Xã hội

Covid-19 ngày 2/9: Hải Dương thêm ca nhiễm mới, chưa rõ nguồn lây

02/09/2020, 19:00

Tin Covid-19 ngày 2/9 tại Việt Nam: CDC Hải Dương đang triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp sau khi xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.

img
Tính đến 6h sáng 2/9, Việt Nam có 1.044 ca nhiễm Covid-19, đã chữa khỏi 735 bệnh nhân, 34 bệnh nhân tử vong.

Tin tức covid-19 mới nhất liên tục được cập nhật trong ngày:

Chiều 2/9, đại diện CDC Hải Dương cho biết đang triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp sau khi Bộ Y tế thông tin về ca nhiễm mới trong cộng đồng ở Hải Dương.

Bệnh nhân 1045 (BN1045) là nam giới, 72 tuổi, có địa chỉ tại xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc, Hải Dương. Ngày 19/8, bệnh nhân khởi phát với sốt, đau đầu, mệt mỏi. Ngày 30/8, bệnh nhân nhập viện, được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

Ngày 1/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Ngày 2/9, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Việc phát hiện bệnh nhân 1045 khiến tỉnh Hải Dương lại phải tiến hành các biện pháp khẩn cấp mới chỉ 1 ngày sau khi công bố tạm thời khống chế dịch.

Cách ly y tế tại cụm dân cư thuộc thôn Khay, xã Thống Nhất (Hải Dương)

Liên quan đến ca bệnh BN1045, UBND tỉnh Hải Dương đã thiết lập vùng cách ly y tế tại cụm dân cư thuộc thôn Khay, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc để phòng, chống dịch COVID-19 Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Quyết định số 2646/QĐ-UBND thiết lập vùng cách ly y tế tại cụm dân cư để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND tỉnh quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với một phần khu dân cư thuộc thôn Khay, xã Thống Nhất, huyện Gia Lộc bắt đầu từ nhà ông Phạm Văn Phó đến lều cá nhà ông Đoàn Văn Tâm (gồm 36 hộ gia đình, 136 nhân khẩu, diện tích 0,4km2).

Thời gian áp dụng: 28 ngày kể từ 0 giờ ngày 3/9/2020. Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Gia Lộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, GTVT, Y tế thiết lập ngay chốt kiểm soát và thực hiện kiểm soát 24/24 giờ toàn bộ Khu dân cư nói trên và thực hiện cách ly y tế theo đúng các qui định hiện hành.

Bệnh nhân 764 qua đời sau 3 lần âm tính SARS-CoV-2

Ngày 2/9, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về việc bệnh nhân 764 tử vong.

Bệnh nhân 764, nam, 67 tuổi, ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử COVID-19, suy thận mạn, chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, tụ máu ngoài màng cứng.

Bệnh nhân được xét nghiệm âm tính 3 lần với SARS-CoV-2 vào ngày 30/8, 31/8, 1/9.

Tối 1/9, sau một thời gian điều trị bệnh nhân tử vong tại Trung tâm y tế Hòa Vang do các biến chứng của bệnh nền nặng.

Bệnh nhân được chẩn đoán khi tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng không phục hồi, viêm phổi trên bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, tụ máu ngoài màng cứng, rối loạn đông máu và suy kiệt nặng.

Từ ngày 1/7 đến 13/7, bệnh nhân nhập viện tại khoa Nội thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng. Sáng 14/7, bệnh nhân xuất viện. Ngày 15/7, bệnh nhân bị ngã nên nhập viện khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó người bệnh được chuyển qua điều trị tại khoa Nội thận - Nội tiết đến ngày 28/7.

Ngày 28/7, bệnh nhân sau khi chạy thận xong thì được chuyển đi cách ly tại khách sạn trên đường Hồ Nghinh, phường Phước Mỹ, quận Sơn trà, TP Đà Nẵng.

Ngày 6/8, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng. Ngày 7/8, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, sau đó bệnh nhân được chuyển đi cách ly, điều trị Bệnh viện dã chiến Hòa Vang trong tình trạng khó thở, suy kiệt nặng.

