắc COVID-19, trong đó có 16 ca "nhập khẩu", nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 14.175 ca. Cuối tuần qua, Hàn Quốc đã phải đóng cửa một tòa nhà chính phủ tại trung tâm thủ đô Seoul, sau khi một viên chức có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang thúc các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu 70% làm việc từ xa và tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh số camắc COVID-19 liên quan đến công sở tăng lên.

img
Ảnh minh hoạ: Reuters

Công ty Mỹ có thể cho ra mắt vaccine chống Covid-19 vào cuối năm 2020.

Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết, công ty này có thể sẽ đưa vaccine chống Covid-19 vào sử dụng cuối năm 2020.

Đây là quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối ở quy mô lớn đầu tiên thuộc chương trình của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các biện pháp chống dịch bệnh Covid-19 với hy vọng việc có được 1 vaccine sẽ giúp chấm dứt đại dịch.

Công ty Moderna đã nhận được 1 tỷ USD đầu tư của chính phủ Mỹ. Đây là một trong những công ty Mỹ nhận được đầu tư từ chính phủ nước này nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine chống Covid-19.

Hiện có khoảng hơn 150 ứng viên vaccine đang trong nhiều giai đoạn phát triển và khoảng hơn 20 loại đang được thử nghiệm trên người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.