Ngày thứ 4 không ghi nhận ca nhiễm mới, thêm 3 ca bệnh nặng tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào

Bản tin 6h ngày 2/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19. Như vậy, đã sang ngày thứ 4 Việt Nam không có ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Trong số các trường hợp đang điều trị có 117 bệnh nhân xét nghiệm âm tính

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, hiện có 8 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,1%) trong tổng số BN đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/8 trường hợp (2,0%), và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào tăng lên 3 trường hợp (1,2%). Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 34 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

img
Hiện có 8 trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch, chiếm (3,1%) trong tổng số BN đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 5/8 trường hợp (2,0%), và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào tăng lên 3 trường hợp (1,2%).

Bệnh nhân 416 đã khỏi bệnh nhưng vẫn đang điều trị trong tình trạng đặc biệt do có bệnh nền nặng

Trong công tác điều trị, ngày hôm qua, bệnh nhân số 416- bệnh nhân đầu tiên nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng ngày 25/7, là BN 416 đã có 4 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân này vẫn rất nặng, do có những bệnh nền kèm theo nên đang điều trị trong tình trạng đặc biệt.

Hiện bệnh nhân này vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO và đang được lọc máu liên tục. Thể trạng suy kiệt nặng, cơ lực toàn thân giảm, đồng thời xơ hóa, đông đặc phổi lan tỏa 2 bên.

Hiện bệnh nhân đã mở mắt tự nhiên, tuy nhiên tiếp xúc chậm nên vẫn phải tiếp tục điều trị hồi sức tích cực.

Do tình trạng tổn thương phổi đông đặc, xơ hóa lan tỏa, chức năng hô hấp của phổi giảm nặng, bệnh nhân cần được hỗ trợ ECMO và thở máy thời gian kéo dài nên tăng nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng từ hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. TRước đo tại cuộc hội chẩn quốc gia, các chuyên gia đã đánh giá tình trạng bệnh nhân này nặng hơn cả bệnh nhân 91 - phi công người Anh, nên tiên lượng còn rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Tình trạng bệnh nhân 416 suy kiệt, yếu cơ toàn thân cần phối hợp dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng kết hợp.

Sau khi đội chuyên gia do của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) rút khỏi Đà Nẵng, việc điều trị cho bệnh nhân này được giao lại cho các bác sĩ hồi sức tích cực của Bệnh viện Đà Nẵng. Tuy nhiên, quá trình điều trị bệnh nhân 416 vẫn sẽ thực hiện tham vấn ý kiến chuyên sâu của đội ngũ này do họ từng có kinh nghiệm điều trị thành công cho bệnh nhân 91.

BN793 chạy ECMO, nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, tiên lượng dè dặt

Hiện đã xác định được căn nguyên gây nên tình trạng nhiễm trùng phổi nặng ở BN793, là một loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Theo các bác sĩ, đa số ca bệnh nặng ở nước ta, bao gồm cả các ca liên quan Đà Nẵng hiện nay đều gặp tình trạng này.

BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, BN793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) vẫn đang trong tình trạng rất nặng dù chức năng phổi đã cải thiện một phần và đã giảm sốt.

Trước đó, sáng 24/8, BN793 chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản. Ngày 26/8, bệnh nhân được cho chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) do tình trạng tổn thương phổi tăng.

Phương pháp này được cho là để giảm áp lực lên phổi đang viêm, bởi khi phổi vẫn phải thực hiện chức năng trao đổi khí, tình trạng tổn thương sẽ nặng hơn và thời gian điều trị có thể lâu hơn. Ngoài ra, việc chạy ECMO cũng giúp phổi nghỉ ngơi để điều trị nhiễm trùng tốt hơn.

"Trường hợp này khó tiên lượng trước. Chỉ khi bệnh nhân cai được ECMO, rủi ro của bệnh nhân mới có thể giảm xuống" - chuyên gia Hồi sức tích cực cho hay.

Về tình trạng nhiễm trùng phổi rất nặng của BN793, BS. Phúc thông tin, hiện đã xác định được căn nguyên gây nên tình trạng này là một loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Đây là loại vi khuẩn rất nguy hiểm bởi khi đã kháng thuốc thì khiến việc lựa chọn kháng sinh điều trị trở nên hạn hẹp hơn. Đa số các ca bệnh nặng ở nước ta, bao gồm cả các ca liên quan Đà Nẵng hiện nay đều gặp tình trạng này.

img
BN793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) vẫn đang trong tình trạng rất nặng dù chức năng phổi đã cải thiện một phần và đã giảm sốt.

Trước đó, các bác sĩ mất thời gian dài sử dụng phương pháp nuôi cấy vi khuẩn, nấm để tìm căn nguyên, tuy nhiên không thể xác định được căn nguyên cụ thể gây tình trạng nhiễm trùng ở người bệnh.

* Với 2 trường hợp từng diễn biến nặng còn lại tại miền Bắc đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BS. Phúc thông tin những người này đều có sức khỏe gần như ổn định. Các bệnh nhân đều cắt được oxy, tự thở khí phòng, ăn ngủ tốt.

BN812 (nam, 63 tuổi phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từng thở máy, tổn thương phổi nặng đến 70% hôm nay đã chính thức được công bố khỏi bệnh.

BN867 (nam, 63 tuổi, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương) không còn dấu hiệu bất thường, tuy nhiên vẫn đang có kết quả dương tính nên cần tiếp tục theo dõi thêm.

Dịch COVID-19: Chuyên gia vào Việt Nam ngắn ngày không phải cách ly tập trung 14 ngày

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành công văn số 4674/BYT-MT về việc hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày.

Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh/thành phố tổ chức triển khai các nội dung được quy định tại Hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19; Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian chuyên gia lưu trú tại Việt Nam. Cùng đó, báo cáo kết quả triển khai về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế).

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày được quy định bao gồm: Nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước (gọi tắt là chuyên gia); Khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; Những người tiếp xúc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ trong quá trình nhập cảnh và làm việc tại Việt Nam.

Về mặt nguyên tắc, Bộ Y tế khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương cân nhắc nhu cầu mời chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ vào Việt Nam làm việc ngắn ngày và phải đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.

img
Các chuyên gia, khách nhập cảnh vào Việt Nam dưới 14 ngày không phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, song phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn và không để lây nhiễm ra cộng đồng.

Các chuyên gia, khách nhập cảnh không phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho chuyên gia, khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và những người tiếp xúc, không để lây nhiễm chéo trong quá trình làm việc và không lây nhiễm ra cộng đồng.

Những người tiếp xúc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương.

Nơi lưu trú cho chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải đảm bảo theo các quy định tại Quyết định số 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020 ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19” hoặc Quyết định số 1246/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 20/3/2020 ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tập trung tại khách sạn trong phòng, chống dịch COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả”. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng.

Chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải có bảo hiểm y tế quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức mời chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ cam kết chi trả chi phí điều trị trong trường hợp bị mắc COVID-19. Chuyên gia phải vào trước thời gian làm việc dự kiến 1 ngày để thực hiện các quy định liên quan đến giám sát y tế;

Toàn bộ kinh phí cho việc cách ly, phương tiện đưa đón, xét nghiệm COVID- 19 do đơn vị, tổ chức mời chuyên gia chi trả. Đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì được miễn phí

Sau 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, nếu chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc và kết quả SARS-CoV-2 âm tính thì được làm việc bình thường, không cần cách ly...

img
Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của 98 người dân dự đám tang bệnh nhân 1040

Chiều ngày 1/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết: liên quan đến đám tang của bệnh nhân số 1040 tại thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, kết quả 98 mẫu xét nghiệm của người dân, người thân là F1 đối với bệnh nhân đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.Các trường hợp F1 này tiếp tục được cách ly y tế để tiếp tục theo dõi theo quy định.

Nam bệnh nhân 1040 là trường hợp hy hữu. Bệnh nhân 55 tuổi trước đó nằm điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng với tiền sử hội chứng Guillain barre, đái đường typ 2, suy kiệt, yếu tứ chi, phụ thuộc máy thở. Ngày 13/8, bệnh nhân được chuyển viện sang điều trị tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an tại Đà Nẵng). Một ngày sau, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngày 22 đến 27/8, bệnh nhân có diễn biến nặng, cơ thể suy kiệt.

Ngày 27/8, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong ngày, bệnh nhân tiến triển bệnh rất nặng, theo yêu cầu của người nhà, bệnh viện 199 cho xuất viện. Lúc 22h00, bệnh nhân được đưa về đến nhà tại tổ 4, thôn Thạch Bồ, xã Hòa Phong. Đến 23h55 cùng ngày bệnh nhân qua đời.

Bệnh nhân được người trong gia đình và người dân trong thôn tiến hành khâm liệm, tổ chức đám tang tại nhà. Nhiều người dân sau đó đến viếng, chia buồn cùng gia đình. Tuy nhiên, đến tối ngày 28/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng thông báo kết quả xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau đó, thi thể bệnh nhân được đưa đi hỏa tháng theo quy định.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh tại huyện Hoà Vang, ngày 1/9, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định dỡ bỏ thiết lập vùng cách ly y tế đối với các khu vực thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Hai bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Quảng Trị xuất viện

Chiều 1/9, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Trị đã tổ chức trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly y tế phòng, chống Covid-19 cho ca bệnh số 833 và 861. Hai bệnh nhân này điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi được xuất viện sau khi đủ các điều kiện theo quy định.

BN 833 tên H.A.N. (SN 1991, trú tại khu phố 2, phường Đông Giang, TP.Đông Hà). Nữ bệnh nhân này có lịch trình di chuyển nhiều nơi trước khi được đưa đi cách ly (ngày 7/8). Đến 18h ngày 9/8, bệnh nhân được công bố mắc Covid-19.

Trường hợp BN861 tên H.T.T (SN 1984, trú tại thôn Hà Thanh, xã Gio Châu Gio Linh, Quảng Trị), được công bố mắc Covid-19 vào 18h ngày 11/8. Hai bệnh nhân này đều là nhân viên của Công ty Bảo Châu (số 221 Lê Duẩn, TP Đông Hà).

img
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Trị trao giấy khen cho tập thể Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh

Bên cạnh đó, con gái của BN861 là cháu H.Y.V (SN 2020, là F1) được đưa vào Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi cùng với mẹ có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hoàn thành thời gian cách ly phòng, chống Covid-19 nên được cho ra viện cùng lúc.

Cầm giấy ra viện trên tay, cả 2 bệnh nhân đều tỏ ra vô cùng vui mừng, xúc động và cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện và ngành y tế Quảng Trị đã động viên, điều trị, chăm sóc tận tình. Sau khi xuất viện, các bệnh nhân và cháu V. sẽ tiếp tục thực hiện cách ly 14 ngày tại nơi cư trú dưới sự theo dõi của cơ sở y tế và chính quyền địa phương.

Trong dịp này, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã trao giấy khen cho tập thể Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh vì đã có thành tích trong công tác điều trị thành công các ca bệnh Covid-19 được cách ly tại bệnh viện.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị 7 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong. Ngoài 2 bệnh nhân trên, tỉnh này còn 4 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, cách ly tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi, Trung tâm Y tế Tp. Đông Hà.

Ca tái mắc Covid-19 sau 4 ngày xuất viện, tiếp tục được trị khỏi, về nhà

img
Số lượng ca mắc Covid-19 ở Quảng Nam được chữa khỏi luôn có điều kiện xuất viện cao hơn so với yêu cầu quy định.

Sáng 1/9, ông Mai Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho hay, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Nam vừa tổ chức công bố khỏi bệnh và xuất viện cho 7 bệnh nhân COVID-19. Trong số 7 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện về nhà sáng nay có 1 bệnh nhân tái mắc Covid-19 sau 4 ngày xuất viện hôm 18/8.

Trong số 7 trường hợp này, có 5 trường hợp được chữa khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam gồm: BN931 (66 tuổi, trú phường Minh An, TP Hội An), BN562 (53 tuổi, trú xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn), BN599 (9 tuổi, trú khu phố 5, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), BN626 (38 tuổi, trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), BN462 (53 tuổi, trú phường Minh An, TP Hội An).

2 trường hợp được điều trị khỏi COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam gồm: BN860 (66 tuổi, trú phường Cẩm An, TP Hội An) và BN933 (35 tuổi, trú phường Minh An, TP Hội An).

Tính đến thời điểm này, tại Quảng Nam, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 đã điều trị khỏi bệnh cho tổng cộng 29/92 ca mắc COVID-19. Tại Quảng Nam, 6 ngày qua, chưa ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới ở cộng đồng.

img
Vaccine Covid-19 của Nga do Viện Gamaleya phát triển. Ảnh: AFP.

Chuyên gia y tế: Vaccine Covid-19 của Nga và Trung Quốc có chung nhược điểm

Một số chuyên gia cho biết, vaccine phòng ngừa Covid-19 nổi tiếng được phát triển ở Nga và Trung Quốc có chung một nhược điểm: Chúng dựa trên một loại virus cảm cúm thông thường mà nhiều người hay mắc phải và điều này có khả năng hạn chế hiệu quả của chúng.

Có thể kém hiệu quả ở những người có miễn dịch với Ad5

Vaccine của Công ty dược phẩm Trung Quốc CanSino Biologics, đã được phê chuẩn để sử dụng trong quân đội nước này, là một dạng biến thể của virus adeno loại 5 (Ad5). Hiện công ty đang đàm phán để vaccine mới sớm nhận được sự phê duyệt tại một số quốc gia trước khi hoàn thành các thử nghiệm quy mô lớn, Wall Street Journal tuần trước cho biết.

Một loại vaccine khác do Viện Gamaleya của Nga phát triển, được phê chuẩn ở Nga hồi đầu tháng 8/2020 dù việc thử nghiệm còn hạn chế, cũng dựa trên virus Ad5 và một loại virus adeno loại 2 ít phổ biến hơn.

Anna Durbin, một nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Ad5 khiến tôi lo ngại vì rất nhiều người có khả năng miễn dịch. Tôi không biết chiến lược của họ là gì, nhưng có lẽ hiệu quả sẽ không được tới 70%. Nó có thể đạt được hiệu quả 40%, nhưng nhìn chung có vẫn hơn không, cho đến khi có loại vaccine mới”.

Việc chế tạo vaccine rất cần thiết trong nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 845.000 người trên toàn thế giới. Viện Gamaleya cho biết, phương pháp tiếp cận hai loại virus của họ sẽ giải quyết các vấn đề về miễn dịch Ad5.

Cả hai nhà phát triển vaccine nói trên đều có nhiều năm kinh nghiệm và đã từng điều chế vaccine chống Ebola dựa trên Ad5.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm những loại vaccine được phát triển từ Ad5 để chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng, nhưng không có loại nào được sử dụng rộng rãi.

Họ đã sử dụng virus vô hại làm “vật trung gian” (vector) để chuyển gen của virus cần tiêu diệt, trong trường hợp này là virus SARS-CoV-2, vào tế bào của con người, nhằm thúc đẩy phản ứng miễn dịch chống lại virus thực sự. Tuy nhiên, do nhiều người đã có sẵn kháng thể chống lại Ad5, nên hệ thống miễn dịch của họ có thể tấn công virus trung gian thay vì phản ứng với virus SARS-CoV-2. Điều đó khiến các loại vaccine này kém hiệu quả hơn.

Một số nhà nghiên cứu đã lựa chọn virus adeno khác hoặc các cơ chế khác để điều chế vaccine. Đại học Oxford phối hợp với công ty AstraZeneca chế tạo vaccine Covid-19 dựa trên loại virus adeno có trên loài tinh tinh để tránh vấn đề liên quan đến Ad5. Còn Johnson & Johnson sử dụng Ad26 – một chủng virus tương đối hiếm.

Chuyên gia Zhou Xing, thuộc Đại học McMaster của Canada, từng làm việc với CanSino để phát triển vaccine phòng chống bệnh lao, dựa trên Ad5 vào năm 2011. Hiện, nhóm của ông đang phát triển vaccine Covid-19 dạng hít từ Ad5 và cho rằng vaccine này có thể giải quyết được vấn đề miễn dịch có sẵn ở nhiều người.

Ông Zhou Xing nói: “Vaccine của Đại học Oxford có lợi thế hơn hẳn so với loại vaccine tiêm của CanSino”. Chuyên gia này cũng lo ngại, liều lượng cao của virus trung gian trong vaccine CanSino có thể khiến người dùng bị sốt, làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của vaccine này.

Tiến sĩ Hildegund Ertl, giám đốc Trung tâm vaccine Viện Wistar ở Philadelphia đánh giá: “Tôi nghĩ rằng vaccine của Trung Quốc sẽ tạo được khả năng miễn dịch tốt ở những người không có kháng thể với Ad5, nhưng rất nhiều người đã phát triển kháng thể này”.

Ở Trung Quốc và Mỹ, số người có lượng kháng thể cao do từng tiếp xúc với Ad5 chiếm khoảng 40%, còn ở châu Phi, con số này có thể lên tới 80%, các chuyên gia cho biết.

Theo Tổng thống Trump, Mỹ đang khuyến khích các nhà khoa học trong nước sớm cho ra một loại vaccine trong thời gian rút ngắn kỷ lục.

Gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV

Một số nhà khoa học lo ngại vaccine Covid-19 dựa trên Ad5 có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Trong một cuộc thử nghiệm vaccine phòng chống HIV, dựa trên Ad5, do công ty dược phẩm Merck & Co (MRK.N) thực hiện, những người có khả năng miễn dịch từ trước, trở nên nhạy cảm hơn với HIV gây bệnh AIDS.

Trong một bài báo năm 2015, các nhà nghiên cứu, trong đó có cả Tiến sỹ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ cho biết, tác dụng phụ dường như chỉ xảy ra với vaccine HIV. Nhưng họ lưu ý rằng tỷ lệ nhiễm HIV nên được theo dõi trong suốt và sau quá trình thử nghiệm vaccine được phát triển dựa trên Ad5 ở những nhóm dân số có nguy cơ.

Ông Larry Corey, nhà nghiên cứu dẫn đầu thử nghiệm của Merck & Co cho biết: “Tôi lo lắng về việc sử dụng vaccine Covid-19 được phát triển dựa trên Ad5 tại bất kỳ quốc gia nào hoặc bất cứ nhóm dân số nào có nguy cơ lây nhiễm HIV”.

Vaccine của Viện Gamaleya sẽ được tiêm chủng làm 2 liều: Liều thứ nhất dựa trên Ad26, tương tự như của Johnson & Johnson và liều thứ hai dựa trên Ad5. Tiến sĩ Hildegund Ertl cho biết, vaccine này có thể phát huy hiệu quả ở những người đã phơi nhiễm một trong hai loại virus adeno.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về vaccine của Nga sau khi chính phủ công bố ý định cung cấp vaccine này cho các nhóm nguy cơ cao vào tháng 10 tới mà không có dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm quy mô lớn.

Ông Dan Barouch, nhà nghiên cứu vaccine của Trường Đại học Harvard, tham gia hỗ trợ phát triển vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson nhấn mạnh:“Chứng minh tính an toàn và hiệu quả của vaccine là điều rất quan trọng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.